Xuất gia gieo duyên
Xuất gia gieo duyên là một truyền thống được thực hiện trong các nước Phật Giáo Nam Tông như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia , và vài nước Phật Giáo Bắc tông như Đài Loan, Trung Quốc.
Nhiều năm gần đây đã được thực hiện nhiều Chùa và Thiền Viện trong cũng như ngoài nước. Hạnh nguyện này dành cho những người không đủ duyên lành để trở thành một tu sĩ, nhưng vẫn gieo trồng một ước muốn mong cầu tu tập như một tu sĩ trong thời gian ngắn hạn rồi trở về cuộc sống bình thường.
Bao nhiêu kiếp mới được làm người, với ước nguyện mong cầu để gần Phật pháp nên tôi nguyện gieo duyên lành trong đời này.
Gieo duyên là gieo những hạt giống, trồng những duyên lành đồng thời cũng là một hành động góp phần tác động cho ra quả, mà cũng là nhân tiếp tục...
Để rồi vào mùa lễ Tạ Ơn năm nay tôi đã đủ duyên thực hiện được ước nguyện, hình ảnh “đầu tròn áo vuông”, xin tạ ơn Đời , tạ ơn Người.
Tại tổ đình Tánh Không Riverside tôi được Ni sư Triệt Như làm lễ “xuất gia gieo duyên”.
Giây phút cạo tóc tôi thật sự xúc động, mặc dù đã sẵn sàng giữ tâm không xao động, Chánh niệm, vậy mà cái thay đổi buông bỏ vài cọng tóc, lòng không khỏi bùi ngùi thương tiếc, đủ thấy chữ “Buông” trong cuộc sống đời thường cũng như trong tu tập không dễ như suy nghĩ của mình. Nhưng ngược lại khi choàng chiếc y vàng (gọi là Đắp Y) thì lòng hạnh phúc vô cùng, như mình thực sự đang được kề cận Như Lai.
Hai hành động cho ta biết nhân và quả không chờ đến ngày tháng năm hay xa tận kiếp sau, mà nó xảy ra ngay trong từng sát na, trong hiện tiền không xa.
Tuần lễ tập sự một tu sĩ thật thụ, buổi sáng sớm là giờ ngồi Thiền, chỉ dùng 2 buổi, sáng và trưa( Ngọ), chiều ăn nhẹ. Những buổi ăn trong Chánh niệm không một tiếng động , thưởng thức được từng hạt gạo, từng món ăn, sao cảm thấy ngon chi lạ, cảm giác đó nó vẫn tồn đọng đến ngày hôm nay
Chín giờ, sau khi dùng ăn sáng chúng tôi có giờ học Phật pháp, thầy Không Đăng hướng dẫn, một giờ học Pháp, không gian yên lặng nơi Chánh điện, tâm thật sự bình an hiểu rõ từng câu, từng chữ của Đức Thế Tôn, của Thầy của Tổ, có như vậy mới biết Tâm trống rỗng trí tuệ phát sinh để nhận thức, am hiểu vấn đề một cách sâu sắc, tiếp theo buổi chiều tối có thêm giờ ngồi Thiền, đó là thời khoá biểu tu tập trong ngày, ngoài những giờ trên chúng tôi sẽ tự thay phiên chia công việc làm như dọn dẹp, nấu nướng , v.v...
Những giờ rảnh rỗi chúng tôi có thể đi thiền hành, khoảng thời gian này hình như tiết Thu còn vướng lại chưa kịp sang Đông khí hậu ở tổ đình ấm áp, dễ chịu, thỉnh thoảng trời se se lạnh vì có sương mù, cảnh thật đẹp thật bình yên, cho tôi có dịp chiêm ngưỡng mà bấy lâu nay nếu có lên tổ đình vào những dịp lễ cũng không có thời gian nhìn ngắm những hình ảnh tuyệt vời này,,, Nào những hàng cây tiêu như liểu rũ, trĩu cành, hoa trái màu hồng li ti nhỏ, cây hoa giấy đỏ rực trước cổng Chánh Điện ai dám bảo rằng trời đang vào tiết Đông, thêm vào hai gốc tre già thân cao to đủ để tạo như cổng tre làng nằm trên con đường đất ngoằn nghèo dọc theo những am cốc im lìm, vắng vẻ, xen lẩn những tảng núi đá lởm chởm, đủ để thương để nhớ quê nhà, cho tôi cảm giác thật sự bình an, thích thú không gian nơi này.
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người đến chốn lao xao”...
Cứ hình dung đi, có những buổi sáng sương mù lãng đãng trôi qua từng bức tượng: như tượng Phật, tượng Quan Thế Âm, tổ Bồ Đề Đạt Ma, được an vị trên những ngọn đồi cao,,, mà tưởng chừng như đang ở cõi thiên thai... Niết Bàn ở đâu xa, ngay bây giờ và ở đây thôi .
Dù là thời gian ngắn ngủi nhưng nó cũng trui rèn được ý chí tu tập, giữ tâm lành, thanh tịnh. Một tuần lễ trôi qua nhanh chóng cũng đến ngày làm lễ “Xả giới Trả y”, tôi đã thật sự thấy bồi hồi tiếc nuối, một tuần lễ không vướng mắc, không bận bịu suy nghĩ, thế mới biết thế nào là Cõi Tịnh.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Như Nguyệt