Ý NGHĨA CHÂN NHƯ
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "CHÂN NHƯ"
do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Như hay Chân như nghe lạ tai đối với người mới bước chân vào Thiền hay người đã tu thiền lâu năm mà chưa được dịp gặp từ ngữ đó. Nó có nhiều nghĩa. Ta cần thông suốt tất cả nghĩa của nó để không bị rối khi gặp dụng ngữ chân như trong các bản văn của Thiền hay của Luận và đặc biệt là trong hệ thống kinh Bát Nhã.
Khi chân như có nghĩa như thế, nó là sự thật. Khi nó gợi lên một ý nghĩ về thực thể (entity; hay tự tánh (self-nature) thì nó là thực tướng (true appearance) hiện tượng.
Chân như không phải như nhau (sameness) hay cái một (oneness) của sự vật. Nó là sự tĩnh mịch tuyệt đối (viviktā - absolute solitude). Ta không thể tìm thấy gì trong đó.
Bát Nhã chủ trương chân tướng tất cả hiện tượng thế gian là KHÔNG, nhưng không phải ngoan không (blank emptiness) hay hư vô (nihilism). Bằng Không Định hay Tâm Không, người tu thiền có khả năng kinh nghiệm về cái Không đó. Bằng sự diễn tả ngôn ngữ, rồi thông qua thầm nhận biết, ta cũng có khả năng lãnh hội ý nghĩa Không như thế nào.
Chân tướng của hiện tượng là TÍNH KHÔNG, nhưng để người ta hiểu rõ ý nghĩa tính Không, Bát Nhã thiết lập những từ như: pháp giới (dharmadhātu), chân tính (tattva), pháp bất biến tính (dharmaniya-matā), tự tính (svabhāva) v.v... Nhưng đặc biệt có một danh từ Bát Nhã thường dùng nhất là như thế (tathatā), được dịch là Như hay Chân Như, dùng để chỉ bản thể chân thực hiện tượng.
Về ngữ nguyên, Tathatā được lập thành bởi hai từ: tatha (tĩnh từ), có nghĩa thực, thật, chân (true, real). Tatha + tā = Tathatā (danh từ), có nghĩa tánh chân thực hay chân như tánh của sự vật, trạng thái như thế, như thế, như vậy, trong cách như thế đó (reality, true state of things, true nature; state of being such, suchness, thusness, in that manner). Khi kinh Bát Nhã du nhập vào Trung Quốc, Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Tathatā là “Như”. Về sau Tathatā được nhiều nhà dịch thuật khác dịch là “chân như”.
Chân như có nghĩa thực tại chân thực (True Reality). Không có gì cộng vào trên nó nhưng cũng không có cái gì trừ đi trên nó. Nó chỉ là như vậy. Bản tính của nó là bất biến, bất động và thường hằng an trụ, không có gì thêm hay bớt trong nó. Vì nó không có sức chứa bất luận thứ gì. Nó ngoài tất cả lời. Nó là cái không tên. Nó chỉ có nghĩa như thế là như thế. Do đó, nó được xem là thực tại tuyệt đối (Absolute Reality) của hiện tượng. Tất cả phẩm chất hay thuộc tính (attributes) không thể gắn trên nó. Tuy nhiên, nó có thể định danh, có thể định nghĩa và được phân biệt. Bởi vì chân như cũng chỉ là giả danh. Nhưng nếu không thiết lập khái niệm để định danh nó, ta sẽ không thể nào nắm bắt được ý nghĩa chân như. Ta không nhận ra chân như có mặt ngay trước mặt ta.
Thực ra, Như hay Chân như chỉ là một danh từ trừu tượng. Các nhà thiết lập học thuyết Bát Nhã muốn dùng danh từ NHƯ để mô tả nguyên lý bất biến của hiện tượng thế gian vốn hiện hữu như thế (tathatā). Nguyên lý này được dùng để chỉ chân tính, tức thể tính chân thực (the true nature) của tất cả sự vật, tức vạn pháp là như thế. Thể tính này không hề biến đổi trong bất kỳ thời gian và không gian nào. Lúc nào nó cũng y như vậy. Chỉ vì nó là cái không tên thì làm sao có tăng, có giảm, có thêm, có bớt, có to, có bé !
Do đó, theo Bát Nhã, chân như là cảnh giới phải do ý niệm KHÔNG mới đạt tới. Muốn đạt được ý niệm này phải thông qua cái biết không lời của tánh giác. Chính vì điểm sâu sắc này, các nhà thiết lập Bát Nhã Kiện Toàn (Bát Nhã Ba La Mật), xem nó là phương tiện cao nhất để đạt Trí Huệ Bát Nhã. Họ xem nó là thực tướng của vạn pháp và cũng là chân tánh của vạn pháp. Người nào hội nhập được với chân như, người đó đạt được nhất thiết trí.
Với Bát Nhã, Chân Như là một thứ tên gọi khác được dùng để chỉ cái KHÔNG. Vì khi đạt đến chỗ cùng cực của vô ngôn, Chân Như tức là ‘phi chân như’ (atathatā). Cho nên, Chân như được dùng để chỉ cho sự “trống không - emptiness”, vì dù Phật có ra đời hay không, bản thể hiện tượng vẫn là như thế (as such).
Chân như chỉ cho chân lý thường hằng, từ vô thủy vẫn như thế và bây giờ vẫn như thế. Không có gì biến đổi hay khác đi trong bất cứ thời gian nào.
Chân như là tướng chân thực hay chân tướng bất biến của mọi hiện tượng. Nó là nguyên tắc làm cho hiện tượng giới ở trong trạng thái như như bất động. Chỉ bằng trí huệ Bát nhã mới hình dung được ý nghĩa chân như như thế nào. Vì Chân như là thực sự như thế (such as it actually is). Nó là cái không hư giả (non-falseness) chỉ được nhận thức thông qua tánh giác.
Chân như có nghĩa thực chất thuần tịnh (pure essence). Nó là bản thể nền tảng (the fundamental nature), thể nền cơ bản (the basic substratum) của hiện tượng thế gian. Nó không có hai tướng, không có sự phân biệt, không có sự phân đôi, vì gốc của nó là vô sinh. Do đó, nó không chỗ trụ, không có quá khứ, không hiện tại, không vị lai; không có sắc tướng sai biệt, nhưng vẫn xuất hiện như là những thực tại khác. Ngay đương nói về nó, nó đã có mặt trước mặt ta.
Dưới cái trục vô thường, khổ, vô ngã của hiện tượng trong Phật giáo Nguyên Thủy, bằng phương tiện Chân Như, nó làm lộ ra (revealing) không thực chất tính vạn pháp. Nếu hội nhập được nó, trí huệ sẽ triển khai từ trong ta; tâm cũng giải thoát, tri kiến cũng giải thoát.
Hòa Thượng Thích Thông Triệt