NHƯ THẬT VÀ NHƯ HUYỄN
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "HUYỄN"
do Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn
1. Từ Như Thật đến Như Huyễn
Để hiểu biết thế gian và tự ngã là như thật, tức thấy như thật, biết như thật, vật thế nào thấy y như thế đó vốn là một trong những chủ đề quan trọng trong văn học Phật giáo Nguyên Thủy và Phát Triển. Lý do là nguyên tắc chuyển nghiệp (the transference of karma) được đặt trên nền tảng thấy như thật, biết như thật. Từ phương hướng này, nếu thực sự kinh nghiệm thấy như thật, biết như thật thường xuyên, tâm dính mắc liền từ lần được tháo gỡ, tâm nhị nguyên cũng không còn dai dẳng trong ta. Tiềm năng giác ngộ ngay đó liền được đánh thức. Nghiệp chướng từ lần được giải trừ. Nhưng biết đúng cái gì là như thật, thấy đúng cái gì là như thật, là thấy và biết như thế nào?
Nội dung cơ bản của tiến trình này là trong đó không có bất cứ một sự mô tả định nghĩa gì về đối tượng. Nó chỉ là trạng thái thấy trực tiếp (direct vision) hay trạng thái nhận biết thẳng đối tượng mà không thông qua sự suy luận của trí năng, trái lại chỉ “nhận ra đối tượng như thế”.
Điều này đòi hỏi ta phải luyện tập để có kinh nghiệm “nhận ra như thế” mà không suy luận. Vì phương pháp này không dựa trên giáo điều luân lý hay dồn nén tình cảm, trái lại chỉ trên công phu thực tập.
Cần lưu ý, điểm then chốt đàng sau của “nhận ra như thế” là tự ngã phải thanh tịnh. Và đàng sau thanh tịnh là “không suy luận”. Thuật ngữ “nắm bắt chân lý” hay “đạt được chân lý”, hay Phật Tánh tự hiển lộ trong Phật giáo và trong Thiền dựa trên cơ sở này.
Trong lãnh vực Bát Nhã của Nguyên Thủy hay Phát Triển, ta thường gặp các thuật ngữ như, như như hay chân như (tathatā: suchness or thusness; bhūtatathatā). Nội dung thuật ngữ này cho ta biết, đây chính là điều “nhận ra như thế”. Vai trò của sự nhận ra này là nội tri giác (inner perception). Nó là chức năng của tánh giác (buddhitā). Nó thuộc về sự nhận ra của mắt huệ (prajñācakshus: wisdom eye). Phật xếp mắt huệ này vào loại mắt của người bước vào dòng thánh hay mắt của bậc thánh. Vì khi người đạt được thấy như thật, tâm của họ trở nên trong sạch và cao thượng.
Mắt huệ không phải thiên nhãn hay nhục nhãn, mà là mắt “nhận ra đối tượng như thế”. Đây là thấy như thật, biết như thật. Do đó, khi đạt được kinh nghiệm “nhận ra như thế”, ta sẽ nắm rõ nội dung thấy như thật, biết như thật là như thế nào. Đồng thời ta cũng kinh nghiệm thấy hiện tượng thế gian là Như Huyễn (illusionlike).
Nói theo luận lý Huyễn: không phải khách quan dính mắc thế gian, mà dính mắc thế gian chính là chủ quan. Nhưng khi đạt được sự lãnh hội hiện tượng thế gian là Như Huyễn, tâm ba thời không còn hiện hữu. Chủ quan và khách quan vắng mặt. Đây là trạng thái của trí huệ Bát Nhã. Nó vượt ra khỏi chủ quan và khách quan. Nó ngoài vòng luận lý. Tất cả danh và sắc, có và không, thật và giả, huyễn và phi huyễn đều không có mặt, vì tất cả ngôn thuyết đều không có khởi lên trong trường hợp này.
Do đó, Như Huyễn Tam Muội được đặt trên cơ sở thấy như thật. Đồng thời giác ngộ và giải thoát cũng đặt trên cơ sở Như Huyễn Tam Muội. Mấu chốt của vấn đề nằm trong không suy luận, tức Huyễn. Đây là từ Như Thật đến Như Huyễn.
2. Từ Như Huyễn đến Như Thật
Niệm về thế gian như thế nào, đó chính là vai trò của tâm. Tâm mê tạo ra niệm thế gian trường tồn, bất diệt, hạnh phúc bền lâu. Tâm giác nhận rõ tất cả hiện tượng thế gian đều như huyễn, như mộng, như hóa (as a transformation). Khi tâm ở trạng thái chủ quan, thấy hiện tượng thế gian là thật. Như vậy, cái gì thuộc về chủ quan đều tạm bợ (transiency) và phù du (evanescence), không thực chất tính. Và cái gì tạm bợ, phù du, không thực chất tính đều là Như Huyễn. Do đó, tính (the nature) của huyễn là tính của thế giới hiện tượng vì trong nó vốn mang bản chất vô thường, trống không, không thực chất, ảo hóa, tạm bợ (transiency), và phù du (evanescence). Nó hiện ra và mất đi như ánh sáng, như ảo giác; không có thực chất trong chính nó. Trong từng sát na, thế gian luôn luôn trở thành, luôn luôn thay đổi, không có gì đứng yên một chỗ, không có gì vững chắc; rất phù du (evanescent) và rất tạm bợ (transient). Khi một người thực sự nắm được nguyên lý này, người đó đã bắt đầu bước vào dòng thánh. Tâm mê bắt đầu trở thành tâm giác. Sự lãnh hội của họ không còn là chủ quan. Tâm của họ không bị rơi vào trạng thái ức chế tâm lý. Họ đã thực sự nhận rõ nguyên lý tâm pháp và sắc pháp vốn vô thường, như mộng, như huyễn, như hóa. Túi nặng chấp trước hay dính mắc của tập khí/lậu hoặc bị đặt sang một bên. Mắt huệ của người ấy đã tự mở. Nếu củng cố vững chắc khái niệm huyễn của hiện tượng thế gian, tâm người đó thoát ra khỏi các thứ điên đảo (Skt: viparyāsa: waywardness: tâm điên đảo, kiến điên đảo, tưởng điên đảo); có cái nhìn như thật hiện tượng thế gian.
Lúc bấy giờ năng lực tánh giác bắt đầu xuất hiện.
Nên biết, tánh giác, khởi thủy (being primordially) là cái Vô Sinh (the Unborn), Không làm ra (Uncreated). Khi các thứ điên đảo không còn xen kẽ khởi lên trong tâm, tánh giác liền có mặt. Đây không phải là trạng thái thức (ý thức) bị chuyển (transferred) để trở thành trí, mà chính là trạng thái ý thức không được tự ngã sử dụng nên tánh giác có mặt. Do đó, khi Vô Sinh trong trạng thái hiện hữu vững chắc, nghiệp chướng được chuyển, nghiệp thức tái sinh cũng được chuyển.
Đây là nguyên tắc từ Như Huyễn đi đến Như Thật, tạo ra sự chuyển nghiệp (the transference of karma).
Hòa thượng Thích Thông Triệt biên soạn