SUY NGHĨ ĐỐI NGHỊCH VỚI THIỀN
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "BA SẮC THÁI BIẾT"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Tổ Đạt Ma nói: “Không suy nghĩ về bất cứ việc gì đó là Thiền. Một khi ngươi biết việc này, đi, đứng, nằm, ngồi, mọi việc ngươi làm đều Thiền. Biết như thế là tâm trống không, tức là thấy Phật”.
Thấy có nghĩa đạt được bằng mắt tâm, bằng chứng ngộ. Khi đó bạn hiểu liền tức khắc và trực tiếp. Thiền dạy ta thấy, chứ không dạy ta suy nghĩ. Vì thế, suy nghĩ luôn luôn đối nghịch với Thiền. Thiền là sản phẩm của thấy. Suy nghĩ là sản phẩm của tưởng tượng. Nó không đi thẳng vào cốt tủy của thiền. Suy nghĩ là tự mình nói chuyện với mình. Thấy là sự chứng ngộ bằng vô ngôn. Không đạt được vô ngôn, không đạt được Thiền. Càng suy nghĩ, càng xa rời thiền. Càng suy nghĩ càng không chuyển hóa thân tâm và trí tuệ. Kết quả theo chiều sâu của thiền là tự tại, chứ không vui thích trong nhất thời. Khi vui thích trong nhất thời, bạn tự ru ngủ bạn. Thiền không dạy ta tự ru ngủ, mà phải tiến thẳng vào thực tại. Thực tại đó là cái không tên! Nó là “bản lai diện mục của chính bạn”. Muốn đến nó, phải phá tan đám rối tư duy.
Khi bạn suy nghĩ, bạn không thể thấy gì cả. Cho dù hai mắt của bạn vẫn mở ra trao tráo! Bởi vì sự thấy ở đây là sự nhận rõ ra điều gì bằng nhận thức cô đọng của tánh giác. Thiền gọi là ngộ; cũng gọi là kiến hay thấy. Đó là thấy bằng mắt tâm.
Muốn thấy tánh của chính bạn, bạn phải ngưng suy nghĩ; không tiếp tục quán tưởng nữa. Trong bước một, ta cần quán. Trong bước hai, ta bỏ quán. Bởi vì, khi quán bạn tự nói chuyện với bạn. Bạn tập trung tư tưởng vào đề mục. Tâm của bạn chạy theo đối tượng. Tự ngã bạn đương vận dụng trí năng để hình dung đối tượng. Đây là điều tốt. Tác dụng của nó giúp bạn bớt loạn tâm. Nhưng thế vào đó, tâm của bạn bị dính vào đối tượng. Tâm càng bị kẹt vào đối tượng, ngộ càng xa. Vì đây là tâm có, chứ không phải tâm không. Ngã có, chứ không phải ngã không. Như vậy, thấy đạo không thể đến được. Vì thấy đạo không phải do suy nghĩ. Cho nên, nếu không ngưng suy nghĩ, bạn không làm sao thấy tánh của chính bạn. Đây là một kỹ thuật tuy cũ, nhưng nó là kỹ thuật đưa đến mở trói tâm. Tâm không trụ, không dính, đó là Thiền.
Kẻ nhiều vô minh cho rằng tất cả chúng sanh đều có tánh giác, rồi ngồi chờ cho tánh giác đó hiển lộ, như chờ sung rụng. Chứ không bao giờ khởi sự dụng công. Vì thế, nếu xa rời thực hành, bạn không làm sao thấy đạo, tức là không làm sao thấy được chân lý. Chân lý chỉ có mặt thực sự chỉ khi nào bạn dừng được suy nghĩ. Không dừng được suy nghĩ, tâm của bạn cứ chạy theo cảnh. Nó bị cảnh chuyển. Nó cứ ở trong đối đãi nhị nguyên.
Các triết gia như Socrate, Platon, Aristotle, Hegel, Karl Marx và toàn thể truyền thống Tây phương đều lấy suy nghĩ làm nền tảng để xây dựng học thuyết (doctrine). Đó là sản phẩm của suy luận và tưởng tượng. Trong lúc đó, Phật và các vị Tổ sư Thiền, và truyền thống tư tưởng Đông phương đều lấy thấy làm nền tảng. Vì thế, Phật không phải là một triết gia. Phật là người đã thấy chân lý. Phật không phải là người suy nghĩ về chân lý mà là người đã chứng ngộ chân lý. Triết gia là người suy nghĩ về chân lý, chứ không kinh nghiệm chân lý. Vì thế chân lý của họ chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nào đó, chứ không thể trường cửu. Vì suy nghĩ do sự tưởng tượng tạo ra. Nó là đồ giả tạo. Thấy là do chính thân, tâm và trí tuệ tâm linh của bạn tự chứng nghiệm. Nó mới là chân thực. Cho nên, triết học Đông phương khác hơn Tây phương. Đông phương thấy rồi mới lập hệ thống lý luận. Tây phương chưa thấy, cứ suy nghĩ, cứ tưởng tượng rồi thiết lập mô thức lý luận. Do đó, triết học Tây phương thiếu cơ sở khoa học. Triết học Đông phương thành lập trên cơ sở khoa học. Vì thông qua thấy, tức thông qua ngộ, thông qua giải nghi hay chứng nghiệm mới thiết lập. Nghi là nền tảng của sự khám phá trong khoa học. Thiền cũng thế. Phật đã giải được mối đại nghi của chính mình là làm sao chấm dứt sanh, già, bệnh, chết.
Khi không thấy, người ta mới suy nghĩ. Còn khi đã thấy thì không ai lại suy nghĩ. Khi bạn lâm vào bế tắc trên công việc, bạn cần ngồi để suy nghĩ. Đó là lúc bạn đương mò mẫm (groping), đương ở trong bóng đen của vô minh. Đó là vì bạn chưa thấy. Nếu đã thấy thì bạn không cần phải mò mẫm. Cho nên, khi mò mẫm là vì bạn chưa thấy. Còn khi đã thấy thì bạn không còn mò mẫm nữa. Bạn nhận ra liền tức khắc vấn đề. Vì vậy, suy nghĩ không phải là trí. Nó là hiện thân của vô minh. Nó cứ dò dẫm trong bóng tối.