ĐỐI MẶT VỚI THAM SÂN SI
Tôi đã từng hiểu lầm thiền là con đường thoát ra khỏi tham sân si hay dứt trừ tam độc. Muốn thoát, muốn trừ, dù cố gắng nhiều năm, mà sao thấy chúng vẫn ngông nghênh kiếm chuyện không ngừng. Nói một cách khác tôi đã âm thầm sợ chúng, chỉ vì tự thân biết quá rõ rằng tham sân si đã nhiều lần gây đổ vỡ tan thương, đau buồn hối hận nhiều ngày. Càng sợ thì càng khổ, càng khổ thì càng sợ hơn nữa vì nó luôn rình rập bên mình. Bất mãn bản thân, bực tức quẩn quanh không sao thoát ra được. Nhưng khi gặp Thầy Thiền Chủ, mọi sự đã đổi thay, có một con đường đơn giản. Thầy chỉ nói nhỏ: „ Tiếp xúc với nó“. Mới nghe đơn giản tưởng như thầy „đang giởn“. Lặng yên hồi lâu tôi bỗng phát hiện ra nó ở chỗ nào. Không giáp mặt với tham sân si thì chúng ta là „nạn nhân muôn thuở“.
Thực chất tham sân si hình thành trong tâm là dựa trên cái biết có lời. Ý muốn thoát khỏi tham sân si cũng xuất phát từ cùng chung một gốc. Và nỗi sợ tham sân si làm khổ chúng ta nó cũng có gốc từ ý thức, ý căn và trí năng - tức là cái biết có lời. Khi Ý thức biết mình đang bực mình tức giận, thì ý căn liền ghi nhận khổ não và hồi ức kinh nghiệm đã trải qua như chửi bới đánh đập rồi sau đó hối hận; và trí năng đoán biết sẽ lập lại chuyện không hay, hãy coi chừng xung đột xảy ra! Nếu không nhận ra gốc rễ của tham sân si thì chúng ta sẽ bị quẩn quanh đối thoại thầm lặng, trong lý luận đúng sai, dẫu ăn năng hối hận thì kết quả tham sân si vẫn y như cũ. Chúng ta thường có thói quen là giải thích và tìm hiểu tham sân si qua ngôn ngữ, tức là thông qua cái biết có lời. Lời nói dẫu có biện giải sự tình hợp lý, hay tự nhắc nhở mình sửa đổi lần sau, cũng không chạm được tham sân si vì chúng không còn ở đó. Nhưng biện minh lý luận là thói quen mà tất cả chúng ta đã huân tập được – đó là sự đối thoại thầm lặng hay lời nói thì thầm trong đầu.
Chúng ta muốn thực hành thiền để đi đến cái biết không lời mà không biết rõ nguồn gốc của tham sân si thì khó mà đi đến đích. Thiền là nhận ra giới hạn của ngôn ngữ, sự bế tắc của thói quen cũ, thiết lập một thói quen mới, thói quen giáp mặt với tham sân si ngay lúc nó xảy ra mà không có lời nói trong đầu. Đây chính là cái biết không lời, vũ khí để đón tiếp ba tên giặc tham sân si.
Khi bạn hy vọng hay mong mỏi về một điều gì thì biết ngay tâm tham bắt đầu.
Thất vọng khi việc không thành, kết quả không như ý, tâm bất mãn xảy ra, thì biết ngay tâm sân bắt đầu.
Đam mê ghiền nghiện, lo âu sợ hãi khởi lên trong cảm thọ thì biết ngay tâm si dẫn mình vào bóng tối. Dù lạc thú hay khổ đau tâm ta cũng bị chìm sâu trong hồ nước đục.
Khi tâm tham nổi lên, biết cái tham đó là cái biết, vậy cái tham là đối tượng của cái biết. Giáp mặt với tâm tham là nhìn thấy và nhận biết mà không có lời nói trong đầu. Chỉ đơn thuần biết nó mà không xua đuổi hay tự trách. Xua đuổi hay tự trách là rơi vào lại trong lời nói, không còn giáp mặt với tâm tham nữa. Duy trì sự giáp mặt đó là duy trì được cái biết không lời.
Tâm sân hay tâm si cũng đều như thế cả, ngay lúc giáp mặt thì cái biết không lời cũng có mặt, không biện bạch hay phân giải. Dẫu truy tìm nguyên nhân của tham sân si thì chỉ là quay về với khái niệm và lý luận. Khi tham sân si nổi lên trong tâm thì khái niệm và ngôn ngữ chỉ là phương tiện để chạy trốn khỏi cái đang xảy ra. Giáp mặt ở đây là „Tiếp xúc với nó“ lời của Thầy Thiền Chủ – biết nó mà không nói lời nào.
Đưa thiền vào đời sống là sống thiền, là giáp mặt đời sống, là giáp mặt với tham sân si ngay lúc nó xảy ra. Ngay sát na giáp mặt, tâm tĩnh lặng không lời là ánh sáng, ngay lúc đó tham sân si biến mất, bóng tối không còn nữa. Giáp mặt với tham sân si là tạo cơ hội cho cái lóe sáng của tánh giác được hiển bày.
Có lời thì không giáp mặt, ngay lúc giáp mặt thì không lời. Đôi hàng chia sẻ cùng bạn đồng tu.
Huệ Quang