KINH BÀHIYA
và NGÔI LÀNG BỎ HOANG
Tuệ Huy Tô Đăng Khoa
Con Đường đi đến Giải Thoát chính là sự tự tu tập, phát triển, và rèn luyện cho bằng được, nhận thức thật rõ ràng rốt ráo về sự thật hiển nhiên này: “không-ta, không-của-ta”.
Ngày nào sự thật “không-ta, không-của-ta” này được phơi bày, bộc lộ, chói sáng, không giấu giếm, như ngôi sao mai buối sớm trên bầu trời đêm gần sáng, thì ngày đó bạn có thể “thõng tay vào chợ” của 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) mà tâm vẫn bất động.
Đây cũng chính là ý nghĩa của câu “hành thâm bát nhã ba-la-mật đa, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.” Trong Bát Nhã Tâm Kinh.
Đã từ rất lâu xa, tích tụ thói quen của vô lượng kiếp, chúng ta luôn dựng ra một “cái-ta-ảo-tưởng” để xử lý các tín hiệu đến từ các giác quan.
Ví dụ như, ta thường nói: “Ta thấy”, “Ta nghe”, "Ta ngửi thấy mùi”, “Ta nếm”, "Ta xúc chạm”, “Ta suy nghĩ”.
Hễ có một tín hiệu nào đến đập vào để “gỏ cửa” bất kỳ các giác quan nào “của Ta”, thì "cái Ta" sẽ có mặt phản hồi.
Câu hỏi đặt ra là: Có thực sự có cái Ta nào trong đó không? và làm sao nhận rõ “tính-không của cái Ta ảo tưởng” này?
Đức Phật thường so sánh sáu giác quan như một ngôi làng bỏ hoang.
Luật phổ quát của vô thường trục xuất tất cả cư dân trong làng. Các đối tượng nhận thức ví như khách vãng lai: đến và đi, chỉ ở lại trong một thời gian vừa đủ để có thể trả lời những “tiếng gõ cửa”!
- "Cốc! Cốc! Có ai trong đó không?"
- "À! Có Ta đây!"
Nhưng mà:
Ai là người thực sự đang có mặt nơi đó, vào lúc đó? Có “cái Ta” nào thật chăng?
Xin hãy lắng nghe & chiêm nghiệm lời Phật dạy trong Kinh Bàhiya:
“Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”
Câu hỏi cực kỳ quan trọng đối với pháp hành trì là:
“CHỈ LÀ” trong Kinh Bàhiya mang ý nghĩa gì?
Có hai mức độ để ứng dụng văn-tư-tu về "chỉ là" trong kinh Bàhiya mà hành giả cần phải tuần tự tu tập từ cấp 1 lên cấp 2 để đi tới giải thoát theo gương của ngài Bàhiya:
1./ “CHỈ LÀ” MANG Ý NGHĨA KHOANH VÙNG và LOẠI BỎ, HIỆN TẠI LẠC TRÚ trong CÁI ĐANG LÀ
- “Chỉ là” mang ý nghĩa “khoanh vùng và loại bỏ” tức là “chỉ là” cái này và “không phải” cái kia
- “Chỉ là” mang ý nghĩa “hiện tại lạc trú” trong “cái đang là” của thấy, nghe, xúc chạm, và nhận thức (kiến văn giác tri)
- “Chỉ là” đơn thuần mang ý nghĩa tập trung vào cái hiện tại.
2./ “CHỈ LÀ” MANG Ý NGHĨA MỘT SỰ CẨN TRỌNG QUAN SÁT VÀ THẨM ĐỊNH GIÁ TRỊ (Với trí tuệ) CỦA PHÁP ĐANG LÀ.
Ví dụ về “Chỉ là” như là một sự thẩm định giá trị với trí tuệ:
- Thấy, Nghe, Xúc Chạm, Nhận Thức “Chỉ là” tiếng vọng của Xúc: chỉ là tiếng vọng của việc gõ cửa
- Sắc Thọ Tưởng Hành Thức “Chỉ là” Cái Ta ảo tưởng
- 6 căn + 6 trần + 6 thức “Chỉ là” toàn bộ thế giới HUYỄN.
Và một sự thẩm định giá trị rốt ráo sau cùng là:
Tất cả Pháp (không có ngoại lệ) “Chỉ là” đến, để rồi đi.
Cấp độ một giúp cho hành giả dễ dàng thiết lập niệm, kinh nghiệm hiện tại lạc trú.
Cấp độ hai là sự từ bỏ hoàn toàn tham ái (với dự phần của trí tuệ) chính là nhân đưa tới giải thoát.
Sau khi cẩn trọng thẩm định tất cả Pháp với trí tuệ như vậy thì chuyện gì xảy ra sau đó?
Ngang đây xin trích nguyên văn Lời Phật:
“Do vậy, này Bàhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật