KÝ SỰ VỀ CÁC LỚP TU HỌC TẠI THIỀN VIỆN
Tháng 10 – 2011
Thiền Viện Tánh Không
Sau khi bế giảng khóa nhập thất chuyên tu 10 ngày tại thành phố Toronto (Canada) vào buổi chiều ngày thứ Tư 5 tháng 10, Thầy Thiền Chủ và tăng đoàn bay trở về Nam Cali.
Sáng ngày thứ Bảy 9 tây, Thầy chính thức khai giảng lớp 2 của khóa Giáo Thọ III. Lần này, lớp 2 của khóa Giáo Thọ III được giảng dạy vào những ngày cuối tuần gồm 4 buổi học vào các ngày 8, 9, 15 và 16. Ngoài ra lớp trung cấp 4 Bát Nhã cũng được dạy vào những ngày thường gồm 9 buổi học vào các ngày 10, 11, 12, 13, 14, 17, 18, 19 và 20.
- Khóa Giáo Thọ III lớp 2
Khóa này được Thầy tổ chức nhằm giúp thêm kiến thức và kinh nghiệm đứng lớp cho các bạn thiền sinh đã phát tâm. Thầy Thiền chủ hướng dẫn vào những ngày từ 8, 9, 15 và 16 tháng 10.
Khóa Giáo thọ III lớp 2 gồm 37 thiền sinh chính thức, đã nhận chứng chỉ hoàn tất lớp 2 vào ngày cuối khóa, 16 tháng 10, đó là các bạn:
1-Tuệ Thông, 2- Tuệ Nguyên, 3- Tuệ Long, 4- Tuệ Chiếu, 5- Tuệ Quán, 6- Tuệ Nhật, 7- Huệ Hải, 8- Tâm Nguyện, 9- Nguyên Như, 10- Sư Cô Phước Chánh, 11- Tuệ Lạc, 12- Tuệ Ngộ, 13- Thân Vĩnh, 14- Huệ Nhã, 15- Huệ Tuyền, 16- Tuệ Thường, 17- Huệ Minh, 18- Tuệ Huy, 19- Huệ Giác, 20- Hồ Đình Quí, 21- Tuệ Tĩnh, 22- Minh Hạnh, 23- Quang Hải, 24- Hoằng Phương, 25- Huệ Như, 26- Ni Cô Thường Như, 27- Viên Quang, 28- Như Hiền, 29-Viên Điễu, 30- Huệ Sơn, 31- Như Thật, 32- Đạo Phong, 33- Tuệ Viên, 34- Quảng Tâm, 35- Tuệ Khôi, 36- Nguyệt Diệu Ngọc, 37- Sư Cô Diệu Nghiêm.
Ngoài ra có một số bạn dự thính lớp: Tuệ Sơn, Chánh Minh Hùng, Diệu Liên, Chơn Tâm Huệ, Diệu Hoa v.v…Riêng Ni Cô Hằng Như đã tham gia khóa Giáo thọ III tại thiền viện năm 2010.
Thầy đã khai triển các chủ đề sau đây:
- Các sắc thái Tâm trong đạo Phật.
- Cấu trúc của Tâm và các chức năng của Tâm.
- Sự liên hệ hai chiều của những cơ chế não bộ qua các sắc thái Tâm trong đạo Phật.
- Kỹ thuật thực hành “Không Nói”.
- Kỹ thuật đứng lớp.
Vì không còn thời gian, nên phần thực tập đứng lớp sẽ dời lại vào cuối tháng 11, Thầy giao trách nhiệm cho Chị Diệu Kiên sẽ phụ trách hướng dẫn thực tập đứng lớp cho ban Giáo thọ III sau này trong những sinh hoạt cuối tuần.
Trong ngày bế giảng, Thầy nhắc lại cho ban điều hành và ban Giáo thọ về Thanh Qui của Hội Thiền Tánh Không.
Bảng Thanh Qui thực ra đã được ban hành từ ngày 8 tháng 11 năm 1998 tại Westminster, Nam Cali. Đến nay, vì có Ban điều hành của vài đạo tràng thỉnh cầu Thầy phổ biến bảng Thanh Qui để Ban điều hành biết rõ đường lối Hội TTK và biện pháp ứng dụng đối với những vi phạm Thanh Qui, cho nên trước khi đi nhập thất trong 1 thời gian, Thầy Thiền chủ ban hành lại Thanh Qui này. Ngoài những điều lệ về mục đích, về vai trò & trách nhiệm của Hội trưởng, về tôn chỉ & chủ trương của Hội TTK, có phần quan trọng nhất đối với thiền sinh là Phần III: Hoạt động và điều hành. Phần này Thầy đã nhấn mạnh và giải thích rõ với mục tiêu giúp đạo tràng càng ngày càng vững mạnh và phát triển hơn. Chúng tôi xin ghi ra đây Điều VI:
“Trong sinh hoạt hàng ngày của Hội TTK, hoặc trong sinh hoạt của các đạo tràng Tánh Không ở các nơi, tất cả thiền sinh cùng áp dụng 6 điều sau đây:
1) Không nói xấu người vắng mặt.
2) Không đưa chính trị và tín ngưỡng tôn giáo vào.
3) Không dán nhãn hay chụp mũ lẫn nhau.
4) Không phân biệt địa phương hay tín ngưỡng.
5) Không thêu dệt hay tự vẽ ra những điều gì gây xúc phạm đến danh dự và uy tín của người khác, hoặc của những cộng đồng tu khác.
6) Không khinh miệt hay thù ghét bất cứ ai. Nên ý thức rằng con người là nạn nhân tập khí hay lậu hoặc của họ. Vì thế, nếu thấy người khác có lỗi lầm, tất cả thiền sinh nên áp dụng tinh thần ngũ hòa để giúp bạn mình sửa chữa trên tinh thần tương thân tương kính và xây dựng lẫn nhau.
Điều VII: Giữ 5 điều hòa hợp:
1- Thân hòa đồng trụ.
2- Khẩu hòa vô tranh
3- Ý hòa đồng duyệt
4- Kiến hòa đồng giải
5- Giới hòa đồng tu.
Chúng tôi không ghi chi tiết phần này.
Sau đây là Điều X: Kỷ luật
Về biện pháp kỷ luật được áp dụng như sau:
1) Nếu sự vi phạm không nghiêm trọng, thiền sinh sẽ được nhắc nhở riêng lần thứ nhất và xin sám hối trước Tam Bảo, để sửa chữa lỗi lầm.
2) Nếu tái phạm lần thứ hai- bất cứ điều nào được qui định trong Thanh Qui- đều bị cảnh cáo trước lớp học, và xin sám hối trước Tam Bảo.
3) Nếu tái phạm lần thứ ba, coi như vị ấy đã hết duyên với Hội.
Buổi học chấm dứt lúc 6:30PM ngày 16- 10- 2011. Tất cả các Giáo thọ đạt đủ điểm gồm trắc nghiệm và khảo hạch đều được cấp bằng tốt nghiệp.
Hình chụp buổi lễ tốt nghiệp lớp Giáo Thọ 3.
- Khóa trung cấp 4 Bát Nhã
Khóa này học liên tiếp trong 9 ngày từ thứ hai 10 đến thứ năm 20 tháng 10 trừ hai ngày cuối tuần 15 và 16, được tổ chức tại Thiền Viện Tánh Không Trung Ương.
Lớp học có tất cả 55 thiền sinh chính thức gồm 23 nam và 32 nữ. Tuổi từ 34 đến 76. Lớp Trung Cấp 4 Bát Nhã kỳ này qui tụ những Thiền sinh từ nhiều nơi; gồm các Đạo Tràng Pháp, Canada và Hoa Kỳ về đây cũng gồm nhiều thành phần: có các Thiền sinh của những khóa trước, có những Thiền sinh ngoại lệ và đặc biệt. Tất cả Thiền sinh đều có tinh thần học tập cao khiến cho sự lãnh hội dễ dàng dù với những chủ đề trừu tượng.
Học trình lớp Trung Cấp 4 Bát Nhã bao gồm 8 chuyên đề:
- Quan Niệm Mới về sự thực hành Thiền.
- Tiến trình Thành Đạo của Đức Phật.
- Tiến trình dụng công pháp “Không Nói.”
- Cơ chế của não bộ và sự liên kết của các Trạm Tiếp Vận.
- Ba sắc thái Biết và Tâm trong Đạo Phật.
- Ngộ Đạo qua các Tánh.
- Trắc Nghiệm và bế giảng.
- Ngoài các chuyên đề còn có phần ôn lại các bài của các lớp trước như: Niệm, Nhận thức và Bản Đồ Nhận Thức. Lý Duyên Khởi, Pháp Duyên Sanh v.v…
Trong suốt 9 buổi học các Thiền sinh đều tham dự đông đủ. Vì mỗi buổi học đều gồm các đề tài mới có sức thu hút và mang nhiều lợi ích thực tiễn cho việc dụng công và giảng dạy. Mỗi buổi sáng, mọi Thiền sinh đều được hướng dẫn tập khí công để giúp cho Thân được khoẻ mạnh. Phần thực hành Thiền gồm 2 thời: sáng và chiều với sự hướng dẫn trực tiếp của các Thầy Cô Giáo Thọ. Tinh thần học tập của tất cả các Thiền sinh rất cao, luôn giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong tinh thần ngũ hòa. Nhiều câu hỏi được các Thiền sinh đặt ra và đã được giải thích tường tận.
Thầy Thiền chủ thật linh động, tùy thời, tùy lúc mà truyền đạt rất mạch lạc dù với những chủ đề trừu tượng . Đôi khi, Thầy phải chậm lại để ôn những bài cũ của các lớp trước nhằm giúp cho các Thiền sinh lĩnh hội được sự tương tục của những pháp thực hành. Phần đúc kết sau mỗi đề tài của Sư Cô Triệt Như thật là hữu ích và thiết thực.
Mặc dù thời gian học tập rất ngắn ngủi nhưng các Thiền sinh đều nắm vững được tầm quan trọng của các định khu trong não bộ và vùng Precuneus là khu giác tri tâm linh và tiềm năng giác ngộ. Nắm vững kỹ thuật thực hành để đạt được Định Chánh Niệm Tỉnh Giác. Biết gợi ý “Không Nói” để đi thẳng đến vùng Hậu Hồi Đai và gợi lên trạng thái “Không Nói” để an trú ở vùng Precuneus.
Buổi học được bế giảng vào lúc 1:30PM ngày 20 tháng 10 năm 2011. Tất cả các Thiền sinh đạt đủ điểm gồm trắc nghiệm, khảo hạch và điện não đồ đều được cấp bằng tốt nghiệp.
- Các Buổi Lễ Đặc Biệt
Trong thời gian tu học, còn có 5 buổi lễ đặc biệt như sau:
1. Buổi cơm chay thân mật và đêm văn nghệ tiễn Thầy nhập thất vào chiều ngày 15 tháng 10. Quan khách cùng với Thiền sinh đã tham dự buổi cơm chay với Thầy và Tăng đoàn từ 5:00PM đến 6:00PM. Sau đó là phần văn nghệ đặc sắc gồm nhạc, kịch và hài kéo dài đến 11:00PM mới kết thúc.
2. Chiều hôm sau 16 tháng 10 là Lễ Truyền Y Giáo Thọ cho Ni Sư Triệt Như. Thầy đã đích thân truyền y và ấn chứng cho Ni Sư Triệt Như được giảng dạy từ lớp Thiền Căn Bản cho đến lớp Trung cấp 3 Bát Nhã.
3. Sau Lễ Truyền Y Giáo Thọ là Lễ Xuất Gia cho Ni Cô Hằng Như và Ni Cô Thường Như. Buổi lễ thật đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Gia đình của các Ni Cô cũng có mặt để yểm trợ và sách tấn cho việc ly gia cắt ái này. Ni Cô Hằng Như trước có pháp danh là An Như, Ni Cô Thường Như trước có pháp danh là Bút Nghiên. Cả hai đều là Thiền sinh giỏi và đã tốt nghiệp hết các lớp Bát Nhã cũng như Giáo Thọ.
4. Chiều hôm 17 tháng 10 là Lễ thọ giới Tỳ kheo của các Sư Cô Hạnh Như và Ý Như. Buổi lễ được tổ chức với sự hiện diện của Tăng đoàn mà thôi. Các Thiền sinh cũng như quan khách đều không được tham dự.
5. Cuối cùng là Lễ Bái Sư cho Ni Cô Phỗ Như vào ngày 18 tháng 10 năm 2011. Cô Phỗ Như đến từ Canada. Cô là người đã theo Đạo Phật nhiều năm và tự gầy dựng Đạo tràng cho nhiều Cư sĩ đến tu học tại Toronto. Do nhân duyên gặp được Thầy Thiền chũ trong thời gian Thầy hoằng pháp ở Canada. Cô nhận ra đây chính là vị Thầy mà Cô hằng mong đợi nên Cô đã đến tận Thiền viện để bái Thầy trước khi Thầy đi nhập thất.
Hình chụp trước buổi văn nghệ tiễn Thầy.
Thiền Viện Tánh Không, ngày 20- 10- 2011
Tuệ Chiếu