HIỆN TƯỢNG THẾ GIAN
CLICK icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm để downloadHIỆN TƯỢNG THẾ GIAN
Kính thưa Thầy,
Đêm rồi, con thức giấc, ngẫm nghĩ lại những điều con mới nhận ra, trong những ngày An cư mùa thu năm nay, con ráng sắp xếp lại để trình Thầy.
Năm nay mới thực sự là năm thứ nhứt, con an cư tại Thiền viện này sau khi phủi tóc. Còn những năm trước—1996- 1997- 1998— con cũng đã nhập Hạ đủ ba tháng mỗi năm, nhưng khi đó con chỉ là một thiền sinh cư sĩ. Nay mới là một tu sĩ an cư năm đầu tiên. Nhưng Thầy nói là năm nay an cư không được trọn vẹn. Vì sao ? Vì trong ba tháng An cư, Thầy phải mở hai lớp thiền Căn bản theo thỉnh cầu của thiền sinh tại Nam Cali và Bắc Cali. Mà chúng con, bốn vị tăng và một ni, trong Ban trợ giáo, phải y giáo phụng hành. Trong tháng mười năm nay, chúng con đã luân phiên thay nhau đến hai nơi đó để cùng Thầy hướng dẫn thiền sinh tu học. Tuy An cư không được trọn vẹn, nhưng nhìn thấy những thành quả khả quan từ từ biểu lộ rõ nét trên thần sắc của những thiền sinh đang theo học: họ vui tươi thoải mái, cởi mở; không khí tu học hòa đồng, hăng say, chúng con cũng được đôi chút đền bù.
Riêng con, tuy ba tháng An cư không được trọn vẹn, nhưng con kiểm điểm lại thì thấy mình cũng được một chút ít tiến bộ. Học thêm: về oai nghi tế hạnh, về tính nguyên tắc của tăng sĩ Phật giáo. Ngoài ra, chúng con còn tham gia khóa tu Đặc biệt 3 ngày và khoá 4 ngày với chuyên đề Thiền Huệ, dành riêng cho thiền sinh đã xong Khóa Bát Nhã. Nhờ vậy, con có thêm vài nhận thức mới. Con xin trình dưới đây:
Con nhớ lại, trong buổi học sáng ngày 6 tháng 9- 2005, tại Thiền viện, Thầy đã hỏi ôn lại về Chân tánh hiện tượng thế gian.
Mở đầu Thầy hỏi: - Phật thành đạo qua chứng ngộ chân tánh hiện tượng thế gian. Vậy, bằng trạng thái tâm gì Phật chứng ngộ chân tánh hiện tượng thế gian ? Ai biết ?
Một thiền sinh trả lời : - Dạ, bằng tâm tathā, tức tâm như ! Cũng còn gọi là “Tánh nhận thức biết.”
- Đúng !
Thầy hỏi tiếp: - Chân tánh hiện tượng gồm những gì ?
Một thiền sinh khác trả lời: - Dạ, có Tam pháp ấn trước.
- Sai !
Thiền sinh ấy nói lại: Thưa, con xin nói lại, “như tánh” trước !
Thầy gật đầu: - Rồi tới cái gì ?
- Dạ “Bất ly như tánh,” “Bất dị tánh,” và “Y duyên tánh.”
- Rồi tới cái gì nữa ?
- Dạ, tới Không.
- Không này có mấy dạng ?
- Thưa, theo nghĩa khẳng định là “Tánh Không,” nhân không, pháp không. Còn nghĩa phủ định, trước nhứt là “không ta, không cái của ta, không tự ngã của ta.” Rồi tới không tự tánh, không thực chất tính, tức vô ngã.
- Lấy gì để dễ phân biệt giữa 2 nghĩa “Không” mang nội dung khẳng định và “không” mang nội dung phủ định ?
- Dạ, “Không” được dùng trong nghĩa khẳng định là “tánh không.” Trong Pāli là “Suññatā” trong Sanskrit là “Śūnyatā” Còn “không” trong nghĩa phủ định là “bất” tức “không có” gồm các từ đứng trước phụ âm là “a,” trước nguyên âm là “an.” Thí dụ như: “avitathatā” được dịch là “bất ly như tánh” (như tánh không chia ra làm 2 được) “anaññahatā”được dịch là “bất dị tánh. (“tánh không khác nhau”).
Thầy hỏi tiếp: - Rồi tới gì nữa ?
Một thiền sinh khác nói: - Thưa, bình đẳng tánh, biến dịch tánh, và huyễn tánh.
- Còn thiếu ! Ai bổ sung ?
- Thưa, Pháp tánh và Pháp giới tánh !
- Phải. Người Trung Hoa nói là chư pháp, chúng ta nói là hiện tượng thế gian. Tất cả hiện tượng thế gian đều có những chân tánh đó. Ai xếp loại được cái nào nằm trong Vô Vi, cái nào nằm trong Hữu Vi ?
Một thiền sinh trả lời: - Có thể con nói sai. Nhưng con nói thử. Hễ sai, xin Thầy sửa…Tất cả những chân tánh của hiện tượng thế gian đều do Đức Phật chứng ngộ vào tuần lễ thứ năm, nên con cho nó là Vô vi. Con xin phép lên bảng ghi ra những pháp đó để giải thích rõ hơn.
Lúc đó, con nghĩ rằng bạn đó sẽ làm mất nhiều thì giờ cho cả lớp nên con nhanh miệng hỏi ngay : - Vậy, xin định nghĩa Vô vi là gì ? Hữu vi là gì ?
Thiền sinh ấy đáp ngay: - Vô vi là pháp không do điều kiện làm ra. Thí dụ như Chân như. Hữu vi là pháp do điều kiện làm ra. Thí dụ như: sanh, già, bệnh, chết. Pháp tánh là hữu vi…
- Tam Pháp ấn có do điều kiện khác làm ra không ?
- Có !
- Tánh vô thường có do điều kiện làm ra không ?
Bị hỏi câu này, thiền sinh ấy ngập ngừng vài giây, rồi đáp: - Không. Vô thường là thường hằng bất biến, dù Phật có ra đời hay không, vô thường vẫn có y như thế.
- Vậy vô thường là vô vi phải không ?
- Phải, là vô vi !
- Vậy xin viết lên bảng đi: “vô thường là vô vi.” Rồi, còn chân tánh thứ 2 là khổ, khổ là vô vi luôn phải không ?
Thiền sinh ấy ngần ngừ giây lâu, rồi trả lời: - Không, khổ là do điều kiện làm ra mà. Khổ là hữu vi.
Đến đây vấn đề sáng hơn 1 chút. Nhưng trong đầu con có nhiều nghi vấn khởi lên:
- Tại sao trong Tam pháp ấn, cái là vô vi, cái là hữu vi ? Phải có 1 cái sai. Vô thường là hữu vi mới đúng. Nhưng vô thường là bản thể của hiện tượng thế gian. Nó là một qui luật khách quan chi phối hiện tượng thế gian. Nó có từ vô thủy đến vô chung. Vậy, tại sao nó không là vô vi pháp ? Còn Khổ, nó cũng là đặc tính thường hằng của hiện tượng thế gian, là một chân lý như trong Tứ đế. Vậy, tại sao khổ lại là hữu vi ?
Trong con, lúc bấy giờ có nhiều câu hỏi như thế, chưa kịp giải đáp.
Tại sao tất cả những chân tánh của hiện tượng thế gian có cái là hữu vi, có cái là vô vi ?
Như mình đã biết, chỉ có Chân như và Không là vô vi pháp, còn tất cả những chân tánh khác, tại sao lại được xếp là hữu vi pháp ? Trong khi vô thường hay huyễn cũng là bản thể của con người và vũ trụ, đâu có do điều kiện gì làm ra, vậy sao không phải là vô vi pháp ?
Bấy giờ con ngẩn ngơ trong mớ chỉ rối nùi đó. Trong khi thiền sinh ấy đi về chỗ ngồi của mình, và lớp học tiếp tục.
Một thiền sinh khác lại nói:- Theo con hiểu, ở trong hiện tượng thế gian này vừa có vô vi vừa có hữu vi pháp.
Một thiền sinh khác góp ý:- Theo con, Tam pháp ấn thuộc hữu vi, không ta, không cái của ta, không tự ngã của ta, thuộc hữu vi; không tự tánh, ngã không pháp không cũng hữu vi. Lý duyên khởi là do điều kiện làm ra cũng thuộc hữu vi. Còn pháp giới tánh hay chân như không do điều kiện làm ra nên là vô vi. Tánh Không cũng vô vi...
Tới đây, Thầy hỏi ngay: - Còn huyễn tánh thì sao ?
Có hai người cùng trả lời: - Là hữu vi.
Thầy hỏi tới: - Giải thích !
Một người trả lời: - Vì huyễn là do Phật sau khi chứng ngộ vạn pháp đều vô ngã, không thực chất tính. Vạn pháp nương tựa với nhau để có mặt, nên Đức Phật đã dùng thuật ngữ “huyễn” để chỉ thế giới hiện tượng này, tuy có mà như không thật có. Sau này, các nhà Phật giáo Đại thừa diễn tả: thế giới hiện tượng chỉ là “giả danh; duyên hợp; huyễn có.” Do đó, con nói rằng “Huyễn” là pháp hữu vi.
Thầy đáp: - Đúng ! Còn vô thường thì hữu vi hay vô vi ?
Thiền sinh trả lời: - Thưa, cũng hữu vi luôn ! Vì qua sự kiện thay đổi bất thường của “thân 5 uẩn” nói riêng, và qua sự thay đổi bất thường của hiện tượng thế gian, Phật nhận ra, Phật xếp vô thường là một trong ba đặc tính của thế giới hiện tượng. Cho nên, từ trong vô thường mới đưa đến khổ. Đó là do tâm con người muốn nắm giữ những gì mình đương sở hữu. Mà thực tế, không có ai nắm giữ được một thứ gì mãi mãi trong tay mình. Kể cả thân mạng của mình ! Tất cả đều tuột ra khỏi bàn tay của ta.
Bấy giờ cuối cùng, con có sáng ra đôi chút. Con xin phép Thầy cho con trình bày những nhận định mới của con. Thầy gật đầu.
- Thưa Thầy, theo con nhớ là trrước đây con đã đọc đâu đó trong kinh luận thì chỉ có ba pháp vô vi, đó là Chân như hay tathatā, Không, và Niết bàn. Còn tất cả những chân tánh khác, đều do Đức Phật nhận ra và lấy làm phương tiện giáo hóa đệ tử, để cuối cùng đi tới thể nhập Chân như, đạt tới Phật tánh. Do đó, tất cả những pháp khác, tức là những chân tánh khác và tất cả hiện tượng thế gian đều là hữu vi pháp. Con vừa mới nhận ra được tại sao trong các chân tánh của hiện tượng thế gian, chỉ có hai cái là chân như và không là được xếp vào vô vi pháp. Đó là vì hai chân tánh đó thuộc phạm vi Bản thể học, còn các chân tánh kia thuộc Hiện tượng học. Cho nên, nếu định nghĩa ngắn gọn vô vi pháp là pháp không do điều kiện làm ra, hữu vi pháp là pháp do điều kiện làm ra, con nghĩ là có thể làm cho con lầm lẫn. Con định nghĩa như thế này: vô vi pháp là pháp không do điều kiện làm ra, nó phải đặt trên nền tảng “atakkāvacara” (ngoài lãnh vực lý luận), và đưa tới đạt chân lý tối hậu, tức Phật tánh. Thì mới được kinh luận xếp là vô vi pháp. Do đó, kinh luận mới xếp Chân như, Không, và Niết bàn là vô vi pháp. Mà khi nói Chân như, Không, và Niết bàn là vô vi pháp, có nghĩa đàng sau đó, người tu phải nhận ra và thực hành để thể nhập một trong ba pháp vô vi đó mới đi đến giải thoát tối hậu.
Thầy nói con nói đúng. Nhưng Thầy lưu ý: thể nhập Chân như hoặc thể nhập Không mới là đúng hơn. Còn Niết bàn chỉ là quả của sự thể nhập Chân như hoặc Không vững chắc thôi. Nó là dụng ngữ qui ước. Riêng về Phật tánh là tiềm năng giác ngộ. Tiềm năng này được bật ra qua những phương tiện dụng công phản xạ khác nhau để kích thích vào các tánh. Trong đó, phản xạ thụ động là chính yếu. Đồng thời Thầy khiển trách con đã làm mất thì giờ của cả lớp vì đã bắt giò 1 thiền sinh, dồn người này đi tới chỗ bí. Con đã xin sám hối.
Lúc đó có một thiền sinh nói: - Con hiểu: thể nhập là đi tới vô vi. Còn chỉ hiểu nghĩa lý của từ ngữ mà không biết cách dụng công để đi đến thể nhập là thuộc Thiền lý.
Thầy giải thích thêm, làm cho vấn đề được rõ hơn:
- Trên nguyên tắc, tất cả những chân tánh của hiện tượng thế gian đều đòi hỏi trước hết là nhận ra, rồi sau đó thực hành để thể nhập, nhưng thể nhập Chân như mới là tối hậu. Còn thể nhập vô thường thì không đưa tới phát huy Huệ rốt ráo. Chỉ là kinh nghiệm giới hạn thôi. Ta có nhận thức mới. Chính nhận thức mới này nó giúp ta tỉnh ngộ. Khi thực sự tỉnh ngộ, ta hạn chế được khổ của tâm. Ta không còn thù hận những người làm cho ta đau khổ, ví dụ như mất hết tài sản…
Đến đây buổi học ôn về chân tánh hiện tượng thế gian chấm dứt.
Nhưng đối với riêng con thì dường như con chưa thông suốt vài điều gì đó. Con chưa nắm rõ, còn cái gì mơ hồ trong nhận thức của mình.
v
Ngôi Thiền viện đến ngày hôm nay đã khá khang trang. Cây lá xanh um. Mùa nào hoa lá đó. Như nay là mùa thu sắp sang đông, những cây phong, hay maple, có cây thì lá đỏ, cây lá vàng, lá đã từ từ rơi rụng theo những làn gió mát lạnh. Những hàng cây tiêu, cành mềm rũ lá li ti xanh xanh và những chùm trái li ti hồng hồng có hương vị như tiêu. Lá rơi rải rác trên con đường thiền hành quanh co chạy dọc theo châu vi khu vườn rộng phía sau. Con đường thiền hành lát gạch vuông màu đất đỏ, rải rác có vài cây cầu gỗ làm duyên, làm duyên là vì bên dưới cầu chưa có nước chảy.
Những buổi sáng tinh sương, mùa thu này, sau sáu giờ, xả thiền, là giờ tập khí công và chấm dứt bằng thiền hành. Sương mù còn lan tỏa nhẹ, núi đồi xa xa ẩn hiện sau màn sương trắng. Cỏ cây, hoa lá còn thấy màu xanh phớt, sừng sững trên những tảng đá cao, pho tượng đức Bổn sư đang trầm mặc, màu đá trắng như tan trong màu sương. Rồi nắng lên, đất trời như bừng sáng.
Mấy lúc sau này, khi nắng ấm, con thường thực tập chiêu thức nhìn ánh sáng nắng. Thầy giải thích kết quả của chiêu thức này là tín hiệu ánh sáng sẽ đi vào Đồi Thị, ngang qua tuyến Tùng, từ đó tiết ra chất sinh hóa serotonin. Chức năng của chất này là tăng cường sức khỏe, có nhiều kiên nhẫn, điều chỉnh ngủ thức, chữa bệnh trầm cảm, nhức đầu. Đồng thời khi mình thư dãn niệm thì cũng tiết ra chất acetylcholine. Chức năng của acetylcholine là hóa giải hai chất norepinephrine và epinephrine. Từ đó nó điều chỉnh áp suất máu, cholesterol, lượng đường trong máu, phục hồi ký ức, thân nhanh nhẹn linh hoạt, trí sắc bén...
Những khi trời nắng ấm, con cũng thích đi quét con đường thiền hành. Tay cầm cây chổi, tay cầm cây hốt lá, con lơn tơn đi tới đầu con đường nhỏ, rộng chỉ bằng ba hàng gạch vuông, nhưng dài thì thật dài, khi thì thẳng hàng, khi uốn khúc theo thế đất, thế đá. Mỗi ngày chỉ quét sạch được một đoạn đường, con thực tập quét chỉ biết quét, không mong cho mau xong, có khi vừa quét sạch thì một làn gió thoảng qua, lá tiêu lá phong rơi xuống nữa.
Con nghiệm thấy thực tập làm chỉ biết làm, trong nhà bếp thì khó hơn. Vì sao ? Nấu nướng cần phải cẩn thận chăm chú từng chút, nào lửa, nào muối, đường, nào nước... không thể xao lãng. Tia nhìn hạn hẹp, và luôn luôn có đối tượng. Nên tâm cũng bị gò bó và có đối tượng. Còn ra ngoài trời, không gian trải rộng, núi đồi xa xa, cỏ cây xanh tươi, gió mát, nắng ấm, tiếng chim ríu rít, lá cây lao xao, tiếng nước róc rách, tiếng đá sỏi xào xạc, tâm dễ thanh thản, tầm nhìn bao la, không trụ nơi nào. Con nhận ra điều Thầy từng nói: “Tâm con người rất khó điều phục. Cần có cảnh hài hòa trước, sau mới dễ điều phục được tâm.”
Mới đây, sau buổi học về vô vi và hữu vi pháp, con cũng xách cây chổi đi ra con đường thiền hành, quét tiếp. Được một lúc, hơi mỏi lưng, con đứng thẳng người, nhìn ra xa, cây cỏ, lá hoa, dãy núi, chân trời ...Chợt con nhận ra pháp không do điều kiện làm ra thực sự là gì ? Tại sao Chân như là cái tinh túy của hiện tượng thế gian, vượt lên trên tất cả những chân tánh khác, hơn cả tánh Không ? Con xin trình bày lại dài dòng một chút.
Trong Lý Duyên khởi, Đức Phật thành lập nguyên tắc:
Cái này có, cái kia có,
Cái này sinh, cái kia sinh,
Cái này không, cái kia không,
Cái này diệt, cái kia diệt.
Vậy toàn bộ thế gian này có hiện hữu là do nhiều điều kiện hợp lại mà thành. Khi không còn đủ điều kiện nữa thì nó biến dịch trở thành cái khác. Đây là qui luật biến dịch: sinh- trụ- hoại- diệt- thành. Diệt để rồi tiếp tục thành- sinh- trụ- hoại- diệt... làm thành cái vòng luân hồi của hiện tượng thế gian. Riêng đối với con người thì cũng biến dịch, từ sanh- già- bệnh- chết. Để rồi trở lại sanh- già- bệnh- chết... mãi mãi thành cái chuỗi sanh tử luân hồi triền miên.
Đó là những pháp do điều kiện làm ra, thuật ngữ gọi là hữu vi pháp. Hữu vi pháp bao gồm tất cả: tâm, người, cảnh, vật, sự việc, sự kiện... Tất cả những lãnh vực đó, chúng ta gọi chung là hiện tượng thế gian. Tiến lên một bước, chúng ta nói đến những đặc tính hay chân tánh (true nature) hay bản thể (original nature) của hiện tượng thế gian. Phổ thông mà nói, thì những chân tánh gồm có:
1- Vô thường
2- Khổ hay xung đột
3- Vô ngã hay không thực chất tính
4- Tương quan nhân quả hay duyên khởi, duyên sinh hay pháp tánh
5- huyễn tánh
6- không tánh
7- chân như hay như tánh, hay pháp giới tánh
Trước hết con lấy đặc tính thứ nhứt là vô thường để trình bày như một ví dụ điển hình.
Nhìn một bông hoa, ta thấy nó đang tươi thắm. Vài ngày sau, nhìn lại bông hoa đó, ta thấy nó đang héo tàn. So sánh hai sự kiện đó, ta dùng ngôn ngữ để diễn tả, gọi sự khác nhau đó là vô thường. Vô thường là sự biến đổi, là sự khác biệt của một vật, một người, một cảnh, một sự việc...qua thời gian. Đức Phật, bằng tâm giác ngộ, đã nhận ra sự biến dịch đó. Ngài đem ra giảng dạy cho người đời. Vì người đời luôn luôn lầm chấp, nghĩ rằng, mong muốn rằng mọi sự vật đều thường hằng, đều chắc chắn. Cái của mình phải là của mình mãi mãi, thân mình phải trẻ, phải khỏe mạnh luôn, và sống hoài. Cho nên khi có cái gì của mình vuột ra khỏi tay, thì mình khổ. Do đó khổ là vì tâm có sự xung đột, khổ là vì chưa hiểu vô thường là một qui luật khách quan, chi phối tất cả mọi hiện tượng thế gian.
Con nhớ trong bài kinh Vô ngã tướng, Đức Phật có dạy: sắc, thọ, tưởng, hành, thức vô thường, vì vô thường nên khổ. Ở đây, khổ đặt trên nền tảng vô thường. Mà vô thường là một định luật phổ biến, nên khổ cũng được nâng lên là một qui luật phổ biến chi phối tất cả hiện tượng thế gian. Tuy khổ là một trạng thái của tâm con người, nhưng đối tượng của tâm đó là gì ? Là Ta và cái của ta. Ta và cái của ta đã bao gồm hết những hiện tượng thế gian rồi. Con nhận ra đặc tính khổ trong Tam pháp ấn, có tính cách bao quát hơn khổ trong Tứ diệu đế. Trong Tứ diệu đế, chân lý thứ nhất là khổ đế, Đức Phật đã kể ra 13 thứ khổ: sanh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội, ái biệt ly, cầu bất đắc, sầu, ưu, bi, khổ, não, ngũ ấm xí thạnh. 13 thứ khổ này liên hệ trực tiếp tới con người. Khổ này đặt nền tảng trên lòng khát ái (trong chân lý thứ hai: tập đế). Nó là một thực tế trong cuộc đời. Cho nên Khổ đế là chân lý của thế gian, là chân lý qui ước, hay là tục đế.
Trở lại qui luật vô thường. Đức Phật đã chiêm nghiệm ra qui luật vô thường khi nhìn ngắm sự biến dịch của các pháp trên thế gian, qua thời gian, ngắn hay dài, đều luôn luôn biến dịch. Ngài dùng nó như một phương tiện để giáo hóa người đời đừng mê lầm, đừng bám chặt, đừng dính mắc vào các pháp thế gian nữa.
Con nhận ra rằng qui luật vô thường không thực sự hiện hữu. Mà cái gì thực sự hiện hữu trước giác quan của ta ? Đó là cái đang là của sát na bây giờ và ở đây. Trở lại ví dụ của bông hoa. Hôm nay ta ngắm bông hoa đang tươi thắm. Tức ta nhận ra cái đang là. Vài ngày sau, ta ngắm bông hoa đang héo tàn. Cũng là nhận ra cái đang là. Còn khái niệm vô thường là do trí năng suy luận, hay học hỏi nơi lời dạy của Đức Phật mà có. Tuy nhiên, cái đang là còn nằm trong giác quan, còn nằm trong không gian và thời gian. Tức cái đang là còn nằm trong cái tương đối.
Có một cái hiện hữu, vượt ra ngoài không gian và thời gian, không phụ thuộc vào giác quan, mà nó chỉ được nhận ra bằng nhận thức cô đọng của tánh giác, đó là cái Như Thế của hiện tượng thế gian. Cái này hoàn toàn khách quan. Tuy nói là cái Như Thế của hiện tượng thế gian, nhưng cho dù không có hiện tượng thế gian, vẫn có cái Như Thế của sự tịch diệt. Vì chính cái Như Thế là sự tịch diệt. Sự tịch diệt cũng là cảnh giới niết bàn. Cũng là sự trống không. Cho nên, con nhận ra cái Như Thế hay Chân Như đứng hẳn riêng ra một mình, bên ngoài thế giới hiện tượng này. Chính nó không do điều kiện gì làm ra, nên nó là vô vi pháp. Cũng vậy, Niết Bàn là vô vi pháp. Tánh Không là vô vi pháp. Tuy nhiên, Tánh Không, khi hiểu nó là năng lượng, là nguồn gốc phát sinh thế gian này, thì nó liên hệ trực tiếp đến hiện tượng thế gian, nó là thực chất tính của hiện tượng thế gian, thì nó trở thành hữu vi pháp. Trong khía cạnh này, “Không” có cái Như Thế của nó. Hay nói khác, Chân Như là khách quan tính của “Không.” Chỗ này, nếu đem đối chiếu với khoa học hiện đại, “Không” ngang bằng với cái Quark của nguyên tử. Cái Quark này cũng có cái khách quan của nó, tức chân như.
Ngược lại, Chân Như không có thực chất tính “Không”. Vì một điều dễ hiểu là Chân Như không phải do năng lượng “Không” làm ra nó.
Vậy kết luận lại, Chân Như và tánh Không, trong trạng thái thể nhập thì ngang nhau. Trong mặt tánh, cả hai đều là vô vi pháp. Trong mặt dụng, “Không” là thực chất tính, tạo ra hiện tượng thế gian. Chân Như không tạo ra hiện tượng thế gian. Cho nên Chân Như là tinh túy của hiện tượng thế gian.
Trong mặt lịch sử, Đức Phật thành đạo qua trạng thái tâm Như. Về sau, Đức Phật thường thể nhập Không định và thành lập “Ba cửa giải thoát” để giáo hóa, trong đó cửa thứ nhất là Không định.
Kính thưa Thầy,
Trên đây con cố gắng sắp xếp lại những điều con nhận ra được khi quét lá trên con đường thiền hành nơi Thiền viện. Như vậy, trong các chân tánh của hiện tượng thế gian, chỉ có Chân Như tánh và Không tánh là thuộc vô vi pháp. Còn các chân tánh kia: vô thường, khổ hay xung đột, vô ngã hay không thực chất tính, pháp tánh hay tương quan nhân quả, và huyễn tánh, đều được xếp là hữu vi pháp. Được xếp là hữu vi pháp là vì:
+ Pháp do Đức Phật nhận ra
+ lấy làm phương tiện giáo hóa
+ đối trị tâm tham ái, dính mắc của người đời
+ bằng lời nói để giải thích và người nghe có thể hiểu được bằng suy luận
+ dùng giác quan có thể nhận ra
+ đưa tới kinh nghiệm giới hạn.
Tóm lại, hữu vi pháp là những pháp do điều kiện làm ra.
Trở lại buổi học ôn về chân tánh hiện tượng thế gian hôm trước, con nhận ra thêm rằng: những phạm trù hay những lãnh vực lý luận khác nhau, không thể chập vào nhau được vì không cùng chung ý nghĩa. Thí dụ, những phạm trù sau đây:
- hữu vi pháp- vô vi pháp
- ngộ lý- thể nhập
- tục đế- chân đế
- kinh nghiệm giới hạn- kinh nghiệm vô hạn
Không phải khi ta thể nhập là đã bước qua vô vi pháp. Cũng không phải khi thể nhập là bước vào chân đế, hay chân lý tối hậu. Càng không phải thể nhập là có kinh nghiệm vô hạn. Thí dụ, thể nhập vô thường. Còn vô vi pháp, thí dụ, Chân như hay Không. Nếu chỉ ngộ lý thì có kinh nghiệm giới hạn, có chân như trí hay không trí. Tuy cả hai thứ trí này là trí xuất thế gian, nhưng vẫn còn ở trong tục đế Bát nhã. Khi thể nhập Chân Như định hay Không định, sẽ bước vào chân đế, và sẽ phát huy kinh nghiệm vô hạn, tức tiềm năng giác ngộ bật ra từ từ, theo nguyên tắc phản xạ rhụ động.
v
Mấy ngày nay, trời nhuốm mưa. Bầu trời thấp xuống, không có nắng. Con đường thiền hành không có lá rụng, nhưng rơi rải đất cát và ẩm. Đi dọc theo con đường thiền hành, qua chiếc cầu gỗ nho nhỏ, là đến hai cây táo. Đó là loại táo Tàu, trái nhỏ mà rất dòn, lại ngọt xớt. Trong mấy tháng hè, hai cây táo oằn trái. Buổi sáng rảnh rỗi, con hay cầm một cái rổ, ra vườn, hái cà chua, trái nhỏ như nho, chín cây rất ngọt. Đi từ giàn cà gần, hết trái rồi qua giàn cà khác, mon men thế nào cũng tới thăm hai cây táo. Giơ tay hái vài ba trái chín, chùi sơ tà áo, rồi nhâm nha, nghe hương ngọt ngào dòn rụm. Có khi đang thiền hành, ngang qua cây táo, cũng ráng đưa mắt nhìn một cái. Con nhận ra chính tập khí của mình định hướng cuộc đời mình, mà thường mình không hay biết. Tập khí hiền còn đỡ, tập khí ác thì thật nguy. Tuy nhiên hễ là tập khí, thì cái nào cũng trói buộc tâm mình dính với cảnh.
Kính thưa Thầy,
Trên đây là vài điều con thu nhặt được sau ba tháng An cư. Từ đây, trong những phương cách dụng công của con có ghi thêm chiêu thức quét lá.
Đêm 10 tháng 11- 2005
v
Kính thưa Thầy,
Trong thời thiền sáng sớm hôm nay, con nhận ra thêm về vô vi và hữu vi pháp. Con xin trình bày lại.
Theo nguyên tắc của Lý Duyên khởi:
Cái này có, cái kia có,
Cái này sinh, cái kia sinh,
Cái này không, cái kia không,
Cái này diệt, cái kia diệt.
Căn cứ vào đó, ta có thể lập luận như sau:
hiện tượng thế gian có, vô thường có;
hiện tượng thế gian không có, vô thường không có.
Vậy, vô thường liên hệ trực tiếp đến hiện tượng thế gian. Trong dây tương quan nhân quả, hiện tượng thế gian là nhân, vô thường là quả. Vì hiện tượng thế gian không biết có từ bao giờ và kéo dài cho đến bao giờ, cho nên ta tưởng rằng vô thường là thường hằng. Vô thường thường hằng vì hiện tượng thế gian thường hằng. Khổ cũng vậy, tuy khổ cũng là một qui luật, nhưng khổ có là vì vô thường có. Cho nên khổ cũng là hữu vi pháp, tức là quả của nhân vô thường. Giống vậy, các đặc tính: vô ngã, huyễn cũng là do điều kiện lập nên. Hôm trước, con có nhận ra Khổ trong Tam Pháp ấn đặt trên nền tảng vô thường, mà con chưa nhận ra nó trong dây tương quan nhân quả. Tức là vì vô thường có, nên khổ có. Vậy khổ do nhân hay duyên vô thường, nên khổ là pháp hữu vi, tuy khổ là một đặc tính, là một qui luật phổ biến chi phối mọi hiện tượng thế gian. Cùng trong lập luận trên, chuỗi 12 mắt xích của dòng sanh tử của con người cũng đều là những pháp do điều kiện làm ra. 12 mắt xích đó là:
1- vô minh
2- hành
3- thức
4- danh sắc
5- lục nhập
6- xúc
7- thọ
8- ái
9- thủ
10- hữu
11- sanh
12- lão, tử, ưu, bi, khổ, não...
12 mắt xích này là một vòng tròn khép kín, tức là mỗi mắt xích là nhân hay là duyên, hay là điều kiện để tạo ra mắt xích kế tiếp. Mắt xích thứ 12 là nhân cho mắt xích thứ nhất. Cứ thế tiếp diễn mãi, tạo nên dòng luân hồi sanh tử triền miên. Cho đến khi nào, một mắt xích bị cắt, thì mới chấm dứt được luân hồi, thì chuỗi sanh tử mới rời rã. Vì thế pháp tánh, hay lý duyên khởi, pháp duyên sinh, đều là pháp hữu vi. Còn tánh Không và tánh Chân như thì đứng hẳn riêng ra khỏi ngoài hiện tượng thế gian. Điều này có nghĩa là dù có hiện tượng thế gian hay không có hiện tượng thế gian, thì “trạng thái trống không” và “trạng thái như thế” vẫn là thực tại cuối cùng, thực tại cao tột. Vì hai thực tại này không phụ thuộc vào hiện tượng thế gian, đó cũng là “thực tại tịch diệt” hay Niết bàn.
Vậy, con xin đính chánh lại là: kinh luận định nghĩa vô vi pháp là pháp không do điều kiện làm ra, hữu vi pháp là pháp do điều kiện làm ra, là hoàn toàn đầy đủ ý nghĩa. Không cần phải thêm gì hơn.
Hôm trước con định nghĩa dông dài là vì con chưa nắm rõ ý nghĩa mấy chữ: “điều kiện làm ra.” Lúc đó con còn lờ mờ rằng vô thường hay vô ngã hay huyễn...cũng là những chân tánh thường hằng bất biến, dù có Phật ra đời hay không, dù có ta hay không có ta, thì nó vẫn hiện hữu. Bây giờ con thấy rằng vô thường có, vô ngã có, huyễn có...là vì có hiện tượng thế gian. Đó là điều kiện làm ra chúng. Chúng không phải là những thực tại tách ra khỏi hiện tượng thế gian. Chúng không phải là những pháp tự có, hay là có tự tánh. Cho nên, những pháp bị chi phối bởi những qui luật: vô thường, khổ hay xung đột, không thực chất tính hay vô ngã, duyên khởi hay duyên sinh, huyễn...đều thuộc về hữu vi pháp. Và ngay chính những qui luật đó nằm trong Hiện tượng học, cũng thuộc hữu vi pháp. Còn thuộc Bản thể học, thuộc vô vi pháp có tánh Không và tánh Chân như, và Niết bàn.
Tuy nhiên, phần xếp loại này thuộc qui ước và chủ quan, không phải chân lý rốt ráo.
Kính thưa Thầy,
Trên đây là những điều con hiểu về vô vi pháp và hữu vi pháp, con trình Thầy để Thầy chỉ dạy thêm.
15 tháng 11- 2005