MỘT BUỔI SÁNG
Mấy ngày nay gió nhiều, tuy gần hết mùa đông, chỉ khoảng hai tuần nữa là qua xuân, trời vẫn còn rất lạnh, đối với thời tiết ôn hòa của miền nam Cali. Sáng nay là mùng 4 Tết, tổ đình vẫn vắng lặng như mọi khi.
Nhớ ngày xưa, Thầy thường nói thiền viện mình là nơi để tăng đoàn ẩn cư, tu tập, không phải là nơi giải trí, tụ hội đông người, đến vãng cảnh, tham quan. Cho nên, từ trước đến nay, quí thầy thường trú tại tổ đình chỉ phụ trách những việc nhẹ, tỉa cây, trồng cây cảnh, thổi lá khô, tưới cây thêm những chỗ nào hệ thống tưới không tới được. Quí sư cô thì lo buổi ăn sáng, ăn trưa đạm bạc cho cả tăng đoàn. Những khi rảnh rỗi, ai tự ngồi thiền, hay đi dạo bộ quanh vườn nghe đá sỏi rào rào theo từng bước chân đi, ai ngắm hoa lá cỏ cây, mỗi mùa mỗi khác. Đã hai mươi năm qua, mảnh vườn vẫn vậy. Mấy cái băng đá rải rác trong vườn vẫn nằm im dưới tàng cây. Những cây tiêu cổ thụ mỗi năm mỗi cao hơn một chút. Hàng thông xanh thì mùa nào cũng xanh, lá thông vàng và trái thông thì rụng đầy mặt đất dưới cội cây. Mấy con thỏ núi, mấy con sóc nhỏ đuôi dài ngoằn, vẫn chạy qua chạy lại, thấy dường như con nào cũng giống con nào. Hai mươi năm qua rồi trải dài trên mái ngói tổ đình, tưởng chừng như thời gian ngưng đọng lại. Mái ngói đỏ vẫn là mái ngói đỏ, nhìn lên cao, trời vẫn trong xanh, mây trắng vẫn bay. Nhìn xuống hàng hiên bên thiền đường, từng cụm thủy tiên vẫn nở hoa, trong trắng, mát lạnh, thoảng hương thơm ngát những ngày cuối đông.
Mấy hôm nay trời bỗng nổi gió. Ban đêm lạnh hơn, từng cơn gió thốc mái lều kêu lạch bạch, cái phong linh treo trước sân trên hiên tầng thượng kêu leng keng suốt đêm. Có khi nghe tiếng gió thổi luồn vào lò sưởi như tiếng gió hú. Có khi nghe tiếng cả đàn chó nhà ai sủa trong đêm, lắng nghe thêm thì quả thật có tiếng chó sói tru vang lừng trên núi xa xa.
Buổi sáng hôm nay, trời lạnh và gió nhiều hơn nữa, ngồi trong nhà ngắm phong cảnh bên ngoài. Thấy mấy cây tiêu cổ thụ vẫn đứng vững chắc, ngang nhiên, không lay động. Cành lá tiêu mặc tình phất phơ nhảy nhót vui đùa. Nhưng lá xanh vẫn không rụng. Thấy rõ “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, cũng thấy rõ “Sống là thương mà lòng chẳng vấn vương”, cũng thấy rõ “sống tùy duyên thuận pháp” mà tâm thì “đối cảnh vô tâm”.
Nhìn kỹ những chậu kiểng nhỏ đặt chung quanh gốc cây tiêu, bao quanh pho tượng Phật nhỏ, bằng đá. Đức Phật đang cầm cành hoa đưa lên. Gió mặc gió, cả trời đất đang chuyển động, nghiêng ngả, ngài thì lúc nào cũng mĩm cười yên lặng, bất động. Xúm xít chung quanh pho tượng Phật, nhiều chậu trồng cây kiểng loại lá xanh mướt, mọng nước, thân cây còn thấp, chưa ra hoa, gió mặc gió, cũng yên lặng bất động. A thì ra muốn tránh giông gió bên ngoài, ta cứ thu mình lại, thấp mình xuống sát đất, tựa vào nhau, nép mình dưới tàng cây cổ thụ, giông gió làm gì đến ta. Nhìn xa hơn, cũng mấy gốc cây kiểng đó, giữa trời, hứng nắng hứng mưa, nên mau lớn, vươn cao lên, mỗi gốc vươn lên một búp đơm đầy hoa. Hoa màu vàng, li ti chi chít hoa là hoa, vươn lên nữa khoe sắc khoe hương, tươi thắm vàng ươm trong ánh nắng buổi mai xuân. Bên cạnh mấy bậc thang xuống vườn, một khóm hoa màu đỏ, không biết tên gì. Cành thật cao, vươn lên mang những tràng hoa rủ xuống, màu đỏ càng thắm tươi long lanh, lấp lánh trong tia sáng nắng, rực rỡ đậm đà. Thì kìa, một cô thiền sinh cầm cái kéo, lơn tơn bước xuống vườn, nhìn qua nhìn lại, đã thấy đối tượng rồi. Cành hoa nào đẹp nhất, một nhát kéo ! lìa cành ! Em hỡi em, hương sắc càng tươi, chỉ quyến rủ đời. Em chỉ tươi thắm khi đong đưa theo gió, lấp lánh trong nắng, mát lạnh theo sương đêm. Đem cắm trong bình, đâu còn lấp lánh, đâu còn đong đưa, sắc hương nào còn tươi thắm trong bình nước ao tù. Lá cây cũng vậy. Cành cây nào cứng, vươn lên, lá xanh mướt hay lá vàng tươi, hình dáng xinh xắn, thì một nhát kéo, cũng rời cành. Lá có chảy nước mắt không, mà sao tươm ra nhựa. Lá ơi, đứng trong bình, em có nhìn thấy cây tiêu ngoài kia. Sao lá tiêu không bị cắt? Chỉ vì lá tiêu nhỏ quá, không có gì đặc biệt, cọng tiêu thì dài ngoằn mà mềm yếu lắm, làm sao cắm được trong bình. Còn em thì sắc lá xanh mướt, cọng thì cứng cỏi, nên mới khiến đời sanh tâm chiếm hữu, phận của em cũng tương tự phận của mấy cành hoa rực rỡ kia. Cũng như mấy con chim se sẻ kia, không sắc, không thanh, có ai muốn bắt nuôi trong nhà, như mấy con thỏ núi màu nâu kia, mấy con sóc núi không đẹp này, đời nào ai muốn sở hữu, nên chúng mới thong dong nhảy nhót loăng quăng trước mắt mình.
Đời luôn ham thích, tranh nhau chiếm đoạt sắc khả ái, thanh khả ái, hương khả ái, vị khả ái, xúc khả ái. Người tu, chí là xuất trần, xuất thế, tâm từ hoà, thanh thản, hiện ra tướng từ hoà, thanh thản. Cho nên đường tu nhiều chông gai, thử thách, vì đời vẫn muốn cám dỗ những chí xuất thế xuất trần. Chí xuất thế xuất trần mình vẫn phải giữ cứng cỏi ngang nhiên như thân cây tiêu cổ thụ kia, nhưng đối diện với giông gió trong đời thì chúng ta cẩn thận thấp mình xuống, càng sát đất càng tốt, chúng ta nép sát vai nhau, nương tựa bóng che của Phật Pháp Tăng thường trụ mà sống, thì có gió bão nào thổi lung lay chúng ta được.
Thiền viện, 4- 2- 2022
TN
Phải chi hoa đẹp không được cắt đem để trên bàn Phật mà chỉ được ngắm dáng dịu hiền, được nghe tiếng ong về hớn hở, được ngửi mùi thơm thanh tịnh, quá lắm chỉ được chạm nhẹ để cảm nhận sự kỳ diệu tươi mát của trời đất và theo đó ý đẹp, kỳ tâm nảy sinh giữa hoa và người. Dầu đẹp dầu xấu, hoa tự mình đem lại mầm sống mới, hòa chung muôn sắc với đời và để hoa thuận theo tự nhiên rụng về cội nguồn làm phân bón cho hoa đời sau. Người người cũng vậy, tôn trọng lẫn nhau, cứ để tùy duyên thuận pháp, chứ không dùng "biện pháp" nặng nhẹ, cắt xé lẫn nhau.
Một phân tử của hoa lành đã được "tiêm chủng" vào người, một mũi, hai mũi, ba mũi, bốn mũi,...giờ đây hoa đã mọc lên trong mảnh đất tâm an lành, rất khí thế, lúc này đem vào cúng dường Đức Phật một cách trang nghiêm.
"Năng lễ sở lễ tính không tịch
Cảm ứng đạo giao nan tư nghì
Ngã thử đạo tràng như đế châu
Thập phương chư Phật ảnh hiện trung."
Thì ra chư Phật cũng ở trong hoa, ở khắp nơi!
Nhưng mà, nếu hoa đẹp có bị cắt dâng lên bàn Phật, âu đó cũng là "tùy duyên thuận pháp", đâu đâu cũng đều làm như vậy. Thêm suy nghĩ thêm nghịch lý trên đường hành đạo. "Không nói", "không nói" và nhất định "không nói"! ("định không nói", nhưng...ngũ uẩn vẫn vận hành)