Mình có tình cờ xem một video trình bày một ngày vui chơi, như là lễ hội, tại một bãi biển ở quê nhà. Thấy toàn người và người, hầu hết là thế hệ trẻ, trung niên, đã trưởng thành, trẻ em rất ít, người già cũng không thấy đâu. A, người già đã rơi rụng hết rồi sao? bây giờ là thời đại của con mình, của cháu mình. Họ đang có sức khỏe, đang có trí sáng, đang cống hiến tài năng cho đất nước, đang gánh cái gia đình của mình. Và hôm nay, được mấy ngày nghỉ lễ, phóng về miền biển vui chơi thỏa thích.
Bãi biển vẫn là bãi biển cũ, cũng mây trắng, cũng trời xanh, cũng dãy cát trắng, cũng hàng cây dừa mà sao ngày thường vắng lặng đìu hiu, nghe gió thổi lồng lộng, nghe tiếng sóng vỗ bờ trầm buồn. Hôm nay bãi biển sống động, tưng bừng, như đẹp hẳn lên. Áo xanh áo đỏ, trẻ em chạy nhảy, nô đùa, nhấp nhô trong sóng nước, tiếng cười vang vang. Thanh niên nam nữ người xuống nước, người nắm tay nhau đi dạo trên cát, ngắm nhìn, chụp hình, quay phim, ăn uống, cuời nói. Tất cả, tất cả như một bức tranh, sống động, một bức tranh đời thiệt là đẹp.
Bức tranh đời thiệt đẹp vì không thấy có người nghèo, không thấy có người già, không thấy có người bệnh, trên bãi biển hôm nay. Chỉ thấy toàn là sức sống, mãnh liệt, tràn đầy, hoạt động, hạnh phúc, sum họp gia đình, vui chơi, nhảy sóng.
Rồi khi nắng hết, ngày tàn, nghỉ lễ chấm dứt, trở lại cuộc sống bình thường, nhìn thấy cảnh già, cảnh bệnh, cảnh chết, đối diện công việc trong sở làm, trong tiếp xúc bà con, bạn bè, làm sao còn có những tiếng cười vô tư, tâm tình rộn rã nữa.
Nhớ ngày trước, thầy Không Chiếu có lần giảng một chủ đề rất ấn tượng, thầy nói về Hội chứng con ếch luộc. Hỏi thì thầy cười kha kha, nói ngắn gọn thôi: muốn luộc con ếch, mình cho nó vô nồi nước mát lạnh, nó sẽ thích thú, nằm im thưởng thức, nước ấm lên từ từ, nó vẫn thích thú. Tới khi nước nóng lên, nó sẽ hết nhảy ra kịp nữa. Con người cũng tương tự vậy, bị lậu hoặc cám dỗ, thích thú rồi chết chìm trong lậu hoặc luôn.
Cái biển đời cũng nhấn chìm mình, mình đâu khác gì con ếch. Tại sao kinh sách thường so sánh cuộc đời như biển, thường đặt tên biển đời, biển ái, biển tình, biển khổ, biển luân hồi, biển sinh tử? Mà không nói là núi? Chắc là vì biển có sức cám dỗ hơn, vì nước biển mát mẻ, mềm mại, trong trẻo, trong mùa hè nóng bức, chúng ta thường thích đẳm mình trong làn nước mát lạnh. Có khi mình quên đáy biển thâm sâu, hụt chân cũng chết, có khi gặp sóng mạnh đẩy vào ghềnh đá cũng chết, có khi vui chơi quên là sóng mạnh cuốn ra xa bờ, cũng chết. Nói gì tới những dãy nhà giàu đẹp lộng lẫy dọc bờ biển, một trận sóng thần là cuốn trôi hết. Cũng không khác với chuyện con ếch luộc.
Một người bắt đầu ra đi làm việc, bắt đầu lập gia đình, chúng ta thường cho là người đó bắt đầu bước vào biển đời, tức là bắt đầu nếm tất cả hương vị cuộc đời: có vui, có khổ, mà dư vị là khổ mà thôi.
Đức Phật là một người đã ra khỏi biển khổ, đang đứng trên bờ an toàn. Ngài giảng pháp, như một trận mưa, rơi bình đằng, khắp nơi. Ai tiếp nhận được như thế nào là do căn cơ của mỗi người. Người có trí thì tin hiểu, từ biển khổ, bước lên bờ lập tức. Người căn cơ trung bình thì nghe hiểu, bơi từ từ vào bờ. Người không nghe, không tin, thì cứ lặn hụp hoài trong biển khổ. Đức Phật dù có thần thông, nhưng cũng không thể cứu người này, vì sao? Dù có đưa tay ra vớt người này lên bờ, người này cũng nhảy xuống biển trở lại mà thôi, vì biển của người ấy là biển lậu hoặc, là đam mê ham thích làm sao từ bỏ được.
Các bạn ơi, chúng ta đã vui chơi, đã ngụp lặn trong biển đời bao nhiêu năm qua rồi. Trải qua 50, 60, 70, 80 năm tháng dài lặn hụp trong biển đời. Có người đã xuôi tay chịu thua, có người đã mệt mỏi, có người đã bỏ biển đời mà đi biền biệt, chúng ta còn sống tới ngày hôm nay, mau mau bước lên bờ, các bạn ơi, nếu chần chờ sẽ không còn kịp nữa. Nào đâu là tóc xanh, nào đâu là môi hồng, nào đâu là nhiệt huyết, bây giờ chỉ còn nương tựa nơi Tam Bảo mà thôi. Tam Bảo vẫn thường trụ trên thế gian, vẫn che bóng mát cho thế gian, chúng ta nhận thấy rõ như vậy, thì biển đời sẽ trở thành biển từ bi, biển trí tuệ, nước trong veo, trong lành. Bấy giờ, mình sẽ được thấm đẵm với nước mát lạnh của từ bi và trí tuệ, dòng nước tuôn chảy từ tâm của mình hòa nhập vào dòng nước biển từ bi và trí tuệ muôn đời của Tam Bảo.
Nói biển đời trở thành biển từ bi và trí tuệ, tưởng là có hai biển khác nhau hay là có hai phẩm chất khác nhau. Không, nó chỉ là một. Cuộc đời nó vẫn là như vậy, không có thay đổi. Muôn đời, cuộc đời vẫn sanh khởi, trong phút chốc lại biến đổi đi, trở thành cái khác. Cái khác này rồi cũng hoại diệt trở thành cái khác nữa. Tức là những cảnh vật luôn luôn xuất hiện, rồi thay đổi, rồi thành ra cái khác. Thế gian này chỉ hiện hữu trong từng sát na thời gian, xanh đỏ tím vàng, thoắt ẩn thoắt hiện, mờ mờ ảo ào, không khác gì những cái bong bóng nước, ảnh hiện đủ màu sắc rồi biến mất.
Thế gian vẫn như vậy, nhưng thay đổi là do tâm của mình. Cái thấy của mình nhìn thế gian khác đi. Khi chúng ta chấp nhận sự kiện sanh diệt không ngừng của cuộc đời là một định luật thì ta không còn bị lệ thuộc vào sự sanh hay diệt nữa. Sanh ra không vui mừng thì diệt mất sẽ không buồn khổ. Sanh hay diệt chỉ là những từ ngữ con người đặt ra, nó không có thật. Vì trong sanh đã có cái nhân của diệt rồi, trong diệt đã có cái nhân của sanh. Tương tự sanh là nhân, diệt là quả. Diệt cũng là nhân, và sanh lại là quả nữa. Cái vòng lẩn quẩn này là nguyên lý bí ẩn thành lập thế gian và con người.
Hiểu như vậy rồi thì ta biết cả thế gian và con người, cả chính ta nữa, đâu có gì bền chắc. Vậy thì đừng có nắm bắt cái gì trong đời nha các bạn. Dù mình không buông ra, nó cũng tuôn ra khỏi tay ta thôi.
Nhưng có một cái không xa rời mình, đó là cái tâm, tâm đời thì tái sanh để tiếp tục lặn hụp trong biển ái, biển khổ; nếu là tâm trong sạch thì tiếp tục tu học cho tới khi hoàn hảo là bước lên bờ. Bấy giờ trên bến bờ bình an, thấy ai giơ tay vẫy gọi, ta mới tới cầm tay dắt lên bờ. Còn những ai mải mê đắm đuối trong sóng nhấp nhô, thì ta có làm gì hơn nữa được đâu, phải không các bạn ơi!
Thiền viện, 15- 5- 2022
TN