CON ĐƯỜNG THIỀN TA ĐI HÔM NAY
CLICK icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm để downloadCon Đường Thiền Ta Đi Hôm Nay
Theo Dấu Chân Phật
Hôm nay là chủ nhật 2 tháng 8, 1998, theo thông lệ, trước khi bế giảng, mỗi thiền sinh đều viết bài “trình Thầy” để Thầy nghe, rồi cho ý kiến về bài trình của chúng ta. Thầy gọi đó là “phương pháp Hồi đáp.” Ngày bế giảng hôm nay gồm 2 Khóa Tu Học: Khóa Hạ và Khóa IV Căn bản, chúng tôi trình bày trước Thầy và các thiền hữu những điều học hỏi và kinh nghiệm tu tập trong ba tháng vừa qua.
Sau đây tôi xin giới thiệu bài trình của tôi được khai triển trong hai chủ đề:
1. Con đường xưa: đức Phật đã thực sự đi những bước đầu tiên.
2. Con đường Thiền chúng ta đi hôm nay: qua Khóa Hạ và Khóa Căn bản IV- 1998.
Trọng tâm của bài này nhắm đến sự dụng công thực hành, không khai triển nhiều về giáo lý.
I. Con đường xưa: Đức Phật đã thực sự đi
những bước đầu tiên.
Qua lược sử của đức Phật Thích Ca, chúng ta đều biết, sau bốn lần dạo chơi ngoài hoàng cung, Thái Tử Siddhattha Gotama (tiếng Pāli), (hay Siddhārtha Gautama: tiếng Sanskrit) đã lần lượt chứng kiến Cảnh Già, Cảnh Bệnh, Cảnh Chết, và cuối cùng là Hình Ảnh Cao Quí của Một Người Tu. Thái Tử đã tỉnh ngộ và quyết định rời bỏ hoàng cung, đi tìm con đường thoát khỏi cảnh Già, Bệnh, Chết. Thái Tử đã suy nghĩ: “Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không. Thật rất khó sống tại gia đình mà có thể sống hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh đời sống phạm hạnh, thuần tịnh. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.” (Kinh Trung Bộ 1, Nikāya, Mahāsaccaka, số 36).
Thế rồi, giữa đêm khuya, Thái Tử rời cung điện, bỏ lại Công chúa Da Du Đà La và đứa con trai vừa mới chào đòi, quyết tâm mở cuộc hành trình tâm linh, đi tìm con đường thoát khỏi cảnh Sanh, Già, Bệnh, Chết. Lúc bấy giờ Thái Tử được 29 tuổi.
- 1. Cuộc hành trình thứ nhất: tu tập Thiền Yoga.
Thái Tử Siddhattha—bấy giờ là đạo sĩ Gotama—đã tìm đến ông Ālāra Kāļama là một đạo sư nổi tiếng ở Vaisāli. Trong một thời gian ngắn, đạo sĩ Gotama đã thông suốt và kinh nghiệm được pháp cao nhất của vị thầy này là pháp Vô sở hữu xứ định. Nhưng rồi, Ngài tự suy nghĩ:
"Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Vô Sở Hữu Xứ...” (Đây là tầng Định thứ 3 trong 4 tầng Thiền Vô Sắc (Arūpa Jhāna) của Thiền Yoga. Hai tầng Định trước là Không Vô biên xứ định và Thức Vô biên xứ định).
Do đó, Ngài bỏ đi, và tìm đến vị thầy nổi danh thứ hai ở
Nhận xét về kết quả của cuộc hành trình thứ nhất. Cuộc hành trình này chỉ đưa đến:
- Phương thức phát triển ý thức cao độ.
- Trí tuệ tâm linh không phát triển.
- Vẫn còn ở trong trạng thái BỊ SANH.
2. Cuộc hành trình thứ hai:
Khổ hạnh.
Lang thang trong khu rừng của thị trấn Uruvelā xứ Senāni, một hôm Ngài gặp nhóm năm vị đạo sĩ khổ hạnh (trong đó đứng đầu là ngài Kiều Trần Như) đang sống và tu tập tại bờ sông Mohane. Ngài Kiều Trần Như vốn là vị thầy của Thái tử Siddhattha trước kia, bây giờ gặp lại trong bối cảnh này. đạo sĩ Gotama rất vui mừng, Ngài liền tu tập khổ hạnh dưới sự hướng dẫn của Nhóm ngài Kiều Trần Như.
Với nhiệt tâm của tuổi thanh niên, đạo sĩ Gotama nghĩ rằng Ngài cần thực hành khổ hạnh khốc liệt hơn năm vị đạo sĩ kia để sớm đạt mục tiêu là Vô Sanh, thượng trí, và Niết bàn.
Ngài thực hiện những cách khổ hạnh khốc liệt:
- Ăn: giảm dần mức độ ăn cho đến khi mỗi ngày chỉ ăn một hột gạo, hay uống vài giọt nước trái cây...
- Sống dơ bẩn: bạ đâu nằm đấy, không tắm rửa...
- Sống tĩ mĩ thận trọng: đi đứng tránh làm hại các loài côn trùng dưới đất.
- Hành hạ xác thân: mùa đông tuyết lạnh, ngủ giữa trời; mùa hạ nắng cháy, ở giữa trời; ngủ trên giường gai...
Trong Đại Kinh Sư Tử Hống, Ngài thuật lại cho Xá Lợi Phất nghe như sau:
“...Này Sārìputta, ta chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa...Như vậy ta sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Ta chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, uống nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ. Ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Ta mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc phấn tảo y (refuse rags), mặc vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tuờng (kusa grass), mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền (head-hair wool)...”
“...Ta dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai; sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông; sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đâu nằm đấy...Như vậy ta sống theo hạnh hành hạ, dày vò thân thể theo nhiều cách. Này Sārìputta, như vậy là khổ hạnh của ta.”
Khi tách rời nhóm năm vị đạo sĩ, Ngài sống hạnh độc cư trong khu rừng rậm kinh hoàng. Cũng trong Đại Kinh Sư Tử Hống, Ngài thuật lại như sau:
“...Này Sāriputta, ta đi sâu vào một khu rừng rậm rạp kinh hoàng và an trú tại chỗ ấy. Này Sāriputta, tại khu rừng rậm rạp kinh hoàng này, những ai còn tham ái, đi vào khu rừng rậm rạp ấy thời lông tóc người ấy dựng ngược. Này Sāriputta, rồi ta trong những đêm đông lạnh lẽo, giữa những ngày mồng 8 khi có tuyết rơi, trong những đêm như vậy, ta sống giữa trời, và ban ngày sống trong khu rừng rậm rạp. Ta sống những ngày cuối tháng hè, ban ngày thì sống giữa trời, còn ban đêm trong khu rừng rậm rạp. Rồi này Sāriputta, những bài kệ kỳ diệu từ trước chưa từng được nghe sau đây được khởi lên:
“Nay bị thiêu đốt, bị buốt lạnh,
Cô độc sống trong rừng kinh hoàng,
Trần truồng, ta ngồi không lửa ấm,
Ẩn sĩ, trong lý tưởng đăm chiêu.”
Kết quả là thân thể kiệt quệ, Ngài thuật lại trong Đại Kinh Sư Tử Hống:
“...Này Sārìputta, trong khi ta sống chỉ ăn một trái táo, thân thể của ta trở thành ốm yếu. Tay chân của ta trở thành như những cọng cỏ, hay những đốt cây leo khô héo...Xương sống phô bày của ta giống như một chuỗi banh...Các xương sườn của ta như rui của một cột nhà hư nát. Con ngươi long lanh của ta nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu. Da đầu của ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng, bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn. Này Sāriputta, nếu ta nghĩ: “Ta hãy sờ da bụng”, thì chính xương sống ta bị nắm lấy. Nếu ta nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị ta nắm lấy. Vì ta ăn quá ít, nên này Sāriputta, da bụng của ta bám chặt xương sống. Nếu ta nghĩ: “Ta đi đại tiện hay tiểu tiện,” thì ta ngả quỵ, úp mặt xuống đất...Nếu ta muốn xoa dịu thân ta, lấy tay xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân ta...Này Sāriputta, dầu ta có theo cử chỉ như vậy, theo hành lộ như vậy, theo khổ hạnh như vậy, ta cũng không chứng được các pháp Thượng nhân, không có tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Vì sao vậy ? Vì với những phương tiện ấy, không chứng được pháp thượng nhân với thánh trí tuệ (noble wisdom). Chính thánh trí tuệ này chứng được thuộc về bậc Thánh, có khả năng hướng thượng, có thể dẫn người thực hành diệt tận khổ đau ...”
Về việc dụng công trong thời gian khổ hạnh, Ngài đã theo các phương thức sau đây:
- Chế ngự tâm bằng cách ép lưỡi sát nóc họng.
- Nín thở:
v nín thở ngang qua miệng và mũi.
v nín thở ngang qua miệng, mũi và tai.
Ngài đã áp dụng năm lần nín thở, và kết quả dụng công là: tâm vững chắc, không dao động; nhưng thân bị khích động, không được khinh an.
Ta hãy nghe Ngài kể lại cho Aggivessana, một luận sư phái Niganthaputta Saccaka, về những phương pháp tu tập này.
(Trong Đại Kinh Saccaka, số 36, Kinh Trung Bộ 1, Nikāya trang 531- 544)
“...Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ: “Ta hãy nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm!” Này Aggivessana, rồi ta nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm ...Mồ hôi thoát ra từ nơi nách của ta. Này Aggivessana, như một người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu hay nắm lấy vai, có thể chế ngự, nhiếp phục và đánh bại người ấy ...Này Aggivessana, dầu cho ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân ta vẫn bị khích động, không được khinh an; vì ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, này Aggivessana, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.”
- Lần thứ nhất áp dụng phương pháp nín thở, Ngài mô tả như sau:
“ Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ như sau: “Ta hãy tu thiền nín thở”. Và này Aggivessana, rồi ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi. Này Aggivessana, khi ta nín thở vô, thở ra ngang qua miệng và ngang qua mũi, thì một tiếng gió động kinh khủng thổi lên, ngang qua lỗ tai. Này Aggivessana, ví như tiếng kinh khủng phát ra từ ống thổi bệ đang thổi của người thợ rèn...Này Aggivessana, dầu cho ta có chí tâm, tinh cần, tinh tấn, tận lực, dầu cho niệm được an trú, không dao động, nhưng thân của ta vẫn bị khích động, không được khinh an; vì ta bị chi phối bởi sự tinh tấn, do tinh tấn chống lại khổ thọ ấy. Tuy vậy, khổ thọ ấy khởi lên nơi ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm ta.”
- Lần thứ hai, Ngài áp dụng cách nín thở ngang qua miệng, mũi và tai:
“...Khi ta làm như thế, thì có ngọn gió kinh khủng thổi lên đau nhói trong đầu ta. Ví như một người lực sĩ chém đầu một người khác với thanh kiếm sắc...”
- Lần thứ ba tu thiền nín thở nữa, Ngài mô tả như sau:
“...Khi làm như thế, ta cảm giác đau đầu một cách kinh khủng. Ví như một lực sĩ lấy một dây nịt bằng da cứng quấn tròn quanh đầu rồi siết mạnh ...”
- Lần thứ tư, Ngài cũng nín thở vô thở ra ngang qua miệng, mũi và tai, thì:
“...Khi làm như thế, một ngọn gió kinh khủng cắt ngang bụng ta. Ví như một đồ tể thiện xảo (a skilled butcher) hay đệ tử người đồ tể, cắt ngang bụng với một con dao cắt thịt bò sắc bén...”
- Lần thứ năm, Ngài mô tả như sau:
“...Khi làm như thế, có một sức nóng kinh khủng khởi lên trong thân ta. Ví như hai người lực sĩ sau khi nắm cánh tay một người yếu hơn, nướng người ấy, đốt người ấy trên một hố than hừng...”
Nhận xét về kết quả của cuộc hành trình thứ hai: giai đoạn tu khổ hạnh:
- Tâm của Ngài đã vững chắc, không còn bị lôi cuốn vì cảm giác của ngũ quan, hay môi trường thế gian; cắt đứt tất cả nhân duyên gia đình, xã hội. Tâm đã có một quán tính mới: không say mê dục lạc và không chứa chấp bất thiện pháp, Ngài gọi là “ly dục, ly bất thiện pháp.” Do đó, tạp niệm không còn khởi lên bừa bãi. Đây là ưu điểm duy nhất của giai đoạn khổ hạnh.
- Thân thể kiệt quệ.
- Không đạt được giác ngộ tâm linh và giải thoát.
Ngài xét lại lối tu khổ hạnh như sau:
“Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ như sau: Thuở xưa, có những Sa môn hay Bà la môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Về tương lai, có những Sa môn hay Bà la môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Trong hiện tại, có những Sa môn hay Bà la môn thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau kịch liệt, khốc liệt. Những sự đau khổ này là tối thượng, không thể có gì hơn nữa. Nhưng ta, với sự khổ hạnh khốc liệt như thế này, vẫn không chứng được pháp Thượng nhân, tri kiến thù thắng, xứng đáng bậc Thánh. Hay là có đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ chăng ?”
Sau đó, Ngài quyết định từ bỏ lối tu khổ hạnh và áp dụng phương thức Trung đạo: không xa hoa thái quá, như quãng thời gian ở trong hoàng cung, nhưng cũng không khổ hạnh thái quá như thời gian sáu năm qua. Ngài đi khất thực, sống và ăn uống bình thường trở lại với mục đích phục hồi sức khỏe để áp dụng pháp tu mới. Đó là Pháp Thở.
Ngài bắt đầu mở cuộc hành trình thứ ba.
3. Cuộc hành trình thứ ba
Nhớ lại kinh nghiệm xưa, mở ra con đường mới.
Ngài nhớ lại trong một buổi lễ Hạ Điền, khi Ngài mới trên 10 tuổi, trong khi vua Tịnh Phạn và quần thần đang cày cấy, Ngài ngồi dưới bóng mát cây diêm phù đề (jambu), lưng thẳng đứng, tréo chân kiết già, ý nghĩ tập chú vào việc theo dõi hơi thở đều đặn. Một lúc sau, nội tâm Ngài trở nên tĩnh lặng, dù tai Ngài vẫn nghe biết rõ ràng, tâm Ngài không dính mắc ngoại duyên. Ngài cảm thấy khoan khoái và vui thích.
Ngài thuật lại sự kiện này như sau:
“ Này Aggivessana, rồi ta suy nghĩ như sau: “Ta biết trong khi phụ thân ta, thuộc giòng Sakya, đang cày, và ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm phù đề, ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc, do ly dục sanh, có Tầm, có Tứ.” Khi an trú như vậy, ta nghĩ: “Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng ?” Tiếp theo ý niệm ấy, sự nhận rõ ràng này khởi lên nơi ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ.”
Đó là kinh nghiệm xưa, và bấy giờ, sau khi ăn uống bình thường, Ngài áp dụng cách thở bằng niệm biết có tầm có tứ đó trở lại. Sau tuần thứ nhất, kết quả, Ngài:
- Chứng và trú Thiền thứ nhất:
Ngài thuật lại như sau:
“ Này Aggivessana, sau khi ta ăn thô thực, và được sức lực trở lại, ta ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái Hỷ Lạc do ly dục sanh, có Tầm, có Tứ. Này Aggivessana, như vậy, lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta.”
Điều kiện cơ bản để thành tựu định có Hỷ lạc và còn Tầm còn Tứ là do tâm của Ngàì chỉ có niệm duy nhất là sự nói thầm về tiến trình hít vào thở ra, chớ không có tạp niệm nào khác xen kẽ khởi lên, khi Ngài hít vào thở ra nữa.
Ngài kinh nghiệm trạng thái tâm thích thú nhiều về Hỷ lạc. Ngài gọi trạng thái này là “Hữu Tầm Hữu Tứ Định.”
Ngài lại tiếp tục dụng công hít vào thở ra. Lần này Ngài áp dụng cách thầm nhận bíết khi hít vào trở ra. Liên tiếp trong tuần thứ hai, kết quả, Ngài:
- Chứng và trú Thiền thứ hai:
Ngài dứt Tầm (sự nói thầm), và dứt Tứ (sự đối thoại thầm lặng) rất dễ dàng. Đây là kết quả hiển nhiên của hai cuộc hành trình đã qua. Ngài thuật lại như sau:
“ Diệt Tầm và Tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái Hỷ lạc do Định sanh, không Tầm không Tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Aggivessana, như vậy, lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm ta."
Sau này, Ngài dạy lại cho đệ tử phương thức dụng công như sau:
“Do vậy, này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo ước muốn rằng: “Mong rằng làm cho tịnh chỉ Tầm và Tứ, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, một trạng thái Hỷ lạc do Định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm”, thời Định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này cần phải khéo tác ý.”
Phương thức dụng công để đạt được chi Thiền thứ hai là Định niệm hít vào thở ra. Tức là khi hít vào, thở ra, người thực hành chỉ giữ vững niệm thầm nhận Biết không lời khi hít vào thở ra liên tục trong nhiều ngày.
Kết quả:
Ngài kinh nghiệm Hỷ lạc rất nhiều do trạng thái thầm nhận biết không lời khởi lên khi hít vào thở ra. Đây là điều kiện cơ bản để lập thành Định không Tầm không Tứ.
Ngài lại tiếp tục dụng công. Bằng phương thức làm chủ Thọ, trong tuần thứ ba, qua niệm biết rõ ràng và đầy đủ, Ngài:
- Chứng và trú Thiền thứ ba:
Ngài thuật lại như sau:
“Ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú,” chứng và trú Thiền thứ ba. Này Aggivessana, như vậy, lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại, nhưng không chi phối tâm ta.”
Phương thức dụng công vẫn là "định niệm hít vào thở ra," nhưng với trạng thái "Chánh niệm Tỉnh giác." Đây là trạng thái biết rõ ràng, đầy đủ, thầm lặng, không lời.
Kết quả:
Trạng thái bình thản dửng dưng của tâm, không bị tác động bởi bất cứ môi trường nào: gọi là tâm Xả. Do đó, “các căn lắng dịu, sắc mặt thanh tịnh, trong sáng.”
Tuy vẫn biết tất cả cảm thọ, nhưng không dính mắc với cảm thọ. Đây là trạng thái tỉnh thức biết không lời. Trong đó ngôn hành là tầm và tứ và ý hành là thọ và tưởng hoàn toàn không động. Lúc bấy giờ, Tánh giác đã trở thành nhân chứng.
Ngài lại tiếp tục dụng công, Trong tuần thứ tư, bằng niệm nhận thức biết không lời, Ngài:
- Chứng và an trú Thiền Thứ Tư
Ngài thuật lại như sau:
"Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này, Aggivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm ta."
Trong trạng thái này, tâm của Ngài hoàn toàn không động. Thuật ngữ gọi trạng thái tâm này là “Tâm Tathā,” còn trạng thái Định này là "Định Bất Động" hay "Kim cang Định.” Trong tiến trình này, 3 hành, gồm ngôn hành là tầm và tứ, ý hành là thọ và tưởng thì hoàn toàn không động. Riêng về thân hành là hơi thở của Ngài rơi vào trạng thái tự động dừng, tự động hít vào từng chập. Thuật ngữ gọi là “tịnh tức.”
Tiếp tục duy trì trạng thái tâm bất động trong nhiều ngày, đến buổi sáng cuối cùng của tuần thứ tư, những năng lực siêu phàm từ bên trong tâm trong sáng thuần tịnh của Ngài từ lần hiển lộ. Ngài nhận thức rõ ba Minh:
(1) Minh thứ nhất là Ngài nhận thức rõ từng kiếp quá khứ của Ngài cho đến vô lượng kiếp quá khứ.
(2) Minh thứ hai, Ngài nhận thức rõ những nhân duyên của con người trong từng kiếp qua các tiến trình gặp gỡ nhau, chung sống với nhau, làm việc với nhau, tâm tánh giống nhau, khác nhau như thế nào
(3) Minh thứ ba, Ngài nhận thức rõ đầu mối của luân hồi sanh tử là lậu hoặc, và cách chấm dứt lậu hoặc là pháp Tứ đế.
Để Aggivessana biết rõ tiến trình thành đạo này như thế nào, Ngài thuật tiếp cho Aggivessana nghe về những nguyên tắc chứng Tam Minh. Trước hết, Ngài nói về chứng Túc mạng minh hay cách nhớ lại các tiền kiếp của Ngài.
Ngài nói:
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này." Như vậy, ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Aggivessana, đó là minh thứ nhất ta đã chứng được trong đêm canh một..."
Tiếp theo, Ngài mô tả về quá trình chứng Thiên nhãn minh. Đây là cách Ngài nhìn thấy rõ ràng kết quả sự tái sinh của con người trong những bối cảnh gia đình, giòng họ, xã hội, giai cấp khác nhau; hưởng cảnh giàu sang, hạnh phúc, nghèo hèn, khốn khổ khác nhau; mang thân với những sắc diện, hình hài khác nhau, là do ba nghiệp thân, lời, ý của họ hoặc thiện, hoặc ác, hoặc chánh, hoặc tà mà trong kiếp sống vừa qua họ đã tạo nên. Ngài nói:
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của họ. Này Aggivessana, đó là minh thứ hai ta đã chứng trong đêm canh giữa..."
Từ trên nguyên tắc nhớ lại hàng trăm ngàn kiếp của mình và chứng ngộ các thành kiếp, hoại kiếp khác của hiện tượng thế gian, về sau, khi đi giáo hóa, Ngài thiết lập lý luận Tiền Kiếp trong qui luật Nghiệp của chúng sinh, xây dựng Thuyết Duyên Khởi, nêu lên ba nét đặc biệt về đặc tính của hiện tượng thế gian là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, và Tương Quan Nhân Quả trong đạo của Ngài. Ngài đã mặc nhiên phủ nhận vai trò sáng tạo vũ trụ và sinh vật của Thượng đế mà các tôn giáo đương thời và trước thời đại Ngài đã tin tưởng.
Về sau, Ngài đã dùng năng lực chứng ngộ Thiên nhãn minh để thiết lập Qui Luật Nghiệp hay Định Luật Nhân Quả của chúng sinh trong đạo của Ngài. Ngài giải thích rõ ràng về những mối tương quan nhân quả liên hệ đến sự hiện hữu con người trên thế gian và các cõi Trời. Ngài phủ nhận vai trò quyết định tội, phước, vận may hay bất hạnh của con người mà theo truyền thống tín ngưỡng của tôn giáo thời cổ cho rằng do quyền năng quyết định của Thượng đế. Ngài cho rằng chính con người là chủ nhân nghiệp lực của họ chứ không có đấng thiêng liêng nào quyết định số mạng của con người. Và sự kiện Nghiệp được thể hiện qua thân, lời, và ý liên hệ với nhiều nhân duyên, nếu biết chuyển đổi một nhân duyên nào đó, dòng nghiệp lực cũng có khả năng bị chuyển theo.
Tiếp theo, Ngài thuật về sự chứng ngộ Lậu tận minh vào canh chót. Trong đó Ngài mô tả Ngài đã biết như thật về khổ, về lậu hoặc, biết như thật về nguyên nhân gây ra khổ, gây ra lậu hoặc, và biết như thật những cách diệt khổ và chấm dứt lậu hoặc. Ngài nói:
"Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, ta dẫn tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật "Đây là Khổ,” biết như thật "Đây là Nguyên Nhân của Khổ,” biết như thật "Đây là sự Diệt Khổ," biết như thật "Đây là Con đường đưa đến diệt khổ," biết như thật "Đây là những lậu hoặc," biết như thật "Đây là Nguyên nhân của lậu hoặc," biết như thật "Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc," biết như thật "Đây là Con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc."
Dựa vào sự chứng ngộ Lậu tận minh, và nguyên tắc thấy biết như thật về Khổ, về Lậu hoặc, sau này, khi đi giáo hóa, Ngài đề cao thấy biết như thật là chân trí, còn thấy biết bằng suy luận là tà trí. Đồng thời Ngài cũng dạy những cách để đạt được thấy biết như thật bằng cách sử dụng tánh biết để áp dụng các phương thức quán sát đối tượng hay hiện tượng thế gian. Ngoài ra, dựa vào Lậu tận minh, Ngài thiết lập pháp Tứ Diệu Đế, tức Bốn Chân Lý Cao Thượng. Trong đó Ngài phân loại rõ về các loại Khổ, Nguyên nhân của Khổ, Diệt Khổ, và Con Đường đưa đến diệt Khổ là Bát Chánh Đạo. Trong đó, Ngài giải thích và hướng dẫn rõ ràng cách thực hành chi tiết Bát Chánh Đạo. Trong đó có 3 chi quan trọng là Chánh kiến, Chánh niệm, và Chánh định. Ngài cũng cho biết lậu hoặc là tác nhân tạo ra nghiệp. Con người là nạn nhân của chính lậu hoặc của họ. Lậu hoặc có thể được đào thải thông qua Định và Trí tuệ Bát nhã.
Thành quả cuối cùng:
Sau cùng, Ngài cho biết nhờ chứng Lậu tận minh, Ngài đã thoát khỏi lậu hoặc, hoàn toàn giải thoát, không còn tái sinh vào bất cứ cảnh giới nào nữa. Ngài nói:
"Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, ta khỏi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát." Ta đã biết: "Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa." Này Aggivessana, đó là minh thứ ba ta chứng trong canh cuối..." (Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Saccaka, số 36, tr. 541-543)
Qua chứng nghiệm thoát khỏi các loại lậu hoặc, về sau khi đi giáo hóa, Ngài cho biết lậu hoặc là nhân tố đưa đến luân hồi và tái sinh triền miên. Muốn thoát khỏi lậu hoặc, phải thực hành Thiền Định. Để thực hành Thiền Định, Ngài thiết lập ba môn Giới, Định, Huệ và bốn phương tiện dụng công từ thấp đến cao là: Chỉ, Quán, Định, Huệ.
Về Định, Ngài đặt trọng tâm vào tâm thuần nhất hay nội tĩnh nhất tâm (cetaso-ekodibhāva). Đây là trạng thái cần thiết để xây dựng Định không tầm không tứ.
Qua sự kiện này, cho thấy Đức Phật đã không bao giờ đề cao Định bằng cách tập trung tâm vào đối tượng. Trái lại, Ngài đề cao Vô Tướng Định. Ngài xem loại Định này là phương tiện rốt ráo đưa đến chấm dứt toàn bộ khối đau khổ của con người, đưa con người đến giác ngộ và giải thoát tối hậu như Ngài đã thành tựu. Ngài bác bỏ bốn từng Định của hệ thống thiền Yoga, gồm Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, và Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
(Kinh Tiểu bộ, số 80, tr. 265-266)
Chí nguyện trở thành sự thật
Ra đi từ năm 29 tuổi, sau sáu năm kiên trì chiến đấu với nội tâm, cuối cùng, tọa thiền dưới gốc cây cổ thụ Pipphala, tuần tự thực hành qua bốn bước Thiền đặc biệt của riêng mình, Thái tử Siddhattha Gotama đã chiến thắng tự ngã và tập đoàn ma chướng nội tâm bằng những tiến trình biết không lời từ thấp đến cao. Ngài đã thực sự làm chủ toàn bộ những thứ bị sanh gồm trí năng biện luận, suy tư tính toán, và ý thức phân biệt. Kết quả, Ngài đạt được cái “Vô sanh,” tức tâm tathā, chứng đựợc cái không ô nhiễm, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết...
Trong Kinh Thánh Cầu, có một đoạn ghi lại lời Phật mô tả Ngài đã chứng được cái Vô sanh cho các đệ tử nghe. Ngài nói:
"Rồi này các Tỳ kheo, ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sanh, tìm cầu cái không sanh, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết Bàn và đã chứng được cái không sanh, vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách, Niết Bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị già, tìm cầu cái không già... và đã chứng được cái không già... Tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh... và đã chứng được cái không bệnh... Tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị chết, tìm cầu cái không chết... và đã chứng được cái không chết...Tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị sầu, tìm cầu cái không sầu... và đã chứng được cái vô sầu. Tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của cái bị ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm... và đã chứng được cái không ô nhiễm..." (Kinh Trung Bộ 1, kinh Thánh Cầu, số 26, tr. 373-374.)
Thế là trải qua sáu năm gian khổ, bây giờ chí nguyện của Thái tử Siddhattha Gotama mới trở thành sự thật. Ngài thành Đạo, đạt được Giác ngộ tối hậu: Chánh Đẳng Giác. Ngài trở thành vị Phật lịch sử. Lúc bấy giờ Ngài được 35 tuổi.
Cây Pipphala, nơi Ngài tọa thiền, về sau được đặt tên là cây Bồ Đề, tức cây Giác Ngộ. Nơi Ngài thành đạo trở thành "Bồ Đề Đạo Tràng – Bodhinanṇḍa” .
Kể từ sau đó, lịch sử giác ngộ của Ngài đi mãi vào dòng tâm linh của những con người muốn tìm cầu giác ngộ và giải thoát. Mô thức giác ngộ và giải thoát dựa trên sự tự lực dụng công tu tập của cá nhân đã ăn sâu rễ trong dân tộc Đông phương, đặc biệt những con người đi theo đường Thiền Định. Mô thức giác ngộ và giải thoát này được đặt trên nền tảng tâm bất động, tức tâm tathā. Đây là từng định đưa đến sự thành đạo của đức Phật. Từng định này tương đương với Chánh định và Chân như định hay Vô tướng định.
Đức Phật nhận xét Pháp mà Ngài vừa chứng ngộ
Sau khi chứng ngộ Tam Minh trong tuần thứ tư, đến tuần thứ năm, Phật chứng ngộ thêm Pháp Tánh và Pháp Giới Tánh.
Đến ngày cuối của tuần thứ bảy, Phật nhận thấy pháp mà Phật vừa mới chứng ngộ thật quá thâm sâu, vi diệu, vắng lặng, cao thượng, khó thấy, khó chứng, không phù hợp với lý luận thông thường của thế gian, vì nó đi ngược lại cách nhìn theo qui ước của thế gian. Người bình thường khó có thể nhận ra được trạng thái chứng ngộ chân tánh hiện tượng thế gian của Ngài, chỉ có người trí mới hiểu thấu được trạng thái đó. Do đó, Phật không muốn đi thuyết pháp độ sanh. Ngài thấy rằng chúng sanh còn quá nhiều ái dục, ham thích ái dục, nếu nói ra pháp Duyên Khởi hay Qui luật tương quan nhân quả, và Y duyên tánh, chúng sinh sẽ không thể hiểu được. Huống chi là nói đến chỗ chứng ngộ dựa trên “ngoài lời," tức "không lý luận” (atakkāvacara) thì lại càng khó hiểu, khó nhận ra nữa. Như vậy, nếu muốn độ sanh thì làm sao độ ? Ngài cho rằng nếu Ngài thuyết pháp mà người khác không hiểu, như vậy thật là phí công vô ích.
Lúc bấy giờ, có vị Phạm Thiên tên Sahampati xuất hiện, quỳ đảnh lễ Phật. Vị Phạm Thiên này tha thiết thỉnh cầu Ngài đi giảng pháp để độ sinh. Ngài bằng lòng.
Lúc bấy giờ, với Phật nhãn, Phật quan sát khắp nơi. Ngài nhận ra rằng tâm tánh và trí tuệ chúng sanh như các loại sen trong các hồ sen: có cái vươn lên khỏi mặt nước, có cái vừa nhô lên khỏi mặt nước, cái còn trong hồ nước, chưa kịp nhô lên, hoặc có cái vừa nhú ra từ gốc sen.
Phật cho rằng Pháp mà Ngài vừa hoàn toàn chứng ngộ rốt ráo là "bằng tâm hoàn toàn tĩnh lặng, không một niệm khởi lên để nhìn vào chư Pháp, rồi nhận ra chân tánh chư Pháp ..." Phật cho rằng hai vị thầy đã dạy Phật hai loại định cao nhất trong Thiền Yoga, với mức độ kinh nghiệm Định và với trí tuệ thù thắng, hai vị này sẽ dễ dàng áp dụng Pháp của Phật để đạt được giác ngộ như Phật. Nhưng không may, khi dùng Phật nhãn để tìm lại hai vị thầy cũ, Phật biết rằng hai vị đó đã qua đời. Sau đó, Phật dùng Phật nhãn, tìm nhóm ngài Kiều Trần Như, Phật biết năm vị này đương sống tại Khu Vườn Nai ở Ba la nại. Phật liền đi đến đó để độ họ.
Phật biết rõ tâm tánh năm vị này còn quá nhiều dính mắc, nên Phật dùng Pháp "có lời" theo qui ước thế gian để độ họ. Những Pháp này gồm Tứ Đế, Vô Ngã, và Lý Duyên Khởi. Phật xếp những Pháp đó là Trung Đạo.
Từ sau đó nguyên tắc đối cơ thuyết pháp của Phật được thành lập.
Trong phạm vi bài này, tôi chỉ trình bày về bốn tầng Định để vạch ra hướng đi trong Khóa IV Căn bản.
Phật đã xếp bốn tầng Định để giáo hóa đệ tử:
1- Thiền thứ nhất : Hữu tầm hữu tứ định.
2- Thiền thứ hai: Vô tầm vô tứ định.
3- Thiền thứ ba: tâm Xả hay Chánh niệm tỉnh giác
4- Thiền thứ tư: Chánh định.
Về sau, trong kỳ kết tập Kinh điển lần thứ ba, dưới triều vua A Dục, Hệ Trưởng Lão bộ (Theravāda), do ngài Mục Kiền Liên Tu đế đứng đầu, ghi lại Đức Phật thành đạo gồm chín tầng định (ghi trong Kinh Tương Ưng Bộ).
1- Thiền thứ nhất: Hữu tầm hữu tứ định.
2- Thiền thứ hai: Vô tầm vô tứ định.
3- Thiền thứ ba: Chánh niệm tỉnh giác
4- Thiền thứ tư: Chánh định.
5- Không vô biên xứ định..
6- Thức vô biên xứ định.
7- Vô sở hữu xứ định.
8- Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.
9- Diệt thọ tưởng định.
Đến khoảng cuối thế kỷ thứ 4 hay thứ 5, Ngài Phật Âm (Buddhaghosa), một Luận sư nổi danh trong Phật giáo Theravāda, trong quyển Thanh Tịnh Đạo (sư cô Trí Hải dịch ra Việt ngữ) đã gọi tên bốn tầng định đầu là:
1- Sơ Định.
2- Cận Hành Định.
3- An Chỉ Định.
4- Chánh Định.
Và bốn tầng Định sau là:
1- Không Vô biên xứ định,
2- Thức Vô biên xứ định,
3- Vô Sở hữu xứ định,
4- Phi tưỏng, phi phi tưởng xứ định.
Về sau, Chư Tổ Thiền Tông Ấn Độ, Trung Hoa, và Việt Nam đã dùng thứ ngôn ngữ chứng ngộ của các ngài, phù hợp với ngôn ngữ chứng ngộ của Đức Phật. Tất cả đều gặp nhau ở một chỗ duy nhất: đó là CHẤM DỨT NGÔN HÀNH; phù hợp với lời Phật đã công bố: DỨT TẦM, DỨT TỨ, thuộc Chi Thiền Thứ Hai.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma (vị Tổ Thiền Tông thứ 28 của Ấn Độ, và cũng là vị Tổ thứ nhất của Thiền Tông Trung Hoa) đã dạy:
“Chân lý tối hậu là ngoài lời. Giáo là lời, không phải Đạo. Đạo thì không lời. Lời là hư giả. Ngay nơi ngươi, đạt được Cái Không Lời, ngươi đạt Đạo.”
(Chú thích: - Ý nghĩa “chân lý tối hậu” = “Chân Như;” chữ "Đạo" mà Tổ Đạt Ma dùng để dạy đệ tử là chỉ cho chân lý tối hậu, tức "Chân Như.")
Một đoạn khác, Tổ dạy:
“Không suy nghĩ về bất cứ việc gì, đó là Thiền.”
-Nhị Tổ Huệ Khả (Trung Hoa): sau một thời gian dụng công, đã đạt được “bặt đường ngôn ngữ.” Ngài trình kết quả với Tổ Bồ Đề Đạt Ma như sau:
“Con ngoài dứt các duyên, trong không nghĩ tưởng”
“Con thường biết rõ ràng, nói không thể được."
- Lục Tổ Huệ Năng (Trung Hoa) đã dạy sư Huệ Minh:
“Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của thượng tọa Minh ?”
Ở một chỗ khác, Lục Tổ dạy đệ tử:
“Ông muốn rõ được tâm yếu, thì đối với tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào ...”
- Tổ Bá Trượng (Trung Hoa) nói:
“Dẹp bỏ môi lưỡi, cắt đứt cổ họng.”
- Ngài Trí Khải Đại Sư (Trung Hoa) dạy:
“Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt.”
Sơ tổ Trúc Lâm hay Trúc Lâm Đại Đầu Đà (tức vua Trần Nhân Tông, Việt
“Đối cảnh vô tâm, mạc vấn Thiền.”
Trong bài “Câu Có Câu Không,” ngài dạy:
“Cắt đứt sắn bìm
Đó đây vui thích.”
Thiền sư Thanh Từ (Việt
“Biết vọng; không theo... Không suy nghĩ... Trút sạch khái niệm…”(Thiền Tông Việt
Tóm lại, VÔ TẦM VÔ TỨ ĐỊNH là tầng định cơ bản trong tất cả ba hệ Thiền Phật Giáo: hệ Theravāda (quen gọi là "Phật Giáo Nguyên Thủy"), hệ Phật Giáo Phát Triển (quen gọi là "Đại Thừa"), và hệ Thiền Tông. Cốt lõi bên trong của tầng Định này là gì ? Đó là trạng thái “Thầm nhận biết không lời” vững chắc. Ta kinh nghiệm được tâm thuần nhất. Ngôn hành là Tầm và Tứ không còn tự do khởi lên.
Nhưng làm sao kinh nghiệm được trạng thái ngôn hành không khởi lên này ? Làm sao đạt được dòng biết không lời của Tánh giác ?
Để trả lời hai câu hỏi này, dưới đây tôi xin trình bày tiếp theo là trọng tâm thứ 2 của bài trình hôm nay. Đó là:
II- Con đường thiền chúng ta đi hôm nay:
Phần này tôi xin trình bày theo sự hiểu biết có giới hạn của tôi, qua ba tháng tu học trong Khóa Hạ và Khóa IV Căn bản năm nay (1998). Tôi cố gắng tổng kết những điểm chủ yếu về lý Thiền, và pháp thực hành Thiền mà tôi đã tiếp thu được..
Trước khi đi vào trọng tâm: Làm sao đạt được cái Biết Không Lời của Tánh Giác ? tôi xin lướt qua về đặc điểm của Ba sắc thái Biết trong con người.
A.- BA SẮC THÁI BIẾT
Hầu hết thiền sinh học ở lớp Căn Bản, từ các năm 1995 đến 1998, qua sự hướng dẫn của Thầy Thiền chủ, đều biết rõ là trong não bộ con người có Ba Sắc Thái Biết: Biết của Ý thức, Ý căn, và Tánh giác. Cả ba cái Biết này đều nằm trên vỏ não. Và điểm quan trọng là cả ba cái biết đó đều tác động dây chuyền đến hệ thống Viền não qua trục sợi thần kinh liên kết qua lại lẫn nhau. Sức khoẻ chúng ta phần lớn vốn dựa vào sự tương tác giữa Tâm, Đối tượng, Vỏ não và hệ thống Viền não. Nếu học Thiền mà nắm vững những chức năng và tác dụng của Ba Sắc Thái Biết đó, chúng ta sẽ rút ngắn được thời gian tu tập. Đồng thời, chúng ta cũng biết rõ những tiến trình ngộ đạo hay chứng ngộ trong Thiền dựa trên yếu tố nào trong Ba Sắc Thái Biết đó. Rồi làm sao biết mình thực hành Thiền đúng hay sai. Đúng thì đưa đến gì cho thân, tâm, và trí tuệ tâm linh? Sai thì đưa đến gì cho thân, tâm, và trí tuệ tâm linh?
Dưới đây, tôi xin trình bày những hiểu biết và kinh nghiệm tu học của tôi trong ba tháng vừa qua về Ba Sắc Thái Biết trong khuôn khổ con đường Thiền chúng ta đi hôm nay.
Về Ba Sắc Thái Biết, đây là kiến thức Thiền học mới. Kiến thức này vừa mang tính khoa học thực tiễn, vừa chứng minh được lời Phật dạy trong kinh, Tổ dạy trong Luận. Đồng thời, với kiến thức mới này, nếu thông suốt vị trí, đặc tính, chức năng, hay vai trò, và tác dụng của Ba Sắc Thái Biết đó, chúng ta sẽ không sợ bị tẩu hỏa nhập ma khi thực hành Thiền.
Trước hết, tôi xin trình bày:
1. Sắc thái Biết của Ý thức
- Ý nghĩa Ý thức
Về từ Ý thức, trong Pāli, gọi là Viññāṇa tương đương tiếng Anh là “Consciousness.” Các nhà Phật học Trung hoa thường dịch là “Thức.” Tiếp đầu ngữ là “Vi” có nghĩa “chia ra làm hai.” Còn “ñāṇa” là “trí.” Hai từ này kết hợp lại lập thành Viññāṇa được dịch là “Ý thức.” Như vậy, theo ngữ nguyên, “Ý thức” có nghĩa: “trí được chia ra làm hai để phân biệt và so sánh về đối tượng.” Cái biết này được xếp là “hai bên,” tức “nhị nguyên.”
- Vị trí
Theo vị trí trên vỏ não, Ý thức nằm ở tiền trán Bán cầu não phải.
- Chức năng
Ý thức kết hợp với 5 giác quan và đối tượng của giác quan để lập thành sự phân biệt về đối tượng. Do đó, Biết của Ý thức là cái biết phân biệt, so sánh, nặng tính chủ quan và dính mắc vào đối tượng. Như vậy, nếu không có đối tượng, Ý thức không đóng được vai trò của nó. Tâm nhị nguyên vốn xuất phát từ nơi Ý thức. Nó là tác nhân tạo ra nghiệp: thân nghiệp (bằng hành động, cử chỉ tay chân) và khẩu nghiệp (bằng lời nói ra ngoài miệng), như công bố, phúc trình, hay quyết định điều gì có lợi hoặc có hại cho mình hay cho người khác, hoăc tập thể khác.
2. Sắc thái Biết của Ý căn
- Ý nghĩa Ý căn (Manīndriya)
Trong Pāli, gồm 2 từ kết hợp: Mano = Ý; Indriya = Căn. Có nghĩa “năng lực” của Ý.
- Vị trí
Theo vị trí trên vỏ não, Ý căn nằm ở tiền trán Bán cầu não trái.
- Thành phần và chức năng
Ý căn gồm hai thành phần cơ bản: (1) Suy nghĩ, tính toán thuộc Ý căn, (2) suy luận vẽ vời thuộc Trí năng. Do đó, Biết của Ý căn là cái biết do suy nghĩ, tính toán, và trí năng biện luận, suy luận, vẽ vời. Do đó, cả hai là chướng ngại của ngộ đạo trong Thiền.
Thông thường Ý căn tích lũy dữ kiện quá khứ. Còn trí năng là công cụ của Ý căn và Ý thức.
Đó là điểm khác nhau giữa hai sắc thái biết của Ý thức và biết của Ý căn. Ngoài ra, trong hai sắc thái biết này có những đặc tính giống nhau như sau:
Đặc tính quan trọng hàng đầu của Ý căn và Ý thức:
- Quản lý cơ chế phát ngôn, gồm ba vùng trên vỏ não, thuộc thùy trán bán cầu não trái: (1) Vùng Broca, (2) vùng nói thầm, và (3) vùng đối thoại thầm lặng.
- Biết có lời (verbal knowledge)
- Với Ý căn thì nói thầm triền miên một mình.
- Với Ý thức thì công bố hay phúc trình cho người khác biết.
- Cả hai có thể biểu lộ bằng nhiều cách:
v Dùng ngôn ngữ: lời nói thầm trong não hay lời nói ra ngoài miệng.
v Văn tự: bằng chữ viết diễn tả ra.
v Hành động, cử chỉ.
- Cả hai đều có chung chủ thể là “Ta / Tôi”:
v Ai suy nghĩ ? – Ai nói ? - Ai lầm bầm ? - Ai công bố ? Ai vui ? Ai buồn ?
v - Ta ! /Tôi !
- Có đối tượng: đối tượng có thể là bên ngoài (khách trần hay ngoại trần) hay bên trong (pháp trần hay nội trần).
- Cái biết này có tính cách riêng rẻ, từng phần hay cục bộ; và gián đoạn (tức là không thường hằng)
- Cái biết này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, phải có học hỏi trước.
Trên đây, tôi lướt qua điểm khác nhau và giống nhau của hai sắc thái Biết của Ý thức và Biết của Ý căn. Sau đây, tôi xin trình bày theo sự hiểu biết của tôi về cái Biết của Tánh Giác.
3. Sắc thái Biết của Tánh giác
- Ý nghĩa Tánh giác
Trong Sanskrit, thuật ngữ tánh giác là “Buddhitā." Nó không phải là Phật tánh (Buddhatā). Nó là chủ thể Biết của sáu căn. Vì thế Thiền tông giả lập nó là “Ông Chủ.” Khi nó có mặt, Ý thức, Ý căn, và Trí năng liền vắng mặt.
- · Vị trí và thành phần
Nằm ngay tại vùng tam giác của ba thùy, phía sau bán cầu não trái, Tánh giác gồm bốn Tánh:
1) Tánh Thấy liên hệ đến Thùy chẩm,
2) Tánh Nghe liên hệ đến Thùy Thái dương,
3) Tánh Xúc Chạm liên hệ đến Thùy đỉnh
4) Tánh Nhận thức biết liên hệ đến 3 tánh.
Riêng về Tánh nhận thức biết, ở lớp Căn bản, chúng ta chưa học những chủ đề trừu tượng, siêu vượt, nhắm mục tiêu khai triển tiềm năng giác ngộ, nên phần này tôi không dám lạm bàn.
- · Đặc tính
v Đặc tính quan trọng hàng đầu của Tánh giác là Biết không lời (nonverbal awareness or wordless awareness). Thuật ngữ thường gọi là “Biết vô ngôn,” tức là biết rõ ràng, thầm lặng mà không có lời nói thầm trong não khởi lên trong tiến trình biết đó. Chỉ vì bên trong cơ chế Tánh giác không có vùng phát ngôn mà chỉ có vùng "Kiến giải tổng quát."
v Cái Biết của tánh giác không có chủ thể: vì không có một lời nói thầm nào trong não, nên nó là biết không khái niệm.
v Không có đối tượng hay có đối tượng, nó vẫn biết. Đây là cái biết tức khắc, biết đồng bộ, biết thường hằng (không gián đoạn).
v Không cần kinh nghiệm hay học hỏi. Đây là cái Biết Như Thật, vật thế nào, nó thấy y như thế đó.
- · Chức năng
v Kiến giải tổng quát tất cả dữ kiện.
Sự kiến giải này không do tự ngã phụ trách; nhưng để cho có vẻ hợp lý, các nhà Phật học Phát triển dựng lên một giả danh, gọi là “chân ngã” hay “Ông Chủ,” hoặc “tự tánh,” đóng vai chủ thể kiến giải mà không có suy tính của Ý căn, cũng không phân biệt của Ý thức.
v Chức năng quan trọng nhất của Tánh giác là Ngộ. Vì thế vùng tánh giác còn được gọi là Vùng Giác Tri Tâm linh (Gnostic area, Spiritual knowledge area). Không cần kinh nghiệm trước, không cần học hỏi, tự nó, thầm lặng hoạt động, và cho ra lời giải đáp mọi nghi vấn, mọi vấn đề khó khăn mà từ lâu ta đã bế tắc. Thuật ngữ thiền gọi là “Ngộ.” Có nghĩa ta hiểu biết được “điều chưa biết.”
Để có kinh nghiệm "ngộ" này, ta cần hội đủ những điều kiện:
1) Điều kiện trước nhất là ta phải có một nghi vấn chưa giải quyết được cất vào ký ức.
2) Điều kiện thứ hai là trí năng hoàn toàn bế tắc. Ta không còn suy nghĩ, tính toán, phân biệt so sánh gì nữa được.
3) Nói chung, cả ba vùng Ý thức, Ý căn, và Trí năng đều không hoạt động.
4) Cuối cùng nhờ một điều kiện bên ngoài tác động mạnh vào một trong ba tánh, tức thì kiến giải sẽ bật ra.
Khi dụng công, ta dùng pháp Như Thật để kích thích vào một trong ba Tánh. Phương pháp này gọi là “phản xạ giác quan.” Với điều kiện này, trí năng cần đóng vai trò tỉnh ngộ. Đó là ta sử dụng pháp Như Thật để dụng công. Ta không suy luận, không tưởng tượng, cũng không tập trung tâm vào bất kỳ đối tượng nào khi thực hành thiền. Qua nguyên tắc thực hành này, ta sẽ có kinh nghiệm “kiến giải từ bên trong cơ chế tánh giác.”
Qua phương thức “biết không lời," "thầm nhận biết," "tỉnh thức biết," và nhận thức biết không lời," tiềm năng giác ngộ, tức Phật tánh sẽ từ từ xuất hiện. Vì sao ? - Vì những điều kiến giải của tánh giác là những điều mới lạ, nói theo thuật ngữ Thiền, nó “phát xuất từ hông ngực ta.” Đó mới chính là “kho báu của riêng mình.”
- · Tác dụng của Tánh Giác
Nếu biết cách dụng công đúng theo chức năng của Tánh giác, ta có khả năng kinh nghiệm:
v Chuyển hóa tâm.
v Điều chỉnh bệnh tật của thân.
v Cân bằng thân tâm.
v Phát triển trí tuệ tâm linh.
Lý do là khi tâm tĩnh lặng hay an vui, nó sẽ phát ra tín hiệu "điện từ" (electromagnetic signals) với nội dung "êm dịu." Tín hiệu điện từ này được phát ra nó sẽ truyền thẳng đến Dưới Đồi, nơi đây sẽ tiết ra chất nước hóa học, chất nuớc này sẽ truyền đến Tuyến Yên. Từ Tuyến Yên sẽ tác động dây chuyền đến các tuyến nội tiết khác.
Như vậy, nguyên tắc điều chỉnh bệnh tâm thể của thân, cân bằng thân-tâm, trên căn bản là do Tâm của ta khởi lên tín hiệu an vui hay tĩnh lặng. Từ đó, não bộ sẽ tiếp nhận thông tin này (dưới hình thức xung lực thần kinh và thần kinh dẫn truyền) để truyền thẳng đến hệ thống Tuyến Nội tiết. Đứng đầu Tuyến Nội tiết là Khu Dưới Đồi...Nơi đây, một trục tác động dây chuyền sẽ xảy ra. Các chất sinh hóa học trong các Tuyến Nội tiết sẽ được tiết ra để điều chỉnh bệnh nội tạng của ta.
Điều này cho thấy: Bệnh tâm thể là bệnh do Tâm dính mắc đưa đến lo âu, sợ hãi, giận tức, không an, hay rối loạn gây ra như: loét bao tử, huyết áp cao, tim hồi hộp, tiểu đường. Những bệnh này sẽ được chữa trị tự động thông qua trạng thái tâm tĩnh lặng hay an vui thường trực của người thực hành thiền.
Ngoài ra, những trục trặc cơ thể như: lùng bùng lỗ tai, dị ứng da, mũi, mất ngủ, trặc cổ, đau lưng... cũng được điều chỉnh tự động, tùy theo mức độ Định của người thực hành đạt được sâu hay cạn. (Sâu hay cạn được tính bằng đơn vị thời gian kéo dài của trạng thái vọng tưởng không khởi lên từ 5 phút đến 10 phút liên tục.)
Còn riêng về việc phát triển trí tuệ tâm linh, ta cần áp dụng những kỹ thuật thực hành để kích thích vào một trong ba Tánh.
Vấn đề quan trọng của ta là làm sao kinh nghiệm được sự có mặt thưòng trực của Tánh Giác trong vòng từ 5 phút đến 10 phút ?
Sau đây là những phương thức dụng công từ bước đầu tiên để huấn luyện tâm, làm cho quán tính di động của tâm dừng lại.
B.- PHƯƠNG THỨC DỤNG CÔNG:
Trong ba tháng Hạ và Khóa IV Căn bản này, chúng ta được học và thực hành tất cả là năm kỹ thuật:
1) Không định danh đối tượng.
2) Không dán nhãn đối tượng.
3) Chú ý trống rỗng.
4) Thầm nhận biết.
5) Tỉnh thức biết.
Mỗi kỹ thuật có thể áp dụng qua nhiều chiêu thức hay tư thế, thích hợp với từng người.
Về tư thế có: đi, đứng, ngồi chơi, và tọa thiền. ta không sử dụng tư thế nằm, vì nằm sẽ dễ ngủ. Trừ khi ta bị mất ngủ, thì nên áp dụng. Các chiêu thức có rất nhiều tùy theo ta sử dụng mắt, tai, thân hay ý căn để dụng công.
Sau đây, tôi xin đi vào chi tiết về từng kỹ thuật. Tuy nhiên, đây chỉ là những nhận xét có tính cách tương đối và chủ quan qua sự dụng công của tôi mà thôi.
1) Không định danh đối tượng là gì ?
Là không gọi tên đối tượng, khi ta nhìn thấy đối tượng; có nghĩa là ta thấy biết rõ ràng đối tượng, nhưng trong não không khởi lên một niệm nói thầm nào về tên đối tượng. Ta có nhiều chiêu thức khác nhau để dụng công kỹ thuật đầu tiên này; có thể dùng tất cả mắt, tai, thân hay ý, và sử dụng tất cả tư thế: đi, đứng, ngồi chơi và tọa thiền...Ví dụ: khi thiền hành, ta đã sử dụng mắt, tai và thân cùng lúc; với chiêu thức nhìn lướt qua cảnh vật chung quanh, trước mặt; tai nghe tiếng chim hót, tiếng nhạc ở xa; chân chạm đất, xúc chạm mát ở mặt vì gió thổi v.v...Tất cả cảm thọ qua mắt, tai và thân, ta đều thấy biết, nghe biết, và xúc chạm biết, nhưng trong não ta không khởi lên một niệm nói thầm nào. Còn trong tư thế tọa thiền, khi có một hình ảnh nào gợn lên trong nhãn thức, ta thấy biết, nhưng không gọi tên hình ảnh đó.
Như vậy, chỉ với kỹ thuật không định danh đối tượng, nếu dụng công rốt ráo, ta cũng có thể đi đến mục tiêu là: dứt được tâm ngôn để vào Định.
“ Chân chạm đất mà tâm không hề dính đất,
Giữ vô ngôn, ta lặng lẽ cất bước đi,
Tai vẫn nghe, mà ta không hề suy nghĩ,
Mắt vẫn thấy, mà ngã-tư duy đã tắt lịm tự bao giờ.
Chân giải thoát, có ai ngờ không nhỉ?
Chỉ thiền hành trong lặng lẽ bước chân đi.
v
Vô ngôn trong bước đi,
Dở chân chẳng nghĩ gì,
Đặt chân không suy nghĩ,
Lặng lẽ Biết chân đi.
v
Thiền hành không suy nghĩ,
Cắt đứt đám tư duy,
Làm cho chân thật trí,
Hiển bày bốn oai nghi.
v
Thân hành tuy xúc chạm,
Dỡ, đạp, ta vẫn biết,
Nhưng biết mà không lời,
Niệm biết vẫn khắp nơi.
v
Không ta mà có Biết,
Biết đó chính Vô Sanh,
Chân tánh loài hữu tình,
Chiếu tan bóng vô minh.
v
Âm thầm từng bước đi,
Tánh Biết biết chân đi,
Chân đi trên tánh Biết,
Tịch diệt ngã- tư duy.”
(Trích trong bài Thiền Hành Vô Ngôn của Thầy Thiền chủ)
Cái “Biết chân đi” được giữ lại trong vùng Xúc chạm thuộc Thùy Đỉnh phía sau bán cầu não trái, không truyền xung lực qua khu tiền trán võ não, nên Phàm Ngã không có mặt (tức là vùng ý căn và ý thức không hoạt động lúc đó, hay là lúc đó không có suy nghĩ, phân biệt hay biện luận...)
2) Không dán nhãn đối tượng là gì ?
Khi mắt nhìn thấy một đối tượng, ta thấy biết rõ ràng mà trong não không khởi lên một niệm nói thầm nào về nội dung, về tính chất, về phẩm hạnh của đối tượng đó; nghĩa là không khởi lên nhận xét, phê bình, gán ghép một thành kiến nào lên đối tượng. Đối tượng như thế nào, ta chỉ thấy biết y thế đó. Ta không dán lên đối tượng một nhãn hiệu gì khác.
Ví dụ, trong truyện Thúy Kiều, thi hào Nguyễn Du đã mô tả cảnh buồn vì tâm trạng buồn của Thúy Kiều:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ ?
Nếu ta thực hành “Không định danh” ngay khi tiếp xúc đối tượng, thì ta sẽ không cần thực hành “Không dán nhãn đối tượng.” Vì trong thực tế, khi ta dán nhãn cho đối tượng, là vì trước đó, ta đã định danh đối tượng rồi.
Khi ta dán nhãn cho đối tượng, là ta đã sử dụng ý thức phân biệt; từ đó sẽ kéo theo cả một đám rối tư duy; có nghĩa là ta đã tự mình giăng ra một mạng lưới niệm bao quanh đối tượng rồi.
Kỹ thuật Không dán nhãn đối tượng được sử dụng đặc biệt cho mối quan hệ giữa người và người. Thông thường, qua sắc trần và thanh trần, chúng ta dễ bị dính mắc. Ví dụ: thấy một người quen, ta liền nhớ đến quá khứ của họ, và ta chụp mũ họ là gian ác, bần tiện...; nghe một lời nói bình thường, ta lại chụp mũ, đó là lời mỉa mai, châm biếm...Khi đó là ta đã tự mình tạo ra mạng niệm vô minh, chỉ chứa toàn là tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...Mạng niệm này càng dày đặc, thì nó càng trói chặt ta trong phiền não khổ đau mà thôi.
Để đối trị quán tính di động của tâm, ta phải giữ vững trạng thái Thấy Như Thật, Nghe Như Thật, Xúc Chạm Như Thật của Tánh Giác. Tức là thấy biết, nghe biết, xúc chạm biết rõ ràng mà trong não không khởi lên thêm một niệm nói thầm nào tiếp theo đó.
“Ta vào đời mà đời chẳng trong ta,
Nghe, thấy, biết, từng sát na, ta chẳng dính,
Sống trong đời, tâm ta vẫn hằng an tĩnh không hai,
Mọi phải, trái vẫn hiện hành trên Tánh biết,
Nhưng Ý căn biền biệt lìa xa...”
(Trích trong bài: Đố ai biết được cách đi,
Qua dòng nước mà chân không dính nước ?)
3) Chú ý trống rỗng là gì ?
Đó là chú ý nhìn đối tượng ở gần, hay xa, mà trong đầu ta không khởi lên một niệm nói thầm nào, về tên, về nội dung, về chi tiết gì liên quan đến đối tượng đó; hay nghe một âm thanh mà không chú ý đến nội dung của âm thanh, không lặp lại nội dung của âm thanh đó trong não.
Tức là khi khởi niệm dụng công bằng cách dùng giác quan mắt hay tai để chú ý đến đối tượng, ta áp dụng nhìn thấy biết, nghe biết mà trong não, ta không khởi lên niệm nói thầm về đối tượng.
Ta có thể dùng nhiều chiêu thức hay tư thế, để ứng dụng kỹ thuật chú ý trống rỗng: chú ý thu hẹp, hay chú ý nhìn gần, có chọn lựa đối tượng; hay chú ý nhìn thẳng và xa, không chọn lựa đối tượng. Khi tọa thiền, nếu có hình ảnh từ ký ức dài hạn hay ký ức vận hành khởi lên, ta thấy biết mà không có một lời nói thầm nào về hình ảnh đó, nó sẽ lặn mất.
Trong tháng sau cùng, chúng tôi được ra biển vào buổi sáng sớm, Thầy dạy thêm về Thở Nội Lực và tập Quyền, để tăng thêm sức khỏe, hổ trợ việc tu tập. Chúng tôi cũng thực tập chiêu thức nhìn thẳng và xa, tức là phóng chiếu tầm nhìn xa ra chân trời. Chúng tôi áp dụng kỹ thuật Chú ý trống rỗng, tức là: khởi đầu chú ý nhìn xa ra biển, ra chân trời; nhưng không khởi lên một niệm nói thầm nào về tên, về nội dung, màu sắc của cảnh trước mắt, tai nghe tiếng sóng vỗ vào bờ cát, nhưng không khởi lên một lời nào về đặc tính của âm thanh. Dần dần, âm thanh và cảnh vật như nhạt nhòa đi, chỉ còn lại là Cái Biết Không Lời của Tánh Giác.
Tóm lại, trong bước đầu dụng công để vào Sơ Định, hay tầng Thiền thứ nhất, mà Phật gọi là “Hữu tầm hữu tứ định,” ta có thể thực hành một trong ba kỹ thuật:
- Không định danh,
- Không dán nhãn, hoặc
- Chú ý trống rỗng.
Nếu dụng công đúng và thường xuyên đều đặn: mỗi ngày 2 thời, mỗi thời trong vòng 20-30 phút, ta sẽ có thể đạt được mục tiêu: làm chủ quán tính di động của tâm theo ý muốn. Ta sẽ vào Định dễ dàng. Chính lúc đó, cái Biết lặng lẽ không lời của Tánh Giác sẽ có mặt. Chính lúc đó là chỗ “Đối cảnh vô tâm,” là chỗ “Thấy núi sông là núi sông” của thiền sư Duy Tín, đời Tống, sau 30 năm được thiện tri thức chỉ dạy. Đó cũng chính là “Cái thấy như thật” hay chỗ “Thấy sắc không dính sắc, nghe tiếng không kẹt tiếng” trong kinh Lăng Nghiêm. Nhưng vì thiếu miên mật dụng công bằng những chiêu thức hay kỹ thuật nêu trên, nên chúng ta sẽ nhận ra vào Định thật là gay go.
Cho nên, bước đi đầu tiên này rất quan trọng. Nếu kinh nghiệm được vững chắc một trong các kỹ thuật thực hành trên, ta sẽ biết được thế nào là Tánh giác có mặt. Tuy khởi đầu, ta dùng trí năng để dụng công, và còn có pháp để dụng công, còn có đối tượng dụng công. Nhưng khi ta thực sự Không định danh, Không dán nhãn hay Chú ý trống rỗng, thì ngay lúc đó, đã không còn đối tượng, không còn pháp dụng công, và cũng không còn người dụng công, mà chỉ còn một dòng Biết không lời hiện hữu mà thôi.
Ngay khi Tánh Giác có mặt, ta sẽ cảm nhận được trạng thái diệu hữu trên thân, tâm, và trí tuệ của ta sẽ từ lần được triển khai. Đồng thời, ngay khi đó, ba nghiệp thân, lời, ý đều thanh tịnh. Lý do là cơ chế Tưởng không động. Những mạng lưới khái niệm đều yên lặng. Ta liền kinh nghiệm thầm nhận biết; rồi tỉnh thức biết.
Ngay khi đó, là cái Như Thật Tri: là Định, là Huệ đồng đẳng (theo Lục Tổ).
Tuy nhiên, Tánh Giác trong bước đầu có mặt chưa được vững chắc, không được thường xuyên, nên Sơ Định còn được gọi là Định sát na. Tầng định này tương đương với trạng thái Tâm Hỷ Lạc, còn Tầm, còn Tứ, mà đức Phật xếp vào là Chi Thiền thứ nhất: Hữu Tầm Hữu Tứ Định.
Tiếp tục bước thứ hai, ta ứng dụng kỹ thuật Thầm Nhận Biết để kinh nghiệm Vô Tầm Vô Tứ Định.
4) Thầm nhận Biết là gì ?
Chiêu thức đầu tiên là Thầm nhận Biết có nội dung “Không nói”: ta giữ cáí thầm Biết lặng lẽ của tánh giác, trong đó có mang một lệnh “Không Nói.” Trong bước này, mỗi khi niệm khởi lên, ta đem lệnh “không nói” ra đối trị. Niệm sẽ lặn mất. Niệm trong tiến trình dụng công này là Thọ, Tưởng và Tầm. Khi thọ khởi lên (thọ bây giờ chỉ là những tác động sinh học), ta Biết và không dính mắc, bằng cách “không nói.” Thọ sẽ không tác động đến tiến trình định của ta. Thọ sẽ tồn tại nhưng không trở thành Tưởng (tri giác), không trở thành Tầm (lời nói thầm trong não). Bấy giờ là tánh giác chủ động, sẽ không phát ra một xung lực nào trong não, biển tâm vẫn yên lặng.
Trong bước hai, ta thực hành pháp mới,
Thầm nhận mình có niệm biết khắp nơi.
Trong đứng, đi, ngồi, nghỉ, ta không lời,
Tập cho vững để khắp nơi thức tâm không dính đối tượng.
Có tướng đi mà không có niệm người đi trong đó,
Có thân ngồi mà chẳng có niệm người ngồi co xếp hai chân,
Có thân động mà trong bốn oai nghi không người khởi động,
Có sự tu mà không có người khởi ý tu.
(Trích trong bài: Hòa nhập Thầm Nhận Biết)
5) Tỉnh thức Biết là gì ?
Kỹ thuật này có thể thực hành trong tất cả tư thế: đi, đứng, ngồi chơi và tọa thiền. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, tư thế tọa thiền là quan trọng và cần thiết. Vì trong tư thế tọa thiền, ta mới có thể thư giãn toàn diện cả thân và tâm, để đi vào định; và cũng trong tư thế tọa thiền, ta sẽ dễ nhìn thấy niệm khởi. Ta không còn tiếp xúc với ngoại trần nữa, bây giờ ta chỉ đối mặt với chính nội tâm ta mà thôi.
Lúc nào ta cũng giữ vững cái Biết không lời của Tánh Giác. Mỗi khi niệm khởi lên, hay một hình ảnh nào đó gợn lên trong nhãn thức, ta lập tức tỉnh thức, đem cái Biết không lời ra đối trị. Niệm kia hay hình ảnh kia sẽ lặn mất. Tất cả những động tác trên sẽ diễn ra trong sự nhận biết thầm lặng mà thôi, ta không khởi ra một lời nói thầm nào trong não.
Nói rõ hơn, cái Biết của Tánh Giác phải luôn luôn tỉnh thức để cho những làn sóng của vọng tâm phải tự dừng. Vì khu Kiến giải tổng quát (vùng Tánh Giác) không có cơ chế Nói trong nó, nên khi ta sống trong tánh giác, biển tâm phải yên lặng.
Kỹ thuật này tương ưng với lời dạy của Lục Tổ, “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, hay câu “Vọng khởi liền biết; biết, vọng liền lìa”. Khi ta Biết, vọng tự động lìa, hay lặn mất, chớ không phải ta lìa vọng.
Trong giai đoạn này, tánh giác tuy đã có mặt, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, một phút hay ít hơn, do đó khi dụng công, niệm (Tầm) vẫn còn khởi lên. Nếu ta quên, không đem cái Biết không lời ra đối trị, thì niệm niệm sẽ liên tục, thành ra đối thoại thầm lặng (Tứ).
Ngoài ra, nếu một hình ảnh quá khứ gợn lên, ta lại quên không tỉnh thức Biết, thì nó sẽ diễn nói ra, cũng thành một câu chuyện, hay một cuộc đối thoại thầm lặng.
Đặc biệt trong giai đoạn này, khi quán tính động của ý căn, ý thức và các cơ chế liên hệ đến chúng bị ngăn chận, bị dừng lại; những tế bào não ở vùng này sẽ phản ứng lại, thuật ngữ gọi là những tác động sinh học (bioaction), hay những mô thức tri giác riêng rẻ (discrete perceptual patterns). Ta có thể cảm nhận được chúng khi đang dụng công. Lúc ấy, ta chỉ giữ niệm Biết không lời, mặc cho những mô thức tri giác xuất hiện và tồn tại.
Đối với niệm, khi ta tỉnh thức Biết, niệm sẽ lặn mất. Vì niệm khởi là khi đó cái Biết của tánh giác đã mờ đi. Trái lại, đối với các mô thức tri giác, chúng xuất hiện vì vùng ý thức, ý căn bị dừng lại, không hoạt động; nên khi ta tỉnh thức Biết, chúng vẫn tồn tại và có khi còn tác động mạnh hơn. Lúc ấy, ta chỉ giữ cái Thấy Biết, Nghe Biết và Xúc Chạm Biết mà không dính theo chúng. Một thời gian dụng công qua, những tế bào não này sẽ dần dần có quán tính yên lặng, bấy giờ những tác động sinh học thô sẽ dần dần trở nên nhẹ nhàng vi tế hơn. Trong giai đoạn này, những tác động sinh học thường để chữa trị các chứng bệnh tâm thể, hay những trục trặc trong cơ thể ta. Sau bước này, thân ta sẽ khỏe mạnh hơn, nhẹ nhàng hơn, nước da bóng láng hồng hào, tọa thiền tư thế lưng thẳng đứng, không lay động, tâm thuần thục hơn, ít niệm khởi.
Tóm lại, trong giai đoạn này, sáu trần dù có động trong sáu căn, mà không có phát sanh sáu thức. Ta chỉ đóng vai nhân chứng, đối với niệm và đối với các mô thức tri giác khởi lên.
Trên dòng đời, muôn vạn nẽo chánh tà,
Pháp nhiệm mầu, Tỉnh Thức Biết, ta tùy thân.
Lửa Vô Minh dù cho có đến gần,
Cũng không đốt được bản thân tánh linh giác.
v
Đường trí huệ nếu tâm thành ta muốn đạt,
Hãy tập Thiền, Tỉnh Thức Biết vô ngôn,
Trong mọi chốn, khi đứng, đi, ngồi, nghỉ,
Chỉ duy trì đơn niệm Biết không hai.
v
Đó là Biết, nhưng không luận bàn phải trái,
Không thị phi, không hai mặt chánh tà,
Không chủ khách, không viện dẫn gần xa,
Chỉ có biết, nhưng không ta, không đối tượng.
v
Với tỉnh thức, ta đóng vai nhân chứng,
Trong đứng, đi, ngồi, nghỉ, chẳng duyên theo
Các mô thức tri giác kéo theo lên “quầy quậy,”
Ta vẫn nhìn mà không quên tánh thấy.
v
Ta vẫn nghe, mà tánh nghe vẫn tròn đầy,
Thân xúc chạm, mà đó đây, tánh xúc hằng có mặt,
Dòng niệm khởi tư duy liền bị cắt,
Ngã- tư duy im bặt ngôn từ.
v
Tỉnh Thức Biết, ba chữ thật là mầu nhiệm,
Một mũi tên liền bắn ngã cả bầy nai:
Nai Ý thức, nai Ý căn, nai Tự ngã,
Đồng lật nhào trên biển thức A Ma La.
v
Thức thứ chín quen gọi là Bạch Tịnh,
Ai đến rồi thì kinh nghiệm cái Vô Sinh,
Đi vào đời mà bụi đời ta chẳng dính,
Ta trong đời mà Định Huệ chẳng rời ta.
(Trích trong bài: “Ta trong đời mà đời không trong ta.”)
Ta độc hành, độc bộ,
Không bạn, cũng không kinh,
Ngày đêm sống một mình,
Thực tập Biết vô ngôn,
Chốn chốn không lời biện,
Chứng kiến động sáu căn,
Nhưng hằng luôn tỉnh thức,
Vô ngôn biến thành lực,
Sức định sẽ trọn thành,
Vô sanh ta sẽ đạt.
Ba tháng không uổng phí,
Đời tu thật tế nhị,
Biết đường thì đi thẳng,
Không biết thì loanh quanh,
Suốt đời đành mai một,
Nhốt mình trong Bị Sanh.
v
Bị Sanh thì sanh mãi,
Khổ não cứ dằng dai,
Nghiệp chướng cứ kéo dài,
Bao giờ mới giải thoát,
Đạt được cái Vô Sanh ?
v
Ta độc hành, độc bộ,
Tỉnh thức Biết vô ngôn,
Chốn chốn cùng muôn pháp,
Làm bạn qua sáu căn.
Tánh Giác hằng chủ động,
Định, Huệ thể tương đồng,
Tâm Không trong Tâm Không.
(Trích trong bài: Ý nghĩa đời tu)
Tới đây, trên nguyên tắc, ta sẽ đạt được Vô Tầm Vô Tứ Định, mà đức Phật đã xếp vào Chi Thiền thứ hai. Nhưng trên thực tế, việc chấm dứt ngôn hành thật vô cùng gay go, đòi hỏi ta phải nỗ lực, phải quyết tâm, phải kiên nhẫn, phải miên mật.
Ngày xưa, ông Bàng Long Uẩn chắc cũng đã từng thấm thía chỗ này, nên mới nói: “Khó! Khó! Khó! Ba tạ dầu mè trên cây vuốt!” Leo lên cây cột có thoa ba tạ dầu mè, thử hỏi có ai làm được một cách dễ dàng, mau chóng ?
Đức Phật, cắt đứt nhân duyên gia đình, cắt đứt nhân duyên xã hội, qua sáu năm tu tập các tầng Thiền vô sắc và khổ hạnh, Ngài đã tẩy sạch tham dục, sân hận, các pháp ác, cắt đứt quá khứ, không nghĩ tới tương lai, tâm vững chắc, không còn dính mắc thế gian. Vì thế Ngài dứt tầm, dứt tứ dễ dàng.
Còn chúng ta, người cư sĩ tại gia, tuy vừa mới thấy được con đường giải thoát; nhưng thân tâm ta còn vướng mắc với gia đình, xã hội, không dễ gì ta có thể dứt trừ ngôn hành và ý hành để vào Định Vô Tầm Vô Tứ. Đời sống của một người chuyên tu sẽ thích hợp hơn để thành đạt Vô Tầm Vô Tứ Định. Như đức Phật ngày xưa đã so sánh: “Đời sống gia đình bị gò bó, con đường đầy những bụi đời. Đời sống xuất gia như sống giữa hư không...”
Nếu đến đây, ta vẫn chưa dứt hẳn được tầm tứ, ta có thêm một kỹ thuật thứ 5 để tu tập, đó là Tỉnh thức Biết.
Khi Tánh Giác trở nên một năng lực vững chắc, ta áp dụng chiêu thức Tỉnh thức Biết. Ta giữ cái Biết Không Lời thầm lặng của tánh giác trong suốt buổi tọa thiền, không cần áp dụng chiêu thức nào nữa. Đến đây mới thật sự là không người dụng công, không pháp dụng công.
Nếu có một niệm nào vừa hình thành, chưa kịp hoàn chỉnh một niệm, thì nó tự động biến mất, khi tánh giác nhận diện nó. Vì thế tiến trình Định của ta sẽ không bị gián đoạn. Ta sẽ đạt được trạng thái Tâm Xả, mà đức Phật xếp vào Chi Thiền thứ ba, và ngài Phật Âm gọi là An Chỉ Định. Đến đây ngũ chướng được dứt trừ. Thiền Tông gọi là: Bình Thường Tâm; tám ngọn gió thế gian thổi không động.
Sau đây tôi xin trình bày lướt qua phần kết quả trên thân, tâm và trí tuệ, khi ta làm chủ được Niệm.
+ Về thân: những tác động sinh học khi ta dừng được ý căn, ảnh hưởng đến hệ Đối giao cảm thần kinh (Parasympathetic Nervous system) (thuộc hệ thần kinh tự quản: Autonomic Nervous system), ảnh hưởng đến hệ tuyến nội tiết, ảnh hưởng đến nội tạng: chữa trị được các bệnh tâm thể, thân sẽ trở nên khỏe mạnh, da tươi sáng hồng hào, phong thái an lạc...
Trong các tầng định sâu hơn, khi nội tâm hoàn toàn yên lặng, tập khí hay lậu hoặc xông ướp từ lâu trong màng tế bào thần kinh sẽ được lần lần tẩy rửa, thải trừ. Chúng là nhân tố của nghiệp lực; do đó khi nghiệp lực không còn thì chấm dứt dòng trôi chảy triền miên của sinh, già, bệnh, chết.
+ Về tâm: từ chuyển đổi nhận thức đưa đến chuyển hóa nội tâm, dần dần chấm dứt phiền não. Chấm dứt phiền não tức là đạt được trạng thái tâm an lạc. Từ tâm phàm phu, đầy dẫy tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến... dần dần chuyển đổi thành tâm từ, bi, hỷ, xả, cuối cùng đến Tứ Vô Lượng Tâm.
“Đường chuyển hóa Tâm Không ta sẽ tới,
Để vào đời mà phiền não chẳng theo ta.”
+ Về trí huệ: tạm phân chia ra hai mức độ:
a) Định- Huệ đồng đẳng:
Định: chính là cái Biết vô ngôn, cái Biết như thật (Như thật tri).
Trong định mới có cái Biết như thật. Cái Biết như thật cũng chính là Huệ: tức là thấy được thật tướng vạn pháp. Thiền sư Duy Tín, nhờ có thiện tri thức chỉ dạy, sau 30 năm đã thấy “núi sông là núi sông”
b) Phát triển tâm linh đưa đến trí tuệ tối thắng: theo tiến trình dụng công thiền định, tiềm năng giác ngộ sẽ phát triển dần từ thấp đến cao.
Tổng Kết Toàn Bài:
Tôi đã đúc kết khái quát những bước đi đầu tiên của Khóa IV Căn Bản của chúng ta trên con đường Thiền, theo dấu chân Phật. Con đường xưa của đức Phật là tấm bản đồ chỉ đường. Con đường hôm nay ta đã đi một bước là tấm bản đồ nhận thức của ta mà trọng tâm là:
“Nghĩ tưởng chẳng bật ra,
Chân đế Không: Bát nhã,
Không vào cũng không ra,
Danh, tướng, chẳng vướng mắc,
Chủ, khách, chìm tĩnh mặc.
Cắt đứt niệm nói thầm,
Liền đến chỗ Không tâm.
v
Tâm Không trong tầm tay,
Miên mật trong đêm ngày,
Hai bên không khởi động,
Cửa Không trong Tâm Không.
(Trích bài: “Yếu chỉ vào cửa Không.”)
Vấn đề quan trọng hàng đầu của ta là ta phải tự mình bước đi tiếp trên con đường mà ta đã chọn. Vì tu thiền, có nghĩa là mở một cuộc hành trình trên thân và tâm của chính mình. Ta phải chiến thắng Ta, hay nói rõ hơn, Chân Ngã phải chiến thắng Phàm Ngã.
“Qua dòng nước mà bàn chân ta không hề dính nước,
Đố mấy ai tìm biết được cách đi ?
...Nếu không đi, thì biết bao giờ nhận được,
Bước qua dòng, không một giọt nước dính chân.”
Một ngày nào đó, ta sẽ có thể nói ra những lời sảng khoái, như Thầy đã nói, trong một đêm đầu xuân của 17 năm trước:
“Ta đã hết rồi, chuyện thế gian,
Tâm ta thanh thản, như mây ngàn,
Đâu còn chi nữa, mà đem nói,
Ý bặt, lời không, óc rỗng rang.”
(Trích bài: “Sau đêm ấy, đời thay đổi.”)
Trình ngày 2 tháng 8, 1998
(Tất cả những đoạn thơ trong bài này đều trích dẫn từ những bài thi kệ của Thầy Thiền chủ.)
CHÚ THÍCH THUẬT NGỮ
1- Vô sở hữu xứ: chỗ không có gì. Đây là trạng thái tâm thiền gia không trụ vào chỗ nào hay đối tượng gì.
2- Phi tưởng phi phi tưởng xứ: trạng thái không tri giác mà cũng không không tri giác, hay hoàn toàn không nhận thức điều gì cả đối với môi trường chung quanh. Tâm thiền gia ở trạng thái tĩnh lặng sâu, hoạt động của ý thức còn hiện hữu, nhưng chậm lại. Trí huệ sáng hơn.
3- Thiền Yoga: Thiền do ngài Patañjali thiết lập, trước thời Phật khoảng trên 500 năm. Về định, trong thiền này thiết lập 4 tầng định vô sắc.
1) Không vô biên xứ: phạm vi không gian vô biên
2) Thức vô biên xứ: phạm vi ý thức vô biên
3) Vô sở hữu xứ.
4) Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
4- Khổ hạnh: Không chấp nhận những tiện nghi và thú vui vật chất cơ bản cho mình; kéo dài sự thực hành nghiêm khắc hạn chế những ước muốn của mình; đặt hết tâm trí vào cuộc sống khắc khổ, không tiện nghi cơ bản như ép xác, nhịn ăn và hành hạ xác thân.
5- Không chứng được các pháp thượng nhân: không đạt được trạng thái siêu nhân: I did not attain any superhuman states.
6- Không có tri kiến thù thắng: không có nét đặc biệt trong sự Thấy và Biết: I did not have any distinction in knowledge and vision.
7- Vua Tịnh Phạn: Suddhodana, trị vì một vương quốc nhỏ, thủ đô là Ca tỳ la vệ (Kapilavastu), nằm gần dãy Hi mã lạp sơn, thuộc đông bắc Ấn độ, giáp giới xứ Nepal. Thái Tử Siddattha là con trai đầu lòng của vua Suddhodana và hoàng hậu Mahā Māyā.
8- Hỷ lạc: P: Piti-sukha: rapture and pleasure, or happiness: sự khoan khoái và niềm vui thích.
9- Bất thiện pháp: ý nghĩ ác: P: Akusala dhamma: unwholesome states; evil thoughts.
10- Cây diêm phù đề: cây hồng táo: P: jambu: rose-apple tree.
11- Ly dục: tách xa ra khỏi dục lạc: secluded from sensual pleasures.
12- Trú Thiền thứ nhất: trụ hay ở trong Thiền thứ nhất. Đây là cấp Sơ thiền, một trong 4 cấp mà đức Phật đã tuần tự trải qua kinh nghiệm sau khi ngài từ bỏ phương pháp khổ hạnh. Cấp thứ nhất đạt được sự khoan khoái và niềm vui thích, gọi là Hỷ lạc (rapture and pleasure), dựa trên sự xa lìa dục lạc thế gian và những ý nghĩ ác, nhưng nội tâm còn Tầm và Tứ. Tầm và Tứ chỉ được dứt, khi thành tựu tầng thiền thứ hai.
13-Có Tầm có Tứ: có sự suy tư ngẫm nghĩ, và tư duy biện luận.
- Tầm: P: Vitakka; Skt: Vitarka: ngẫm nghĩ (reflection), suy nghĩ (pondering), lý lẽ (argument), nghĩ ngợi miên man (thought), lý luận (reasoning)= sự nói thầm.
- Tứ: P& Skt: Vicāra: tư duy biện luận (discursive thinking), sự quán sát (investigation), dò xét (examination), cân nhắc (deliberation), đối thoại thầm lặng.
14- Đạo lộ: con đường: P: Magga: the path.
15- Lạc thọ: P: Sukha- vedanā: pleasant feeling: cảm nhận vui thích.
16-Nội tĩnh nhất tâm: tĩnh lặng bên trong với tâm thuần nhất: internal serenity with unity of the mind. Trạng thái đạt được của Nhị thiền, có nghĩa: sau khi thực sự dứt được Tầm và Tứ, thiền gia đạt được vô niệm. Trong đầu vị ấy không gợn lên một niệm nào cả. Liền theo đó, thiền gia cảm nhận sự tĩnh lặng và nhận rõ hiện hữu tâm thuần nhất. Và bên trong tâm thuần nhất này bao hàm nội dung “không có tầm, không có tứ”. Bởi vì nếu có tầm, có tứ, tâm đó không còn thuần nhất, trái lại đã dính mắc với đối tượng bên ngoài hay bên trong. Vì vậy, sự hiện hữu tâm thuần nhất này tương ứng với đặc tính Tánh Giác trong Thiền tông.
17- Trú xả: trụ trong sự bình thản, thanh thản. P: Viharati upekkhā: to dwell in equanimity. Đây là trạng thái tâm thiền gia an trụ trong trạng thái bình thản với tất cả đối tượng giác quan. Sự vật thế nào, thiền gia dù thấy biết, nghe biết, chạm biết, mà nội tâm vẫn không dao động. Đây là kết quả của chi Thiền thứ ba, nhờ Tánh Giác đã hiển lộ thực sự. Lúc bấy giờ, thiền gia luôn luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác.
18- Chánh niệm tỉnh giác: sự nhớ tới, chú ý tới và biết rõ ràng hay biết đầy đủ: P: sati sampajañña. Câu này có nghĩa: “nhớ tới sự Biết rõ ràng” một cách chân chánh.
19- Xả niệm: bình thản và chánh niệm. P: upekkhā sati: equanimity and mindfulness.
20- Lạc trú: dwell in bliss or happy: trụ trong lạc.
21- Ngôn hành: verbal formation of the mind: cấu tạo lời nói của tâm. P: Citta vācī. Đồng nghĩa với tâm ngôn, hay nói thầm, nói lầm bầm trong não. Muốn dứt tầm tứ, thiền gia chỉ cần làm chủ ngôn hành.
22- Sơ định: hay dự bị định: preparatory concentration: đây là kết quả của những cố gắng đầu tiên của thiền sinh khi tập chú tâm vào đề mục quán (meditation/ contemplation subject) đến độ sự chú ý không dao động (unwavering). Đây là giai đoạn đầu của sự phát triển nhất tâm (the development of one-pointedness of mind).
23- Cận hành định: access concentration. Thuật ngữ chỉ trạng thái định gần kề (neighborhood concentration). Đó là sự gần kề An chỉ định.
24- Ngũ chướng: the five impediments: 5 chướng ngại.
1) Tham dục: dính mắc và say đắm 5 thứ khoái cảm của ngũ quan gồm: tiền bạc, dâm ô lãng mạn, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ. P: kammachanda: lustful desire.
2) Sân: giận dữ trước những cảnh chướng tai gai mắt, hoặc không vừa ý với tình cảm riêng của mình: krodha- anger, ill-will.
3) Hôn trầm (styāna) thụy miên (middha): uể oải và ngủ gật: sloth and drowsiness.
4) Trạo hối: tâm lo ra, nghĩ tưởng lăng xăng, và lo lắng phiền não về những việc đã làm. P: Uddhacca-kukkucca: agitation and worry.
5) Hoài nghi: vicikitsā: doubts: thiếu niềm tin vào pháp học và pháp hành.
25- Lậu hoặc: P: āsava (thuật ngữ): điều ô uế (taint), sự đồi bại (corruption), sự làm nhơ bẩn (defilement), chất ghiền, nghiện (addiction), tính ham mê (mania), sự mê đắm (infatuation), gồm 4 nhóm:
1) Vô minh lậu: avijjāsava: sự nhơ bẩn trong tâm, khởi lên từ sự ngu si, thuộc về tâm hiện tại, quá khứ và vị lai.
2) Dục lậu: kāmāsava: say mê dục lạc thế gian thuộc về tâm hiện tại.
3) Hữu lậu:bhavāsava: sự ham muốn hiện hữu trong cảnh giới nào đó, thuộc tâm tương lai.
4) Kiến lậu: ditthāsava: những quan điểm đồi bại, thuộc tâm 3 thời.
26- Thọ: P: vedana: feeling, sensation: cảm giác, ấn tượng.
27- Tưởng: perception: tri giác, biểu tượng; cảnh tượng bên ngoài do các căn tiếp xúc rồi hiện rõ lên trong tâm; hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, thông qua cơ chế của 6 căn nhận thông tin từ bên ngoài vào rồi lập thành biểu tượng, tạo ra các sắc thái tâm sở.
28- Tầm: P: vitakka: pondering, reflection: suy nghĩ, ngẫm nghĩ, nói thầm. Đây là trạng thái tâm hướng đến đối tượng do sự khởi dậy hình ảnh hay biểu tượng từ vùng ký ức vận hành và ký ức dài hạn, tạo ra niệm khởi dưới dạng suy nghĩ, bằng sự nói thầm.
29- An chỉ định: P: appanā samādhi: Perfect absorption or deep/ full concentration, định sâu, đầy; hoàn toàn hấp thu, hay hấp thu định: đây là trạng thái tâm và đối tượng tập trung của tâm đều đồng nhất.
Phần chú thích thuật ngữ trích trong quyển: “Tự Điển Phật Học Thiền Dụng Yếu Lược” do Thầy Thiền Chủ soạn (chưa xuất bản).
" Bài trình Thầy " giúp chúng con thấy quá trình tu học miên mật, nghiêm túc cụ thể .
Khóa tu 3 tháng mà lượng kiến thức thật lớn, Con xin phép note nội dung để thuận tiện nghe lại ạ :
00:20 Theo Dấu Chân Phật
02:20 I. Con đường xưa: Đức Phật đã thực sự đi những bước đầu tiên.
04:00 1. Cuộc hành trình thứ nhất: tu tập Thiền Yoga.
06:40 2. Cuộc hành trình thứ hai: Khổ hạnh.
18:10 Nhận xét về kết quả của cuộc hành trình thứ hai: giai đoạn tu khổ hạnh
21:00 3. Cuộc hành trình thứ ba : Nhớ lại kinh nghiệm xưa, mở ra con đường mới.
41:00 Chí nguyện trở thành sự thật
56:00 II- Con đường thiền chúng ta đi hôm nay
A.- BA SẮC THÁI BIẾT
1:11:55 B. PHƯƠNG THỨC DỤNG CÔNG
1:52:00 Tổng Kết Toàn Bài
Con biết ơn Cô & Ban điều hành
Con ví dụ : khổ
Con có đứa con , lúc nó 1 tuổi nó thích sờ chó mèo. Ông của con thấy vậy nói đứa bé này thích thú vật là tốt. Khi nó 2 tuổi con phát hiện nó dị ứng với lông chó mèo. Nhà con có nuôi chó mèo, chỉ sống ở ngoài, vì con của con bị dị ứng lông chó mèo.
Thời gian trôi đi khi nó 15-16 tuổi, mấy anh em nó tắm cho con chó ở ngoài sân, tình cờ thấy 1 con mèo đen baby bằng nắm tay trong bụi cây, mấy đứa thấy mèo còn nhỏ quá xin nuôi trong nhà 1 tháng để đủ lớn rồi đưa đi donation. Sau 1 tháng tụi nó xin nuôi trong nhà luôn, mặc dầu biết là di ứng lông mèo, dad của tụi nó không thích nghe mùi cứt mèo trong nhà, nhưng tụi nó hứa sẽ không nghe mùi trong nhà. Con hỏi đứa nào nhận làm mẹ take care con mèo để làm giấy tờ chích ngừa, con bé nhận take care con mèo rồi chăm sóc con mèo giống như chăm sóc bản thân nó. Vô đại học nó mang con mèo theo nó luôn.
1 ngày nọ con thấy trên cánh tay con bé 1 đường sướt dài rớm máu, nó đi ngang qua con và làm vài việc gì đó. Con hỏi : tay con bị sao vậy?
Con bé nhìn lại cánh tay và nói: oh con mèo. Con nói : con có đau không? Sao con để nó cào vậy?
Con bé cười nói : không sao đâu mom, nó chỉ là con mèo mà.
Vừa rồi con đi Houston TX, con bé cũng đi theo qua thăm ông bà cậu dì...,có vài cậu dì 10 -15 năm không gặp con bé không biết tính tình, khuôn mặt...như thế nào.
Khi gặp con bé ông bà dì cậu....ai hỏi gì con bé cũng gật đầu trả lời vui vẻ và lúc nào cũng lắng nghe và say yes mặt dầu nó biết hay không biết, nó thích hay không thích, mệt hay khỏe.
Mấy dì nó nói với con : sao con bé này mặt nó sáng quá, so sweet quá.
Con chợp nhận ra trong cái khổ, cái khó của con bé, con bé cũng tự build up được hạnh phúc trong chính nó.
Con
Như quỳnh.
Sau bao năm nghe bài thầy và cô giảng Pháp Phật.
Ánh sáng Phật pháp chiếu soi khắp nơi trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Con ví du : tính vô thường .
1 sắc na đầu muốn giết người.
1 sắc na sau hối hận
1 phút đầu oán giận
1 phút sau yêu thương
1 phút đầu lầm lỗi
1 phút sau tiết nuối
1 phút đầu quyết định
1 phút sau suy xét lai.
Con người thay đổi trạng thái này sang trạng thái khác từng giây từng phút. Vì vậy cơ hội tha thứ, cơ hội sửa đổi, cơ hội xám hối, cơ hội bao dung lúc nào cũng được đi kèm.
Chính vì vậy, trong vấn đề đôi khi có nhiều sai trái xảy ra hãy tha thứ cho nhau, hãy sửa đổi, hãy biết hối lỗi, biết xám hối. Vì cuộc sống của chúng ta đang thay đổi từng giây từng phút không ngừng như dòng sông đang chảy. Còn tri giác của chúng ta còn đang ẩn nấu trong tấm thân nhỏ bé này. Biết như vậy thì cuộc sống trở nên nhẹ nhàn hơn .
Con
Như quỳnh.