(ghi lại từ những chia sẻ về trải nghiệm tu tập của thiền sinh trong dịp sinh hoạt Hội Thiền Tánh Không Ontario, Canada hàng tháng - Kỳ 1)
2. Như Hà: Bài mà mình thích nhất là "Bài trình Thầy" của Cô. Mình muốn dựa theo đó để làm phương thức tu tập thiền trở lại. Trong bài đó Cô nói, "trước nhất mình phải thành lập bản đồ nhận thức, vì khi mình ngồi xuống thiền thì phải có một phương hướng nào để đi".
Trước khi bị bệnh, mình đã kinh nghiệm hình thành bản đồ nhận thức nên khi hành thiền rất dễ. Với bệnh trạng bây giờ, ngồi thiền không được như xưa. Bệnh đã ảnh hưởng khá nhiều đến khả năng trí tuệ của mình, vì thế mình đã phải làm lại từ đầu mấy tháng nay. Mình cần phải có cái bản đồ mới phù hợp với khả năng hiện tại, tức là khi mình ngồi xuống mình phải biết mình làm cái gì. Bây giờ, khi ngồi thiền, gợi lên được trạng thái ‘thầm nhận biết’ mình đang không nói, nhưng luôn luôn phải nhìn lại tâm, và gợi lại Không nói. Dạo này mình áp dụng chữ 'Không Nói' trong thực tế. Khi đang suy nghĩ tầm bậy vớ vẩn hay gì đó thì tự nhiên mình nhớ lại thì mình nói 'KN' thì những niệm đó dừng lại được. Hoặc khi mà mình nghe người ta nói một cái gì đó mà trong đầu mình hiện ra chữ 'KN' thì mình bắt được những tư tưởng, bình phẩm trong đầu mình và chấm dứt được chúng. 'Không nói', mà mình hiểu nhất là theo cái nghĩa trong bài "Vô tâm trong thiền" của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, trong đó 'Không suy nghĩ gì hết là thiền'.
Ngoài ra, trong khóa bát nhã kỳ vừa rồi của Cô, Cô nhắc lại phương pháp Như Thật - Yathabhuta. Mình thấy cách đó hay và dễ ứng dụng trong cuộc sống thường ngày. Cho nên, mình cũng áp dụng pháp Như Thật song song với pháp 'Không Nói'.
Hoặc, như khi nghe ai nói, mình cố gắng nghe vậy thôi, không thêm ý riêng vô, và thấy nó cũng giúp mình lắm. Như nói chuyện với con cái sinh trưởng ở đây không dễ, vì nó nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, cho nên trong câu chuyện bằng Việt ngữ với con cái đôi khi có hiểu lầm do con cái suy diễn không đúng do không hiểu rõ từ Việt ngữ hoặc dùng sai chữ. Lúc trước nhiều khi mình và con mình nói chuyện, con mình nói như vậy nhưng mình hiểu nghĩa khác, nên gây ra sự hiểu lầm giữa mẹ con. Bây giờ áp dụng nghe như thật, nhìn như thật, thì mâu thuẫn giữa mẹ con ít đi. Bởi vì, khi mình không nói gì trong đầu nên khi con mình suy diễn nói không đúng chữ, tất nhiên sẽ có sự hiểu lầm, mà mình lắng nghe như thật nên mình nhìn thấy cái thiếu xót đó. Để con nói xong, mình thong thả nói ra suy nghĩ của mình về từ ngữ tiếng Việt sai mà con vừa mới xử dụng thì con mình ngưng ngay không nói lại nữa tức là mình nói đúng ý của con. Thành ra, áp dụng pháp Như Thật rất giúp ích cho mình. Khi mình ít nói trong đầu hoặc không có đối thoại thầm lặng, mình mới chú tâm nghe người đối thoại nói.
Tóm lại, pháp như thật vừa giúp mình :
- Nghe và thấy cái đang là, cái bây giờ và ở đây. Để tâm bớt lăng xăng bớt dính mắc.
- Giảm bớt mâu thuẫn nhỏ nhoi trong đời sống thường ngày, trong quan hệ qua lời nói giữa hai người đối thoại.
Trên đây là sự bắt đầu tu tập thiền trở lại của tôi.
Như Hà
Hội Thiền TK Ontario, Canada.
Tháng 2, năm 2022.