Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 21
Mời các bạn xem lại đoạn kinh về ngài Sāriputta trong Đại kinh Rừng Sừng Bò.
Rồi Tôn giả Mahā Moggallāna nói với Tôn giả Sāriputta:
-- Hiền giả Sāriputta, chúng tôi đã trả lời theo sự giải thích của chúng tôi. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Sāriputta: Này Hiền giả Sāriputta, khả ái thay, khu rừng Gosinga! Đêm rằm sáng trăng, cây Ta-la trổ hoa cùng khắp, hương trời như được tỏa rộng khắp nơi. Này Hiền giả Sāriputta, hạng Tỷ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?"
-- Ở đây, này Hiền giả Moggallāna, Tỷ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỷ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy buổi trưa; an trú quả nào vị ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Hiền giả Moggallāna, ví như một vị vua hay vị đại thần của vua có một tủ áo đựng đầy những áo có nhiều màu sắc khác nhau. Cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi sáng, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi sáng; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi trưa, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi trưa; cặp áo nào nhà vua muốn mặc vào buổi chiều, nhà vua mặc cặp áo ấy vào buổi chiều. Cũng vậy, này Hiền giả Moggallāna, Tỷ-kheo điều phục được tâm, không phải Tỷ-kheo không điều phục được tâm. An trú quả nào Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi sáng, vị ấy an trú quả ấy vào buổi sáng; an trú quả nào Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi trưa, vị ấy an trú quả ấy vào buổi trưa; an trú quả nào vị Tỷ-kheo ấy muốn an trú vào buổi chiều, vị ấy an trú quả ấy vào buổi chiều. Này Hiền giả Moggallāna, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Trong đoạn văn kinh này, ngài Sāriputta chỉ trình bày kết quả cuối cùng của con đường tu là hoàn toàn làm chủ tâm mình. Đức Phật đã từng diễn tả trạng thái đó trong những khi ngài kể lại tiến trình chứng ngộ ba minh: ...”tâm nhu nhuyến, thuần tịnh, không cấu nhiễm, dễ sai khiến, dễ sử dụng...”
Về cuộc đời ngài Sāriputta, chúng ta đã biết khái quát qua các phần giới thiệu tôn giả Anuruddha, tôn giả Anandā, tôn giả Revata, tôn giả Moggallāna...Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu thêm những chi tiết nào chưa được nhắc tới.
Tên Sāriputta là ghép hai từ: Sāri: âm ra là Xá Lợi, là tên bà mẹ, Putta: âm ra là Phất, có nghĩa là con. Vì thế có khi âm ra là Xá Lợi Phất, hay Xá Lợi Tử. Ngài Sāriputta là con trai trưởng nên được lấy tên mẹ. Khi còn trẻ, ngài có tên là Upatissa, là tên ngôi làng quê quán, trong thành Vương Xá, nước Magadha, vua Bimbisāra cai trị. Chúng ta đã biết ngài có thêm ba người em trai và ba người em gái, đều xuất gia với đức Phật và đều đắc quả Arahant.
Nói tới ngài Sāriputta là phải nói tới ngài Mahā Moggallāna. Cả hai vị đều cùng trang lứa với Đức Phật. Ngài Moggallāna ở một ngôi làng khác, làng Kolita, nên khi còn trẻ, chưa xuất gia, Kolita là tên thật của ngài Moggallāna. Cả hai đều là con trai của hai vị tộc trưởng, gia thế giàu sang, nên đều được nuôi dưỡng cưng chiều, học tập xuất sắc tất cả kinh sách Veda, văn học, thi ca, lý luận, triết học v.v...của thời đó. Cả hai vị khi còn rất trẻ đã nổi tiếng là uyên bác, là niềm tự hào của cha mẹ, dòng họ Bà la môn.
Tuy mỗi khi lý luận, đối đáp với những người nổi tiếng khác, hai vị luôn là kẻ trội hơn, nhưng dường như trong thâm tâm vẫn chưa tự mãn nguyện. Một hôm, cả hai tham gia vào một ngày lễ hội quan trọng, tưng bừng náo nhiệt, xế chiều, bắt đầu tàn, trước mắt chỉ bày ra cảnh tượng ngổn ngang, bừa bãi, mệt mỏi. Hai chàng thanh niên thức tỉnh, quyết định bỏ nhà ra đi, tìm thầy học đạo, dù cha mẹ không bằng lòng. Sau đó, sáu người em của ngài Sāriputta cũng lần lượt rời gia đình, theo Đức Phật. Có thể đây cũng là một lý do khiến cả hai bà mẹ đều quay lưng với đức Phật và tăng đoàn trong một thời gian dài. Mãi cho đến khi hay tin mẹ mất rồi, ngài Moggallāna mới dùng thiên nhãn đi tìm mẹ và cứu bà thoát kiếp ngạ quỷ vì tội hủy báng tam bảo, rồi hóa sanh cõi trời. Còn ngài Sāriputta mãi tới khi quyết định nhập diệt mới quay về quê hương. Đã 45 năm dài trôi qua, người mẹ mõi mòn trông ngóng 7 người con, 7 vị Arahant mải miết hóa độ chúng sanh, bây giờ trở về làng cũ. Còn nỗi vui nào hơn. Đêm hôm ấy, chư Thiên lần lượt đến viếng thăm và tiễn biệt ngài Sāriputta tại thư phòng của ngài, nơi ngài đã sống trọn quãng đời thơ ấu. Hào quang chư Thiên cõi trời Phạm sáng rực cả ngôi làng Upatissa, suốt đêm hương trời thơm ngát.
Bà mẹ trông thấy quang cảnh hùng tráng, sáng rỡ đó, bà phát tâm hân hoan, hỷ lạc tràn đầy, kính tin Tam Bảo. Ngài Sāriputta đã an trú bà mẹ vào quả Dự Lưu, sẽ không còn bị đọa, chắc chắn sẽ thành chánh giác. Đêm đã gần tàn, ngài Sāriputta vào chánh định, nhập vô dư niết bàn.
Bây giờ chúng ta trở lại về sự nghiệp giáo hoá của ngài Sāriputta có những sự kiện nào đặc biệt. Trước nhất ngài được xem như vị đại đệ tử hàng đầu của đức Phật. Vì sao? Con đường của Phật là con đường giác ngộ, tức khai mở trí tuệ, mà ngài được đức Phật tuyên bố là vị “Trí Tuệ đệ nhất”, không những thông suốt Pháp do Phật giảng, ngài cũng đã tinh thông kinh điển Veda, nên trong những lần luận thuyết với hàng Bà la môn, ngài đều tỏ ra uyên bác và luôn thuyết phục người. Như khi ông Anathapindika (Cấp Cô Độc) cúng dường khu vườn Kỳ Viên ở Savatthi cho Đức Phật và Tăng đoàn, đức Phật đã chỉ định ngài Sāriputta lên Savatthi trông coi việc xây cất Kỳ viên Tinh xá. Quả nhiên, ở phương bắc là xứ của Bà la môn giáo, từ xưa ông Cấp cô độc là đại thí chủ hết lòng cúng dường cho hàng Bà la môn, nay ông Cấp Cô Độc trở thành đệ tử của đức Phật và lại cúng dường ngôi vườn ngự uyển của thái tử Kỳ Đà, phải trải vàng mới mua được, họ rất phẩn nộ, vì mất danh tiếng, mất quyền lợi. Họ thách thức tranh luận về giáo pháp, về chân lý với người đại diện của đức Phật, đứng ra xây cất Kỳ Viên Tinh Xá. Làm sao họ có thể tranh luận nổi với vị “Tướng Quân Chánh Pháp” là ngài Sāriputta. Danh hiệu “Tướng Quân Chánh Pháp” có lẽ muốn nói là vị tướng quân đánh trăm trận trăm thắng.
Khi ông Cấp Cô Độc lớn tuổi, bệnh nặng, nhờ người tới đảnh lễ Phật báo tin, sau đó thỉnh mời ngài Sāriputta tới nhà. Ngài Sāriputta đã thuyết một bài pháp, nhắc nhở bản thể trống không của thế gian, để cho ông Cấp Cô độc an tâm ra đi.
– Này Cấp Cô Độc, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), sáu thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức), sáu giới (địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới)… cho đến cả thế giới này và những thế giới khác, đều là giả tạm, không thật. Ông hãy cố gắng quán tưởng tất cả đều là không, để buông xả, không chấp thủ vào bất cứ thứ gì.
Sau khi ngài Sāriputta ra về, ông Cấp Cô Độc hoá sanh cõi Trời, do phước báu bố thí cúng dường trong sạch cho Tam Bảo.
Có một sự kiện nho nhỏ là khi ngài Rahūla xuất gia, đức Phật đã giao phó cho ngài Sāriputta dạy dỗ. Chi tiết này cho mình biết “Trí tuệ” là hướng đến cao nhất của người tu, Đức Phật đã không giao Rahūla cho:
- Ngài Mahā Moggallāna: đệ nhất thần thông
- Ngài Subhūti: đệ nhất giải Không
- Ngài Mahā Kaccana: đệ nhất nghị luận
- Ngài Puñña, đệ nhất thuyết pháp
- Ngài Mahā Kassapa: đệ nhất đầu đà
- Ngài Anurudhā, đệ nhất thiên nhãn
- Ngài Anandā, đệ nhất đa văn
- Ngài Upāli: đệ nhất trì giới.
Về sau ngài Rahūla được xưng tán là đệ nhất mật hạnh.
Hôm nay nhắc lại khái quát tấm gương sáng của tiền nhân, một bậc thánh nhân vĩ đại, chỉ đứng sau đức Phật, chúng ta học được rất nhiều đức hạnh: một người con hiếu thảo biết an trú mẹ vào quả thánh Dự Lưu, một người anh trưởng biết hướng dẫn sáu người em xuất gia tu tập đạt quả Arahant, một người bạn chân thành, cảm thông, nhu hòa, từ khi còn trẻ cho tới cuối đời, một người thầy trí tuệ sáng chói làm chỗ nương tựa cho cõi trời và cõi người, và trên hết, một người đệ tử, đầy đủ phẩm hạnh cao quí nhất, là đệ tử lớn của một đấng Như Lai Chánh đẳng giác.
Thiền viện, 24- 6- 2022
TN
Bài 21: TÂM ĐIỀU PHỤC CHIẾU SÁNG
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download