Mùa Xuân và trang kinh
“NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH”
I. DẪN NHẬP
Những ngày cuối năm, dù muốn dù không, ai nấy đều tất bật chuẩn bị đón chào năm mới, thường quen gọi là đón Xuân đón Tết. Người Mỹ gốc Việt chúng ta đón hai cái Tết. Đó là Tết Dương Lịch vào đầu năm 2022 và Tết Nguyên Đán. Mồng Một Tết Nhâm Dần, con Cọp, năm nay rơi vào ngày 01 tháng Hai 2022, sau Tết Dương lịch tới một tháng. Hòa mình vào niềm vui chung, chúng tôi gởi lời chúc an vui hạnh phúc đến tất cả mọi người qua bài kinh “Người Biết Sống Một Mình”. Đây là bài kinh do Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh (*) chuyển dịch từ hệ văn Pãli với tựa đề là “Bhaddekaratta Sutta” sang Việt văn.
“Bhaddekaratta Sutta” là bài kinh thứ 131 trong số 152 bài kinh đăng trong Trung Bộ Nikãya, đã được cố Hòa Thượng Thích Minh Châu chuyển dịch sang tiếng Việt là “Nhất Dạ Hiền Giả” và bài kinh này có tới bốn giảng sư thuyết dạy. Bài thứ nhất là bài số 131 do đức Thế Tôn thuyết giảng. Bài thứ hai là bài số 132 do tôn giả Ananda thuyết giảng. Bài số 133 do tôn giả Đại Ca-Chiên-Diên thuyết giảng và bài số 134 do tôn giả Lomasakangiya thuyết. Tất cả bốn bài kinh này nội dung như nhau.
Kinh “Nhất Dạ Hiền Giả” được đức Thế Tôn và ba vị thánh tăng giảng vào thời Phật còn tại thế. Điều này đã nói lên tầm quan trọng của nó đối với người tu học Phật. Cho nên dù quý thiền sinh Tánh Không đã học qua bài kinh này ở lớp Thiền Căn Bản, nhưng với tinh thần cầu học, cũng cùng một bài kinh “Bhaddekaratta” qua văn phong dịch thuật của Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh với tựa đề mới là “Kinh Người Biết Sống Một Mình”, chúng tôi muốn gởi đến các bạn thiền sinh bài kinh này, như món quà đầu năm, vì nó có công năng mang đến cho quý vị một đời sống an vui hạnh phúc sâu sắc trong từng sát-na thực tại, nếu các bạn chịu tinh tấn thực hành…
II. VĂN KINH “NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH”
Sau đây là những điều tôi đã được nghe lúc đức Thế Tôn còn lưu trú ở tịnh xá Kỳ Viên trong Vườn Kỳ Đà tại thành Xá Vệ; Ngài gọi các vị khất sĩ và bảo:
- Này quý thầy.
Các vị khất sĩ đáp:
- Có chúng tôi đây.
Thế Tôn dạy:
- Tôi sẽ nói cho quý thầy nghe thế nào là người biết sống một mình. Trước hết tôi nói đại cương, sau đó tôi sẽ giải thích. Quý thầy hãy lắng nghe:
- Thưa Thế Tôn, chúng tôi đang lắng nghe đây.
Đức Thế Tôn dạy:
“Này quý thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khi ấy người đó đang tìm về quá khứ.
“Này quý thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tri giác ta từng như thế, tâm tư ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì khi ấy người đó đang không tìm về quá khứ.
“Này quý thầy, sao gọi là tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: Trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia. Nghĩ như thế mà khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về những gì thuộc về tương lai ấy, thì khi ấy người đó đang tưởng tới tương lai.
“Này quý thầy, sao gọi là không tưởng tới tương lai? Khi một người nghĩ rằng: trong tương lai hình thể ta sẽ như thế kia, cảm thọ ta sẽ như thế kia, tri giác ta sẽ như thế kia, tâm tư ta sẽ như thế kia, nhận thức ta sẽ như thế kia. Nghĩ như thế mà không khởi tâm ràng buộc, lo lắng hay mơ tưởng về nhữngg gì thuộc về tương lai, thì người đó đang không tưởng tới tương lai.
“Này quý thầy thế nào là bị lôi cuốn theo hiện tại? Khi một người không học, không biết gì về Bụt, Pháp, Tăng, không biết gì về các bậc hiền nhân và giáo pháp của các bậc này, không tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, cảm thọ này là mình, mình là cảm thọ này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này… thì người đó đang bị lôi cuốn theo hiện tại.
“Này quý thầy, thế nào là không bị lôi cuốn theo hiện tại. Khi một người có học, có biết về Phật, Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này… thì khi ấy người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại.
“Đó, tôi đã chỉ cho quý thầy biết đại cương và giải thích cho quý thầy nghe về thế nào là người biết sống một mình”.
Phật nói xong, các vị khất sĩ đồng hoan hỷ phụng hành.”
III. NGUỒN GỐC KINH “NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH”
Theo Kinh Tạp A-Hàm số 1071, vào thời Đức Phật, có một vị Tỳ-Kheo tên là Thượng Tọa (Thera mãna) thường ca ngợi hạnh sống một mình. Thực hành lối sống độc cư này, hằng ngày thầy ấy rời trú xứ đi khất thực một mình, thọ trai một mình, thiền hành một mình, tọa thiền một mình v.v… Thầy sống một mình như vậy, không thích liên hệ với mọi người.
Các vị đồng tu thấy hạnh tu của thầy Thượng Tọa có cái gì hơi khác lạ, nên một ngày kia, tại tịnh xá Kỳ Viên các thầy thỉnh ý đức Thế Tôn về lối sống độc cư của Tỳ-kheo Thượng Tọa để xem đức Thế Tôn dạy như thế nào!
Đức Phật cho gọi thầy Thượng Tọa tới. Thầy Thượng Tọa trình lên Phật là thầy chỉ sống một mình, ở riêng một nơi, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền v.v… Tóm lại thầy ca ngợi hạnh sống một mình!
Do duyên này, mà đức Phật giảng kinh “Người Biết Sống Một Mình” (*)
IV. TÌM HIỂU KINH “NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH”
Bài kinh này, đức Phật dặn dò các vị Tỳ-kheo chớ tìm về quá khứ, vì quá khứ đã qua rồi. Gợi nhớ và sống lại với quá khứ không có lợi gì hết. Chớ nên tưởng tới tương lai vì tương lai chưa tới, đồng thời cũng không để bị lôi cuốn vào những hoàn cảnh trong hiện tại.
- Trong kinh đức Phật dạy “đừng tìm về quá khứ”. Ngài giải thích “người tìm về quá khứ” là khi người ấy ngồi nơi đây mà nhớ về quá khứ. Nhớ rằng lúc còn trẻ mươi, mười lăm, hai chục năm về trước dáng vóc ta thon gọn, đẹp đẽ như thế này, làn da tươi sáng như thế kia. Tâm trạng ta vui vẻ sung sướng như thế nọ, đầu óc ta thường suy nghĩ mộng mơ như thế đó và nhận thức của ta như thế này v.v… Người đó nhớ lại toàn bộ “danh sắc” (ngũ uẩn) của mình như vậy, rồi khởi tâm tiếc nuối, quyến luyến… thì ngay khi ấy, người đó đang tìm về quá khứ.
Nếu người đó có nhớ lại quá khứ (như trên) nhưng không ôm ấp, không quyến luyến, không mong muốn được sống lại những ngày trong quá khứ thì người đó “không tìm về quá khứ”.
- Phật dạy tiếp “đừng tưởng tới tương lai”. Ngài giải thích “người tưởng nghĩ tới tương lai” là người đang sống trong hiện tại mà tưởng đến một ngày nào đó, trong tương lai thân thể mình sẽ như thế này, cảm thọ mình sẽ như thế này, tâm tư mình sẽ như thế này, tri giác mình sẽ như thế này, nhận thức mình sẽ như thế này… rồi khởi tâm ràng buộc, lo lắng, hay mơ tưởng những gì thuộc về tương lai (không thật có trong hiện tại) thì người ấy đang mơ tưởng tới tương lai.
Nếu người đó nghĩ đến tương lai, thí dụ như một ngày nào đó hình thể như thế này, cảm thọ như thế này, tri giác như thế này, tâm tư như thế này và nhận thức như thế này. Nghĩ như thế mà không khởi tâm dính mắc, lo lắng, hay mơ tưởng thì người đó không tưởng đến tương lai.
“Hãy quán chiếu sự sống/Trong giờ phút hiện tại/Kẻ thức giả an trú/Vững chãi và thảnh thơi”. Đối với hiện tại đức Phật cũng dặn dò các Tỳ-kheo không để bị ngũ dục lôi cuốn theo hoàn cảnh trong hiện tại, chỉ nên an trú trong tâm thảnh thơi vững chãi. Ngài giải thích “người không bị lôi cuốn trong hiện tại” là người có học và tu tập theo lời Phật dạy. Nhờ có học nên hiểu rõ tấm thân này không thực chất tính. Nó có được là do năm nhóm kết hợp mà thành. Một trong các nhóm này hư hoại thì tấm thân này cũng hư hoại theo. Nhờ thông hiểu nên người này không cho thân thể này là mình, mình là thân thể này; không cho tri giác này là mình, mình là tri giác này; không cho tâm tư này là mình, mình là tâm tư này; cũng không cho nhận thức này là mình, mình là nhận thức này… Khi nghĩ đến toàn bộ danh sắc (thân tâm) không cho danh sắc này là mình, mình chính là danh sắc này, thì người đó không bị hiện tại lôi cuốn.
“Người bị hiện tại lôi cuốn” là người không biết đến Phật, Pháp, Tăng, không được học và tu tập theo các pháp của các vị Chân nhân. Người này nghĩ rằng tấm thân này, tâm tư này, tri giác này, nhận thức này là mình, của mình, thì người ấy đang bị lôi cuốn theo hiện tại.
Đó là đức Phật dạy các Tỳ-kheo không nên dính mắc với quá khứ, tương lai và hiện tại, thuật ngữ gọi là “tâm ba thời”, mà chỉ nên sống với giờ phút bây giờ và ở đây. Sống ngay trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây là sống trong chánh niệm. Sống trong chánh niệm là sống với cái biết khách quan, biết rõ ràng pháp đang xảy ra ngay trong bây giờ và ở đây. Nhờ sống trong chánh niệm tâm chúng ta không phóng dật, lang thang, vọng tưởng … nên được định tĩnh sáng suốt. Nói theo kinh là tâm được vững chãi và thảnh thơi.
Trong ba đoạn kinh này, chúng ta thấy rõ đức Thế Tôn nhắc đến bài “kinh Vô Ngã Tướng”, nhắc đến tam pháp ấn của hiện tượng thế gian là: Vô thường, khổ, vô ngã. Từ điểm này chúng ta cũng nhận ra bài học về Tánh Không và Tánh Huyễn của hiện tượng thế gian. Chúng ta đọc lại đoạn kinh cuối, đức Phật dạy rằng:
“Này quý Thầy sao gọi là không bị lôi cuốn vào hiện tại. Khi một người có học, có biết về Phật (Bụt), Pháp, Tăng, có biết về các bậc hiền nhân và giáo pháp của họ, có tu tập theo giáo pháp của các bậc hiền nhân, không cho rằng hình thể này là mình, mình là hình thể này, tri giác này là mình, mình là tri giác này, tâm tư này là mình, mình là tâm tư này, nhận thức này là mình, mình là nhận thức này… thì khi ấy người đó đang không bị lôi cuốn theo hiện tại”.
Hình thể chính là sắc, Cảm thọ là cảm giác của thân hoặc cảm nhận của tâm, tri giác chính là tưởng, tâm tư là hành và nhận thức là thức. Năm yếu tố đức Phật nêu rõ trong đoạn kinh giúp cho chúng ta nhận thức rằng con người của chúng ta chỉ do 5 yếu tố: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp lại mà thôi!
Nếu người nào nghĩ về quá khứ mà danh sắc (ngũ uẩn) hiện tại không bị ràng buộc quyến luyến với danh sắc xảy ra trong quá khứ thì người đó không truy tìm quá khứ, không bị quá khứ giam hảm ràng buộc.
Danh sắc ngày xưa của một con người, khác với danh sắc bây giờ của người đó, cho thấy có sự thay đổi gọi chung là Vô thường.
Con người do năm uẩn hợp lại mà thành, nên nó không thực chất tính, không bền vững, vì thế bản thể của nó là Vô ngã.
Từ đặc tính Vô thường, Vô ngã, chúng ta nhận ra Tánh Không, Tánh Huyễn của hiện tượng. Hiện tượng có trước giác quan của con người nhưng là “huyễn có” hay “giả có”. Lý do là hôm nay chúng có mặt nhưng ngày mai chúng thay đổi và sẽ biến mất theo thời gian.
Nếu mình chấp hiện tượng (danh sắc) là thật có, con người thường hằng bất biến, không bao giờ thay đổi, nghĩa là chấp danh sắc này là Ta, là của Ta, là Tự ngã của Ta, thì tự mình chuốc lấy phiền não, khổ đau, vì bản chất của danh sắc là Vô thường, Vô ngã. Nó sẽ thay đổi theo chu kỳ Sinh Già Bệnh Chết.
“Phải tinh tấn hôm nay/Kẻo ngày mai không kịp/ Cái chết đến bất ngờ/Không thể nào mặc cả/Người nào biết an trú/ Đêm ngày trong chánh niệm/Thì Mâu Ni gọi là:/Người Biết Sống Một Mình”. Đức Phật nhắc nhở chúng Tỳ-kheo phải chuyên cần tu tập, vì không ai biết được Vô thường đến lúc nào.
Như vậy, đại ý bài kinh “Người Biết Sống Một Mình” là bất luận người ấy sống ở đâu cũng tu tập “an trú trong chánh niệm” chứ không phải sống riêng rẻ một mình mà không biết pháp tu. Sống trong chánh niệm là sống trong Chân tâm, trong Tánh giác. Khi giác quan tiếp xúc đối tượng, biết không lời về đối tượng, nghĩa là biết cái đang là, cái thật tướng của đối tượng ngay trong giờ phút bây giờ và ở đây. Đó là sống có chánh niệm.
V. CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ KINH “NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH” ?
Theo lời giảng của đức Thế Tôn, chúng ta hiểu rằng “Người Biết Sống Một Mình”, không có nghĩa là sống cô độc lẻ loi, sống xa cách với mọi người.
“Người Biết sống Một mình” là người toàn quyền quyết định lối sống cho mình, sống tự chủ, sống tự do… không bị quá khứ giam cầm, không bị tương lai quyến rủ, cũng không bị lôi cuốn theo hoàn cảnh hiện tại bởi: tài, sắc, danh, thực, thùy. Cho nên dù người đó sống bất cứ nơi đâu, nơi đông người, ở thành thị, thôn quê hay những nơi xa xôi hẻo lánh, thì người đó vẫn an nhiên tự tại, vì không bị tâm ba thời chi phối. Người đó, tu tập an trú trong chánh niệm nên thoát mọi phiền não khổ đau.
Muốn thành tựu chánh niệm tỉnh giác, trước hết chúng ta cần ghi nhớ cái gì đã qua, nay trở thành quá khứ, quá khứ đã chấm dứt, đã đoạn tận. Cái gì chưa đến thì chúng ta không nên ôm ấp mơ tưởng, vì nó không có thật ở trong hiện tại. Còn trong cuộc sống hiện tại những lợi dưỡng cho bản thân thì phải khéo chế ngự tham dục tài, sắc, danh, thực, thùy.
Bài Kinh “Người Biết Sống Một Mình” dạy chúng ta phương thức sống an vui hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bằng cách luôn phản tỉnh lại chính tâm của mình, luôn quan sát các hành động của thân, khẩu, ý. Làm điều gì, nói năng điều gì, suy nghĩ điều gì, mình phải tự quán xét, xem nó có ẩn chứa tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… gây phiền não cho chính mình và người khác hay không? Thường xuyên sống trong chánh niệm, tâm được yên lặng, định tĩnh và sáng suốt. Có định và tuệ thì chúng ta dễ dàng nhận ra chân lý của sự sống: Phàm con người sống ở đời có khổ có vui, có thành có bại, có sống có chết v.v… Tu tập an trú trong chánh niệm tỉnh thức, chúng ta sớm trở thành “nhân chứng” đối với cuộc đời, không bị đời sống thế gian cuốn hút.
Tóm lại bài kinh “Người Biết Sống Một Mình”, đức Phật đã chỉ bày cho chúng sanh về nghệ thuật sống để được an lạc hạnh phúc một cách sâu sắc ngay trong từng sát-na hiện tại. Mặc dù trong kinh mô tả chân lý cuộc đời là huyễn là mộng, niềm an lạc hạnh phúc cũng là huyễn là mộng, bởi chính bản thân con người bản thể là Vô thường Vô ngã, nhưng chúng ta đừng quên trong kinh cũng từng nhắc nhở được sanh làm người rất khó. Phải có nhiều phước báu lắm chúng ta mới được sanh làm người. Được làm người, chúng ta cũng đừng quên rằng đời người rất ngắn, mà thời gian trôi qua thì rất nhanh. Và cái chết đến bất cứ lúc nào, không ai có thể mặc cả. Cho nên mình phải biết trân quý sự sống. Sống sao cho xứng đáng một kiếp người. Đó là sống có trí tuệ. Muốn thế chúng ta phải tu tập ngay bây giờ, để mau trở thành người tự chủ, tự do, giải thoát khỏi mọi chấp trước, không bị ràng buộc bởi bất cứ ái nhiễm và niệm bất thiện nào, để khi thần chết bất ngờ đến, mình chấp nhận nhẹ nhàng ra đi, mang theo hành trang công đức tu tập và trí tuệ tâm linh của riêng mình sang thế giới thích hợp, tiếp tục tu hành cho đến khi trọn thành Phật đạo.
Bài học về bản kinh “Người Biết Sống Một Mình” đến đây tạm chấm dứt. Trước thềm năm mới chúng tôi mến chúc toàn thể quý bạn thiền sinh và gia quyến một năm mới gặt hái nhiều hoa quả trên con đường tâm linh. Cầu mong mọi người thực hành theo lời Phật dạy trong bài kinh “Người Biết Sống Một Mình” để luôn được an lành và hạnh phúc.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma-ha-tát
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
Cùng đón chúa Xuân Nhâm Dần 2022.
Ghi chú:
(*) Kinh Tạp A-Hàm số 1071: “Kinh Người Biết Sống Một Mình”. Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dịch sang Việt văn.
Kinh Trung Bộ số 131 “Bhaddekaratta Sutta”. Bản tiếng Việt của Cố đại lão Hòa Thượng Thích Minh Châu “Nhất Dạ Hiền Giả”. Bản tiếng Việt của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh “Người Biết Sống Một Mình”.
(**) E-book “Ứng Dụng Lời Phật Dạy”, chương “Tìm Hiểu Kinh Nhất Dạ Hiền Giả” (www.thuvienhoasen.org), tác giả Thích Nữ Hằng Như. Sách in “Ứng Dụng Lời Phật Dạy”; Ananda Việt Foundation xuất bản 2021; Amazon tổng phát hành.
(***) Tin buồn: Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh sau những năm tháng an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, thành phố Huế, Việt Nam, vào lúc 00giờ ngày 22 tháng 01 năm 2022 đã thâu thần thị tịch tại Tổ đình, nơi Người đã xuất gia cách đây tám mươi năm. Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một nhà hoạt động hòa bình. Thiền sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị (Trích bản cáo phó của Làng Mai.org).