Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - BÀI 16
Bài này xin tiếp tục suy gẫm Đại kinh Rừng Sừng Bò. Chúng ta thử suy gẫm thêm quan điểm của sáu vị thánh đệ tử như thế nào, mình có thể áp dụng được không. Chủ đề chung cho mỗi vị là:
“ Khả ái thay, khu rừng Gosinga! Đêm rằm sáng trăng, cây Ta-la trổ hoa cùng khắp, hương trời như được tỏa rộng khắp nơi. Này Hiền giả, hạng Tỷ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga?"
Trước nhất là quan điểm của ngài A Nan khi được ngài Xá Lợi Phất hỏi:
-- Ở đây, này Hiền giả Sariputta, Tỷ-kheo nghe nhiều, gìn giữ điều đã nghe, tích tụ điều đã nghe. Những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, văn nghĩa cụ túc, nói lên phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh, những pháp ấy được vị ấy nghe nhiều và gìn giữ kỹ, được lặp lại lớn tiếng, được ý tư duy, được tri kiến khéo quán sát; vị ấy thuyết pháp cho bốn hội chúng với văn cú viên dung, lưu loát, với mục đích đoạn trừ mọi tùy miên. Này Hiền giả Sariputta, hạng Tỷ-kheo này có thể làm sáng chói khu rừng Gosinga.
Chúng ta biết ngài A nan đã là vị đại đệ tử đệ nhất đa văn của đức Phật. Tuy trong khi đức Phật còn tại thế, ngài A Nan chưa chứng quả A la hán, nhưng ngài A Nan vẫn được kể là một trong mười đại đệ tử sáng chói của đức Phật và được đi giảng pháp cho tứ chúng. Đây cũng là một phẩm hạnh cao quý của ngài A Nan. Ngoài phước báu và công đức nhiều đời nên đời này ngài là một hoàng tử, có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, tương tự đức Phật, ngài A Nan có trí nhớ phi thường, nghe pháp một lần, ngài đều ghi nhớ. Qua lời trình bày ngắn gọn về công phu tu tập của mình, ta nhận ra ngài A Nan đã áp dụng tiến trình: Văn- Tư - Tu:
- Nghe nhiều, gìn giữ kỹ, được lặp lại lớn tiếng, tích tụ điều đã nghe.
- Được ý tư duy
- Được tri kiến khéo quán sát.
Ta biết ngài A Nan chưa đạt chánh định, chưa có thần thông, nên trong lời trình bày con đường tu của mình, ngài A Nan dường như tiến bộ bằng khả năng của trí tuệ. Văn- Tư- Tu được gọi là Tam Tuệ, tức là Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ. Nghe pháp nhiều cũng phát sinh trí tuệ.
Chúng ta học được gì qua gương sáng của ngài A Nan?
Lúc ban đầu, mình chưa hiểu Phật và Pháp, nên chúng ta phải nương nhờ bậc thiện tri thức, tức Tăng Bảo, giải thích kinh điển cho mình. Ngài A Nan đã xuất gia với đức Phật, ngài chỉ nghe pháp từ đức Phật, hay các vị đại đệ tử của đức Phật mà thôi, mặc dù thời đó không biết bao nhiêu là học thuyết, là trường phái triết học, là cách thức tu luyện khác nhau. Mỗi vị thầy đều có quá đông đồ chúng, tiếng tăm, quyền thế, theo luận lý triết học Veda cổ thời. Thời đó xã hội cũng rối ren, như cuộn chỉ rối, cũng tối tăm mờ mịt trước khi ánh sáng của giác ngộ chiếu soi, là Tam Bảo ra đời. Ngày nay cũng vậy, thời đại nào cũng có chánh pháp và tà pháp chen lẫn nhau. Chúng ta cần xem kỹ nơi nào là chánh pháp, khi đúng với kinh điển, và kết quả phải là: giác ngộ, thoát khổ, giải thoát.
Biết là đúng chánh pháp rồi, mình phải biết nghe pháp nữa. Nghe pháp cũng không phải dễ. Chúng ta đọc bài kinh “Lộn ngược” (trong kinh Tăng Chi bộ):
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ lộn ngược? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo, các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người với trí tuệ bắp vế? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá). Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu, có tác ý đến đoạn giữa, có tác ý đến đoạn cuối. Nhưng khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng dậy, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... Người ấy, tại chỗ ngồi ấy ... có tác ý đoạn cuối. Nhưng khi người ấy tại chỗ ngồi ấy đứng dậy ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ bắp vế.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người có trí tuệ rộng lớn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) ... trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Ví như, này các Tỷ-kheo, một cái ghè được dựng đứng, nước chứa trong ấy được giữ lại, không có chảy đi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ở đây, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) ... trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Tại chỗ ngồi ấy, vị ấy đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Cũng vậy, khi vị ấy, từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, có tác ý đến đoạn đầu ... có tác ý đến đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người có trí tuệ rộng lớn.
Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời.
Nói gọn lại:
- Một hạng người thường đi nghe pháp, pháp được thuyết giảng đúng, đầy đủ, nhưng người này không hiểu, cũng không ghi nhớ, không nắm giữ được điều gì, xem như không có trí tuệ, đi nghe nhiều mà vô ích. Văn mà không hiểu, không có trí tuệ, nói gì tới Tư và Tu. Kinh gọi là “trí tuệ lộn ngược”.
- Một hạng người đi nghe pháp, lúc đang nghe thì hiểu, khi đứng lên ra về thì quên hết, nên cũng vô ích. Tức là có Văn có hiểu, mà không Tư và không Tu, nên cũng vô ích. Kinh gọi là “trí tuệ bắp vế”.
- Hạng người thứ ba mới đúng là Văn, có trí tuệ hiểu pháp, rồi Tư: ghi nhớ suy gẫm, phát sinh trí tuệ, rồi Tu: áp dụng được trong đời sống. Kinh gọi là “trí tuệ rộng lớn”.
Liên hệ tới truyền thống của thiền tông. Thời xưa, một vị đệ tử khi đã tìm đến một vị thiền sư, lễ bái làm vị thầy mà mình xin nương tựa, thì xem như người đệ tử này sống hẳn trong chốn thiền môn trong suốt 10 năm. Thiền sử không hề ghi rõ là xuất gia, thọ đại giới hay có pháp danh mới, như giới luật hiện đại. (đặc biệt thời xưa không có pháp danh bắt đầu bằng Thích hay Thích nữ ). Tuy vậy các vị thiền sư ngày xưa luôn luôn là sống độc thân.
Phải sống bên cạnh vị thầy của mình để theo học cho tới khi sáng đạo, vị thầy mới cho ra du hoá. Đây cũng là áp dụng phương thức: nghe nhiều từ chính vị thầy của mình mà thôi. Rồi suy gẫm, ghi nhớ và thực hành. Sống trong chốn thiền môn, cùng với thầy và tăng chúng, có nghĩa là:
- Cắt đứt quan hệ gia đình, ly gia cắt ái.
- Cắt đứt kiến thức thế gian, không xem sách ngoài đời, không tham gia ca hát, rong chơi.
- Trau dồi phẩm hạnh: nhẫn nhục, nhường nhịn, làm công việc chùa, giữ nề nếp sinh hoạt đúng giờ giấc.
Vì thế được tu học trong một chốn tùng lâm, có cây cỏ, vườn rừng, có thầy, có bạn cùng tu, có pháp thích hợp, là những duyên thuận lợi cho một hành giả thiền. Vì thế trong Thiền có câu:
“Hổ ly sơn, hổ bại,
Tăng lìa chúng, tăng tàn”.
Kết luận hành trình của ngài A Nan trong đời này (không kể những công hạnh của vô số kiếp trước ) có thể tóm tắt như sau:
- Chọn thầy đúng, chọn pháp đúng. (Phải có trí tuệ).
- Thường lắng nghe pháp nơi thầy của mình và các vị huynh trưởng.(Phải siêng năng, khiêm nhường, có chí cầu tiến )
- Ghi nhớ kỹ, lặp lại nhiều lần.(Phải tinh tấn, chú tâm, trí nhớ tốt)
- Suy gẫm thêm, quán sát thâm sâu ( Có trí tuệ, chánh niệm và tỉnh giác)
- Thông hiểu tất cả pháp. (Có trí tuệ)
- Diễn nói lưu loát, chính xác, mạch lạc về pháp.(Có khả năng trình bày, trầm tĩnh, có đầy đủ oai nghi tế hạnh)
Các bạn ơi, đây là một tấm gương sáng, một con đường tu học mà ngài A Nan gởi gắm lại cho đời. Con đường của trí tuệ, cũng dẫn hành giả tới giải thoát.
Thiền viện, 25- 5- 2022
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời
Bài 16: TRÍ TUỆ CHIẾU SÁNG