Triệt Như - Tiếng Hát Giữa Trời - Bài 03
Hồi xa xưa, nhà mình có trồng một cây chùm ruột ở vườn sau. Nó cao khoảng hai ba thước rồi mà sao trông hoài không ra trái. Mẹ cười dạy mình: “Con ra đó, nói với nó, ra trái đi, nếu không có trái coi chừng ba con sẽ đốn nó à”. Mình nghe lời mẹ, tới gần gốc chùm ruột, nói cho nó nghe: “Chùm ruột ơi, ra trái đi, nhớ ra trái nhiều nhiều, coi chừng ba mẹ đốn đi thì uổng lắm!” Sau đó, nó có trái và có trái luôn. Lúc đó chỉ biết mừng vui, chứ cũng không nghĩ gì xa xôi.
Thêm một chuyện vui vui nữa, không biết đã kể chưa. Sát vách tường bên hông nhà là con đường đi lát gạch tàu hồng hồng, bên ngoài là sân vườn. Ngay dọc con đường gạch có trồng một bụi cây kiểng, mình không biết tên gì. Lá nó rất lớn, rộng chắc cũng khoảng nửa tấc, dài chắc khoảng hai gang tay, lá mọc xoay tròn quanh thân cây. Khi có hoa, cành vươn cao lên, hoa màu trắng, mỗi cánh thuôn dài toả ra, rất thơm, hương như hoa huệ. Gọi là một bụi vì có mấy cây con xúm xít quanh gốc. Hôm đó, mình đi trên con đường gạch, trông thấy bụi cây lòa xòa, lá vươn ra che bớt con đường đi. Mình đứng lại, ngắm một lúc, nói một mình:” Chắc ba sẽ cắt bớt mấy cái lá này de ra choán con đường đi”. Mấy ngày sau, tình cờ ra vườn, cũng đi con đường gạch tàu, thấy thoáng. Chợt để ý ngó bụi kiểng hôm đó, tưởng ba mình đã cắt mấy cái lá kia rồi. Tới gần nhìn kỹ, đâu có mất lá nào, không thấy dấu cắt ngang. Lạ quá, mấy cái lá ép sát vào nhau, nép sát vào nhau xuôi theo bìa hàng gạch tàu. Không thấy có cục gạch đè nó, không thấy có dấu bầm dập trên lá, mà sao tự nhiên mấy cái lá lại xuôi chiều như vậy. Lúc đó mình đứng yên không dám tới gần, không dám sờ vào lá. Cái ấn tượng đó tới bây giờ còn nhớ. Cũng không biết sao lúc đó không kêu ba má ra xem.
Khi qua tới Cali rồi, vườn sau có một gốc hồng cao hơn đầu mình, trồng gần vách hàng rào, có nhiều nhánh trổ hoa. Vài nhánh đầy gai, vươn thẳng ra ngoài, đi ngang qua sợ đâm vào người nếu không cẩn thận. Một hôm, mình lấy kéo cắt tất cả những nhánh vươn ra đường đi. Sau đó, để ý ngó chừng gốc hồng, nếu nó lại đâm nhánh chỉa ra đường thì phải cắt tiếp. Nhưng sau đó, thiệt là ngộ! Mấy nhánh bị cắt cũng mọc thêm nhánh khác, nhưng tất cả đều hướng thẳng lên cao, có nhánh mọc ra vài phân là uốn mình vươn lên trời, không đâm thẳng ra đường nữa. Bấy giờ, mình có một chút suy tư, cây cảnh cũng có cái bản năng sinh tồn của nó.
Mới đây, tại tổ đình mình, có trồng hai gốc mai vàng. Mình tạm đặt tên là mai, vì hoa màu vàng, có năm cánh, mà hai lớp, thoảng hương, nở vào mùa xuân, tương tự mai. Tuy nhiên, cánh hoa dầy hơn, đầy đặn hơn mai, búp nở yểu điệu hơn mai. Nhưng thân cây yếu ớt, như dây leo cần được chống đỡ, nên thân không cứng cỏi, gẩy gọn, khí khái như mai. Gốc mai được trồng trong chậu lớn. Có ba cây vững chắc chống đỡ, bên trên là vòng tròn kẽm để cho các nhánh lá tỏa ra rủ xuống đều theo vòng tròn. Qua vài cơn mưa rào đầu mùa đông, cành lá mai xanh um, mọc ra, mọc ra thêm, dài mãi, đong đưa với gió. Cho tới khi các cọng lá mai chạm tới mặt sân tráng xi măng, có vài cọng uốn cong lên không chạm sân. Vừa rồi, cô thiền sinh, đã tặng tổ đình hai gốc mai này, về thăm tổ đình, cô biết cách chăm sóc để cho hoa mai nở đúng mùa xuân. Cô nhặt hết lá và cô cắt tỉa những cọng lá chỉ để rủ xuống ngang thành chậu thôi.
Mỗi sáng, mặt trời lên, tia nắng lấp lánh, mình thường ra ngắm từng búp non, xem thử là lá hay là búp hoa. Mới nhú ra tưởng là búp hoa, nhưng vài ngày sau hé nở ra thì là lá. Nhưng không phải lá, mà là năm đài hoa, chính giữa mới là một búp hoa non nhỏ xíu. Cọng lá cũng mọc dài thêm, rủ xuống một chút, rồi thì uốn cong ra ngoài vươn lên, chứ không cọng nào rủ xuống hoàn toàn hướng về mặt đất nữa. Như là cây mai biết rằng người ta không thích mình la đà chạm xuống đất vậy. Các cọng uốn cong ra ngoài chứ không uốn cong vào hướng gốc cây. Ngồi trong nhà, nhìn ra, thấy các cọng mai cong cong quớt ra, giống như mái tóc dài, chạm vào vai nên cong cong quớt ra vậy.
Hôm qua, xuống phố, tham gia buổi mừng thiền đường Nam Cali sinh hoạt trở lại. Từ hai năm qua, vì tình hình chung của covid 19, thiền đường Nam Cali tạm ngưng sinh hoạt chung nữa. Tuy vậy ban điều hành đạo tràng vẫn giữ hợp đồng thuê chứ không chấm dứt. Nhưng năm vừa qua, thiền đường bị ảnh hưởng của hỏa hoạn nên tất cả vật dụng bên trong đều hư hỏng, xem như xóa hết “tài sản” của đạo tràng: bàn thờ, tượng Phật, tọa cụ bồ đoàn và tất cả vật dụng trong thiền đường, phòng khách, phòng ăn, phòng nghỉ trưa, nhà bếp... đều bị tan chảy, hay nám đen hay nồng nặc mùi hóa chất. Gần một năm, các em thiền sinh nồng cốt của đạo tràng tích cực theo dõi công việc xây cất và sửa sang lại cho rộng rãi hơn theo ý mình.
Sáng hôm qua, từ tổ đình xuống phố, tới nơi, bước xuống xe, đi vài bước là trông thấy nhiều xe đậu kín parking lot chung của khu vực, các em thiền sinh tới sớm để chuẩn bị. Đi gần tới đã thấy mảnh vườn nhỏ trước cửa trồng thêm cây cảnh và hoa. Bước vào phòng khách nhỏ, các em nhộn nhịp tươi cười. Bước tới thiền đường, a! rộng rãi, quang đãng hơn nhiều. Phòng nhỏ cất vật dụng và nhà bếp dẹp mất để cho thiền đường kéo dài ra tới sân sau. Vách tường cũng sơn lại, xem như tất cả đều mới, chỉ có nền gạch là còn nguyên không hư hại, không cần sửa sang. Thiền sinh tấp nập tới, người mang thức ăn, mang bánh, trái cây, chuẩn bị buổi trưa. Thiền sinh đã lâu năm rồi cũng tới, thiền sinh mới biết cũng tới, gia đình, anh em, con, cháu cũng tới. Các cô đặc biệt là hầu hết đều mặc áo dài truyền thống, tươi tắn, rực rỡ, như chỉ chờ đợi ngày Tết để diện áo dài vậy. Các cháu bé, con trai hay con gái, cũng được mặc áo dài, thiệt dễ thương. Dường như ở đây, Cali, nơi “xứ người”, những dịp lễ cưới, hay vui chơi ngày Tết, người phụ nữ Việt Nam muốn khoe nhan sắc xinh đẹp dịu dàng, đài các, thường khoác chiếc áo dài Việt Nam, kín đáo mà dễ thương. Tuy nhiên tất cả đều mang khẩu trang vì tiếp cận nhau, mặc dầu tất cả đều đã chích ngừa ba mũi.
Tới giờ bắt đầu buổi lễ, tất cả tập họp trong thiền đường, chật kín. Một khung cảnh huy hoàng, trang nghiêm. Âm thanh trầm bổng, tất cả cùng chung hướng về Tam Bảo, thành kính và tri ân. Tiếp theo các em ngõ lời tri ân tới những tấm lòng vàng góp công sức tái lập khung cảnh đầm ấm khang trang cho thiền đường này được sống trở lại.
Cái thiền đường, là một vật vô tri giác, mà sao nó cũng có sinh ra, có già đi, có hoại và có diệt, rồi lại tái sinh. Cái thiền đường cũ và cái thiền đường mới này cũng chỉ mang tên là Thiền Đường Tánh Không, nhưng là hai cái khác nhau hay chỉ là một? Các bạn suy gẫm xem, là hai hay là một vậy?
Câu trả lời là: không phải một cũng không phải hai. Cũng tương tự: nhân và quả, không phải một cũng không phải hai. Vì giữa tiến trình từ nhân trở thành quả, có duyên can thiệp vào.
Cái thiền đường cũ là nhân, ít nhất là cái không gian đó đã là nền của thiền đường cũ, tuy thiền đường cũ đã bị hủy hoại, tiếp theo là nhiều duyên thuận lợi góp sức vào tái lập thiền đường, mới được kết quả là thiền đường mới bây giờ rộng rãi khang trang hơn nữa.
Cái phòng đó, nếu không có thiền sinh tới tu học, thì không gọi là thiền đường. Nếu không có Phật, Pháp và Tăng, cũng không gọi là thiền đường. Cho nên hai chữ “thiền đường” không phải chỉ gồm các vật liệu xây cất: gỗ, sắt, đất, ngói, gạch v v...Gỗ, sắt, đất, ngói, gạch v v...là vật vô tri giác thiệt, nếu không có bàn tay và tấm lòng con người thì chúng cũng chỉ là một đống vô tri giác. Như vậy, con người phải bỏ công sức và thời gian làm việc mới làm cho đống vô tri giác đó trở thành cái thiền đường. Vậy cái thiền đường là vô tri giác hay có tri giác? Cái thiền đường có sinh ra và có diệt đi không?
Chúng ta phải nhận ra sự phân biệt vô tri giác hay có tri giác, vô tình hay hữu tình, là sự phân biệt tương đối, giới hạn, nó không phải là sự thật khách quan. Sự thật khách quan là: vô số nhân và duyên, hay vô số điều kiện mới làm nên một vật, hay một pháp (dhamma). Cho nên có câu: “Tất cả là một” và “Một là tất cả”. Do đó tất cả là bình đẳng, đây là chân đế bát nhã.
Vậy có sinh không, có diệt không? Không. Sống là năng lượng, là chuyển động, là biến hóa. Nguồn sống của vạn pháp không sinh không diệt bao giờ.
Thiền viện, 7- 2- 2022
TN