TRƯỜNG HỢP CHỨNG NGỘ
CỦA NGÀI KIỀU TRẦN NHƯ
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "TỨ DIỆU ĐẾ"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Độ năm người bạn cũ
Với lòng từ bi và với kinh nghiệm tự nội chứng và giác ngộ của mình, đức Phật nghĩ đến hai vị thầy cũ. Ngài muốn độ hai vị này, nói rõ những điểm then chốt mà Ngài đã chứng ngộ, vì hai vị này là bậc có trí tuệ cao, có tâm an tịnh, và có nhiều kinh nghiệm tu tập. Ngài muốn nói lên đặc tính của pháp Vô Sanh. Nhưng không may, chư Thiên cho Ngài biết vị thầy đầu tiên là Ᾱlara Kālama đã chết trước đó 7 ngày, và vị thầy thứ hai, Uddaka Rāmaputta cũng vừa mới qua đời ngày hôm qua. Lấy làm tiếc vì hai vị thầy không được may mắn tiếp thu Chánh Pháp Giác ngộ và Giải thoát, Phật liền nghĩ đến việc độ năm người bạn đồng tu cũ. Bằng thiên nhãn thông, Ngài nhìn thấy Nhóm Năm Người này đương sống tại khu Vườn Nai ở Isipatana, gần Ba La Nại (Baranasi). Khoảng hai tuần lễ sau đó, Phật đi bộ đến khu Vườn Nai, gặp lại họ. Đoạn đường này dài khoảng 240 km.
Để đánh đổ quan điểm sai lầm về phương thức tu khổ hạnh cực đoan, về cách nhìn sai lầm vào hiện tượng thế gian, vào tự thân con người của chính mình, và vào Con Đường đưa đến giác ngộ và giải thoát tối hậu, Phật giảng Trung Đạo, Bốn Chân Lý Cao Thượng và Vô Ngã Tướng.
Từ nguyên nhân này, pháp Bốn Chân Lý được thiết lập.
Trong lúc chú tâm lắng nghe đức Phật giảng, đến câu “Tri kiến khởi lên nơi ta: 'Bất động là tâm giải thoát của ta”, như trái cây đã đến lúc chín, ngài Kiều Trần Như (Kondañña) liền thấu đạt ngay nguyên lý: “Hễ cái gì có sinh, tất phải có diệt.” Và già như là điều kiện tự nhiên và cuối cùng phải chết.
Trước đây ông chưa bao giờ nắm được rõ ràng định lý này. Ông vẫn còn chấp vào ngũ uẩn này là thật của tự ngã. Đến khi ông ngồi chú tâm lắng nghe đức Phật thuyết pháp, Phật tánh đã khởi dậy từ trong ông. Ông đã nhận ra tất cả pháp hữu vi đều vô thường. Cái gì có sinh tất phải già, chết như là kết quả tự nhiên, cảm nghĩ này khác với điều mà ông đã từng được biết trước kia. Ông thực sự chứng ngộ (sacchikata: realized) tâm ông và như thế Phật tánh đã khởi lên từ trong ông.
Đây là nguyên lý nền tảng của qui luật nhân quả và cũng là nguyên lý cơ bản của phương hướng thoát khỏi vòng luân hồi. Nếu cái gì không sinh thì không diệt. Khát ái là đầu mối của sinh. Chấm dứt trọn vẹn khát ái là giải thoát.
Ngay lúc đó, đức Phật công bố rằng ông đã nhận được pháp nhãn (the eye of Dhamma). Phật buột miệng tán thán ngài Kiều Trần Như. Phật nói: “Kiều Trần Như, ông đã ngộ”. “Kiều Trần Như, ông đã ngộ”. (“aññāsi vata bho Kondañño,” “aññāsi vata bho Kondañño.”). Nhân lý do ngộ này, ngài Kiều Trần Như có biệt danh là A Nhã Kiều Trần Như (P: Aññā-Kondañña).
Pháp nhãn đó thấy gì? Đó là mắt trí tuệ hay “tánh thấy biết rõ ràng”. Tánh thấy này kiến giải ra rằng cái gì có sinh tất phải có già, và chết như là kết quả tất nhiên. “Cái gì có sinh” có nghĩa mọi vật, dù là vật chất hay phi vật chất. Nó chỉ cho tất cả vạn hữu trong vũ trụ. Thí dụ gần nhất như thân này, nó sinh và rồi nó phải đi đến diệt. Cái trẻ nhất trong cơ thể phải chết đi để nhường chỗ lại cho sự trưởng thành. Từ trưởng thành sẽ chết đi để nhường chỗ cho trung niên. Rồi trung niên sẽ chết đi để nhường chỗ cho già nua, cuối cùng là chấm dứt. Cũng vậy, tất cả vật khác cũng đều chung một đặc tính là biến dịch.
Như vậy, cái thấy hay sự lãnh hội của người biết rõ ràng đã nhập tâm A Nhã Kiều Trần Như khi ông ngồi ở đó. Sự nhận biết (awareness) “cái gì sanh” này trở thành ấn tượng sâu sắc trong tâm ông, làm cho ông nhổ tận gốc rễ ý niệm bám chặt vào thân, sự bám chặt này là thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Điều này có nghĩa ông đã không còn xem thân là tự ngã hay “ta, tôi” hoặc “nó” nữa. Ông không còn dính mắc với nó. Ông thấy như thật (yathābhūtam pajānāti: he knows as an absolute truth), biết như thật (yathābhūta jānāti) nó rõ ràng như thế. Ngay lúc đó, tác dụng cái thấy này của ông đã tự động nhổ tận gốc rễ thân kiến, ông đã chứng ngộ (sacchikata: realized) thông qua tuệ.
Hòa Thượng Thích Thông Triệt