Qua việc đọc những sách về Phật pháp và học những khóa tu của Ni Sư dạy, Thanh Ánh nhận ra:
1. Tam Bảo ở trong ta.
Tam Bảo là ba ngôi báu, cũng là ba nền tảng chính của Phật giáo: Phật, Pháp, Tăng. Bình thường theo đa số khi nói đến Phật là ta nghĩ ngay đến một tượng Phật có hình tướng để lễ lạy. Pháp là những lời Phật dạy hay kinh điển. Tăng là những vị Thầy hướng dẫn, mang những lời Phật dạy đến mọi người hầu giúp mọi người giác ngộ, thoát khổ và giải thoát. Nếu hiểu như vậy thì quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phật Pháp Tăng ở bên ngoài thân và tâm ta.
Để nâng cao tầm tu tập, ta hiểu tu tập là sửa tâm, là tự trở về với chính tâm mình, trở về với Phật Pháp Tăng ở trong chính mình. Đó là quy y Tam bảo của tự tâm vì Phật là Giác, Pháp là Chánh Kiến, Tăng là Thanh Tịnh.
Như vậy:
Quy y Phật là nương tựa Giác vốn sẵn trong ta. An trú trong Phật tánh nơi ta. Không còn vọng tưởng mê lầm.
Quy y Pháp là nương tựa Chánh kiến trong ta. Thấy biết như thật, luôn có chánh niệm.
Quy y Tăng là nương tựa Thanh Tịnh trong ta: không còn phiền não, ái dục, không bị trói buộc.
Nhận ra những điều trên, thì thực hành tự quy y tâm Tam Bảo của mình.
2. Ta tiếp cận được Tam Bảo qua thiền như thế nào?
Làm sao ta có thể tiếp cận Tam Bảo trong tâm?
Khi thiền, mình quay lại với tâm mình, biết những lúc tâm khởi niệm hay tâm tĩnh lặng là điều Ni Sư thường nhắc nhở.
Thêm nữa trên bước đường học đạo để sự tu tập có kết quả chúng ta cũng cần có giới định huệ: Giới: ngừa làm điều quấy giúp đường tu an toàn; Định chính là tâm thanh tịnh. Huệ giúp tâm sáng suốt. Định huệ phải đồng thời, cả hai không rời nhau. Giới Định Huệ cần cho sự tu tập của chúng ta.
Tóm lại, tự quy y Tam Bảo trong tâm mình qua thiền:
1. Giác: Giữ niệm biết. Tâm trống rỗng.
2. Chánh kiến: Tuệ tri như thật.
3. Thanh tịnh: Tỉnh thức biết không lời.
Thực tập thiền và luôn Quy Y Tam Bảo trong tâm mình như vậy thì việc tu học được tinh tấn và có kết quả tốt.
Thanh Ánh
Hội Thiền TK Ontario, Canada