(ghi lại từ những chia sẻ về trải nghiệm tu tập của thiền sinh trong dịp sinh hoạt Hội Thiền Tánh Không Ontario, Canada hàng tháng - Kỳ 1)
1. Giác Thiện: Trong tinh thần cùng nhau tu học, hôm nay xin được chia sẻ những điều học được qua các bài viết Tâm Tình Với Nhau và Suối Nguồn Hạnh Phúc của Ni sư.
Thứ nhất, xác định cho mình con đường tu tập, không còn trạch pháp. Với những kiến thức Phật học cơ bản được học qua các lớp, với những phương thức thực hành thiền đơn giản, dễ hiểu hướng dẫn bởi Ni sư. Bản thân đã có nhiều chuyển đổi trong nhận thức, thân tâm đã gặt hái nhiều lợi lạc.
Thứ hai, xin mượn câu nói của Ni sư "tu đơn giản, sống đơn giản, chết đơn giản" làm phương châm sống cho mình. Là cư sĩ cuộc sống còn giao tiếp với xã hội nhiều, nên phải thường xuyên giữ gìn thân, khẩu, ý . Cố gắng giữ ba nghiệp được thanh tịnh, tức là mình thay đổi cái ý của mình để làm sao nó trong sạch, mình đừng có những cái ý hại người, ráng làm những chuyện gì lành thiện, còn nếu không được thì tốt nhất là mình không có ý hại người khác, đó là về ý. Còn về lời, thì mình nói những lời đẹp, đừng có những lời cay đắng người khác, nói chung lời nói dễ gây tổn thương cho người khác, trong cuộc sống tôi ráng giữ lời nói của mình, nếu như đó là lời trung thực nhưng mà mình nói ra làm tổn thương người ta thì không nên nói, do đó mình giữ được khẩu nghiệp của mình. Còn về thân thì mình làm những chuyện gì mà lợi cho người, giúp cho người thì làm, tôi đơn giản như vậy thôi.
Về phương pháp thực hành thì tôi cũng miên mật theo cách thực hành của Tánh Không, tức là ngồi thiền thì đúng như Cô nói là nó không có chủ đề, nhưng mình muốn đến giai đoạn không chủ đề đó thì nó cũng phải qua quá trình lúc đầu phải có những phương tiện chẳng hạn như 'Không Nói' hay Pháp thở, để mình nương dần thành quán tính, khi nó trở thành quán tính thì mình không cần chủ đề, cứ ngồi vào thì mình có cái vô niệm và không có vọng tưởng thôi, và tôi cũng nghiệm ra đúng như Cô nói là khi mình ngồi thiền thì có định huệ đồng thời. Hồi xưa tôi khó hiểu chỗ này, về sau tôi thấy cũng dễ hiểu. Lúc mình ngồi không có vọng tưởng vô niệm thì mình có định, có định nhưng vẫn phải giữ cái biết và vì mình phải giữ cái biết nên các cái gì tác động vào giác quan của mình, mình đều biết, biết một cách như thật không vướng mắc, cho nên nó cái huệ ngay lúc đó. Cho nên mình ngồi thiền là mình đã có định huệ đồng thời.
Nói chung những bài của Cô xoáy quanh những việc như vậy nên tôi cũng nhận ra cái tinh túy của bài giảng của Cô như vậy. Đồng thời cũng có cái quan trọng là khi có những chuyện gì xảy ra ở đời, một lời nói hay một việc làm của mình mà mình thấy có vẻ tổn thương người khác thì mình phải phản quang tự kỷ, mình tự nhìn lại coi những lời nói việc làm của mình có đúng chưa để mình sửa. Nhìn lại mình cũng là một vấn đề tu tập. Tóm tắt lại thì tôi rất thích lời nói của Cô là tu đơn giản, do đó tôi cũng ít đi sâu nhiều lắm trong vấn đề tu tập, chính là ráng giữ mình trong cái tu thôi. Tóm tắt xin chia sẻ với đạo tràng, qua những bài của Cô mà mình đúc kết ra và thấy những điều Cô viết đó làm mình tâm đắc. Xin hết.
Giác Thiện
Hội Thiền TK Ontario, Canada.
Tháng 2, năm 2022.