Ta là Người, Người là Ta
* Hỏi: Tôi không hiểu ý nghĩa của câu "Theo cái nhìn duyên sinh thì "Ta là người, Người là ta". Nhờ các anh chị giải thích dùm. Rất cám ơn.
Ý kiến đóng góp
- TS Khánh Hạnh: Theo tôi, câu này có lẽ muốn nói vì cả ta và người đều là vô ngã, không có tự tánh, nên không có sự khác nhau.
Hơn nữa, có thể nó cũng muốn nói là thân thể người này bề ngoài không giống thân thể người kia nhưng ai cũng có chừng đó lục phủ ngũ tạng, có chừng đó số xương xóc lớn nhỏ để cho các bắp thịt bám vào và vận động, di chuyển được. Ngoài ra, những qui luật vận hành của cơ thể vật lý đều giống nhau giữa những con người khác nhau.
Về tâm cũng vậy, những qui luật vận hành của tâm 2 người đều giống nhau. Ví dụ, tâm của kẻ phàm phu (chưa đạt đến quả vị A-la-hán, nghĩa là tâm chưa giải thoát) thay đổi theo duyên (vô ngã, vô thường, như trên đã nói), nghĩa là duyên lành thì tâm hiền thiện, duyên không lành thì tâm bất thiện dễ sinh khởi.
Có lẽ vì những lý do vừa kể trên mà có câu “Ta là người, người là ta” chứ trên thực tế ai cũng thấy là con người không giống nhau về 3 yếu tố: 1/ Tiền nghiệp, 2/ Khuynh hướng tâm lý, 3/ môi trường sống.
- Tiền nghiệp: khiến con người được sinh ra có tâm không giống nhau, thân không giống nhau.
- Khuynh hướng tâm lý : có quan hệ đến tiền nghiệp nhưng không phải hoàn toàn được quyết định bởi tiền nghiệp mà phần nào cũng chịu ảnh hưởng của môi trường sống, khuynh hướng tâm lý cũng có ảnh hưởng lên thân vật lý của mỗi người.
- Môi trường sống: có quan hệ đến tiền nghiệp, có ảnh hưởng lên khuynh hướng tâm lý và lên thân vật lý của con người.
Dù sao, theo tôi, quan niệm “Ta là người, người là ta” cũng có sự hữu ích của nó, đó là nó giúp ta phát triển được tâm từ rộng lớn (tâm từ - tiếng Pali gọi là metta- là sự tử tế, bao dung đối với muôn loài). Tâm từ rộng lớn thì không những bản thân ta cảm thấy hạnh phúc mà còn làm cho tha nhân cũng được hạnh phúc, yên lành.
- TS Thanh Bạch: Mỗi con người đều cấu tạo bởi ngũ uẩn do sự kết hợp bởi 5 nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Vì vậy cái ta hay bản ngã là không có thật, chỉ là giả, là tạm có. Bởi thế, mọi chúng sanh đều như nhau, vì cái "ta" của mỗi người là không thật có.
- TS Hồng Nhung: Con người gồm có thân (cấu tạo bởi đất nước gió lửa) và tâm (gồm thọ tưởng hành thức) nên thay đổi luôn luôn, vì thế chúng là vô thường. Bởi thế nên tuy rằng có sự khác biệt giữa ta và người về hình dáng, suy nghĩ nhưng thật ra bản tánh chân thật của mỗi chúng ta đều giống nhau.
- TS Celine: Đức Phật có dạy "Cái này có thì cái kia có, Cái này không thì cái kia không, Cái này sinh thì cái kia sinh, Cái này diệt thì cái kia diệt", nghĩa là theo lý duyên sinh, không ai có thể tự sống một mình được, mà mọi người trong một xã hội cần phải nương tựa nhau để tồn tại.
- TS Thu Lương: Con người gồm có thân và tâm. Thân thì cấu tạo bởi đất nước gió lửa (nên không thường hằng) và tâm thì vô thường (cũng thay đổi luôn luôn). Nhìn hình tướng bên ngoài ta cho rằng ta và người khác nhau nhưng thật ra chúng sanh ai cũng có bản thể thanh tịnh như nhau.
- TS Như Chiếu:
"Ta là người. Người là ta". Điều này thoạt nghe qua xem chừng là vô lý, bởi ta, với tướng mạo thế này thì làm sao có thể là người, với hình hài thế kia? Những suy nghĩ trong đầu ta, làm sao có thể giống với tâm tư, ý tưởng của người? Bao nhiêu con người trên thế gian này là bấy nhiêu sự khác biệt cả về hình tướng bên ngoài lẫn nội tâm tư tưởng bên trong.
"Ta là người. Người là ta". Để có thể thấu hiểu liễu nghĩa của điều này, chúng ta cần có cái nhìn nhân sinh quan theo quan điểm của Phật giáo:
- Theo đạo Phật, mọi sự vật có mặt trên thế gian đều do nhiều điều kiện yếu tố nhân duyên hợp thành, chứ không thể tự sinh ra, tự tồn tại và tự hoại diệt. Thân thể con người gồm có hai phần là thân và tâm. Thân có hình dáng nên gọi là sắc uẩn và tâm gồm có thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Ngũ uẩn còn được gọi là “ngũ thủ uẩn” nghĩa là năm đối tượng của sự chấp thủ, tham ái. Vì thế ngũ uẩn là nguyên nhân của biết bao nỗi khổ niềm đau của con người qua nhiều đời nhiều kiếp. Như vậy, cái ngã, cái "ta" là không có, mà chỉ là một tập hợp của ngũ uẩn mà thôi, nên luôn thay đổi và sinh diệt.
- Ý nghĩ cho rằng có "ta" và "người" - là những đơn vị độc lập hoàn toàn không phụ thuộc vào nhau - là Vô minh. Vì vô minh nên chúng ta luôn suy nghĩ và hành động theo quan niệm rằng có "ta" và có "người", từ đó dẫn đến có "cái của ta". Để rồi con người luôn làm đủ mọi cách để bảo vệ, bênh vực cái "ta" và "cái của ta". Khi ai cũng sẵn sàng bảo vệ "ta" và "cái của ta" thì sẽ dẫn tới xung đột, và khi có xung đột thì có khổ.
- Trong bài thuyết giảng đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như, Đức Phật đã nêu lên Bốn chân lý cao quý (Tứ diệu đế) và trong chân lý thứ nhất (Khổ đế), Đức Phật đã nói rõ khái niệm về khổ đau - điều mà dù có hay không có Đức Phật ra đời thì con người vẫn phải gánh chịu.
- "Đời là bể khổ" bởi vì mọi vật đều vô thường. Chúng sanh luôn muốn nắm giữ "cái của ta", muốn sỡ hữu chúng mãi mãi. Vì thế khi vô thường đến, con người không chấp nhận sự mất mát cho nên đau khổ. Nỗi khổ đau ấy nhiều đến nỗi Đức Thế tôn đã thốt lên "Nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả".
Có tám loại khổ mà con người phải gánh chịu: 1- khổ vì sinh, 2- khổ vì lão, 3- khổ vì bệnh, 4- khổ vì tử, 5- khổ vì phải xa cách những người mình yêu mến (ái biệt ly), 6- khổ vì phải ở gần những người mình không thích (oán tăng hội), 7- khổ vì không có được những gì mình muốn (cầu bất đắc), 8- khổ vì phải mang tấm thân ngũ uẩn này
Đức Phật với tâm bình đẳng đã dạy: "Nước mắt nào cũng có vị mặn. Máu nào cũng có màu đỏ thì khổ đau nào cũng giống nhau". Giống nhau bởi nỗi khổ nào cũng khiến con người đau đớn về thân hoặc dày vò tâm trí, ảnh hưởng tâm sinh lý và hao mòn sức khỏe.
- Chúng sanh còn vô minh nên còn khổ. Muốn hết khổ thì cần phải buông bỏ tâm phân biệt "Người và Ta". Thân ta gồm đất nước gió lửa, còn thân người cũng từ phong thủy hỏa đại mà ra. Khác gì nhau? Nếu thế thì còn ganh đua, giết hai nhau mà làm gì? Tranh dành danh lợi, tiền tài, tình yêu, địa vị để mà chi? Tất cả chỉ là phù du, huyễn ảo, có đó mất đó. Khi ra đi nào có mang được gì theo? Người nghèo chịu khổ mà người giàu cũng khóc.
- Đức Phật có dạy rằng mọi chúng sanh đều có Phật tánh và mỗi chúng sanh đều là một vị Phật sẽ thành. Điều này có nghĩa là chúng ta ai ai cũng đều có tánh giác sáng suốt nhưng vì mê lầm không nhận ra nên cứ mãi ngụp lặn trong biển khổ. Bởi mê lầm nên cả đời con người cứ chạy tìm hạnh phúc ở bên ngoài, nào ai ngờ viên ngọc quý lại đang nằm "trong chéo áo".
- Chúng sanh sống với thân này mà thân này là do duyên hợp nên tạm có, khi duyên tan thì thành không. Thế mà chúng ta lúc nào cũng sợ mất nó, cả đời cứ lo phụng dưỡng nó, bảo vệ nó, còn cái tánh giác chân thật thì lại không hay biết, trong khi đây lại chính là năng lực tiềm ẩn thôi thúc sự giác ngộ cho mỗi con người. Chúng ta đều có khả năng giác ngộ để chuyển hóa mê lầm.
Kết luận
- "Ta là người", ai cũng như ai, cơ thể đều được cấu tạo bởi ngũ uẩn, do nhiều điều kiện yếu tố nhân duyên mà hợp thành. Thế nhưng con người lại cứ chấp ngũ uẩn này là thật, cho đó là ta. Từ đó phát sinh tâm phân biệt ta và không phải ta (người), do đó dẫn đến có "cái của ta" và "không phải cái của ta". Và khi ai cũng bênh vực ta, cái của ta thì sẽ nảy sinh xung đột và rồi sẽ đau khổ.
- "Người là ta", ai cũng như ai, đã mang thân ngũ uẩn thì cũng đều đau khổ. Đức Thế tôn đã từng dạy "Nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước sông Hằng" để cho chúng ta hiểu rằng mình đã lặn ngụp trong luân hồi nhiều đời kiếp, nay được làm thân người thì phải biết quý mà dốc lòng tu tập. Khổ đau lớn nhất của kiếp người là mãi trôi lăn trong luân hồi sanh tử. Giải thoát tối hậu là ra khỏi luân hồi.
- "Ta là người", ai cũng như ai, cũng đều vô minh. Chính vì vô minh mà "Ta và người" cả đời cứ mãi lo cung phụng thân xác này, chạy theo bao vọng tưởng, tạo bao nhiêu nghiệp xấu ác trong nhiều đời nhiều kiếp và bởi thế mà phải lặn ngụp trong sinh tử luân hồi.
- "Người là ta", ai cũng như ai, cũng đều có Phật tánh, có tiềm năng giác ngộ để chuyển hóa mê lầm. Ai cũng như ai, cũng đều là một vị Phật sẽ thành.
- Người xưa có câu "Thương người như thể thương thân", ý khuyên rằng chúng ta hãy mở lòng thương yêu và giúp đỡ đồng loại. Huống hồ chi đã là người con Phật, chúng ta càng cần hiểu biết các khái niệm về bản ngã, về cái ta, về duyên sinh, về ngũ uẩn và về khổ. Có thế, chúng ta mới có thể hiểu được chân nghĩa thế nào là "ta là người, người là ta".
==> Hiểu chân nghĩa "ta là người" thì người phật tử mới có thể phát tâm từ bi, thương người như thương ta. Ta là người, nên ta có thể thông cảm với nỗi đau của người, có thể tùy hỷ theo niềm hạnh phúc của người.
==> Hiểu chân nghĩa "người là ta" thì người phật tử mới có thể bớt dần bản ngã, để mở lòng ra lắng nghe, học hỏi từ người khác, để có thể nhẫn nhục khi tự ái của cái ta bị đụng chạm.
Vì thế cho nên thương người là thương ta, giận người là giận ta. Người khổ ta đau. Người vui ta hoan hỷ. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta yêu thương mọi người hơn và sống một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc hơn.
Như Chiếu
Tóm tắt phần "Cùng nhau Thảo luận"
(ĐT Montreal)
Send comment