- Bài Trình Thứ Nhất: Một Quãng Ngắn Đời
- Bài Trình Thứ Hai: Vài Điều Thấy Biết
- Bài Trình Thứ Ba: Những Khúc Sông TÂM
- Bài Trình Thứ Tư: Trận Chiến
- Bài Trình Thứ Năm: Con Đường Đang Đi
- Bài Trình Thứ Sáu: Tiến Trình Chuyển Hóa
- Bài Trình Thứ Bảy: Hiện Tượng Thế Gian
- Bài Trình Thứ Tám: Giá Trị Kinh Đại Bát Niết Bàn Đối Với Người Con Phật
- Phụ Lục 1
- Phụ Lục 2
- Phụ Lục 3
Trận Chiến
Kính thưa thầy,
Trong bài trình thứ nhất, con kể lại những sự kiện xảy đến cho con trong quãng thời gian bốn năm (1994-1998) từ khi con được gặp Thầy. Trong bài trình thứ hai, con kể lại vài điều thấy biết trong một đêm chủ nhật của năm 1995. Trong bài trình thứ ba, con kể lại những sắc thái tâm con biến chuyển. Trong bài trình này, con sẽ ghi lại những kỹ thuật, chiêu thức, phương cách tu tập của con từ đó đến nay theo sự dạy bảo của Thầy. Bài này cũng như bài thứ hai và thứ ba, chỉ là đào sâu những khía cạnh khác nhau, bổ túc cho bài thứ nhất mà thôi.
Trong bài này, con xin kể những điểm căn bản, như là cái sườn nhà, và các vật liệu chánh để xây cất, còn khi bắt tay vào việc thì phần lớn tùy thuộc vào người thợ, nếu khéo tay, tận tâm... thì ngôi nhà sẽ đẹp hơn. Cũng như cùng một chiến lược và chiến thuật, khi giáp trận, người chỉ huy có bản lãnh, có kinh nghiệm... sẽ điều động cuộc chiến uyển chuyển thích ứng với tình thế.
Kính thưa Thầy
Con nhớ trong một bài kinh, kể lại:
Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) nước Kosala, một hôm hỏi bà hoàng hậu Mallikā (Mạt Lợi) rằng:
- Này Mallikā, có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của hoàng hậu ?
- Thưa Đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Đại vương, có ai khác thân ái với Đại vương hơn là tự ngã của Đại vương ?
- Này Mallikā, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Vua Pasenadi đến kể lại câu chuyện này với đức Thế Tôn. Thế Tôn nói lên lời cảm hứng sau đây:
Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã.
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.
Chủ đề của bài này: TRẬN CHIẾN, không phải muốn nói đến cuộc chiến đấu với một người nào khác, bên ngoài mình. Mà chính là cái Ta. Vì đó là người mà ta nâng niu gìn giữ, chăm sóc, nuông chìu, tô điểm...trong gần suốt một đời. Ngũ dục: tài, sắc, danh, thực, thùy, thực ra chỉ để phục vụ cho cái Ta mà thôi. Tuy nhiên, cái ta đó không bao giờ thỏa mãn, nó cứ đòi hỏi, khao khát, tạo ra không biết bao nhiêu buồn phiền đau khổ cho chính nó và cho những người chung quanh. Muốn chấm dứt đau khổ, buồn phiền, thì phải chấm dứt sự đòi hỏi khao khát của cái Ta. Phật nói: nguyên nhân của Khổ là Ái dục. Phật cũng nói: Vô Ngã, chúng sanh lầm chấp là có Ngã, tạo ra không biết bao nhiêu nghiệp, để rồi trôi lăn mãi trong luân hồi. Tuy chúng ta biết rõ: “Không có cái Ta,” “nguyên nhân của Khổ là Ái dục,” nhưng chúng ta vẫn khổ, vẫn tìm đủ cách để bảo vệ cái Ta, vẫn không thể nào chấm dứt được ái dục.
Đây là một cuộc chiến đấu trường kỳ, gian nan, chua xót.
Trường kỳ là vì cuộc chiến này sẽ kéo dài cho tới khi nào chiến bại hay là chiến thắng, hễ chiến bại thì đành ưu phiền đau khổ tiếp nối, còn chiến thắng vẻ vang thì mặc tình rong chơi tự tại “trên ngọn Diệu Phong”; trường kỳ vì không có ranh giới thời gian ở đây, đời này chưa xong, đời sau nếu nhớ, thì tiếp tục.
Gian nan vì cái Phàm Ngã này khi thì quá bướng bỉnh, khi thì quá ngọt ngào, gian xảo, nó thích mang nhiều mặt nạ tốt đẹp để đánh lừa mình, thí dụ nó nói là vì người, vì đạo, vì nhân nghĩa... mà nhìn rõ lại chỉ vì chính nó mà thôi.
Chua xót là vì nó chính là người mà ta yêu dấu nhất trong suốt cuộc đời này. Phải thắng và tiêu diệt người mà ta suốt đời yêu dấu, còn cái gì chua xót hơn? Con nhớ ngày xưa, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã có lần nói:
“Làm sao giết được người trong mộng ?
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng.”
Kính thưa Thầy,
Bây giờ con xin trình bày những kỹ thuật, chiêu thức dụng công, và những “tiểu xảo” mà con đã áp dụng để tu tập. Trong bài này, con cũng không thể có dàn ý rõ ràng, con chỉ trình bày theo dòng thời gian từ khi con bắt đầu dụng công cho tới nay. Con cũng không lặp lại những sự kiện mà con đã có viết trong ba bài trước, chỉ khi nào con nhận thấy cần nói rõ hơn, con mới nhắc lại.
Con đã thực sự bước vào cửa Thiền bằng kỹ thuật “KHÔNG ĐỊNH DANH ĐỐI TƯỢNG”. Đó là không gọi tên đối tượng khi ta nhìn thấy nó. Không gọi tên từ trong não, do đó miệng cũng không có lời nào diễn giải ra. Khi lần đầu tiên nghe Thầy giảng về kỹ thuật này, con nhớ con đã cười. Vì sao ? Lúc đó, con nghĩ thầm: Làm sao được ? Con thử nhìn một vật trước mắt, trong đầu liền tức khắc có tên vật đó hiện lên rồi. Làm sao nhìn thấy một vật, mà trong đầu lại trống rỗng được ? Lúc đó, cái Niệm và cái Biết dường như là một, con chưa phân biệt được cái biết có niệm và cái biết không niệm. Cho nên con đã hoài nghi, đã cười vì không tin là mình có thể làm được. Quả thật, trong một năm trời, con không dừng được sự gọi tên thầm đối tượng khi chạm mắt đến đối tượng. Đó là con áp dụng nhãn căn để thực tập.
Con xoay qua dùng nhĩ căn: nghe âm thanh mà không lặp lại nội dung âm thanh trong não. Cách này lại càng khó hơn. Mỗi khi nghe một câu nói của ai, lập tức con hiểu liền nội dung. Điều này có nghĩa là những xung lực điện tử truyền vào cơ cấu mạng lưới, truyền tới khu Đồi Thị khuếch tán đi nhiều ngã: vào vùng tánh Nghe của khu Kiến Giải Tổng Quát (Tánh Giác), vào vùng Võ não tới Ý thức tổng hợp (tiền trán bán cầu não phải), tới Ý căn (tiền trán bán cầu não trái), tới vùng Broca giải mã khái niệm, tới vùng Nói ở thân thọ, từ đó nói ra lời. Như vậy âm thanh đã đi trọn một chu kỳ của nó chớ không dừng lại ở vùng Tánh Giác, hay sớm hơn nữa, dừng lại ở trạm tiếp vận đầu tiên là Cơ Cấu Mạng Lưới. Thành ra con chưa dừng được phút giây nào quán tính di động chớp nhoáng của tâm.
Tóm lại, đã nghe Thầy giảng pháp Không Định Danh Đối Tượng rõ ràng, mà trong một năm trời, con không ứng dụng được. Niệm nào cũng vậy, dù là sắc trần hay thanh trần vào, nó cũng xẹt đi đủ chu kỳ của nó. Mãi sau này con mới biết lý do. Đó là vì con dụng công lơ là, chưa đủ độ miên mật, thúc bách, nên không vượt qua được cửa thứ nhất này. Nếu không vượt qua được cửa này, mà Thầy gọi là Cửa Tổ số 1, thì chưa nếm được mùi vị đầu tiên của Thiền. Mãi cho tới khi con bay lên Oregon nhập thất lần đầu năm 1996, con mới bắt đầu biết cách để “Lách vào chỗ vô niệm”. Sự kiện này con không nhắc lại nữa vì con đã kể rõ trong bài trình thứ nhất.
Đối với con, kỹ thuật “Không Định Danh” rất thích hợp. Trong khóa I-1995, Thầy dạy pháp “Dùng lời tắt lời”, và “Khởi ý không lời”. Trong khóa II-1996, là khóa con học, Thầy dạy thêm pháp “Không định danh.” Trong khóa III- 1997, Thầy dạy thêm pháp “Chú ý trống rỗng.” Trong khóa IV- 1998, thầy dạy thêm pháp “Không dán nhãn”. Đây là những pháp đầu tiên cho người mới bước vào ngưỡng cửa vô ngôn, vô niệm. Làm sao chủ động được niệm, có nghĩa là khi muốn tắt niệm thì tắt liền, còn thời gian kéo dài bao lâu là tùy theo công phu của mỗi người. Lúc trước, con có thử áp dụng pháp “Dùng lời tắt lời”, nhưng không được kết quả, vì vẫn còn một niệm ra lệnh tắt niệm, mãi không buông bỏ được. Cho đến khi biết cách bước vào vô niệm rồi thì con mới nhận ra là nó quá đơn giản.
Con muốn nhấn mạnh đến sự ích lợi to tát của NHẬP THẤT, tức là bắt buộc mình phải dụng công miên mật, đúng giờ giấc, tạm thời buông bỏ những quan hệ với đời, tâm bớt lao xao, khép mình vào khuôn khổ ngũ hòa, thầy chỉ dạy tĩ mĩ từng bước dụng công theo sự thể nghiệm của mỗi người. Lần đầu nhập thất ba tháng, con đã thấy ngay kết quả về tâm và thân. Dụng công liên tục ba tháng nên chỉ có tiến tới chớ không có thoái lui.
Sau khi mãn hạ trở về nhà, sự dụng công không thể đúng giờ giấc nữa, thời gian dụng công lại ít đi nhiều, nối lại dây liên hệ với gia đình, bà con, bạn bè, xã hội...nên tâm không còn nhẹ nhàng, thảnh thơi nữa, tọa thiền không vào định được lâu. Thành thử, trong những thời gian này con dụng công trong các tư thế hàng ngày. Lúc nào rảnh là tắt niệm, lúc nào nhớ là tắt niệm. Con đã cố gắng gìn giữ những kết quả thu hoạch, không dám lơ là, sợ nó trôi theo dòng nước, giống như một vài người đã có kinh nghiệm. Nhờ dụng công trong sinh hoạt hàng ngày nên con giữ được nội tâm bớt dao động, trước những cơn gió thị phi, chê bai đả kích, và ngay cả gió Vô thường sanh tử.
Con xin nói rõ hơn cách dụng công trong các sinh hoạt hàng ngày. Như khi làm vườn mệt, ngồi nghỉ một chút, con nhắm mắt, nhìn thấy “tâm mình không có niệm”, ngay khi đó, thân trở nên nhẹ nhàng, thoải mái. Dần dần con tập nhìn hoa lá, rồi nhìn vào trong, thấy trống rỗng, không có niệm, hoa lá chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt trước mắt thôi. Trong các buổi họp mặt đông đảo, con ngồi nhìn quang cảnh ồn ào, lách vào vô niệm, âm thanh cười nói chỉ còn là những tiếng động vô nghĩa, lúc đó tâm thảnh thơi, thân nhẹ nhàng, như không còn liên hệ gì với những sự kiện trước mắt nữa. Con vẫn thường xuyên lặp đi lặp lại những kinh nghiệm như vậy. Dần dần dường như nó trở thành một quán tính: quán tính tự nhiên LÁCH VÀO VÔ NIỆM; tức là có khi con không khởi ý bước vào vô niệm, mà tự nhiên con bước vào vô niệm. Làm sao con biết là con đang ở trong trạng thái vô niệm ?
Đó là nhờ những TÁC DỤNG SINH HỌC trong thân khi dừng niệm. Thời gian đầu, những tác động sinh học này rất dễ nhận ra vì nó rõ rệt. Cho nên lúc đó dường như có một lằn ranh rõ ràng giữa tâm có niệm và tâm không niệm. Như khi con ngồi bán già nghe thầy giảng pháp, tâm không có tạp niệm, thân trở nên nhẹ hẫng, đầu nghe nằng nặng, con biết là lúc đó vùng ý căn, ý thức, trí năng không còn hoạt động nên chúng tạo ra những diễn biến khác lạ trên thân. Bao nhiêu lời Thầy giảng đều đi thẳng vào tánh giác, vào ký ức, mà không có phàm ngã chen vào. Có lần, con cũng tự nhiên bước vào vô niệm một cách buồn cười. Lần đó, con đang đứng thưa chuyện với Thầy, bây giờ con không nhớ là Thầy đang giảng dạy điều gì, rồi tự nhiên đầu gối con yếu dần, muốn khuỵu xuống, con lật đật khởi ý mới đứng vững lại. Con biết lúc đó, con không có tạp niệm, toàn thân lại quen nếp thư giãn như khi ngồi thiền. Do đó con hiểu là thiền hành vô ngôn chỉ là bước đầu rất đơn sơ của Thiền mà thôi. Vì nếu ta định nghĩa Thiền là hoàn toàn thư giãn cả thân và tâm; thì tất cả cơ bắp không thể điều động đứng vững được, huống chi là bước đi. Trong khi ta bước từng bước lặng lẽ, khoan thai, ta không có tạp niệm, tuy nhiên thực sự ta vẫn còn niệm ý chí điều động toàn thân. Cho dù ta đã nhuần nhuyễn thiền hành vô ngôn rồi, tức là đi theo thói quen, theo thủ tục, thì kết quả cũng không đạt được như khi tọa thiền, nhất là tọa thiền với tư thế kiết già, những tư thế khác không vững chắc bằng.
Trên đây con sử dụng thuật ngữ “vô niệm, vô ngôn” trong ý nghĩa tương đối, vì hai thuật ngữ này phổ thông, dễ hiểu. Thật ra, con chỉ là một thiền sinh rất sơ cơ, nên mức độ vô niệm hay vô ngôn chỉ là bước đầu biết cách dừng niệm mà thôi. Tuy chỉ dừng niệm trong một thời gian ngắn, trong vài giây hay hơn một chút, nhưng đã có vài tác động sinh học làm cho thân khỏe hơn, nhẹ nhàng hơn; mỗi khi có điều gì buồn phiền, con biết, liền tắt niệm, tâm bình an lại. Do đó con biết nếu dụng công thường xuyên thì sẽ có chuyển hóa nội tâm, từ tâm xao động, lăng xăng, phiền muộn, giận hờn... sẽ lần lần trầm lại, an ổn và bình thản hơn.
Trong quãng thời gian này, như con đã có nói rõ trong các bài trình trước đây, có nhiều sóng gió thổi đến con. Những cơn gió thị phi và cả giông bảo tử thần nữa. Tất cả rồi cũng qua đi. Thị phi đến, con im lặng, không biện minh. Tử thần đến, con im lặng, chấp nhận. Con nhớ lúc bấy giờ Thầy có dạy con viết một bài trình Thầy về cách tu tập của con sau khi mãn khóa Hạ, làm sao con có thể trầm tĩnh trước các thử thách đó. Bài trình này con đã cho cái chủ đề là “SOI LẠI CHÍNH MÌNH”. Đó cũng là cái “tiểu xảo” của con dùng hàng ngày để dụng công. Con gọi nó là “tiểu xảo của con” vì trong các kỹ thuật Thầy dạy, không có đề cao rõ ràng về nó. Nhưng con phải sử dụng đến nó thường xuyên để nhắc nhở mình, sửa đổi mình, nhìn lại tâm mình. Con nhớ người xưa có nói: “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”. Trận chiến dằng dai giữa phàm ngã và tánh giác đã mở màn. Con cần phải biết rõ anh phàm ngã mặt mũi ra sao, công lực thâm hậu tới cỡ nào, mới mong khắc phục được.
Đến lần Nhập Hạ thứ hai của con, năm 1997, con lại củng cố công phu thêm một bước nữa. Kỳ Hạ này Thầy tăng giờ tọa thiền lên sáu tiếng rưỡi một ngày, đến tháng chót thầy tăng lên bảy tiếng, ngoài ra có giờ thiền hành vô ngôn, giờ tập khí công, thở nội lực; giờ Thầy giảng thêm về lý thuyết thiền. Thầy muốn đào tạo giáo thọ để sau này có thể giúp Thầy làm Phật sự, nên Thầy dốc hết tâm huyết và thời giờ ra để hướng dẫn chúng con. Song song với khóa giáo thọ sơ cấp là khóa III, Thầy dạy thêm kỹ thuật mới “CHÚ Ý TRỐNG RỔNG”, con cũng thực tập kỹ thuật này. Con đã biết cách lách vào chỗ vô niệm rồi nên con dụng công dễ dàng, kết quả cũng tương tự kỹ thuật Không Định Danh. Tuy nhiên có một chút xíu khác nhau, đó là ta có thể dùng chiêu thức chọn lựa đối tượng để thực tập, như để một vật ở trước mắt, trong tầm nhìn gần, khi tọa thiền. Ta chỉ nhìn vật ấy, cho đến khi chỉ còn có một cái Biết không lời mà thôi, vật chỉ còn mờ nhạt trước mắt. Hoặc ta dụng công trong tư thế nhìn xa, ra bãi biển, đứng hay ngồi nhìn ra chân trời, cách này không chọn lựa đối tượng, nhìn đến khi chỉ còn cái Biết không lời, tiếng sóng vỗ lần lần nhạt nhòa thành những âm vang. Tức là vừa sử dụng nhãn căn và nhĩ căn cùng lúc. Kỹ thuật này khác một chút với kỹ thuật Không Định Danh, ở chỗ kỹ thuật Không Định Danh thường sử dụng chiêu thức nhìn lướt qua mọi vật mà trong não không khởi một lời nói thầm nào. Tuy vậy, cả hai kỹ thuật này đều có nội dung là thấy đối tượng mà không khởi ra một niệm nào: gọi tên, phân biệt, so sánh, ưa hay ghét...Tức là phải có cái NHÌN NHƯ THẬT, không thêm gì nữa.
Trong kỳ Hạ -1996, những tác động sinh học trong thân khi mới bắt đầu dừng được niệm là những hoạt hóa về cơ bắp, tự động điều chỉnh vài trục trặc của cơ thể. Đến khi cơ thể khỏe mạnh rồi, những hoạt hóa cơ bắp tự động chấm dứt. Lần lần tác động sinh học hoạt hóa dây thần kinh. Trong kỳ Hạ- 1997, con bước vào giai đoạn những mô thức tri giác riêng rẻ khởi ra, trong khi ngồi thiền. Thường xuyên, con cảm nhận ngứa như có kiến cắn, hay nhột như kiến bò từ nơi này đi nơi khác, khi thì ở trán, ở mặt, lúc ở da đầu, ở lưng; có khi nghe như dế búng nhảy ra rồi chui đi chỗ khác. Lúc có cảm nhận như vậy tức là tâm đã duyên theo cảm thọ rồi. Hơn nữa, có lần con không nhịn được, tức là lúc đó tâm con đã gá vào chỗ ngứa, con đưa tay gải và bắt kiến nhưng không có con nào. Do đó con đã dấy niệm. Giai đoạn này, Thầy tạm gọi là Định sát na, và Thầy dạy phải giữ vững cái Biết của tánh giác, không duyên theo các cảm thọ nữa. Đến cuối khóa Hạ này, những tác động sinh học lần lần trở nên nhẹ hơn, không còn làm cho con khó chịu nữa. Bấy giờ chỉ còn những cảm thọ bình thường như: đầu nằng nặng, thở nhẹ và chậm, ngực nặng, mặt môi nhẹ như tan biến mất, nước miếng chảy nhiều, thân ấm...
Trong bước dụng công đầu tiên, Thầy dạy thêm một kỹ thuật nữa, cho khóa IV- 1998, là kỹ thuật KHÔNG DÁN NHÃN ĐỐI TƯỢNG, song song với kỹ thuật Không Định Danh và Chú Ý Trống Rỗng. Nhờ đủ duyên nên con lại Nhập Hạ- 1998, và được dự thính khóa IV, con cũng thực tập theo khóa IV. Mỗi năm, con thấy mình khá hơn năm trước nhiều, về mặt dụng công và về trí huệ. Mỗi khóa học, con đều thu thập được nhiều điều mới lạ, tuy nội dung chính vẫn là một, nhưng Thầy đã diễn giải ra nhiều cách, nhiều sắc thái, nhiều chi tiết, lại thêm nhiều chiêu thức dụng công mới nữa cho những ai không thích hợp với các chiêu thức trước. Mỗi chiêu thức mới con đều thực tập để rút kinh nghiệm về cách dụng công và kết quả. Vì vậy con tìm được vài chiêu thức thích hợp nhất với mình.
Khi tọa thiền, niệm khởi lên, để đối trị, con NHÌN THẲNG NIỆM; niệm lặn mất. Trong lúc tọa thiền tự động con nhắm mắt. Sử dụng chiêu thức nhìn thẳng niệm có nghĩa là tuy mắt nhắm lại, nhưng tia nhìn vẫn hướng thẳng tới trước, đó là vùng tiền trán, tức là vùng ý thức, vùng ý căn và vùng ký ức vận hành. Vùng ý thức hay phân biệt, vùng ý căn hay suy nghĩ, biện luận với trí năng, vùng ký ức vận hành hay tự động dấy lên những niệm thuộc về quá khứ mới xảy ra, còn vẩn vơ. Nhìn thẳng vào chúng, chúng không dấy lên được. Vì lúc đó cái Biết của tánh giác đang làm chủ, vọng niệm không khởi được. Tác động sinh học sẽ làm cho vùng tiền trán nằng nặng. Chiêu thức này con sử dụng khi niệm dấy lên nhiều.
Lúc đã thuần thục hơn, con thực hành chiêu thức GÁ VÀO MÔI. Lúc bước vào vô niệm, muốn giữ cho trạng thái vô niệm kéo dài lâu, con gá ý một chút vào môi. Lần lần môi sẽ tê tê, nhè nhẹ và cuối cùng tan biến mất, cảm giác tan biến sẽ từ từ lan ra gần hết mặt, tưởng như mình không còn có mặt nữa, nhưng đầu lại nặng. Lúc bấy giờ, vì toàn thân đã thư giãn, cổ không còn sức đứng, dường như trở nên mềm đi, không giữ được sức nặng của đầu, nên đầu sẽ gục xuống. Chiêu thức gá vào môi có thể áp dụng khi thiền hành, vì không cần nhắm mắt, tuy vậy không vào định sâu bằng khi tọa thiền.
Thầy lại dạy thêm các chiêu thức THƯ GIÃN LƯỠI và THƯ GIÃN NÃO. Vì lưỡi là một bộ phận phát ngôn, khi gá ý vào đầu lưỡi và thư giãn nó, đồng thời ta đóng cửa luôn cơ quan ngôn hành. Tác động sinh học sẽ làm cho đầu lưỡi tê tê và rồi tan biến đi; tương tự như khi gá ý vào môi. Thư giãn não thì tiến trình chậm hơn một chút, ta thư giãn từ vùng trán, vùng giữa, rồi xuống luôn càm. Thư giãn có nghĩa là buông thả xuống tất cả các cơ bắp, không gượng lại, không gồng. Chiêu thức này sẽ khiến cho đầu trở nên nặng hơn và gục xuống. Ta phải tỉnh thức sửa đầu thẳng trở lại. Tuy con có thực tập hai chiêu thức này, nhưng con không sử dụng hàng ngày.
Tóm lại, trong giai đoạn I, Thầy dạy 3 kỹ thuật chính, đó là Không Định Danh Đối Tượng, Chú Ý Trống Rỗng và Không Dán Nhãn Đối Tượng. Để ứng dụng ba kỹ thuật này, Thầy dạy nhiều chiêu thức dùng mắt, tai hay thân... trong nhiều tư thế khác nhau: đi, đứng, ngồi chơi và tọa thiền.
Qua giai đoạn II, Thầy dạy kỹ thuật thứ 4: TỈNH THỨC BIẾT. Cái Biết này dĩ nhiên là của tánh giác, chớ không phải của ý thức. Khi nào có cố gắng, có tập trung, có niệm, đó là cái Biết của ý thức. Cái Biết của tánh giác là cái Biết không lời, hay vô ngôn, vô niệm. Con thực tập như sau: khi tọa thiền, bước vào vô ngôn, giữ vững cái biết đó bằng cách luôn luôn tỉnh thức, không quên; nếu quên, niệm sẽ dấy lên, khi ấy nhận ra liền thì lập tức niệm sẽ lặn đi. Tỉnh thức có nghĩa như lúc nào cũng nhớ, cũng nhận ra niệm liền. Tỉnh thức cũng như ngọn đèn chiếu sáng, soi rọi tâm. Nếu ngọn đèn mờ đi, niệm sẽ khởi, dù cho ta không có ý khởi, nhưng từ vùng ký ức dài hạn, ký ức ngắn hạn, ký ức vận hành vẫn có thể tự động gợn lên trong nhãn thức. Trong giai đoạn này, ta vẫn có thể thực tập Tỉnh Thức Biết trong các tư thế sinh hoạt hàng ngày, nhưng muốn vào định phải tọa thiền; thời gian tọa thiền cũng được thầy cho lâu hơn, tức là một tiếng rưỡi. Trên nguyên tắc, tới đây phải chấm dứt niệm, hay là tầm và tứ. Nhưng thực tế, con vẫn chưa làm được. Những niệm thô, mạnh, con không chủ ý khởi nữa; nhưng các niệm tự động gợn lên thì vẫn còn; khi nhận ra thì tắt nó, nhiều lúc quên cũng bị nó dẫn đi rong.
Để trợ duyên cho việc dụng công, Thầy dạy thêm kỹ thuật thứ năm, đó là THẦM NHẬN BIẾT. (chú thích: về sau, Thầy dạy Thầm nhận Biết trước Tỉnh thức Biết). Thật ra đây chính là chức năng của Tánh Giác mà thôi: cái Biết thầm lặng. Lúc nào cũng giữ vững cái Biết thầm lặng này trong các sinh hoạt bình thường. Và tọa thiền để vào định sâu hơn. Thầy đã cho thực tập như sau: bắt đầu thiền hành vô ngôn ba vòng, rồi trong trạng thái thầm nhận biết đến ngồi tại chỗ của mình, tất cả các cử động của thân đều làm theo thủ tục: kéo chân, để tay, sửa thân, thư giãn, luôn luôn thầm nhận biết, là vào định luôn. Tới kỹ thuật này, thực ra không phải là kỹ thuật, mà chỉ là giữ cái Biết của Tánh Giác để vào định, tới đây mới không còn cố gắng nữa, không còn dùng phương tiện gì khác. Con thường sử dụng phương cách này khi bắt đầu vào định, vì nó nhanh nhất và đơn giản nhất. Tuy nhiên, khi có niệm khởi, con thường gá ý vào môi để giữ vững trạng thái định. Lúc này tác động sinh học rất nhẹ nhàng, vi tế. Trong khi ngồi chơi, con thử Thầm Nhận Biết, thì dường như khó cảm nhận được sự khác biệt giữa trạng thái có niệm và không niệm.; dường như bây giờ lằn ranh giới không còn nữa. Điều này khác hẳn với giai đoạn một, lúc bắt đầu dừng được niệm, những tác động sinh học rất rõ nét, như có một luồng điện rung chuyển bên trong thân. Con biết là bây giờ tế bào thần kinh lần lần có quán tính yên lặng, nó đã thuần lại từ từ, nên dù có bất chợt bị dừng, nó cũng không “quậy” nhiều nữa. Hơn nữa, thân con khỏe mạnh, không có bệnh tâm thể, không có trục trặc gì, nên không cần tác động sinh học để chữa trị.
Trên đây, con tóm tắt những phương cách con đã áp dụng tu tập theo lời Thầy dạy trong các khóa Hạ và các khóa I, II, III, IV. Mục đích của tất cả phương cách này là chiến thắng phàm ngã, làm hiển lộ tánh giác. Hay nói theo kinh Kim Cang: hàng phục vọng tâm, an trụ chân tâm. Trong khi tu tập, con lại có vài “tiểu xảo” riêng để hổ trợ mình. Như con đã có nói, tiểu xảo quan trọng nhất là SOI LẠI CHÍNH MÌNH. Các bậc tiền bối đã từng dạy: “Phản quan tự kỷ”, “Hồi quang phản chiếu”, hay “Quán tâm”, mục đích là mình phải nhìn thật rõ tâm mình mới mong khắc phục nó. Phương thức này là để cho tâm được yên lặng, bình thản, không phóng tâm ra ngoài dòm ngó và xét đoán người khác, hay vướng mắc nhiều với hoàn cảnh chung quanh; do đó nó rất quan trọng vì dễ đưa ta vào định. Phương thức này tương tự như Giới trong Giới Định Huệ. Nó cũng là Chăn Trâu khi con trâu đi ra ngoài đồng, còn những kỹ thuật dừng niệm là chăn trâu khi con trâu đã ở trong chuồng.
Nhờ con thường xuyên nhìn lại tâm mình nên con mới có thể nhận ra những biến chuyển nội tâm trong từng khúc quanh của dòng sông đời mình; do đó con mới viết bài trình thứ ba: “Những Khúc Sông Tâm”.
Nhờ nhìn lại mình nên con nhận rõ anh phàm ngã của con đủ tất cả tật xấu: cũng tham lam, ái dục, cũng sân hận, ghen ghét, cũng buồn phiền, ngạo mạn, thành kiến...Do đó, con mới hiểu một hạnh Phật dạy mà lúc trước con không thể hiểu, đó là hạnh Tàm Quí: biết tự mắc cỡ, biết tự hổ thẹn...
Nhờ nhìn lại tâm mình thôi nên con không nhìn kỹ đến tâm của người khác, không dám xét đoán phê bình, chỉ trích người khác. Do đó bớt gây thêm ý, lời và thân nghiệp đối với người khác.
Thêm một “tiểu xảo” thứ hai con thường áp dụng, là QUÁN. Trong lớp Tăng cường cơ bản Thiền tháng 11- 1998 vừa qua, Thầy giảng kỹ các phương thức Quán: Anupassanā, Vipassanā, Bhāvanā... Con ngẫm lại thì thấy mình từ lâu đã sử dụng hai cách. Theo cách Anupassanā, quán sát, ngẫm nghĩ, tự xem xét nội tâm; đó là cách quán tâm, quán vô ngã, vô thường. Còn thuật ngữ Vipassanā: thấy rõ ràng, nhận thức trực giác hiện tượng thế gian; trong thời gian con đối mặt với cảnh Già, Bệnh, Chết. Những điều này con đã có kể rồi trong các bài trình thứ nhất và thứ ba.
Ngoài ra con còn có vài “tiểu xảo” rất chi li nữa. Nói rõ ra thì cũng hơi buồn cười, vì nó riêng tư, thầm kín và nhỏ nhặt. Tuy nhiên con vẫn xin nói ra đây. Những lúc tự thấy mình lười biếng, buông lung, hay có chuyện bực bội từ bên ngoài đưa tới, con đem Tử Thần ra dọa mình: Bộ mình còn nhiều thì giờ lắm hay sao mà lười biếng, mà để ý đến những chuyện đó. Nếu người ta không ưa mình mà mình bực bội thì đó là nghiệp của mình. Còn nếu mình không quan tâm tới thì đó là nghiệp của người ta. Cái này cũng tương tợ như quán vô thường. Con lại còn có một cách riêng để trị con ma sân rất hữu hiệu. Cách này chắc chưa có sách nào nói đến. Con biết thông thường muốn hạ cơn giận, người ta khuyên nên từ từ uống nước từng hớp một, sẽ bình tĩnh lại. Con thì dùng cách khác.
Ngày xưa, khi còn học lớp đệ nhứt trường Gia Long (khoảng 1960), lúc đó mới 18 tuổi, con có một nhỏ bạn thân, hai đứa ngồi bên cạnh nhau ở bàn nhứt. Một hôm không biết vì sao hai đứa giận nhau, không thèm nói chuyện. Bỗng nhiên nhỏ bạn lấy trong cặp ra cái kiếng soi mặt nhỏ của nó. Con liếc thấy nói thầm nhỏ này xí xọn, đang giờ học mà soi mặt. Nó nhìn mặt nó trong kiếng rồi cười, rồi nó để cái kiếng trên trang tập trước mắt con, con nhìn xuống thấy mặt mình kỳ cục quá liền bật cười luôn không kềm lại được. Vậy là hòa nhau. Từ đó mỗi khi con biết mình đang giận tức, con liền đến trước kiếng soi mặt. Đến bây giờ con vẫn thường soi mặt mình, con có thể nhìn thấy mặt mũi con ma sân hận ra sao, khi con nhìn thấy mặt nó, nó tức khắc biến mất. Con cũng thường nhìn con ma phiền não, nhưng con ma này khó trị hơn. Con cũng nhìn thấy con ma vô thường trên mớ tóc ba màu của con: cọng đen, cọng trắng, cọng vàng mà con cố ý không nhuộm. Mớ tóc này cũng là thông điệp của Phật gởi đến nhắc nhở con đừng phí thì giờ vì những chuyện không đâu. Ngoài ra con lại còn có một chiếc vòng cẩm thạch đeo ở cổ tay. Nó không phải là một món trang sức để làm đẹp, mà nó là vật kỷ niệm truyền từ bà ngoại con. Ba con nói từ khi ba má cưới nhau, đã thấy bà ngoại có đeo chiếc vòng này rồi. Năm 1975, bà ngoại con mất, để lại chiếc vòng cho đứa con gái lớn là má con. Năm 1995, má con mất, ba con cho con chiếc vòng. Đến con thì chiếc vòng tới đời thứ ba rồi, có thể nó đã hơn 60 tuổi. Hằng ngày nhìn thấy chiếc vòng, con nhớ mạng sống con người ngắn lắm. Chiếc vòng này đâu có gì bền chắc, nếu va chạm mạnh, hay rơi rớt xuống gạch là bể ngay, sự hiện hữu của nó rất mong manh. Vậy mà nó đã chứng kiến hai cuộc đời, hai thế hệ, thì một đời người có nghĩa lý gì, nó mong manh còn hơn sự hiện hữu của một chiếc vòng nhỏ bé vô nghĩa. Tuy con cũng biết tất cả mọi vật đều vô thường, nhưng chiếc vòng đối với con có nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn.
Trên đây con sơ lược đưa ra các phương thức mà con đã áp dụng để chiến đấu với Phàm Ngã của con. Chiến lược và chiến thuật của con vô tình tương tợ như chiến lược và chiến thuật của vua Quang Trung thuở xưa.
Bài học lịch sử về chiến thắng vẻ vang của Bắc Bình Vương thuở xưa với những trận đánh Ngọc Hồi, Hà Hồi, Đống Đa... Đó là tốc chiến tốc thắng, trong thế tấn công kẻ địch trước, tấn công chớp nhoáng nhiều mặt cùng lúc: vừa tâm lý làm cho địch sợ hãi hoang mang, vừa phân ra nhiều mũi dùi tấn công và chận hết ngõ ngách thoát thân của địch.
Trước hết, con xin kể một ví dụ nhỏ, những phương cách con dùng để chiến thắng một địch thủ dễ nhận diện là Bệnh. Ví dụ bệnh cảm cúm. Con không có chích ngừa, nhưng trong mùa cảm cúm con cũng ít bị nhiễm bệnh. Chẳng may một buổi sáng nào đó thức dậy, nuốt nước miếng nghe đau. Con biết bệnh này sẽ từ từ tăng gia và sẽ phải đi hết chu kỳ của nó mới xong. Nhưng con sẽ ra tay tấn công trước. Trước hết con dùng thuốc cảm thông thường như mọi người, đồng thời con gia tăng thở nội lực, chú ý đến kích thích các tuyến bạch huyết bào tiết ra thêm bạch huyết bào tiêu diệt vi trùng lạ xâm nhập cơ thể. Con lại tăng thêm giờ tọa thiền, sử dụng chiêu thức gá ý nơi các tuyến nội tiết cổ họng, những tác động sinh học trong định sẽ điều chỉnh các trục trặc cơ thể. Ngoài ra, con lại phòng vệ mặt ngoài nữa, đó là quấn khăn quanh cổ, giữ cổ và ót được ấm, mang vớ giữ lòng bàn chân ấm, uống nước nóng chanh đường. Con lại còn ngậm thêm trái A tử, vị chát của nó sẽ tẩy sạch cổ họng. Vài ngày sau triệu chứng đau cổ chấm dứt, bệnh bị chận đứng từ lúc mới bắt đầu. Con không coi thường địch thủ, nên con khắc phục được nó.
Nhưng tên Phàm Ngã không đơn giản như tên Bệnh. Nó khôn ngoan, quỷ quyệt hơn nhiều, cho nên bao nhiêu năm con đã sủng ái một mình nó. Bây giờ muốn dạy dỗ nó, khi thì dùng chiêu thức chớp nhoáng, cứng cỏi: tắt niệm; khi dùng chiêu thức vuốt ve nói phải trái với nó: quán chiếu; khi thì hăm dọa: đem Tử thần ra; khi thì ngọt ngào dụ dỗ: đây là phước báu, đây là công đức, đây là Phật sự. Trận chiến này vẫn còn dằng dai tiếp diễn, nhưng con biết tên Phàm Ngã đã bắt đầu lép vế, tuy chưa chịu chết nhưng nó đã vô khuôn. Giống như một toa xe lửa đã đặt đúng vào khớp của đường rầy, chờ đầu máy xe lửa kéo đi mà thôi.
Kính thưa Thầy,
Trên đây con đã cố gắng trình bày những kỹ thuật và chiêu thức Thầy đã hướng dẫn tu học và con sử dụng thường xuyên cho tới ngày nay. Con xin hứa con sẽ nỗ lực dụng công hơn nữa để khi đầu máy xe lửa khởi hành tiếp thì toa xe lửa của con phải đi tiếp tới chớ không bị rơi rớt dọc đường một mình.
Kính bút
28-1-1999