Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 46
NHƯ LỬA, NHƯ GIÓ, NHƯ NƯỚC, NHƯ MÂY
Có một lần, chúng ta đã biết ngài Sariputta từng thưa với đức Phật: “Tâm con như đất” khi bị một vị tỳ kheo mới tu cáo bạch với đức Phật rằng ngài Sariputta khinh thường ông vì tà áo của ngài Sariputta đã phất ngang mặt ông. Hôm nay, mình thử chiêm nghiệm thêm có thể nào tâm cũng nên như lửa, như gió, hay như nước, như mây không?
Lửa rất cần cho đời sống con người và vạn vật. Lửa mang hơi ấm khi mùa đông lạnh giá. Trong mỗi khóa nhập thất, đêm cuối, tất cả thiền sinh tụ họp vỗ tay ca hát quanh khóm lửa củi đỏ rực, ánh sáng lửa lách tách, bập bùng, chiếu soi những khuôn mặt rạng rỡ vui cười, tiếng đàn rộn rã, như cánh rừng thông cũng rộn rã hòa điệu theo. Những sinh hoạt đặc biệt này dường như làm cho tâm mỗi người quên hết ưu phiền của cuộc đời, trong giây phút ấy, tâm ai cũng mở rộng, gởi yêu thương ra chan hòa và đón nhận tình cảm đầm ấm nồng nàn chung quanh mình. Trong đời sống hằng ngày, lửa để nấu nước, nấu cơm, lửa mồi lên đầu ngọn nến, cho ánh sáng lan tỏa trong đêm.
Trong thi ca, trong Phật học, lửa biểu hiện cho ánh sáng, cho trí tuệ, mình có các nhóm từ ngữ: truyền đăng, vô tận đăng, phải tự mình thắp đuốc, tự mình là ngọn đèn...
Ngắm nhìn lửa, mình cũng nên rèn cái tâm mình, ấm áp, nồng nhiệt, mang ánh sáng tới cho mọi người, soi chiếu những mảnh đời còn tăm tối.
Hình ảnh thứ hai là Gió. Mùa hè, trưa nóng bức, có một làn gió thoảng qua, mát làm sao! Chúng ta hãy nhìn, kia! Tất cả cành lá đong đưa nhảy múa, nghiêng ngả cùng một nhịp điệu. Thử hỏi trên đời có vũ điệu nào nhịp nhàng, yểu điệu hài hoà hơn không? Vũ điệu không âm thanh! Gió không hình sắc, không âm thanh, không nơi phát khởi, không nơi trở về, bàng bạc khắp trời đất bao la, không có gì nắm giữ được gió. Tâm mình cũng nên thoát khỏi mọi gông cùm xiềng xích của lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, của tham, sân, si, tâm mới trở nên tự do tự tại, không trụ nơi nào, không dính mắc cái gì, tâm mới mở rộng bao la, dâng hiến cho đời những làn gió mát của từ bi và trí tuệ. Gió còn có nhiều lợi ích cho đời hơn nữa: thổi bay bao nhiêu là cành khô, lá vàng, hoa héo trong mùa thu, để cho mùa đông, nụ hoa, búp lá nhú lên sẵn sàng cho mùa xuân hoa tươi nở, lá đơm xanh. Tâm mình cũng nên cho bay đi những ý nghĩ thiên về tham ái, sân hận, tiêu cực. Khi các pháp bất thiện không khởi lên, tâm chỉ còn là pháp thiện lành hữu ích cho mình và cho người.
Hình ảnh thứ ba là Nước. Nước từ nguồn suối thường là trong sạch. Là thế giới của nhiều loài sinh vật như: các loài cá, cua, tôm tép, rồng, rắn, cóc, nhái, rùa...Chúng ta nếu không có nước cũng không sống được. Cho nên từ ngàn xưa, con người đã tụ họp sống dọc theo những dòng sông lớn, lập thành các đô thị phồn thịnh. Cần thiết nhất của sự sống là nước quan trọng trong việc ăn uống, tắm gội, giặt áo, nước còn tẩy rửa những thứ dơ bẩn, nước để trồng cây, làm ruộng...Tâm mình cũng nên tẩy rửa những thứ dơ bẩn, như các pháp ác, làm khổ mình, làm khổ người, thì tâm mới được trong sạch như nước trong veo của nguồn suối, hễ quay đầu nhìn lại thì thấy rõ cái bản tâm trong sạch của mình.
Hình ảnh thứ tư là Mây. Mây trên trời cao, không biết từ đâu sinh ra, đi về đâu, mỗi lúc mỗi thay đổi, không vương vấn nơi nào, không ai cầm giữ được mây. Mây vẫn bay theo chiều gió, không cưỡng chống lại bao giờ. Có khi buổi sáng mùa thu, mây mù trắng đục la đà lưng chừng núi, có khi buổi trưa mây trắng từng cụm lãng đãng trên khung trời xanh thắm, có khi buổi chiều mây hồng, mây tím rực rỡ bay về phương tây. Tâm ta hãy như mây. Không vương vấn nơi nào trên trần gian, vượt lên trên tất cả, xa tít mù khơi, bụi đời không bám tới được. Tâm ta hãy như mây, thong dong bên ngoài cuộc đời, khách quan nhìn ngắm “các pháp tự vận hành”. Tâm ta hãy như mây: không trụ nơi nào, không ai níu kéo được, không gì giam giữ được ta.
Các bạn ơi, lửa, gió, nước, mây cũng cho mình nhiều bài pháp tuyệt diệu, cũng là “chân kinh vô tự”, cho nên nói Pháp là thường trụ trên thế gian. Tuy nhiên, nếu mình chưa đủ trí tuệ, mình vẫn có thể hành xử sai lầm, mình có thể nổi sân khi gặp những hoàn cảnh không vừa ý. Nổi sân có nghĩa là lửa sân hận bùng cháy. Chúng ta đã biết câu này: “Một niệm sân đốt hết cả rừng công đức”.
Khi lửa phát triển quá đà, thì có thể thiêu rụi nhà cửa, rừng núi, cây cối và cả con người. Như lửa sân của tâm Devadatta không thiêu đốt được đức Phật, nó trở lại thiêu đốt tâm can của Devadatta, khiến ông rơi vào địa ngục.
Khi gió phát triển quá đà vì lòng sân hận, gió cũng có thể trở nên cuồng phong, phá nát nhà cửa, cây cối, con người.
Khi nước dâng lên theo lòng sân hận, thì nước trở nên lũ lụt, sóng thần, vùi lấp nhà cửa, cuốn trôi tài sản, vùi dập con người.
Khi mây hành xử theo lòng sân hận thì mây trở nên đen tối, bao phủ cả trời đất, che lấp mặt trời trí tuệ, thế gian chìm trong tối tăm.
Trên đây, mình tạm nói là lửa, nước, gió, mây khi có lòng sân hận thì trở nên điên cuồng, tàn phá tất cả. Thiệt ra, lửa, nước, gió, mây là các pháp khách quan, tạm xem là loại vô tình, không tri giác, các pháp này chỉ hiển hiện qui luật duyên khởi duyên sinh mà thôi. Do nhiều nhân, nhiều duyên mới khởi ra lửa cháy rừng, nước mưa lũ lụt, gió bão trở thành con trốt hay cuồng phong, mây đen mù mịt...Các pháp trên thế gian hễ có sinh ra thì sẽ có lúc bị hoại diệt. Các pháp trên thế gian thay đổi không ngừng.
Như vậy bài học của lửa, nước, gió, mây là gì? Ta phải có trí tuệ để biết sống tốt, hữu ích cho mình và cho người khác. Sống hài hoà, trừ diệt hẵn tâm tham, tâm sân, tâm si. ba thứ tâm độc này hại mình và hại người khác, chẳng khác nào lửa cháy rừng, hay giông bão lũ lụt, hay cuồng phong, hay mây đen che kín bầu trời. Ba thứ tâm này có sức tàn phá, hủy diệt tất cả thế gian, đưa tới khổ đau mà thôi. Không những trong đời này mà còn khổ đau trong nhiều đời sau nữa.
Thiền viện, 4- 1- 2022
TN
NHƯ LỬA, NHƯ GIÓ, NHƯ NƯỚC, NHƯ MÂY
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
Như ai đọc tâm mình.
Từng chữ từng câu,
Nghe lòng sao thấm thía.
Đọc bài Ni Sư,
Như vườn tâm tưới nước.
Con xin cảm ơn Ni Sư...
...
Đọc xong hoa nở đầy vườn.
Xin hái tặng bạn đường vài đóa.