Đối với người học thiền, nhận thức là một chủ đề rất quan trọng trong việc thực hành. Tháng 5 năm 2019 tôi có cơ duyên đọc bài viết rất dài và chi tiết về chủ đề nhận thức của Thầy Thiền Chủ. Đây quả là một chủ đề khó nuốt của đa số thiền sinh, nên Thầy Thiền Chủ có ý rút gọn và làm sao cho dễ hiểu. Cũng nhờ nhân duyên đánh máy cho Thầy, đọc và sửa nhiều lần, nên tôi may mắn nắm bắt được đôi điều về chủ đề nhận thức. Hai chữ nhận thức thì tôi đã biết, nhưng khi qua tay Thầy thì nó bao la và sâu sắc hơn nhiều, đến nỗi lần đầu tiên đọc, tôi thấy tối tăm mặt mũi. Hình như tôi chưa biết qua vị thầy nào trình bày nhận thức khác lạ và sâu sắc như thế. Vì sự khai mở tâm trí và nhiều lợi lạc trong việc hành thiền nên tôi xin chia sẻ cùng các bạn thiền sinh một chút kinh nghiệm về chủ đề nhận thức mà tôi đã học được từ Thầy Thiền Chủ.
Đầu tiên, nhận thức đơn giản là nhận biết ngay một cái gì đó khi giác quan tiếp xúc với đối tượng.
Khi nhìn thấy như thật một cái gì đó tức thì, không trải qua phân tích, lý luận hay nghĩ tưởng.
Xin đừng nhầm lẫn nhận thức không lời với trực giác vì cùng được giải thích đơn giản là cái biết trực tiếp. Trực giác là một thứ mà không phải ai cũng có được. Bên cạnh đó, trực giác là một thứ dễ gây hiểu lầm và hay bị sử dụng mập mờ khó hiểu. Ngược lại, nhận thức là một thứ mà mọi người đều có sẵn và nhận ra được một cách dễ dàng. Thông thường, khi giác quan tiếp xúc với đối tượng thì có rất nhiều thứ mà trí năng tạo ra để ngăn chận hoạt động của nhận thức, nào là khái niệm, rồi hình ảnh, và tiếp theo là những lời nói thầm trong đầu về đối tượng. Đó là thói quen hoạt động của bộ não chúng ta. Nhận thức có thể chia làm nhiều loại và nhiều mức độ, từ ảnh hưởng thói quen đến hình thành phản xạ, từ cái biết đầu tiên đến nhận thức bản năng, và mức độ cao như nhận thức Thực tại hay Chân như. Trong phạm vi giới hạn, tôi chỉ xin chia sẻ đơn giản, chủ quan theo cá nhân tôi là dễ hiểu và dễ thực hành.
Thực hành nhận thức không lời là đừng để cho đầu óc chúng ta hoạt động theo thói quen cũ của ý thức, ý căn và trí năng. Đây là ba cái biết hoạt động suốt ngày suốt đêm, lên giường ngủ mà cũng không yên. Chính ý thức, ý căn và trí năng là tác giả làm ra nhiễm ô trong nhận thức. Trong thực hành, chỉ dùng nhận thức không lời mà thôi; khi tiếp xúc với đối tượng quanh ta, chỉ giữ cái biết trong yên lặng. Khi nhìn thì chỉ thấy biết như thật một cái gì đó tức thì. Làm trong nhận thức thì đơn giản là biết ngay mình phải làm ra sao một công việc gì đó, bắt đầu và kết thúc như thế nào mà không cần trải qua suy tư hay nghĩ tưởng. Khi bạn khát nước, tự biết mình khát nước, đâu cần phải nói thầm trong đầu là tôi đang khát. Tự nhiên là chúng ta đi lấy nước để uống, đâu cần phải nghĩ là nước lọc hay nước chanh. Khi uống nước cũng đâu cần tưởng gì nói gì, chỉ uống thôi. Đó là để cho nhận thức vận hành tự nhiên, không cần ý thức, ý căn và trí năng can thiệp vào những hoạt động đơn giản hàng ngày. Bước đầu như thế thì dễ dàng nhận ra sự hoạt động của nhận thức, và giảm thiểu được lời nói thầm thường xuyên trong đầu cũng như hạn chế được những suy nghĩ vẩn vơ không cần thiết. Trong thực tế thì không dễ dàng như thế, có nhiều tình huống rắc rối xảy ra. Nhưng bắt đầu như thế để nhận ra mình đã dính mắc quá nhiều, nhận thức có khả năng hạn chế khổ đau và rối rắm trong đời sống.
Nhận thức có thể đơn giản chia ra làm hai loại: nhận thức trong sạch và nhận thức ô nhiễm. Nhận thức trong sạch hay còn gọi là nhận thức không lời là cái mà chúng ta cần trong thực hành thiền.
Ai cũng đã từng trải qua là ta đã nhìn thấy và biết ngay lập tức một cái gì đó trước mắt. Như nhìn thấy một đóa hoa mà trong đầu chẳng nói năng suy nghĩ điều gì. Đây là nhận thức trong sạch.
Ai cũng đã từng trải qua kinh ngiệm hốt hoảng giật mình là khi nhìn thấy ngay lập tức một cái gì đó liền. Như nhìn thấy một con chuột chết mà trong đầu chưa kịp nói năng suy nghĩ điều gì thì tim đập chân run. Và đây là nhận thức ô nhiễm. Đây là thứ mà người học thiền phải vượt qua, chuyển hóa nhận thức, từ ô nhiễm sang trong sạch. Tim đập chân run chỉ là phản ứng vật lý trong thân. Nhưng sợ hãi và né tránh là phản ứng của tâm, phản ứng tâm này tạo nên lậu hoặc tiềm ẩn và làm nhiễm ô nhận thức. Quán chiếu về con chuột chết để không còn sợ hãi là một phương cách chuyển hóa nhận thức ô nhiễm này. Nhưng đó là con đường dài, cần thời gian dụng công. Có một con đường ngắn gọn hơn đó là hiểu được sự hình thành nhận thức trong đầu chúng ta. Chỉ cần nhận ra trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, nhận thức có mặt mọi lúc mọi nơi, từ đánh răng súc miệng, đến ăn uống nghỉ ngơi, đi bộ, chạy xe đạp...chúng ta đều có thể thực hiện mà đâu cần suy nghĩ làm sao để đánh răng, phải giữ thăng bằng như thế nào khi leo lên xe đạp. Vậy thì mọi người, ai cũng có thể áp dụng nhận thức không lời trong đời sống hàng ngày, và từ lần chuyển hóa nhận thức ô nhiễm.
Bản đồ nhận thức chính là sáng tác độc đáo của Thầy, tuy có sửa đổi đôi lần nhưng nội dung chính vẫn không thay đổi, dễ hiểu và dễ áp dụng thực hành. Hy vọng mỗi người học thiền đều có cơ hội đọc qua bài đọc thêm: bài Nhận thức và bài Bản đồ nhận thức của Thầy. Áp dụng bản đồ nhận thức là con đường ngắn hơn, áp dụng cho tất cả mọi tình huống. Trong bản đồ nhận thức là từng bước thực hành để thiết lập nhận thức trong sạch, cô lập lậu hoặc khởi lên khi giác tiếp xúc với đối tượng trong đời sống hàng ngày. Từng bước thực hành từ nhận thức ngữ nghĩa đến nhận thức cô đọng, rồi đến nhận thức rỗng không.
Thầy Thiền Chủ từng nói: thiết lập được nhận thức không lời thì vượt qua được mọi tình huống khó đỡ nhất. Vậy bạn có thể chọn con đường quán chiếu, riêng tôi thích thú với cái nhận thức không lời này. Ngay cả việc thực hành nhận thức không lời cũng đơn giản và dễ hiểu.
Với tôi, nhận thức không lời là nhận biết cái mà giác quan tiếp xúc - không có phân tích, tính toán, không lý luận. Bạn phải có thể suy luận, phân tích rõ ràng chính xác về đối tượng; nhưng đó không phải là cái thật, nó là cái đã được sửa đổi và hoàn chỉnh bởi trí năng. Khi ta sống trong nhận thức không lời, ngay lập tức thế giới quanh ta sẽ sáng tỏ, ở đó cũng có ngay sự yên lặng nội tâm. Ta không cần phải nỗ lực để thực hành hay cố gắng đạt được sự yên lặng, yên lặng và rõ ràng tự nó xuất hiện trong nhận thức. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy nhận thức không lời là thiết yếu trong việc thực hành thiền.
Tôi không dám nói như Thầy Thiền Chủ: đây là “chìa khóa vạn năng”. Nhưng nếu sử dụng nhận thức không lời trong đời sống hàng ngày thì tâm trí chắc chắn sẽ được yên ổn, tiếng nói trong đầu sẽ giảm đi rất nhiều, không còn lầm bầm trong đầu những điều không cần thiết. Và không nghi ngờ gì, việc hành thiền sẽ có kết quả rõ ràng hơn, trí tuệ sẽ sắc bén hơn, vì nhận thức không lời sẽ soi sáng mọi thứ trong đời sống.
Huệ Quang