Hồi mình còn nhỏ, có lần mẹ đưa một tờ giấy có viết chữ Tàu ngoằn ngoèo, biểu ra tiệm thuốc bắc mua. Thời đó, cuộc sống mộc mạc, bình an, con người hiền lành lễ nghĩa lắm, đường đi toàn là xe đạp và người đi bộ, rất ít xe gắn máy, còn xe hơi thì chỉ là ông lớn mới đi. Vào tiệm thuốc bắc, rụt rè đưa ông thầy tờ giấy rồi đứng chờ. Thấy ông thầy nhìn vào tờ giấy rồi quay vào nhanh tay kéo một ngăn tủ, bóc ra một nhúm lá để trên một tờ giấy lớn, nhìn lại tờ giấy rồi lại mở ngăn kéo khác lấy ra vài miếng thuốc, bỏ chung trên tờ giấy. Lúc đó, mình phục ông thầy lắm, sao có cả trăm ngăn kéo khác nhau mà ông ấy nhớ hết. Vách tường của tiệm toàn là ngăn kéo, ngăn nào cũng giống nhau, không có đề tên mà sao thuộc lòng được.
Bây giờ thì mình hiểu sao ông thầy thuốc bắc nhớ hết các vị thuốc trong mỗi ngăn kéo. Chắc các bạn cũng có câu trả lời rồi. Thì những tiệm thuốc tây ngày nay cũng vậy, tuy tất cả thuốc đều trưng bày trên kệ, la liệt. Mình là người thường có thể thấy là la liệt, nhưng người dược sĩ và các nhân viên trong nhà thuốc tây đều biết rõ thứ tự chỗ để các loại thuốc. Nói gần nhất trong nhà mình thôi. Hỏi nếp để đâu, muối chỗ nào, thì bà chủ nhà sẽ biết rõ. Muốn kiếm cái búa, cái kềm thì ông chủ nhà sẽ chỉ cho.
Chúng ta thử tìm mẫu số chung của các sự kiện “rõ biết” đó.
- Trước nhất, mình phải biết rõ từng thứ thuốc, hay từng đồ vật của mình.
- Sắp xếp có thứ tự, một cách hợp lý.
- Phải ghi nhớ.
- Thường thường lấy ra sử dụng rồi cất lại y chỗ cũ.
Thì cũng tương tự cách thành lập nhận thức vậy. Kho thuốc đã trở thành nhận thức cô đọng của mình rồi.
Sống trong đời, ai cũng có một cái nhà, như cái kho chứa. Tích trữ cái gì là hoàn toàn do nơi mình. Nếu chúng ta biết quét dọn nhà mình sạch sẽ, thì chúng ta cũng nên chú ý chăm sóc cái nhà Tâm của mình. Mỗi ngày, mỗi tuần mình vẫn quăng bỏ lá khô, cành cây gãy, lon hộp không, giấy vụn vv....để cho căn nhà ngăn nắp, quang đãng. Mỗi ngày, mình cũng nên nhớ ý nghĩ nào là tham, là ích kỷ, là ngạo mạn, là nhỏ nhen, thì dập tắt nó ngay, lời nói trong khi bực bội thì thô ác, khó nghe, làm cho người khác buồn phiền, thì phải dừng tâm lại không nói nữa.
Mọi người đi ngang nhà mình, nhìn thấy sân trước cỏ cây hoa lá tươi thắm, khung cảnh chung sạch, mát, vui tươi thì ai cũng biết gia đình này sống tốt, siêng năng chăm sóc nhà cửa. Tương tự vậy, mọi người tiếp xúc với mình, thấy dung mạo, thần sắc mình trầm tĩnh an vui, lời nói ôn hòa, khéo léo, hài hòa với người khác, thì mọi người sẽ biết tâm mình an lạc, sống thuận pháp, có trí tuệ.
Tuy nhiên, người đời thường tưởng rằng mình có thể che giấu tâm mình được, thực sự tâm mình vẫn hiển hiện ra trước mắt người có trí. Có một sự thật nữa là người đời thường không nhìn thấy tâm của mình, vì vẫn thích nhìn người khác để suy đoán tâm người khác.
Chúng ta đang hướng về việc tu tập, tức là chúng ta hi vọng mình sẽ tiến tới, trở thành tốt hơn, có trí tuệ hơn, sống cao thượng hơn. Mình phải làm sao đây?
- Phải học những chân lý của cuộc sống: tất cả đều do nhiều nhân duyên mới có, nên tất cả rồi sẽ thay đổi: giàu sang, danh tiếng, địa vị, tình cảm, sức khỏe v.v. Khi nó đang trong tay, thì biết cách gìn giữ trân quí. Khi nó mất đi, thì không buồn khổ tiếc nuối.
- Ghi nhớ, suy gẫm hoài để thông hiểu sâu sắc.
- Luôn luôn kiểm soát tâm mình, nó đang nghĩ gì, hễ có ý xấu với người khác thì mình phải biết dừng lại. Tâm đang như thế nào, biết rõ tâm đang như thế.
- Ngắm tâm mình thì quên nhìn ra ngoài, lúc đó không bị cảnh ngoài lôi cuốn, là bước đầu của “đối cảnh vô tâm” rồi.
Các bạn ơi, tu rõ ràng như vậy, đâu cần nói nào là Quán, hay Chỉ, hay Định hay Tuệ? Cũng không cần nói tới Tứ niệm xứ. Mà kết quả là khế hợp tất cả. Thí dụ, nói hiểu những chân lý trong cuộc sống, là Quán chứ gì, nói phải suy gẫm thêm, thì là Văn Tư Tu rồi, nói tâm ra sao biết rõ tâm như thế, là Tứ Niệm xứ, phải không các bạn?
Bây giờ nói theo kinh sách nè.
Tâm mình, giống cái tiệm thuốc Bắc, hay giống cái nhà, hay cái kho chứa là nói bình dân. Kinh sách thì nói là Alaya Thức, hay Tàng thức, hay Như Lai tạng, là tổng quát tất cả những gì tạm cho là phi vật chất trong con người. Như vậy nó bao gồm vừa tốt vừa xấu: ý nghĩ, tình cảm, lậu hoặc, tùy miên, việc làm trong quá khứ tốt và xấu, tâm trong sạch, trí tuệ nữa. Biết vậy rồi, chúng ta làm sao?
- Không cho những cái xấu phát huy ra ngoài, sẽ tạo ra kết quả xấu qua ý nghĩ, lời nói, hành động.
- Dừng tâm lại. Đây tạm cho là vai trò của Samatha và Samādhi.
- Chuyển hóa những hột giống xấu trở thành tốt hơn. Những gì còn trong Tàng thức tạm cho là hột giống, sẽ nảy mầm khi có điều kiện. Đây là vai trò của Tuệ trí thông qua Quán chiếu.
- Luôn ngắm lại tâm mình. Vai trò của Chú tâm cảnh giác (trong bài Đại kinh Xóm Ngựa)
- Thực hành trong sinh hoạt hằng ngày: làm cái gì biết đang làm cái đó, tâm như thế nào biết tâm đang như thế đó (Chánh niệm tỉnh giác).
Phương thức quan trọng nhất chỉ là quay lại nhìn ngắm mình thôi, các bạn ơi. Mình lo dọn dẹp cái nhà của mình cho nó sạch sẽ, gọn gàng, đẹp mắt, có bao giờ mình cứ chăm chăm đi quét nhà quét sân cho người hàng xóm đâu, phải không các bạn. Nhất là người ta đâu cần mình dọn dẹp, không đúng ý của người ta thì sao. Vậy mà sao mình cứ đi ngó người khác để tìm sơ sót mà chê cười chỉ trích, có khi lại bẻ quẹo lời nói cử chỉ của người khác rồi mỉa mai, coi thường bạn mình. Bao nhiêu chuyện thị phi trong đời đều do những người này, không thấy mình ra sao, chỉ thấy người khác. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng, cản trở bước tiến của mình. Hễ mình đặt một bước chân ra ngoài “cái vòng tròn Tánh Giác” là bị yêu quái ăn thịt ngay.
Nhớ lại, khi Tôn Ngộ Không dặn dò Đường Tam Tạng: “Thầy phải ở trong cái vòng tròn này thì mới an toàn, nếu Thầy bước ra khỏi cái vòng tròn này là yêu quái sẽ bắt Thầy ngay đó!” rồi Tôn Ngộ Không mới bay đi cầu viện với Phật Tổ.
Mình cũng phải nhớ sống trong cái vòng bảo hộ che chở của Tánh Giác “cái bản thể Biết trong sáng” thì mới an toàn, không tạo nghiệp mới, nghiệp chướng cũ không khởi lên được, là tự do, hết khổ.
Còn khi mình phóng tâm ra phê bình người khác, chê bai, gây rối, là bước chân mình đi lệch ra ngoài rồi, thì sao? ma tham, ma sân, ma si hiện ra ngay, ma nghiệp cũ, ma nghiệp mới ùn ùn vây bủa. Đó, nói tu hoài mà sao cứ khổ não không thấy trí tuệ, không thấy an vui. Mình không biết mình ra sao? Thì là gì? Là vô minh rồi. Phật và Tổ nhắc hoài mà mình không nghe, không vâng lời.
Các bạn ơi, bởi vậy, các vị A la hán thôi ta đi đây, không trở lại nữa, ta vào niết bàn, còn các vị Bồ tát thì ta đành trở lại đời đời để hát mãi khúc hát xưa cũ ngàn năm. Biết bao giờ các vị Bồ tát mới khỏi hát hoài khúc hát xưa cũ ngàn năm đó?
Thiền viện, 16- 2- 2022
TN
Trí tuệ có nhận thức về tâm.
Thầy thuốc có kho chứa y dược.
Trí tuệ có kho tàng nhận thức.
Thầy thuốc đoán bệnh.
Trí tuệ không lời.
Thầy thuốc trị thân bệnh.
Trí tuệ diệt phiền não.