TÂM NHƯ CON THÚ RỪNG
Mời các bạn xem lại đoạn kinh về Tôn giả Bhaddiya, đi tới khu rừng vắng, ngôi nhà trống...thường nói lời cảm hứng “ Ôi, an lạc thay!”. Khi Đức Phật hỏi vì sao, Tôn giả đã diễn tả tâm của mình “lắng dịu nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng”.
- Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng "... an lạc thay! ".(Phẩm Mucalinda KINH PHẬT TỰ THUYẾT- Nikāya)
Chúng ta thử suy gẫm xem theo ý của ngài Bhaddiya, diễn tả tâm của mình: “tâm như con thú rừng” là sao. Chính ngài Bhaddiya đã nói gọn một lời cảm hứng “An lạc thay!”
Ở trong đời, tâm trạng của ngài Bhaddiya cũng không phải là đặc biệt hay hiếm có. Chúng ta cứ nhìn chung quanh mình cũng thấy rõ. Trong đời cái gì khiến người ta tranh đua tìm kiếm nhiều nhất? Có phải là tiền bạc không? Không kể những người nghèo phải đổ mồ hôi, có khi cả nước mắt nữa, để kiếm ăn từng ngày, bữa đói bữa no. Ngay cả những người sống dư thừa, giàu có, vẫn chưa vừa lòng, họ cứ mong muốn giàu thêm, cho đời mình, rồi để lại cho đời con, đời cháu nữa. Đã giàu rồi chưa đủ, phải sang nữa, vung tiền bạc ra mua danh tiếng, mua địa vị cao. Hễ có địa vị thì sẽ có quyền lực. Cuối cùng có quyền lực thì sẽ có tất cả: lợi lộc, tiền bạc, danh tiếng, giàu sang phú quý, sắc đẹp, tất cả cuộc đời sẽ chạy theo mình. Những ai chạy theo mình, thường không phải kính trọng hay thương yêu mình, họ chỉ mong hưởng thụ chút ít của rơi rớt, mà nguy hiểm nhất là họ chỉ chờ đợi giây phút mình sơ hở là cướp đoạt ngay cái gì mình đang có.
Ngài Bhaddiya có trí, hiểu điều đó, nên ngay khi đang được hưởng phú quý trong hoàng cung, được người bảo vệ khắp nơi, mà ngài vẫn lo sợ: “con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ.”
Tâm như vậy thì nó tác động vào giao cảm thần kinh hoài, lúc nào cũng căng thẳng hồi họp, hoảng hốt, thì ăn có ngon không, ngủ có yên không, hở các bạn. Mình thử tưởng tượng đi, ăn hay ngủ mà nghĩ tới không biết ở đâu đó có người muốn hại mình, thời xa xưa thì tưởng sẽ có ai đó đâm mình hay chém mình, thì chắc là nuốt cơm, ngay cả cao lương mỹ vị, cũng mắc nghẹn, còn ngủ thì nằm ác mộng hoài. Ngày nay cũng đâu có khác gì ngày xa xưa. Khoa học kỹ thuật có tiến bộ, kẻ xấu có súng, có lựu đạn, có bom, thì người quyền thế, giàu có dùng nhiều phương tiện bảo vệ cũng tối tân hơn. Nhà cửa, cung điện có máy báo động, máy quay hình, cửa kính chống súng đạn, có người bên cạnh bảo vệ, hộ tống v.v...Nhưng chắc gì tâm người này không lo sợ, không bất an? Lâu ngày, sẽ có các hậu quả nghiêm trọng: mất ngủ, trầm cảm, nghi ngờ tất cả mọi người sẽ hãm hại mình, xa lánh xã hội, trở thành hoang tưởng, không có tâm trong sáng, từ bi hỷ xả đối với cuộc đời nữa.
Bệnh hoang tưởng ngày nay là một bệnh thời đại xã hội, mà chính người bệnh không hay biết. Tâm thường xuyên sợ hãi, nghi ngờ tất cả mọi người, sống co rút trong cái tâm tưởng tượng điên đảo của mình, cái thấy và cái nghe mơ hồ, đầy ảo giác, thấy thế giới vô hình, nghe văng vẳng tiếng nói từ trong đầu, xui giục tấn công người khác hay xui giục mình chết đi v.v...
Từ cái tâm thường xuyên bị căng thẳng (stress) và lo âu (anxiety) theo thời gian sẽ trở nên trầm cảm (depression) rồi sẽ là ảo giác hay tâm thần phân liệt (hallucination, Schizophrenia).
Vì thế, nếu ai cũng tham đắm tiền bạc, danh vọng, kết quả ra sao? Người đang nghèo thiếu thốn thì tranh chấp, tranh dành để chiếm đoạt, có khi bất chấp luật pháp và đạo đức, người đang giàu có, danh vọng thì phải tự bảo vệ, hồi họp, sợ hãi. Cả hai loại người này đều ngụp lặn trong khổ đau.
Muôn đời tâm con người vẫn tham đắm “tài, sắc, danh, thực, thùy”, cho nên thời nào cuộc đời vẫn là biển khổ. Chỉ có một số rất ít người nhận ra được “tài, sắc, danh, thực, thùy” là cái bã vinh hoa phú quý, cái bã danh lợi. Bã là những cái dư thừa, nhơ bẩn, bỏ đi, nhưng lại là cái lôi cuốn, dụ dỗ con người vì con người tưởng đó là mục tiêu của cuộc đời.
Ngài Bhaddiya nhận thức rõ như thế, nên ngài đã từ bỏ tất cả, buông xuống cái gánh nặng của đời sống lợi dưỡng trong cung vua, mà chọn đời sống khổ hạnh của một tu sĩ, lang thang không nhà, ngủ dưới một gốc cây, đi khất thực để sống từng ngày, không ai biết mình là ai. Vậy mà tâm ngài thảnh thơi, dù có gió lạnh, có nắng nóng, có mưa dầm, có khi đói khát, nhưng hoà mình với xã hội, hoà mình với thiên nhiên, thuận theo những thay đổi bên ngoài, cái gì đến với mình cũng vui vẻ đón nhận. Tâm thật bình an.
Ngài Bhaddiya diễn tả “tâm như con thú rừng” trong ý nghĩa đó, tâm như con thú rừng được ở trong rừng. Ngày xưa, ngài bị nhốt trong cái chuồng bằng vàng. Tuy cơm no áo ấm, nhiều người vây quanh, tung hô chào đón, nhưng đàng sau mấy cái hư ảo đó, là sự ganh ghét, muốn chiếm đoạt, và sẵn sàng hãm hại. Bây giờ đời sống vật chất của ngài không còn có gì để cuốn hút người đời nữa, nên ngài được buông tha. Tâm ngài thanh thản, thoát khỏi nỗi sợ hãi. Sợ hãi cái gì? Sợ hãi cái chết vì bị hãm hại bất ngờ.
Nhớ lại trong bài Bát nhã tâm kinh, có câu: “Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.”
Bây giờ mình nói tới cái Tâm của ngài Bhaddiya. Sau khi xuất gia, ngài được tu học về những chân lý của cuộc sống: duyên hợp duyên sinh, bản thể trống không, như huyễn mộng mà thôi. Ngài cũng nhận ra con người thiện hay ác, sống hay chết cũng đều như mộng ảo, tâm càng thanh thản hơn nữa. Không còn lo sợ bị hại, dù cho sống giữa núi rừng hoang vắng, hay mỗi ngày lẫn lộn giữa những người xa lạ, có thiện có ác, mà tâm hoàn toàn không còn lo sợ, tới đây tâm thanh thản do trí tuệ, không còn là nhân duyên đời sống vật chất nữa.
Bây giờ, ngài Bhaddiya chiến thắng được nỗi sợ hãi, không những không còn sợ hãi bị người khác cướp đoạt tiền của, mạng sống, với trí tuệ hiểu biết sâu sắc, ngài biết già bệnh và chết là qui luật cố định, tất cả rồi cũng sẽ hoại diệt, nên không sợ hãi nữa. Tâm được an lạc thảnh thơi. Không thấy cuộc đời có chướng ngại, nên không còn sợ hãi, không còn lo nghĩ điên đảo, thì đạt niết bàn. Trong kinh thường nói đức Phật là người “vô úy thí”, ban pháp cho người để người được tâm không còn sợ hãi.
Sợ hãi là nỗi khổ lớn nhất của con người. Sợ gì? Sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ cô đơn, sợ bị ngục tù, sợ bị khinh chê, sợ bị thù ghét, sợ nghèo, sợ đói...
Bây giờ tất cả những nỗi sợ hãi đó không còn, tâm được tự do, thoát ra khỏi sự trói buộc vô hình của lòng sợ hãi, chỉ bằng một hành động, bơi ngược dòng đời, “từ bỏ gia đình, sống không gia đình”. Lại một lần nữa, xin nhắc lại cái thấy của đức Phật:
“Đời sống gia đình, đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia, phóng khoáng như hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà sống đầy đủ đời sống phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, rời bỏ gia đình, sống không gia đình.”
Những ai theo đúng con đường của đức Phật. quăng cái gánh “tài, sắc, danh, thực, thùy” xuống, thì cũng sẽ đạt được tâm nhẹ nhàng, thảnh thơi, nơi nào mình sống cũng là :”An lạc thay!” Ai tới gần mình cũng sẽ cảm nhận được từ trường an lạc. Còn nếu như mình đi tới đâu cũng gây rắc rối phiền muộn, thì dù cho mình có giàu tới đâu, có sang tới đâu, cũng ít có ai thích làm bạn, vì từ trường của mình là rắc rối, là đem phiền muộn tới cho người.
Thiền viện, 27- 2- 2022
TN
Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 06
TÂM NHƯ CON THÚ RỪNG
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
Có đầy đủ nhưng bị buộc ràng.
Phải ngoan ngoãn trong bốn bức tường.
***
Tôn giả Bhaddiya giờ biết sống một mình
Nơi hoang vắng, cảm nhận như con thú rừng.
Sống tự tại, không tường thành bao quanh.
***
Ta cũng có cơ hội cỡi bỏ lớp thú cưng.
Về Tổ đình để cảm nhận tâm thú rừng.
Ô hô, không còn sợ hãi... an lạc thay!