Có người học trò đến hỏi vị thiền sư:
- 'Xin sư phụ chỉ dạy Phật pháp cho con, có cách nào mà thầy thu gọn Phật pháp trong một câu nói hay không?'
Vị thiền sư nghe vậy lấy một cây que vạch một đường dưới đất rồi hỏi người học trò :
- "Đường vạch này là dài hay ngắn?"
Người học trò trả lời :
- "Thưa thầy con hiểu rồi".
***
Thế thì "Hiểu ở đây là hiểu cái gì?". Tại sao Phật pháp lại có thể gói gọn trong một đường vạch?
Thật ra, muốn trả lời câu hỏi của vị thầy, điều đầu tiên người học trò cần làm là phải "so sánh", thì mới biết là dài hay ngắn. Dài là so với cái gì? Ngắn là đối với cái chi? Chỉ có thế thôi.
Cho nên Phật pháp là gì? Là dạy cho ta không còn so sánh phân biệt giữa đây và đó, giữa ta và người, giữa yêu và ghét, đẹp và xấu, được và mất, v.v...
Toàn bộ Phật pháp chỉ nằm trong một câu trả lời. Bởi vì nếu còn có so sánh phân biệt, còn có ta và người, thì sẽ còn có "của ta" và "của người", sẽ còn xung đột, còn thắng và thua, còn hận và thù.
Một khi còn có so sánh phân biệt, thì sẽ còn có thương và ghét, còn có vui và khổ, có thiện và bất thiện.
Ngày nào còn so sánh phân biệt thì ngày đó ta còn khổ. Ngày nào còn so sánh phân biệt thì ta còn luân hồi sanh tử.
Vì sao ta so sánh phân biệt?
Hòa thương Thích Thông Triệt đã chụp hình não bộ bằng máy f-MRI và đã chứng minh được vùng tiền trán bán cầu não phải là vùng Ý thức. Chức năng của Ý thức là so sánh, phân biệt, từ đó tạo ra các loại tâm như đố kỵ, ganh ghét, lo âu, sợ hãi, hận thù v.v... mà chủ thể là "cái Ta".
Làm sao để bớt dần tâm so sánh phân biệt?
Cố Hòa thượng Thích Thông Triệt cũng đã chứng minh rằng ở phía sau bán cầu não trái là vùng Tánh giác. Tánh Giác là cái Biết không có sự so sánh phân biệt, vì không có tự ngã.
Hoà thượng gọi Tánh giác là vùng Biết Không Lời, tức là chỉ có sự tự nhận biết mà không có lời nói thầm trong não. Chức năng của Tánh giác là kiến giải tất cả đối tượng của các giác quan mà không có tự ngã can thiệp vào. Bởi thế, khi Tánh Giác có mặt thì vùng tiền trán đóng cửa. Ý thức không còn hoạt động, không còn ta và người, yêu và ghét, khổ và vui, v.v...
Để Tánh giác có mặt thì ta cần phải thực hành thiền và cần hiểu rõ vai trò của Tâm, Pháp, Kỹ Thuật và Não Bộ.
Để đóng cửa vùng tiền trán,, ta cần tu tập pháp “không lời” bằng những chiêu thức như “không nói thầm trong não”, “không định danh đối tượng”. Đối với các giác quan thì ta cần thực tập các kỹ thuật như “nhìn lưng chừng”, "chú ý trống rỗng“. Điều quan trọng nhất là ta cần thực tập trong sinh hoạt hàng ngày, trong hành động đi đứng nằm ngồi, trong đó ta chỉ ghi nhận mọi sự, không suy luận, không phê bình, so sánh, phân biệt. Điều này sẽ sinh ra một “quán tính không lời”, tạo cho tâm một thói quen mới, đó là chỉ Biết mà không có lời nói đi kèm.
Ngày nào còn so sánh phân biệt thì ngày đó ta còn khổ. Ngày nào hết so sánh phân biệt thì ngày đó ta thành Phật.
Như Chiếu
Send comment