KHÔNG VÀ TÁNH KHÔNG
Trích đoạn trong Bài đọc thêm về chủ đề "KHÔNG"
do Hòa Thượng Thích Thông Triệt biên soạn
Không (emptiness) là một trong ba khái niệm quan trọng bậc nhất trong giáo lý Bát Nhã. Nó cũng được gọi là Tánh Không (Śūnyatā). Nó không phải là không có gì, nhưng cũng không phải có gì. Vì từ bản chất, nó chẳng mang bất cứ thuộc tính nào. Nó vô tướng (signless). Nó cũng không phải là đối tượng của niệm hay của suy nghĩ, Vì niệm hay suy nghĩ đi ngược bản chất Không. Nó không phải là tương đối tính như nhiều học giả đã nghĩ như vậy. Tương đối tính và Tánh Không không đồng nghĩa. Không là thành quả của trực giác nhận ra chứ không phải bằng suy luận. Bằng trí năng hay ý thức không thể nhận ra đúng nội dung Tánh Không.
Vì lý do đó, Tánh Không (Śūnyatā) được gọi là bất khả đắc (không thể được: anupalabdha) hay bất khả tư (acintya: không thể suy nghĩ). Nó không phải là một khái niệm thông thường như trong bất cứ phạm trù nào của luận lý học trong triết học. Nó đồng nghĩa với Chân Như. Vì thế muốn giáp mặt nó, người thực hành phải kinh nghiệm nhận thức không lời.
Tánh Không hay Chân Như là đối tượng của nhận thức không lời, không phải của ý thức phân biệt. Cả hai được xem là Chân lý Tuyệt Đối. Do đó, khái niệm Tánh Không là trung tâm đức tin của toàn thể hệ thống Phật giáo Phát Triển (Đại Thừa). Không (Śūnyatā) thường được diễn bằng tiếng Anh là “nondualism” (chủ nghĩa không nhị nguyên). Thể hiện ‘không nhị nguyên’ này, các nhà Phật giáo Phát Triển đưa ra nhiều mô thức, như khước từ hay không chấp nhận tới cả hình thái phân biệt trong tâm thức. Vì nếu chấp nhận sự phân biệt thế giới hiện tượng là có thật hay không có thật, ta đã đứng về một bên; không thấy được thật tướng của thế giới hiện tượng là duyên sinh, và trong từng sát na thời gian, chúng luôn luôn biến đổi. Do đó, trong Căn đế Trung Quán Luận Thích (Mùlamadhyama-kakàrikà: Fundamental Verses on the Middle) chương XXVI, câu 18, ngài Long Thọ đặt Tánh Không ngang hàng với thuyết Duyên Sinh trong Phật giáo Nguyên Thủy.
Từ đó cho thấy, bằng thuật ngữ Tánh Không, các nhà Trung Quán ám chỉ cái không thực chất (the non-substantiviness) của vạn pháp và vạn pháp đều duyên sinh. Trên cơ sở này nên vạn pháp đều không tự tánh (nihsvabhāva). Do đó, Tánh Không cũng đồng nghĩa với không tự tánh tức là không có thực thể tồn tại (a subsisting entity) trong nó.
Chính khái niệm Tánh Không hay không nhị nguyên đưa văn bản Phật giáo Phát Triển đến xác quyết rằng luân hồi (samāara) đồng nhất thể với Niết Bàn (nirvāna). Khái niệm này được sử dụng trong giáo lý Trung Quán như một loại dụng cụ sư phạm thích nghi và hiệu quả để mang tâm ra khỏi phạm trù nhị nguyên.