Khái niệm "GIẢ" trong Đạo Phật
HỎI: Em có nghe videos của Hoà thượng Trúc Lâm. Thầy nói là cái mình gọi là TA là do duyên sinh hợp thành và mọi sự vật hiện tượng cũng là do duyên sinh hợp thành. Vì thế gọi nó là GIẢ (như ảo ảnh trong gương hay trăng dưới nước). Và khi TA là GIẢ thì người kia là giả, chúng sinh là giả và mạng sống là giả. Vì thế cho nên nếu có ai đánh mắng ta, khi biết ta là giả, người là giả thì đâu có gì phải buồn nữa. Còn cái thật thì thầy dạy chính là lúc mà ta thức tỉnh, chánh niệm, là lúc tâm yên lặng không một niệm khởi lên như trong thiền định. Ta là người phàm lúc tỉnh lúc mê còn Phật thì lúc nào cũng tỉnh.
Em học thì thấy mới nghe qua thì có lý nhưng em cảm giác là mình bị kẹt vào khái niệm GIẢ. Nếu mọi thứ thực sự là giả và mình đang sống trong một thế giới giả vậy thì mọi thứ xung quanh ta đâu có giá trị gì nữa? Nếu như cách quán vô ngã như ở trên thì không những quét sạch phiền não, nó cũng quét sạch luôn niềm vui trong cuộc sống. Em học đoạn này xong thấy phiền não hơn nên em nghĩ chắc em hiểu sai nên em muốn nhờ các anh chị gỡ kẹt giúp.
Ý kiến đóng góp
- TS Lệ Mỹ:: Theo tôi thì chữ "giả" trong đạo Phật không có nghĩa là không có, mà là có nhưng không thật, không lâu bền. Bởi thế chúng ta đừng bám víu vào nó, đừng mong muốn sỡ hữu nó. Nó ở đây bao gồm tiền tài, danh vọng, gia đình, và cả luôn thân xác này. Nếu ai hiểu sai về chữ giả thì hoặc là bi quan, yếm thế hoặc trái ngược lại thì lại muốn hưởng thụ thật nhiều rồi chết là hết . Người phật tử cần cẩn thận hiểu cho rõ về chữ "giả" thì mới sống tốt được.
- TS Phương Liên: Tu hành theo đạo Phật thì chúng ta phải cẩn trọng về danh từ "giả", nếu không sẽ dẫn đến việc tu tập sai lầm. Giả nhưng mà không giả, nghĩa là đối tượng trước mắt mình, mình thấy được, sờ mó được, nhưng lại là không thật, vì nó không tồn tại mãi. Vì mình thấy được, sờ mó được, nên ta vẫn hưởng thụ giá trị cuộc sống được. Chẳng hạn vợ chồng, con cái xung quanh, ta vẫn có thể cùng họ hưởng thụ không khí đầm ấm cả nhà. Nhưng vì vợ chồng, con cái cũng đều là thân ngũ uẩn nên gọi là "giả", là sẽ phải theo quy luật vô thường, rồi sẽ có một ngày phải rời xa ta. Khi đó nếu hiểu ý nghĩa của chữ "giả" thì chúng ta sẽ không buồn khổ, còn nếu không hiểu thì ta sẽ quỵ lụy, đau đớn vô cùng. Vì thế, đạo Phật không cấm con người hưởng thụ cuộc sống, nhưng dạy chúng ta hưởng thụ một cách sáng suốt.
- TS Khánh Hạnh: Theo cái hiểu của tôi, chữ GIẢ trong nhà Phật ám chỉ tính chất VÔ NGÃ của bất cứ một sự vật gì, một hiện tượng gì, tinh thần hay vật chất, do nhiều nhân duyên hợp lại mà có. Nếu không có những nhân duyên đó thì sự vật đó, hiện tượng đó sẽ không hiện hữu, hoặc sẽ không xảy ra. Thí dụ:
Cái bàn, cái ghế bằng gỗ: chúng sẽ không thể hiện hữu nếu không có gỗ, không có người thợ mộc, không có búa, đinh, không có hạt giống nảy mầm thành cây, không có nước, ánh sáng mặt trời, phân bón… để cho cây lớn lên đến ngày thân nó lớn có thể đốn làm gỗ, không có người tiều phu đốn gỗ mang về…v.v.
Chúng ta nói, cái bàn, cái ghế bằng gỗ đó là những cái KHÔNG CÓ TỰ TÁNH, nghĩa là sẽ không có cái gọi là cái bàn gỗ, cái ghế gỗ, nếu 1 trong những thứ kể trên (ông thợ mộc, búa, bào, cưa, không khí, nước, ánh sáng mặt trời.v.v.) không hiện hữu.
Đức Phật dạy, bất cứ cái gì tùy thuộc vào một thứ khác để hiện hữu thì đều không có tự tánh, nghĩa là VÔ NGÃ. Thuật ngữ Phật giáo gọi những thứ VÔ NGÃ đó là PHÁP HỮU VI.
Hiểu như vậy thì rõ ràng cái gọi là con người cũng là VÔ NGÃ. Bởi vì con người gồm có 2 phần: thân và tâm. Thân của chúng ta hiện hữu được là nhờ có thực phẩm. Mà thực phẩm thì bao gồm các loại thức ăn, không khí, nước, ánh sáng mặt trời. Nếu thiếu một trong những thứ đó thì thân thể chúng ta sẽ trở thành một xác chết.
Và ngay từ đầu, nếu không có tinh trùng của cha và trứng của mẹ thì ta cũng không thể thành một bào thai trong bụng mẹ được.
Như vậy thì cái thân của ta là VÔ NGÃ, là KHÔNG CÓ TỰ TÁNH, bởi vì nó hiện hữu, tồn tại được là nhờ sự kết hợp của hàng ngàn yếu tố khác. Nếu thiếu vài trong những yếu tố đó thì thân ta chóng chầy sẽ trở thành một đống bụi đất mà thôi.
Thế còn cái TÂM của chúng ta có VÔ NGÃ không? Xin thưa, nó cũng là vô ngã, CHỪNG NÀO NÓ CÒN BIẾN CHUYỂN THEO CÁC DUYÊN NGOẠI TẠI VÀ NỘI TẠI.
- Duyên ngoại tại: thấy cảnh xấu, nghe tiếng không êm dịu, ngửi mùi thối, nếm vị dở, thân cọ xát đau đớn, ta khởi tâm khó chịu, bực mình, giận dữ, buồn lo, sợ hãi.v.v.
Khi gặp cảnh đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm..v.v. ta cảm thấy thích thú, hài lòng.v.v.
- Duyên nội tại: những cảm giác dễ chịu hay đau đớn trong thân, những ý nghĩ hướng thiện, từ ái, hay những ý nghĩ bất thiện như ganh tị, nghi ngờ.v.v.
Đức Phật dạy, những cái gì vô ngã là vô thường, nghĩa là chúng thay đổi theo duyên. Và cái gì vô thường đều gây khổ đau.
Vậy nên ngài nhắc nhở: không nên dính mắc, bám víu, vào những gì vô ngã, vô thường, bởi vì khi chúng thay đổi hay không còn đó nữa thì chúng ta sẽ đau khổ. Đó là nội dung cốt lõi của những lời dạy của Đức Phật. Và để chúng ta bớt dính mắc với mọi thứ trên đời , Đức Phật dạy chúng ta thực tập các pháp QUÁN VÔ NGÃ hay QUÁN VÔ THƯỜNG.
Đức Phật không dạy vì thế giới hữu vi là vô ngã nên không có giá trị gì. Ngài không nói như thế. Không những không nói như thế, ngài còn nhắc nhở chúng ta được làm người là một phước báu, bởi vì ở cõi người vừa có hạnh phúc vừa có đau khổ là điều kiện thuận lợi cho sự tu hành để từ từ dứt bỏ những dính mắc trần tục, hướng về con đường giải thoát ra khỏi vòng sinh tử.
ĐỐI VỚI CƯ SĨ TẠI GIA, Đức Phật không ngăn cấm chúng ta vui hưởng những dục lạc thế gian. Ngài chỉ khuyên chúng ta nên vui hưởng dục lạc mà không vi phạm ngũ giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và ác ngữ, không uống rượu và các chất ma túy) .
- TS Như Chiếu: Chữ "giả" trong đạo Phật, nếu chỉ hiểu một cách hạn hẹp, thì sẽ khiến cho nhiều người cho rằng đạo Phật là bi quan, yếm thế. Cũng giống như chữ "khổ", vì không hiểu một cách thông suốt nên nhiều người cho rằng đạo Phật chủ trương cuộc đời chỉ toàn là khổ đau.
Thực ra, đạo Phật không phải bi quan, cũng không phải lạc quan. Đạo Phật nhìn cuộc đời một cách khách quan và thực tế. Đạo Phật không phủ nhận những niềm vui của cuộc đời, mà ngược lại, đạo Phật còn công nhận nhiều hình thức của niềm vui vật chất lẫn tinh thần.
Đức Phật không bắt con người phải xa rời gia đình, lên non để mà tu. Trái lại, đạo phật vẫn khuyến khích một đời sống gia đình hạnh phúc khi vợ chồng thương yêu nhau, cùng dạy dỗ con cái nên người. Đức Phật không bắt con người phải bỏ hết công việc để sống đời tu sĩ. Trái lại đạo Phật vẫn khuyên chúng ta hãy có một công việc lương thiện (chánh mạng) và làm cho thật tốt. Đức Phật không bắt buộc con người phải ăn chay, hay hành mình ép xác, mà đạo Phật khuyến khích chúng ta ăn uống lành mạnh, không nên rượu chè be bét. Một đời sống như thế không phải là hạnh phúc và có giá trị hay sao?
Tuy nhiên, Đức Phật dạy rằng tất cả những thứ ấy, những niềm vui ấy, đều là "giả". Ta cần hiểu rõ "giả" ở đây nghĩa là “không thường hằng”, “tạm bợ”, “hư ảo”, “không bền vững lâu dài”, “trống không” (không có một thực thể tồn tại độc lập). Vì chúng là giả, nên ta không nên bám víu chúng, mong muốn sở hữu chúng mãi mãi, bởi nếu không thì khi chúng mất đi, ta sẽ đau khổ vô cùng.
Đức Phật không cấm con người hưởng thụ những niềm vui trong cuộc sống, mà Ngài chỉ dạy cho chúng ta hiểu rằng những thú vui đó chỉ là những thú vui giả ảo, huyễn mộng, có nhưng không bền lâu. Đó chỉ là những thú vui mong manh chốc lát, dài lắm cũng chỉ vài chục năm của kiếp người ngắn ngủi này. Niềm vui nỗi khổ của con người đều giả ảo, nhất thời, được xây dựng trên vô thường và vô ngã. Đây chính là nguyên nhân cũng những nỗi khổ niềm vui, khi một người vô minh đánh mất những thứ gì mình hằng yêu quý.
Đạo Phật chủ trương phải giải thoát khỏi những vui khổ tầm thường đó, tức là tìm đến một niềm vui hoàn toàn, niềm vui không bao giờ sợ tan biến vì vô thường. Mục đích tối thượng của đạo Phật là được giải thoát, nghĩa là chứng nghiệm được lý vô thường vô ngã, thoát ra ngoài những ràng buộc dính mắc với hiện tượng thế gian.
Vô thường vô ngã là những chân lý rất thực, mà dù Đức Phật có ra đời hay không thì các chân lý này vẫn đúng với mọi người mọi vật. Nhưng không phải vì thấy vạn vật là vô thường vô ngã, là giả, là hư ảo, mà chúng ta sinh ra buồn rầu chán nản. Trái lại, người Phật tử nào có nhận thức và chứng nghiệm được lý vô thường vô ngã, sẽ là một người vô cùng hạnh phúc. Người ấy sẽ nhìn cuộc đời với đôi mắt điềm tĩnh, với một tâm trạng an lạc. Sự sinh trụ hoại diệt của con người, thế giới, vạn vật xung quanh sẽ không thể lung lạc hay lay chuyển được tâm hồn người ấy, không làm cho người ấy phải đau khổ, buồn phiền hay bất an, lo lắng.
Đạo Phật không dạy con người chạy trốn khổ đau mà đi tìm lạc thú, nhưng cũng không bảo chúng ta bỏ hết những niềm vui mà hành mình ép xác. Đạo Phật hướng dẫn con người nhận thức rõ tính vô thường, vô ngã của mọi vật và chỉ cho chúng ta cách diệt trừ những nguyên nhân gây nên những lo lắng, bất an, hoảng sợ trong cuộc sống.
Đức Phật không nói là cuộc đời này không có những niềm vui hay hạnh phúc. Nhưng tất cả những loại hạnh phúc đó đều là "giả", bởi vì chúng đều là đối tượng của sự biến đổi, tạm bợ, không chắc chắn, không thường hằng, vì vậy ta không nên bám víu chúng.
Khi hiểu được chân nghĩa của từ "giả", chúng ta sẽ càng biết quý thân người này, biết trân trọng thời gian bên gia đình, người thân, bằng hữu. Tuy là giả, nhưng thân người này (ví như con rùa mù trồi lên mặt biển, ngàn năm nào biết sẽ còn có được?) sẽ là phương tiện giúp chúng ta tu tập, sống tốt ngày hôm nay và chuẩn bị cho ngày mai ra đi. Tuy là giả, nhưng những người đã có duyên gặp ta trong kiếp này thì hãy thương yêu họ và hãy tập tha thứ cho họ.
Thế giới này, tuy thật mà giả, tuy giả mà thật. Khi sáng suốt nhìn cuộc đời với cặp mắt khách quan, ta sẽ nhận ra được ta là ai và thế giới xung quanh ta là gì. Đừng mãi vui với những lạc thú tầm thường, tạm bợ. Đức Phật đã dạy cho chúng ta biết được rằng có những niềm vui vượt lên trên những thứ hư ảo tầm thường ấy, đó là niềm vui giải thoát.
Như Chiếu
(Tóm tắt buổi "Cùng nhau Thảo luận" của Đạo tràng Montreal)
mà không bao giờ thấy trong
Đạo tràng Montreal Thiền Tánh Không