Đây là đoạn kinh về ngài Anuruddha:
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sariputta nói với Tôn giả Anuruddha:
-- Này Hiền giả Anuruddha, Tôn giả Revata đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Anuruddha: Này Hiền giả Anuruddha, khả ái thay ngôi rừng Gosinga... (như trên)... Này Hiền giả Anuruddha, hạng Tỷ-kheo nào làm sáng chói khu rừng Gosinga?
-- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, quán sát ngàn thế giới. Này Hiền giả Sariputta, ví như một người có mắt lên trên đỉnh một ngôi lầu tốt đẹp, quán sát một ngàn đường vòng xung quanh. Cũng vậy, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo, với thiên nhãn thanh tịnh, siêu nhiên, quán sát ngàn thế giới. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo như vậy có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Trong khi ngài A Nan trình bày từ bước đầu tu cho tới bước cuối, ngài Revata cũng trình bày chi tiết con đường tu của mình, thì ngài Anuruddha chỉ trình bày kết quả đặc biệt: thiên nhãn thông ngay cả trước khi ngài đạt quả A la hán. Dường như điều kiện của thần thông là phải đạt được bốn tầng thiền, tức là qua thiền định, mới có thần thông.
Chúng ta tìm hiểu xem ngài Anuruddha là ai?
Ngài Anuruddha là một vị hoàng tử trong bộ tộc Sakka.
Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) có 4 người em trai: Dhotadana, Sakkodana, Sukkodana, Amitodana; và 2 người em gái: Amitā, Pamitā.
Amitodana, vị này có hai người con trai là: Mahānāma và Anuruddha. Chỗ khác nói: Hai vị này là con trai của Sukkodana.
Có tư liệu khác nói: Amitodana có 5 người con là: Mahānāma, Anuruddha, Ānanda, Pandu và con gái là Rohini và hai người cháu là: Bhagu và Kimbila.
- Mahānāma, về sau nối dòng truyền thừa vương tộc Thích Ca (Sakka), sau khi vua Tịnh Phạn mất.
- Anuruddha (A Nậu Lâu Đà), một Hoàng tử đẹp trai, mảnh khảnh, về sau tu đắc "Thiên Nhãn Thông" cao nhất.
- Ānanda (A Nan Đà) cũng xuất gia, rồi làm thị giả đức Phật.
- Pandu, Hoàng tử nhút nhát, ít người biết tên.
- Rohini, Công chúa bất hạnh, bị "phong lở" nên thường ẩn mặt.
- Bhagu, Hoàng tử trầm lặng, làm việc gì cũng kiên nhẫn.
- Kimbila, Hoàng tử khoẻ mạnh và vui tính.
Có rất nhiều nguồn sử liệu khác nhau về gia phả dòng họ Sakka.
Về người em gái của vua Tịnh Phạn, có chỗ nói là Amitā, chỗ khác nói là Pamitā đã kết hôn với vua Suppabuddha, trị vì dân tộc Koliya, sinh hai người con: Yasodharā và Devadatta.
Nói chung, theo truyền thống giữ gìn huyết thống hoàng tộc, phải kết hôn trong dòng anh em chú bác, cô cậu.
Bây giờ chúng ta trở lại những nhân duyên đặc biệt trong cuộc đời của ngài Anuruddha.
Lúc còn nhỏ, cậu bé sống một cuộc đời vương giả, đầy đủ tình thương yêu của cha mẹ. Những lúc vui chơi với các vị hoàng tử khác, thường ai thua là phải mang bánh ra đãi các bạn. Cậu bé Anuruddha thường là thua cuộc, sai người về nhà xin bánh mẹ làm. Vài lần còn có bánh để đãi bạn, sau rồi, bà mẹ lấy cái khai vàng, úp cái dĩa vàng trống không, bảo người hầu mang tới và nói: “Bánh không có”. Nhưng vì phước báu nhiều đời, chư Thiên không thể làm ngơ để cho cậu bé thiếu thốn, nên chư Thiên lấy bánh cõi trời chất đầy mâm vàng. Khi người hầu mang mâm vàng tới và nói: “ Bánh không có”, cậu bé cầm cái dĩa vàng ra thì thấy bánh đầy ắp, thơm ngon. Từ đó, cậu bé thường nói mẹ hãy đem: “bánh không có” cho mình.
Khi Đức Phật thành đạo, về thăm Kapilavatthu, ngài Anuruddha đã trưởng thành. Lúc ấy các vị hoàng tử bộ tộc Sakka đều phát tâm xuất gia. Người anh lớn là Mahānāma phải ở lại để kế thừa vương quyền vua Suddhodana sau này. Ngài Anuruddha xin phép mẹ xuất gia, nhưng bà từ chối. Sau cùng bà ra điều kiện khi nào Bhaddiya xuất gia thì Anurudda mới được xuất gia. Ngài Anuruddha thuyết phục và cuối cùng người bạn thân thiết Bhaddiya bằng lòng xuất gia sau bảy ngày. Lần đó, các vị hoàng tử cùng rời hoàng cung đến nơi đức Phật xin xuất gia gồm có: Anuruddha, Bhaddiya, Ānanda, Bhagu, Kimbila, Devadatta và người thợ hớt tóc Upāli.
Về hạnh sống trong chúng tăng, chúng ta nhớ ngài Anuruddha từng trình bày với đức Phật: “từ bỏ tâm mình, thuận theo tâm của các vị đồng phạm hạnh”.
-- Này các Anuruddha, như thế nào các Ông sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt thiện cảm?
-- Bạch Thế Tôn, ở đây chúng con nghĩ như sau: "Thật lợi ích thay cho ta! Thật khéo lợi ích thay cho ta, khi ta được sống với các đồng Phạm hạnh như vậy! Bạch Thế Tôn, do vậy đối với các vị đồng Phạm hạnh này, con khởi lên từ thân nghiệp, trước mặt và sau lưng; con khởi lên từ khẩu nghiệp, trước mặt và sau lưng, con khởi lên từ ý nghiệp, trước mặt và sau lưng. Bạch Thế Tôn, do vậy chúng con nghĩ như sau: "Ta hãy từ bỏ tâm của ta và sống thuận theo tâm của những Tôn giả này". Và bạch Thế Tôn, con từ bỏ tâm của con, và sống thuận theo tâm của những Tôn giả ấy. Bạch Thế Tôn, chúng con tuy khác thân nhưng giống như đồng một tâm.
(Tiểu kinh Rừng Sừng Bò)
Tôn giả Anuruddha đã được Đức Phật tuyên bố là vị có Thiên nhãn thông đệ nhất trong hàng đệ tử của mình, và là một trong mười đại đệ tử của đức Phật. Sau đó ngài mới đạt quả vị A la hán. Trong lời phát biểu của ngài “ quan sát ngàn thế giới”
“như một người có mắt lên trên đỉnh một ngôi lầu tốt đẹp, quán sát một ngàn đường vòng xung quanh.” Mình phải ngưỡng mộ oai lực của ngài. Hơn hai ngàn sáu trăm năm trước, xã hội tiến bộ về khoa học kỹ thuật như thế nào, chiến tranh hay di chuyển còn dùng ngựa, voi. Ngay như xã hội mình bây giờ cũng chỉ tiến bộ vượt bực khoảng thế kỷ XX. Ngày nay có viễn vọng kính, các nhà thiên văn học mới thấy các dãy thiên hà trong vũ trụ, mới biết vũ trụ bao la. Vậy mà ngài Anuruddha khai mở được quyền năng siêu phàm, nhìn thấy cả vũ trụ bao la. Khả năng phi thường này được gọi là “cái thấy của cõi Trời”. Đây là khả năng siêu nhiên của Phật tánh thể hiện, không phải chúng ta ca ngợi “thần thông”. “Thần thông” mà không có đạo đức, dễ khiến sinh ra kiêu mạn, và tham vọng, như trường hợp Devadatta.
Thiên nhãn là một trong năm loại thấy của người tu: nhục nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, Phật nhãn.
Nhục nhãn: thấy bằng mắt thường, có giới hạn.
Thiên nhãn: thấy những vật nhỏ nhất và lớn nhất, xa nhất, không giới hạn.
Pháp nhãn: thấy thông suốt các pháp hữu vi, như tục đế bát nhã.
Huệ nhãn: thấy thông suốt bản thể rốt ráo, như chân đế bát nhã.
Phật nhãn: thấy tất cả, thông suốt qua không gian và thời gian, không ngăn ngại.
Trong kinh Đại Bát niết bàn, giai đoạn cuối khi đức Phật nhập vào thiền định và ra đi, chính ngài Anuruddha và ngài A Nan luôn ở bên cạnh đức Phật. Trong khi đức Phật nhập định, hoàn toàn yên lặng, ngài A Nan nghĩ rằng đức Phật đã nhập niết bàn, nhưng ngài Anuruddha cho biết: Đức Phật đang ở trong các tầng thiền, chưa nhập diệt. Khi đức Phật vào niết bàn, ngài Anuruddha cho biết đức Phật đã vào niết bàn. Trong diễn tiến tiếp theo, có hai lần ngài Anuruddha đã dùng thiên nhãn. Khi tám vị cư sĩ bộ tộc Mallā, chuẩn bị khiêng kim quan Phật đi nhiễu trong thành để tới nơi trà tỳ, thì không thể nhấc kim quan lên. Các vị hỏi ngài Anuruddha lý do. Ngài Anuruddha cho biết vì chư Thiên không đồng ý khiêng kim quan Phật đi ngã đó và trà tỳ tại đó, mà phải đi ngã khác và trà tỳ tại nơi khác. Các vị cư sĩ vâng lời, thì mới nhấc được kim quan lên. Lần thứ hai, khi sẵn sàng để châm lửa hỏa thiêu, thì lửa không cháy. Các vị Mallā lại hỏi ý ngài Anuruddla. Ngài Anuruddha cho biết phải đợi ngài Mahā Kassapa và đoàn tỳ kheo tới. Khi đoàn ngài Mahā Kassapa tới, nhiễu quanh kim quan và đảnh lễ dưới chân Phật, sau đó, lửa tự cháy trà tỳ.
Ngài Anuruddha, đã gieo căn lành từ nhiều đời trong quá khứ, đời này sinh ra trong gia đình, dòng họ giàu sang, lại cùng thời với đức Phật, anh em chú bác với đức Phật, xuất gia rất sớm, không vướng bận vợ con, đầy đủ thuận duyên, trở thành một vị thánh đệ tử, quan sát cả ngàn thế giới mà chỉ như người đứng trên lầu cao nhìn xuống thế gian. Có phải khi ấy ngài đi vào cảnh giới hai chiều, không có không gian và thời gian nữa, bằng bản thể tâm hoàn toàn trong sạch, ngắm nhìn vũ trụ bao la nằm trên một mặt phẳng?
Thiền viện, 14- 6- 2022
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời
Bài 18: THIÊN NHÃN CHIẾU SÁNG
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download