
Hồi Mẹ còn, tôi vẫn hàng tuần chở Mẹ đến chùa lễ Phật. Dạo ấy dù yêu cảnh chùa thanh tịnh, tôi thường chỉ đứng bên ngoài dưới chân tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cầu xin che chở, chẳng dám vào theo khóa lễ bên trong chùa. Nhiều lần Mẹ khuyến khích “Con phải tập đi chứ, để mai kia còn tụng kinh cho Mẹ”, tôi đã vào chính điện, nhưng khi đọc tụng đến “… tát bà tát đá na ma bà già ma...” tôi chẳng thể nín cười, vội lặng lẽ bỏ ra ngoài sân chùa thơ thẩn chờ Mẹ. Trong nắng ấm, những làn gió nhẹ khua lá xào xạc mang tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng tụng kinh đều đặn đến bên tai, tôi thấy nhẹ nhàng bớt bồn chồn trong khi chờ đợi. Ngồi xuống ghế đá dưới chân tượng, tôi im lặng lắng nghe, đôi lúc dường như đã thiếp đi cho đến lúc Mẹ ra sân bảo về.
Cho tới ngày Mẹ đột ngột theo Phật thì tôi đã bắt đầu làm quen được với các khóa lễ cầu an, cầu siêu trong chùa, đã quen với “… tát bà tát đá…” của Chú Đại Bi và đã được giải thích cặn kẽ rằng mục đích của tụng chú là dùng âm thanh để khẩn cầu Chư Phật cảm thông và mong được Long Thần Hộ Pháp che chở bảo vệ. Kinh mới là lời Phật dậy, vì thế kinh thường mang huyền nghĩa, ẩn ý cao thâm.
Bảy tuần theo khóa lễ hàng tuần tụng Kinh A Di Đà cho Mẹ qua đi thật nhanh chóng, tôi đã quen với cảnh chùa trang nghiêm và những lời kinh tiếng mõ; mỗi sáng chủ nhật không đến chùa, tôi cảm thấy hình như thiếu vắng. Ngày Mẹ mất đã trở thành một đại duyên khiến tôi tìm tới chân Phật, mong Đấng Từ Bi giảng giải cho tôi tại sao buổi trưa khi tôi rời nhà Mẹ còn ra cửa âu yếm nhìn theo, chiều về Mẹ đã nằm đó, bất động, mắt nhắm nghiền và bỏ ra đi vĩnh viễn, mạng sống con người mỏng manh đến vô nghĩa như thế hay sao? Dần dà tôi đã trở thành một Phật tử thuần thành, hàng tuần vào thiền môn theo khóa lễ, và bắt đầu thuộc nằm lòng những lời kinh, bài sám và các câu chú phổ thông được đọc tụng trong chùa. Tôi cũng chăm đi nghe giảng Pháp khi có dịp, và đọc sách tìm hiểu giáo lý cùng huyền nghĩa ẩn trong các kinh Đại thừa.
Trong các khóa lễ cầu siêu hàng tuần, tôi thấy mình cố gắng và hết sức chú tâm, mắt nhìn từng hàng chữ quen thuộc và không còn liếc nhìn người ngồi bên cạnh, tai nghe tiếng mõ đều đặn trầm bổng nhịp nhàng, miệng đọc tụng theo đại chúng, ý để hết vào lời dậy của kinh. Tôi tưởng tượng như hiện ra trước mặt cảnh đất Phật với lâu đài, nhà cửa, đường đi lóng lánh sắc vàng y, cảnh hoa sen trong ao thất bảo rực rỡ khoe sắc thắm trên mặt nước trong veo, tiếng gió nhẹ âm vang tiếng lá rung thành những âm thanh êm đềm thanh tịnh, trong không gian lơ lửng hoa trời bay, văng vẳng tiếng chim huyền diệu líu lo giảng pháp trong nắng ấm. Tôi cảm nghĩ rằng mình đang “nhất tâm bất loạn” và thấy Mẹ tôi quỳ dưới chân Phật và đang mỉm cười âu yếm nhìn tôi. Tôi thấy mình hiểu đạo và rất tự hào với vốn liếng hiểu biết về đạo pháp của mình. Tôi thấy tôi có vẻ luôn sẵn sàng tranh cãi và bảo vệ cái hiểu biết đó, luôn sẵn sàng giảng giải cho những ai có vẻ như muốn nghe, hay có cái hiểu biết mà đối với tôi, dường như sai lầm.
Tinh thần ham nghiên cứu, ham tìm hiểu pháp Phật, và thích nghe các bậc chân tu giảng pháp mang tôi đến với Thiền Tánh Không nhân dịp thầy Thiền Chủ khai giảng khóa Căn Bản đầu tiên ở Toronto, Canada. Lần đầu tiên khi gặp Thầy, tôi liên tưởng ngay đến hình tượng Bố Đại Hòa Thượng với làn da mặt hồng bóng, nụ cười dễ dãi, và giọng tiếng người miền Nam mộc mạc. Nghe Thầy giảng bài nhập môn về ảnh hưởng của Thiền trên thân, tâm và trí tuệ tâm linh, và kế tiếp những dẫn giải bằng các định khu và phản ứng sinh hóa học trong não bộ, tôi thấy rõ đây đúng là pháp mình đang đi tìm kiếm, đáp ứng đúng những nhu cầu thiết thực trong đời sống thường nhật, và nhất là thích hợp với sự hiểu biết cùng kiến thức khoa học của mình.
Theo học Thầy vài khóa, và được nghe giảng nhiều lần về lý thuyết và thực hành Thiền định, tôi có một nhận thức hoàn toàn khác trước về thế nào là “nhất tâm bất loạn”.
Tụng kinh, niệm Phật, tụng chú với tôi bây giờ chỉ là bước đầu trên con đường thực tập thiền định. Mục đích của bước này là dùng lời tụng kinh, niệm chú như tiếng nói để khóa chặt ý ngôn, ngăn chặn không cho phát ra thành những lầm bầm, càm ràm trong ý nghĩ, giúp tâm mình không còn lang thang suy nghĩ từ việc này sang chuyện khác nữa. Ý nghĩa của lời đọc tụng với tôi không còn quan trọng và cần thiết như trước. Tôi chỉ còn đọc để mà đọc, không chăm chú tập trung vào từng hàng chữ, không còn tưởng tượng vẽ ra cảnh lầu vàng, hoa sen khoe sắc thắm trong ao như xưa. Tôi vẫn tới chùa đều đặn hàng tuần, nhưng với mục đích là để làm vài Phật sự theo khả năng mà từ lâu tôi vẫn làm, cho nên khi vào khóa lễ, bây giờ tôi thường chỉ ngồi ở hàng cuối, đằng sau tất cả mọi người, im lặng, thư dãn trong vô ngôn và nghe tiếng đọc tụng và âm thanh chuông mõ mà thôi. Tương tự khi đảnh lễ chư Phật, tôi không còn tưởng tượng là mình đang quỳ dưới chân chư Phật trong mười phương và đang được các đấng Như Lai xoa đầu khích lệ nữa, trái lại tôi đảnh lễ với mục đích cảm ơn Ngài đã khai sáng con đường giải thoát cho chúng sinh, và bằng những động tác từ tốn trong vô ngôn để tánh xúc chạm cảm nhận được cái êm ái ấm áp của tấm thảm dầy trải trên sàn chính điện.
Nhất tâm bất loạn với tôi nay chính là tâm bây giờ và ở đây, trong giây phút hiện tại, trước chính điện của chùa, tôi đang thực tập thấy như thật hình tượng đức Phật và các đức Bồ Tát cùng nhang đèn, hoa quả bầy la liệt trên bệ thờ; thực tập thấy như thật đại chúng đang tụng niệm theo khóa lễ trong chùa; và thực tập nghe như thật tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng đọc tụng, và đôi khi còn lẫn cả tiếng thì thào thăm hỏi nhau của vài ba người trong khóa lễ. Tất cả chỉ còn là những hình ảnh thấy biết không tên gọi trước mắt và những âm thanh nghe biết mà không một lời thì thầm trong não mà thôi.
Tôi biết rằng cứ thực tập thấy như thật và nghe như thật, trong tương lai tôi sẽ có định vững chắc hơn và một ngày nào đó trong tôi, “như thật” sẽ trở thành “như vậy”. Tuy cũng biết ngày đó vẫn còn xa vời lắm, nhưng ngẫm nghĩ lại tôi nhận thấy mình đang đi đúng hướng và nghiệm ra cũng có một vài thay đổi trong tôi.
Rõ ràng nhất là trong tôi bây giờ dường như không còn sự cách biệt trắng đen giữa đúng và sai nữa. Trong cái đúng tôi thấy nếu chỉ sửa chút xíu góc cạnh của cái nhìn là sẽ hóa cái sai và ngược lại, vì vậy tôi không còn hăng say bào chữa cho cái hiểu biết của mình về đạo pháp nữa. Mỗi khi được ai hỏi đến, tôi thường chỉ trả lời rất ngắn gọn về điều hiểu biết của mình. Trong trường hợp người nghe như có ý muốn hiểu sai điều tôi muốn nói, hay vặn lại, tôi chỉ cười dễ dãi và sẵn sàng chấp nhận rằng cái hiểu biết của tôi còn nông cạn. Nhiều khi tôi cũng linh cảm được mục đích câu hỏi của người, thí dụ như để tranh luận đúng sai, để đo lường so sánh về kiến thức kinh điển hay thiền lý, hoặc đơn giản hơn, chỉ để xã giao v.v., khi đó tôi luôn tìm câu trả lời thật nhẹ nhàng để khéo léo từ chối hay lái câu chuyện thành những đề tài ngoài đạo pháp. Những chuyển đổi nhận thức trong tôi về “nhất tâm bất loạn” này có vẻ rất chủ quan, nhưng mọi đạo hữu quanh tôi trên chùa dường như cũng cảm nhận được và vì thế tôi thấy dường như họ đều thương mến và rất hài hòa trong cách đối xử với tôi.
Phúc Ngạn
Đạo tràng Toronto
Vô cùng ngưỡng mộ ... tác giả Phúc Ngạn