THIỀN LÀ DỤNG CỤ
TẠO RA SỰ HÀI HÒA CHO CON NGƯỜI
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "HỒI ĐÁP SINH HỌC TRONG THIỀN"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Yếu tố quan trọng trong Thiền là khai triển năng lực Tánh giác. Thực sự, Tánh giác tuy vốn có sẵn trong mỗi chúng ta, nhưng chúng ta không biết làm sao cho nó có mặt thường trực để trở thành năng lực tác động vào các cơ chế khác bên trong não bộ, bên trong hệ thống Viền não, và bên trong hệ thống tuyến Nội tiết.
Nếu thực hành thiền đúng kỹ thuật, ta sử dụng trí năng tỉnh ngộ để tác động thẳng vào một trong bốn tánh thuộc cơ chế Tánh giác, ta sẽ kinh nghiệm được giá trị thực tiễn của năng lực Tánh giác như thế nào mà không cần ngồi chờ xua tan vọng tưởng, cũng không cần buông bỏ nó, hay quán chiếu nó là thế này, thế khác. Chỉ vì khi một trong bốn tánh bị kích thích, Ý thức, Ý căn, và Trí năng không có mặt.
Ngày nay, Y khoa và Tâm lý học Tây phương, cả hai đều xem Thiền là một phương tiện có khả năng chữa trị bệnh tâm thể, bệnh uất cảm, và bệnh tâm thần phân liệt. Thông qua các chủ đề trong Thiền, ta kết hợp với kỹ thuật dụng công để tác động vào các tánh bên trong cơ chế Tánh giác, ta sẽ điều chỉnh được những rối loạn chức năng bên trong hệ thống Viền não, hệ thần kinh tự quản, và các tuyến Nội tiết. Vì thế, như những bộ môn Khoa học khác trên thế gian, Thiền được xếp là bộ môn Khoa học Tâm linh thực nghiệm. Thiền được xem như là phương tiện có khả năng chữa những thứ bệnh tâm thể và bệnh uất cảm kinh niên. Thiền giúp cho cuộc sống con người được hài hòa cùng với môi trường chung quanh. Đó là những sự hài hòa giữa thân và tâm của cá nhân, hài hòa giữa cá nhân này với cá nhân kia, và hài hòa giữa cơ thể của cá nhân với thời tiết trong thiên nhiên. Khi thân và tâm cân bằng, hài hòa sẽ xảy ra. Hạnh phúc và an lạc thực sự nằm trong nguyên lý thực tiễn đó.
Thí dụ:
– Sống trong gia đình, người cư sĩ tạo ra được sự hòa thuận với chồng vợ, con cháu, cha mẹ hay bà con quyến thuộc. Mọi mâu thuẫn, tranh chấp, gây hấn không xảy ra trong nội bộ gia đình. Đặc biệt, trong sinh hoạt Đạo tràng, người cư sĩ dễ dàng thông cảm với bạn thiền. Mọi tị hiềm nhỏ nhen không xảy ra giữa bạn thiền với nhau.
– Sống trong Tăng chúng, người tu sĩ không tạo ra những tị hiềm nhỏ nhen; bất mãn về quyền lợi hay địa vị với những người khác. Không khí hòa hợp, an vui, thanh thản thường xuyên được biểu lộ ra ngoài mọi hành động của thân và lời nói.
– Khi thân và tâm không cân bằng, những bất hòa sẽ xảy ra. Đó là thân đau và tâm thì rối loạn. Cá nhân lại có nhiều xung đột với người khác. Phiền não không làm sao tránh khỏi khi thân và tâm bất hài hòa.
Khác hơn ngày xưa, ngày nay khi học và thực hành thiền, chúng ta cần được trang bị thêm những kiến thức khoa học căn bản về Não bộ, về Hệ thống Viền não, về Thần kinh Tự quản, về tuyến Nội tiết, về kỹ thuật thực hành thiền để chúng ta dễ nhận ra những giá trị căn bản của Thiền đối với đời sống con người, thực sự dựa trên những yếu tố gì.
Hành trang mới này rất thiết thực và cần thiết cho cuộc hành trình tâm linh lâu dài của chúng ta. Bởi vì khi thực hành, chúng ta sẽ là người độc hành độc bộ. Chúng ta đi một mình, thực hành một mình. Bạn không có. Kinh không có. Chúng ta một mình lên võ đài chiến đấu với quần ma vọng tưởng, hay chiến đấu với mình để triệt tiêu những bản chất phàm tục, làm cho Tánh giác hiển lộ vững chắc.
Đây không phải chúng ta ôm vào những mớ lý thuyết không lợi ích cho người mới tu thiền; trái lại, chúng ta cần có số kiến thức mới đó để hỗ trợ cuộc hành trình tâm linh được an toàn hơn. Chúng ta đi mà không sợ lạc, thực hành mà không sợ bị tẩu hỏa nhập ma. Bằng những kỹ thuật thực hành kết hợp với Pháp và những tác dụng sinh học bên trong não bộ, bên trong hệ thần kinh, và bên trong tuyến Nội tiết, cho thấy trọng tâm tác dụng của Thiền là giúp người thực hành có những kinh nghiệm cụ thể trên thân, tâm, và trí tuệ tâm linh của mình như sau:
– Chuyển hóa tâm,
– Điều chỉnh bệnh tật của thân,
– Cân bằng hay hài hòa thân tâm,
– Hài hòa với môi trường chung quanh, và
– Phát huy trí tuệ tâm linh.
Những kinh nghiệm này đều dựa trên nguyên lý Hồi đáp sinh học trong thiền. Muốn đi sâu vào Thiền và muốn thực hành có kết quả, chúng ta cần có thêm kiến thức về Hồi đáp sinh học trong Thiền.
Hòa Thượng Thích Thông Triệt