Chúng ta đọc lại đoạn kinh về ngài Revata:
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sariputta nói với Tôn giả Revata:
-- Này Hiền giả Revata, Tôn giả Ananda đã trả lời theo sự giải thích của mình. Ở đây, nay chúng tôi hỏi Tôn giả Revata: Này Hiền giả Revata, khả ái thay ngôi rừng Gosinga... (như trên)... Này Hiền giả Revata, hạng Tỷ-kheo nào làm sáng chói khu rừng Gosinga?
-- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo ưa thích đời sống tịnh cư, vui thú đời sống tịnh cư, nội tâm tu pháp, tịnh chỉ, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, luôn luôn lui tới các chỗ không tịch. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Ngài Revata là ai?
Tôn giả Sāriputta có tất cả 6 người em, đều xuất gia với đức Phật và đều đắc quả A la hán. Ba người em trai là: Cunda, Upasena, Revata và ba người em gái: Cālā, Upacālā và Sīsūpacālā.
Ngài Cunda (Quân Đầu) là người thị giả đi theo ngài Xá Lợi Phất trở về quê hương, lần cuối cùng để ngài Xá Lợi Phất nhập diệt. Sau khi nghe đức Phật báo tin ba tháng sau sẽ nhập niết bàn, ngài Xá Lợi Phất biết trong quá khứ, các vị đại đệ tử của chư Phật đều nhập niết bàn trước chư Phật của mình, nên ngài Xá Lợi Phất đã xin đức Phật nhập niết bàn trước, nơi quê nhà, đồng thời về gặp mẹ lần cuối, giảng pháp cho mẹ. Sau khi bà phát tâm quy y Tam Bảo thì ngài Xá Lợi Phất vào thư phòng riêng của mình từ lúc còn thơ ấu, nhập định và nhập diệt. Ngài Cunda làm lễ trà tỳ, rồi đem một nắm tro về dâng lên tận tay đức Phật. Kinh sử ghi lại, đức Phật cầm nắm tro tàn trên tay, và nói: “ Từ đây, thế gian này đối với ta chỉ là nắm tro tàn trống rỗng”.
Ngài Upasena là vị cũng tán thán hạnh đầu đà, sống trong rừng núi:
Xứ viễn ly, không ồn,
Chỗ thú rừng thường trú,
Tỷ-kheo dọn sàng tọa,
Tu học hạnh tịnh cư.
Một hôm bị rắn độc cắn, nọc độc đã lan ra, nhưng thần sắc vẫn không đổi khác. Và ngài nhập niết bàn.
Ngài Revata là người em út của ngài Sāriputta. Khi ngài Sāriputta và ngài Mahā Moggallāna xuất gia theo đức Phật, hai người em trai kế là Cunda và Upasena, cùng với ba người em gái (có tư liệu khác nói là ba người chị) đều xuất gia theo. Chỉ còn Revata lúc đó mới 7 tuổi phải ở lại nhà với cha mẹ. Bấy giờ cha mẹ đều không tán thành việc bỏ nhà xuất gia của các con, vì gia tài giàu có không ai thừa hưởng sau này. Thế nên, tuy còn nhỏ, cha mẹ kiếm một cô gái trẻ đẹp cưới cho Revata. Trong khi đang làm lễ cưới long trọng (thời xưa, Ấn độ có lẽ có tục tảo hôn), người ta cho cô dâu và chú rễ đứng bên nhau, và bà ngoại của cô dâu, đã hơn 120 tuổi được danh dự đứng bên cô dâu. Hai họ chúc mừng chú rễ và cô dâu sẽ sống hoài như bà ngoại vậy. Chú bé Revata nhìn cô dâu xinh đẹp, rồi nhìn bà ngoại già cỗi, chú bỗng sợ hãi. Chú âm thầm trốn mất khi trên đường rước dâu, chạy thẳng tới một tinh xá, xin xuất gia. Đã có lời dặn dò trước của ngài Sāriputta, chư tăng chấp thuận. Sau khi nhận lời dạy của chư tăng, chú Revata vào rừng, và rồi chú đắc quả A la hán chỉ trong một mùa tịnh cư, có thần thông.
Bây giờ chúng ta quay về hạnh tu của ngài Revata trình bày trong đêm trăng rằm giữa khu Rừng Sừng Bò:
- ưa thích đời sống tịnh cư, vui thú đời sống tịnh cư,
- nội tâm tu pháp,
- tịnh chỉ,
- không gián đoạn thiền định,
- thành tựu quán hạnh,
- luôn luôn lui tới các chỗ không tịch.
Mình biết là ngài Revata xem như là vị A la hán nổi bật về thiền định. Tâm định là tâm vững chắc, bình an, tĩnh lặng, trong sạch, không lung lay trước những thăng trầm trong đời. Do nhân duyên gì ngài Revata đạt được tâm định vững chắc? Đó là do phần lớn ngài ưa thích an trú những nơi vắng vẻ yên lặng, ngài ca ngợi đời sống tịnh cư. Đây là một duyên quan trọng cho người bắt đầu tu học, cũng quan trọng trong cuộc hành trình, cho tới khi đạt được mục tiêu, nó vẫn là nếp sống lý tưởng. Đời sống tịnh cư có thể hiểu là:
- Trước nhất xa rời gia đình: cha mẹ, vợ con, anh em, bà con.
- Sống độc thân, nơi núi rừng, hoang vắng.
- Không ưa quần tụ đông người.
- Cắt hết nhân duyên thế gian và tri kiến thế gian.
- Sau khi đạt quả vị A la hán, tâm vững chắc, không thoái chuyển, có trí tuệ, đức Phật khuyến khích các vị A la hán tản mác các phương đi giáo hóa, tuy hằng ngày vẫn vào làng khất thực, giảng pháp, nhưng tâm từ bi bình đẳng, không kết thân với riêng ai, nên đời sống vẫn là tịnh cư, tròn đủ Giới- Định- Tuệ.
Đức Phật chính ngài đã thực hành hạnh sống viễn ly, ca ngợi hạnh viễn ly, xem đây cũng là một cửa ngõ vào niết bàn, ngài thường nói: “yểm ly, ly tham, đoạn diệt không có dư tàn, thượng trí, niết bàn”.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, đức Phật cũng nhắc nhở chí thiết cho tỳ kheo làm sao duy trì tăng đoàn cường thịnh:
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của “quần tụ”, đó là ưa thích tới những nơi đông người, bàn luận những chuyện vô ích, gọi là phiếm luận, hý luận, hay hội họp xét đoán phê bình, tranh luận, kết bè nhóm chia rẽ. Tuy nhiên, khi có đức Phật hay các vị A la hán thuyết giảng thì tất cả các vị tỳ kheo đang sống rải rác quanh vùng cần phải tụ họp lại đông đủ để nghe pháp.
Như vậy chúng ta thấy mình phải có trí tuệ để biết khi nào là quần tụ, khi nào là đoàn kết, như thế nào là phạm hạnh, như thế nào là “người biết sống một mình”.
Trong kinh Đại Bát Niết bàn, đức Phật dạy các vị tỳ kheo: “Bảy pháp bất thối”: Phải tụ họp trong niệm đoàn kết, ra về trong niệm đoàn kết, làm phật sự trong niệm đoàn kết, thì tăng đoàn sẽ cường thịnh, không bị suy giảm. Lời dạy này không mâu thuẩn với hạnh sống tịnh cư. Ngoài ra đức Phật không cấm tụ họp, nhưng đức Phật dạy khi gặp gỡ tụ họp đông người, các vị tỳ kheo chỉ được thảo luận về một nội dung duy nhất: làm sao hết khổ? Đó là hạnh sống của bậc thánh. Ngoài ra tất cả những nội dung bàn luận khác đều là sai, là phiếm luận.
Người biết sống một mình là người luôn an trú trong chánh niệm. Tuy nhiên đối với đa số con người, xa lánh nơi ồn ào náo nhiệt là duyên thuận lợi hơn trong bước đầu tu tập. Về sau, một vị tỳ kheo có tâm an tịnh rồi, thì tự nhiên là thích sống nơi an tịnh hơn. Dường như đời sống tịnh cư là nhân mà cũng là kết quả của việc tu tập.
Nhớ ngày xưa, những năm mới gầy dựng ngôi già lam nơi miền hoang vắng đất đá này, thầy trồng cây ăn trái, làm con đường thiền hành, trồng thêm thông cho xanh tươi bốn mùa, thầy có nói một câu: “Cảnh hài hòa dễ làm cho tâm của mình hài hòa”.
Thiên nhiên có đầy đủ những sắc thái: tĩnh lặng, trong sáng, khách quan. Có phải vì vậy mà đức Phật giáng trần giữa vườn sa la, đức Phật thành đạo giữa khu rừng hoang cổ thụ pipphala và ngài nhập niết bàn cũng giữa khu rừng sa la mùa xuân năm nào?
Thiền viện, 29- 5- 2022
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời
Bài 17: HẠNH TỊNH CƯ CHIẾU SÁNG
Click icon tam giác để nghe - Click icon ba dấu chấm để download