TRẦM MẶC NẮNG MƯA
Tôi lẻn vào trang nhà của bà vào mỗi sáng Chủ Nhật như những “con chiên” ở ngoài cổng nhà thờ, lấp ló để không phải xưng tội vì bỏ những ngày lễ trọng, ít ra còn có chút thời gian trong tuần để nhắc mình không quên đạo. Bà giúp cho những kẻ “lười” đến nơi thờ phượng như tôi có cơ hội tư duy về lẽ sống, tạo một sân chơi tư duy với các chủ đề bắt đầu bằng câu “Today’s contemplation”.
Hôm nay, như thường lệ, tôi ghé qua đó. Bức tranh biếm họa trên đầu trang, vẽ một người phụ nữ trung niên đứng trước gương, bèo nhèo, nhếch nhác như vừa ngủ dậy, hai bọng mắt kéo trệ khiến đôi mắt mở không lên trong gương như thầm tự xự “nhìn chán!”. Bên cạnh là một chú chó đang ngước nhìn chủ nhân của nó một cách đầy ngưỡng mộ với dòng chữ nổi lên trên bong bóng suy nghĩ của chú chó, “So beautiful! - If I could give you one thing in life I would give you the ability to see yourself through my eyes. Only then would you realize how special you are to me.”. Xin lỗi, đôi khi tôi không muốn dịch vì không chuyển tải hết ý được, sẽ mất hay. Đại ý là, “Tôi muốn bà thấy được cái đẹp bên trong bà để bà được vui.”
Sự thật là chúng ta bị dán quá nhiều nhãn, cố đặt ra những tiêu chuẩn, tin, rồi khổ sở chạy theo những tiêu chuẩn ấy, để rồi thất vọng và kiệt quệ vì ảo tưởng về sự trường tồn bất biến.
Tôi thấy hình vẽ thật dễ thương, vui và thú vị. Mặc dù không phải là những lời minh triết cao siêu trong kinh điển như những lần trước, nhưng cũng ẩn chứa những lẽ sống thực tế. Con người là một thực thể dễ bị tổn thương nhưng biết cách che đậy bằng cái vỏ ngoài mạnh mẽ, cũng là một chủ đề đáng để tư duy.
Tôi biết bà Khánh An khi tham dự một buổi hội thảo đa tôn giáo, đa sắc tộc mà bà là một diễn giả người Việt duy nhất. Bà du học và tốt nghiệp ngành tâm lý học năm 1971. Đến quốc gia này từ những năm tháng đầu tiên của phong trào du học “đúng nghĩa”, bà tốt nghiệp khoa tâm lý học và mở văn phòng làm việc tại thủ đô Ottawa.
Tôi thích lối “hoằng pháp” của bà vì chẳng cần phải chùa miễu, chi phí chi hết. Bà chọn lối sống có kế hoạch, tích lũy lúc còn trẻ để đạt được tự do tài chánh và sau đó thì tự do làm những việc mà bà muốn làm để đóng góp cho cộng đồng. Chúng tôi đến với bà như đến với một lớp học piano miễn phí. Khi cần trình diễn thì chỉ việc “book” một phòng sảnh của thư viện công cộng để “trình làng” hay từ chuyên môn gọi là “gieo duyên với đại chúng”, tận dụng những phương tiện công cộng miễn phí để làm lợi ích cho cộng đồng. Vài lần trong năm, bà được mời đến thuyết giảng Phật học tại hai trường đại học và trung học chuyên nghiệp trong thành phố. Tôi thấy đã chọn một đời sống phục vụ thì phải nên là như thế, không cần thiết phải có nghi thức và giáo điều chi hết.
Tôi hỏi bà:
- Điều gì khiến cô trở thành một tu sĩ? Đời sống tu sĩ có cho ta nhiều trải nghiệm cuộc đời hơn không? Con quan niệm là chỉ cần có đủ kiến thức để sống tốt là được.
Thế nào là sống tốt? Bà hỏi.
- Sống tốt là sống tự tại trước những cơn đau, phải không ạ?
- Đúng vậy, tâm lý học khác với tâm thần học ở cách chữa trị. Mọi người vẫn gọi cô là bác sĩ tâm lý, thực ra nên gọi là chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần thì đúng hơn. Bác sĩ tâm thần, nói nôm na là dùng thuốc chữa trên cơ thể vật lý của con người (phần cứng), còn chuyên gia tâm lý dùng ngôn ngữ, âm nhạc, hội họa, viết lách...nhiều phương tiện tùy theo khả năng của mỗi người mà nhào nặn mớ kiến thức có được của mình làm thuốc để chữa trị những tổn thương tâm lý (phần mềm). Bác sĩ tâm thần thì có thể làm tốt phần việc của các chuyên gia tâm lý nhưng chuyên gia tâm lý thì không. Mỗi lãnh vực có chuyên môn riêng.
- Cô làm việc trong ngành tâm lý 20 năm, từng tiếp xúc khá nhiều bệnh nhân. Một trong những nguyên tắc của đạo đức nghề nghiệp là không cho phép mình tiếp xúc quá nhiều bệnh nhân trong ngày vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người chữa bệnh. Cô muốn được sống tốt, nghĩa là muốn được tự tại trước những cơn đau, nên cô thử trải nghiệm đời sống tu sĩ.
Suốt 20 năm hành nghề bà không ngừng nghiên cứu chuyên sâu khi tiếp cận nhiều những khổ đau của những bệnh nhân, bà đã tìm đến Phật giáo và nhận ra triết lý sống toàn diện, những nguyên lý chính dẫn đến con đường giải thoát khổ đau. Bà quyết định đóng cửa văn phòng, xuất gia để tìm những kinh nghiệm thực tiễn cho những phương thuốc không cần toa, chữa lành những vết thương tâm lý từ Phật giáo.
Bà đưa ánh nhìn rộng lượng qua tôi,
- Con người có những nỗi đau mà tôn giáo góp phần lành trị.
- Sai lầm lớn trong cuộc đời là sống cho người khác coi và coi người khác mà sống. Bạn là người tốt hay nô lệ của những hình ảnh tử tế? Làm sao có thể khuyên người khác sống nếu như chúng ta chưa có những trải nghiệm đó, phải không.
- Con có nghe qua câu nói của triết gia David Hume ? “Lý trí là và phải là nô lệ cho cảm xúc, cũng không bao giờ giả vờ làm việc gì khác ngoài việc phục tùng và tuân lệnh ông chủ.”. Cho nên vấn đề là làm sao để làm chủ mọi suy nghĩ. Các nhà tâm lý học nói: Nếu một người cười quá nhiều, ngay cả khi những điều thật vớ vẩn, nghĩa là anh ta đang cô đơn tận sâu thẳm bên trong. Nếu một người ngủ quá nhiều, có thể anh ta đang rất buồn. Bổng dưng anh ta nói ít, nói nhanh, anh ta đang phải giữ một bí mật nào đó. Một người không thể khóc, không phải anh ta mạnh mẽ mà anh ta yếu đuối. Anh ta ăn uống một cách bất thường, anh ta đang bị căng thẳng. Bỗng dưng anh ta trở nên tức giận vì những điều ngớ ngẩn hoặc nhỏ nhặt, điều đó có nghĩa là anh ta cần tình thương. Chúng ta cố gắng hiểu mọi người vì chúng ta đang sống trong một thế giới như vậy. Những thứ hào nhoáng bên ngoài luôn được dùng để che đậy những vết thương lòng ung mủ nhức nhối.
- Cái thiện xảo cần có là cách nhào nặn mớ kiến thức đó cho hợp với thời cuộc, hợp tình, hợp cảnh, nhưng mục tiêu gốc vẫn là để chữa lành những vết thương tâm lý.
- Cô đã tìm được nguyên lý chính yếu cho một đời sống tốt, một phương thuốc chữa bệnh cho tất cả những bệnh nhân của cô, trong đó có cô, nên cô nghĩ là cô có thể đóng cửa được rồi, để không giới hạn những bệnh nhân đến với cô mà phải lo lắng về việc trả thù lao.
- Cuộc sống có rất nhiều bài học để chúng ta học gọi là những bài học giác ngộ. Giác ngộ là nhìn ra lẽ sống. Con người bị mất phương hướng vì không nhìn ra lẽ sống.
- Thái độ nhận thức và hành vi của mỗi người đúng hay sai, tốt hay xấu đều ảnh hưởng trực tiếp đến những buồn vui, sướng khổ của cuộc đời họ. Nhận thức đúng và hành vi tốt thì đưa đến hạnh phúc và ngược lại đưa đến phiền não khổ đau, hại mình hại người.
- Nhận thức đúng nghĩa là cái thấy thuần khiết, không bị những thành kiến, định kiến của xã hội áp đặt vào. Từ cái thấy thuần khiết đó, chúng ta sẽ biết làm thế nào để không hại mình hại người.
- Bài thuốc cũng khá đơn giản, nhưng ít ai để ý. Chỉ cần điều chỉnh sự thấy đúng sẽ dẫn đến việc suy tính, nói năng, làm ăn ngay thẳng. Đó là nền tảng cho việc làm chủ suy nghĩ dẫn đến làm chủ cảm xúc. Gọi là Bát Chánh Đạo.
- Làm chủ suy nghĩ đòi hỏi một lối sống nghiêm túc, chân thành, hết lòng, nhiệt tâm. Từ sự nghiêm túc (chánh tinh tấn) đó giúp ta sống trọn vẹn với việc mình đang làm, gọi là chánh niệm. Khi sống trong chánh niệm ta có tâm trong sáng, rõ biết mọi sự việc đang diễn biến. Cách để sống chánh niệm gọi là thiền, là cách nhận biết rõ về thân, về cảm thọ, về cảm xúc, cảm tình và về tư tưởng.
- Khi thấy biết đúng, suy nghĩ đúng, nói năng, hành động đúng thì tự nhiên tâm mình sẽ ổn định. Khi bạn nghiêm túc trọn vẹn thấy rõ mình đang làm gì là thiền. Thiền chỉ đơn giản là ta đang sống tốt, chỉ vậy thôi. Lúc đó tâm không giao động trước mọi trần cảnh là chánh định. Định là một cách thu hồi năng lượng sau một ngày làm việc căng thẳng, cách thư giãn để thu hồi chân khí sau những biến động trong cuộc đời làm tiêu hao năng lượng. Định còn được gọi là chánh thọ hay là chánh khí vì giúp phục hồi chân khí hay năng lượng mà mình đã mất. Kết quả của định là “khi xúc chạm việc đời, tâm không động không sầu, tự tại và vô nhiễm”. Đó là một loại phúc lành.
- Cũng nên hiểu thêm là tâm không động không có nghĩa là thờ ơ, mà tâm không động là tâm rõ biết sáng suốt để giải quyết vấn đề một cách rốt ráo nhất.
- Tu hành là một quá trình điều chỉnh nhận thức và hành vi. Biết quan sát, biết lắng nghe, biết học hỏi thì mới có thể điều chỉnh nhận thức và hành vi cho đúng tốt. Nhờ thấy cái sai mới điều chỉnh thành đúng. Cô vẫn nói với các bệnh nhân của cô, những người mắc chứng trầm cảm là những người may mắn vì họ sớm thấy được cái thấy sai trong nhận thức để điều chỉnh. Cuộc sống có rất nhiều bài học để chúng ta học gọi là bài học giác ngộ. Nghịch cảnh giúp họ phát huy trí tuệ và đạo đức. Đó là “ơn gọi”. Họ rất có thể là một đội ngũ được ơn gọi vì nhờ có trải nghiệm khổ đau nên họ có thể hiểu và giúp đỡ người khác.
Tôi đưa ngón tay chỉnh lại cặp kính như thói quen của một trò ngoan, tập trung cao độ,
- Chỉ có vậy thôi sao? Như vậy cả tạng kinh điển chỉ là sự nhào nặn vốn kiến thức này thôi sao! Vậy chiếc áo thầy tu có ý nghĩa gì đối với cô?
Bà quét ánh mắt tinh anh ngó thẳng tôi, “ý nghĩa là I am free”.
Tôi có chút bối rối nhưng thích thú vì câu trả lời ngắn của bà. Các bạn tôi đã từng bỏ ngoài tai khi nghe tôi suy diễn về tăng đoàn của đức Di Lặc trong tương lai. Tăng đoàn của đức Di Lặc trong tương lai nhất định phải có một hình tướng khác. Họ không phải là những tu sĩ đầu tròn áo vuông nữa, mà là những cư sĩ trong đồng phục blue trắng.
Tôi tiếp,
- Con vẫn nghĩ, chiếc áo thầy tu là để phân biệt một tu sĩ Phật giáo với tu sĩ của các tôn giáo khác và là chiếc áo giới?
Bà kiên nhẫn,
- Chiếc áo thầy tu thật sự không dễ mặc! Tốt nhất là không khoác lên mình một nhãn hiệu nào hết, con chỉ cần sống tử tế và bao dung với nhận thức đúng là được. Nhãn hiệu chỉ làm cho chúng ta hiểu lầm mà thôi.
- “Next?”
Tôi hiểu là bà muốn dừng những ý tưởng dong dài của tôi để nhường chỗ cho những câu hỏi khác, cũng là cách bỏ lửng cho tôi tư duy thêm. Tuy nhiên thế cũng quá đủ. Người ta có thể lăng xăng đi “tìm một con đường, tìm một lối đi”, nhưng khi nhìn rõ được toàn cảnh thì sẽ tự tại. Đơn giản chỉ là để sống tốt. Trầm mặc nắng mưa là một ranh giới mỏng manh giữa đạo và đời. Bỗng tôi nhớ đến những câu kinh khoác chữ và hành trình đi tìm con chữ của những người bạn quý tộc cùng quê:
Tracy Ho
08.08.2022