1. Diệu Hợp: Qua quá trình nghỉ việc 6 tháng ở nhà vì dịch bệnh nên chỉ tập trung tu tập và khi trở lại làm việc thì nhận thấy mình thay đổi nhiều lắm. Điều thứ nhất nhận ra là người tu cần có một thời gian để nhập thất, qua thời gian nhập thất đó giúp mình sáng ra nhiều điều lắm. Điều thứ hai, khi trở lại làm việc thì nhận ra là để sự tu tập của mình được dễ dàng thì lúc nào cũng ở trong chánh niệm, trong chánh niệm không phải là không nói suốt ngày, nhiều khi mình cũng có nói, nhiều khi mình cũng phải dùng vùng tiền trán vì mình còn phải tiếp xúc với xã hội nên vẫn phải sử dụng ý thức để biết làm những điều tốt, đối xử với bạn bè hoặc tất cả hành động gì mình phải làm tốt. Nhưng lúc nào mình cũng quay lại nhìn cái tâm của mình, tự mình biết để sửa đổi cái tâm của mình để làm điều tốt, như mình gieo quả tốt thì gặp điều tốt. Thành ra trong cuộc sống thấy thoải mái. Còn một điều là sanh, lão, bệnh, tử thì ai cũng bị hết, nhưng mình phải cố gắng làm những gì tốt nhất, như ăn uống lành mạnh, phải tập thể dục để chống chọi lại bệnh, còn bệnh thì là chuyện của bệnh, nhưng không buông xuôi cho là sanh lão bệnh tử rồi thôi kệ nó cho đến đâu thì đến. Về thân xác thì tập thể dục, còn về tâm thì giống như Thầy Cô dạy là khi mình vào định nếu bệnh chỗ nào thì gá ý chỗ đó, trường hợp kinh nghiệm cá nhân khi bị bệnh thì không lo gì hết, cứ tập thể dục đều đặn mỗi ngày, khi thực hành thiền vào định thì gá ý vô chỗ bệnh, và sau một thời gian thì bác sĩ chuyên khoa cho biết kết quả bình thường lại hết. Cuộc sống bây giờ vui vẻ. Nhận thấy qua thiền định lấy năng lượng tự chữa bệnh cho mình. Đó là kinh nghiệm xin được chia sẻ.
2. Tâm Hòa: Chia sẻ kinh nghiệm tu tập hàng ngày. Trước hết phải có kỷ luật với sự tu tập thì mới đạt được mục đích của mình. Bây giờ nhờ tu tập rồi cũng có những nhận thức mới, những thay đổi lớn về tinh thần và thể chất của mình. Mặc dù theo thuyết nhà Phật là sinh lão bệnh tử nhưng khi chấp nhận thì mọi lo sợ, diễn biến trong cơ thể và các hoạt động thế gian không làm mình sợ hãi nữa. Qua những biến cố về sức khỏe của mình, mình càng nhận thấy sự thay đổi lớn trong sự tu tập của mình, chẳng hạn như là vừa rồi bị áp huyết rất là cao, tuy mệt nhưng mà bình tĩnh thoải mái từ lúc ở nhà lên xe cấp cứu đến bệnh viện. Nhờ sự tu tập nên ở trong hoàn cảnh nào tâm của mình rất là yên, dù chỉ là ngồi ở cái ghế trong khu cấp cứu ở bệnh viện 6-7 tiếng mà vẫn không có bác sĩ khám, nhất là trong thời Covid không có giường cho nằm. Nhờ thiền như vậy nên mình thấy những bài học, những lời dạy về Phật pháp giúp tâm của mình rất là yên không bực dọc, tâm tĩnh lặng không lo sợ, không giận không nóng bực mà ngay lúc đó quay về thân tâm của mình thấy rất rõ ràng những gì diễn biến trong cơ thể của mình, vì thế tuy không được cho thuốc gì hết mà áp huyết của mình từ từ xuống, nên bệnh viện cho về. Ngày hôm sau áp huyết lại tăng cao phải quay lại bệnh viện, lần này ngồi ở bên ngoài mà thiền luôn thành ra thấy thời gian đi qua rất nhanh mà không còn thấy mệt nhiều như hôm đầu. Từ đây có kinh nghiệm, thí dụ khi không ngủ được thì ngồi dậy thiền bất kể lúc nào trong đêm, thời gian không còn là vấn đề vì lúc nào mình ở trong thiền thì tâm của mình cũng yên và sức khỏe cũng phục hồi rất nhanh. Đến hôm nay huyết áp ổn định, ăn uống ngon miệng và lúc nào cũng quay về thực tại của thân tâm thấy bình an yên lặng không lo lắng trong giai đoạn đợi chờ kết quả xét nghiệm để tiếp tục việc chữa trị. Do đó muốn chia sẻ kinh nghiệm là thiền rất là lợi lạc. Ít nhất là phải hiểu rõ chữ 'thiền'. Thiền là không lời, không vọng tưởng. Trong thiền quán, nếu tách hai chữ này ra để tìm hiểu thì 'quán' là thực hành trong cuộc sống khi nhìn hiện tượng thế gian theo tâm của mình, còn mình có 'thiền' hay không là chuyện khác. Khi ghép chữ 'thiền' và 'quán' chung với nhau nghĩa là không có suy nghĩ vọng tưởng, không có lời nói khi tâm quan sát hiện tượng thế gian thì mới gọi là' thiền quán'. Còn thiền chỉ cũng vậy, thí dụ như ăn chỉ biết ăn, nhai biết nhai mà tâm của mình không nói cái này ngon cái kia không ngon. Từ kinh ngiệm ngồi trong bệnh viện, mình thấy rõ thiền quan trọng. Trong một lúc bất chợt mình hoàn toàn không suy nghĩ, trống không, dù vẫn nhìn thấy chung quanh nhưng cảm nhận được không còn mệt mỏi gì cả, không còn lo lắng sợ sệt gì cả, tâm hoàn toàn yên. Theo những bài Ni Sư và Thầy dạy ngày xưa, hoặc khi nghiên cứu lại những lời Tổ dạy "bất lập văn tự", hay là Thầy dạy 'Không Nói' , thì bây giờ mới hiểu những điều đó thực sự là thiền, vì khi ngồi yên rồi không có bất cứ suy nghĩ gì trong đầu thì tâm rỗng lặng. Thiền là một ông thầy thuốc vĩ đại. Cám ơn Đức Phật và Tổ đã cho mình hiểu biết về Thiền là bài học quí giá mà mình vẫn tiếp tục cố gắng tập ở bất cứ lúc nào, chỗ nào, bất cứ điều kiện nào, khi quay về lại tâm mình tự nhận biết trong trạng thái không nói, không khởi lên niệm gì cả, thì tâm thoải mái, nhẹ nhàng, yên lặng, thanh tịnh, có một cái gì đó không thể diễn tả được. Có bấy nhiêu lời chia sẻ thế thôi với mọi người.
3. Như Nga: Từ trước tới nay mình vẫn thực hành thiền, nhưng từ khi anh K bị bệnh như vậy thì mình lấy hết thời gian đọc lại những bài vở và những cuốn sách của Thầy. Nhớ Thầy nói là có học mà không có hành là trướt quớt, thành ra bây giờ mình quyết tâm làm theo cách của Thầy là gìn giữ sáu căn bằng cách vô ngôn, nghĩa là không phóng tâm duyên theo ngoại cảnh thì tâm mình sẽ yên tĩnh, rồi mình bố trí thời giờ tu tập. Bảy ngày trong tuần, mỗi ngày 50 phút tập khí công, dịch cân kinh đều đặn không bỏ, tọa thiền buổi tối và sáng, bất chợt lúc nào không ngủ được thì ngồi thiền. Kết quả là không thấy tâm giao động như hồi trước. Nhận ra đối diện với hiện tại, ở đây và bây giờ rất là quan trọng, việc gì tới thì tới không nghĩ xa xôi. Ngoài ra việc trông hai cháu cũng giúp mình vận động và chân tay không run nữa. Giữ tâm yên lặng cũng có nhiều cách qua những công việc chung quanh mình. Luôn nhớ câu của Thầy nói "có học phải có hành, phải ngồi thiền, không thực hành là trướt quớt". Thêm vào đó mình ôn lại những bài Cô giảng ở chùa TL thật là xuất sắc. Khi tâm yên lặng thì mình đọc những cuốn Bài đọc thêm của Thầy rất có giá trị cô đọng làm sáng lên những bài giảng của Cô nữa.
4. Diệu Hạnh: Mỗi buổi sáng tôi tập ngồi thiền nửa tiếng, nhưng nói chung vọng tâm vẫn còn. Chỉ có điều đáng nói là cảm thấy sức khỏe tôi đỡ mặc dù ngày càng lớn tuổi do mình không suy nghĩ nhiều. Nhưng cũng có đôi lúc trầm cảm lắm, thấy cuộc đời mình tuổi càng lớn lại cô đơn thì rất là buồn. Nhờ có những người bạn đạo ở chùa giúp mình làm những việc từ thiện và khi đi chùa thì cũng sám hối một tháng hai lần để cho tâm mình được bình yên vậy thôi. Tôi cũng có đọc những bài của Thầy Cô nhưng không hiểu nhiều lắm, có những câu hỏi tôi không hiểu gì hết trong đó. Lúc trước theo đạo mà tôi không biết đạo là cái gì hết trơn, chỉ biết khổ quá rồi vô chùa quy y vậy thôi nhưng bây giờ càng ngày tôi thấy tâm tôi sáng ra hiểu cuộc đời là vô thường, sinh lão bệnh tử là mình phải chịu thôi, lúc trước còn trẻ mình cũng tạo nghiệp dữ lắm, thành ra bây giờ phải ăn năn sám hối, cũng vì mình không biết nên mình mới tạo nghiệp, nếu mình biết thì mình cũng không dám tạo đâu. Gieo nhân mà mình không biết cái quả nó đến thành ra mình cứ gieo, thành ra bây giờ quả đến làm mình rất là khổ là vậy đó. Bây giờ lớn tuổi rồi thì sống tịnh tâm thôi, ngồi thiền đỡ lắm, tôi cảm thấy sức khỏe tôi khá, bớt đau nhức. Lúc trước tôi có hỏi quí thầy thiền là sao, nhưng quí thầy không trả lời, rồi đến khi gặp NH nói về thiền và tôi đi theo, từ đó cảm thấy là chắc lúc trước mình cũng có nhân tu, lúc trước thắc mắc về thiền thì bây giờ lại gặp người bạn hướng dẫn mình về thiền, thành ra rất cám ơn Ni Sư và quí vị đã chia sẻ những kinh nghiệm. Nếu khi tọa thiền được tốt thì tôi thiền hoài, còn như 15 phút được rồi lại có vọng tâm khởi lên phải kéo lại vậy thôi, nhưng cũng ráng được nửa tiếng, còn nếu thiền chung với quí vị thì tôi thực hành được hơn nửa tiếng. Cám ơn quí vị. Tôi có câu hỏi: Tại sao tôi không dùng được cái từ "Không Nói" khi tôi ngồi thiền. Khi thiền hành thì tôi sử dụng kỹ thuật 'KN' được, còn khi tọa thiền tôi không dùng được cái từ "Không Nói" chỉ nói "A Di Đà Phật' thôi.
5. Ngọc Vân: Bây giờ thấy có tiến bộ là lúc nào cũng biết quay lại với chính mình và để cho cái đầu trống rỗng không có nói gì. Mặc dù mình đang đi làm hay làm bất cứ việc gì đó mà trong tâm khởi lên "Bây giờ không suy nghĩ", rồi khởi lên không nói là nó quay về được, có nhiêu đó thôi mà mừng lắm vì ngày xưa không làm được. Bây giờ tiến bộ là khi nói KN là nó không nói liền. Xin hết.
6. Như Huyền: Bài viết của Ni Sư rất nhiều, đọc bài nào cũng thấy tâm ý hết. Có những bài NH đọc thấy rất là xúc động nhưng không nhớ rõ bài nào. Mỗi bài của Ni Sư đều có những bài học cho chính mình. Nói chung qua những bài học của Ni Sư, NH tóm lại là Ni Sư dạy cho mình con đường tu là làm sao lúc nào mình cũng quay lại cái tâm của mình để mình nhận thấy là mình không có tham, không có sân, không có si và trong tâm mình không có pháp bất thiện. Đó là những gì NH lúc nào cũng thực hành. Kinh nghiệm của NH lúc đầu khi ngồi thiền sử dụng 'Không Nói', thì tâm không yên, mình nói 'KN' mà nó vẫn nói như thường, có khi nói nhiều hơn. Sau này thực tập theo như Ni Sư dạy là theo con đường thiền huệ biết bây giờ và ở đây, lúc nào cũng quay về cái tâm của mình. Từ từ thấy tâm của mình cũng an, và bây giờ NH có thể ngồi thiền được không phải theo thời khóa biểu, khi cần thì ngồi xuống và có được an lạc. Cũng có khi ngồi thiền không thấy an lạc thì biết là cái tâm mình hôm nay như vậy, không an thì biết không an. NH thấy có sự chuyển đổi trong mình. Xin hết.
Hội TTK Ontario.
Toronto, tháng 3 năm 2022.