TIẾN TRÌNH CHUYỂN HÓA
CLICK icon tam giác để nghe - CLICK icon 3 dấu chấm để downloadTIẾN TRÌNH CHUYỂN HÓA
Đêm rồi, con thức giấc, chợt có ý định viết thêm bài trình này. Con nhận ra con đường tu của mình, nói gọn lại, chỉ là một tiến trình chuyển hóa mà thôi.
Chuyển hóa, con nhớ Thầy thường dịch là từ “transform.” Nó khác hơn từ “change”, “change” có nghĩa là thay đổi. Chuyển hóa có ý nghĩa sâu sắc hơn là thay đổi, đó là từ xấu chuyển đổi trở thành tốt hơn, từ si mê chuyển đổi trở thành sáng suốt hơn...
Con nhớ trong những bài Thầy giảng về Thiền Quán, Thiền Chỉ, Thiền Định hay Thiền Huệ, tác dụng đầu tiên của những phương thức Thiền đều là chuyển hóa tâm. Từ chuyển hóa tâm đưa đến chuyển hóa thân...
Trong những khóa tu học ban đầu, con chấp nhận tác dụng chuyển hóa tâm như một điều mặc nhiên. Mà chưa nhận ra được chiều sâu của nó. Lần lần con mới nhận ra được sự chuyển hóa tâm như là cái nền móng vững chắc, từ trên nó mới mong xây dựng được cái lâu đài trí huệ của chính mình.
Qua những kinh nghiệm tiếp xúc trong cuộc đời, hay ngay cả trong bạn tu, con nhận ra sự chuyển hóa tâm của một người là một điều thật là quan trọng.
Mà chuyển hóa tâm là gì ? Nếu nói ra cho đủ ý nghĩa thì nó quá dài dòng mà chưa đi vào cốt lõi, thôi thì con chỉ trình bày cái nghĩa cốt lõi của nó mà thôi. Như Thầy thường nói đây là nghĩa đàng sau. Vậy theo chỗ con nhận hiểu thì nghĩa đàng sau của nhóm từ ngữ: chuyển hóa tâm, là chuyển đổi nhận thức. Từ nhận thức cũ đổi thành nhận thức mới. Cái cũ thì dính mắc, chủ quan, thành kiến, lệch lạc, ích kỷ, sân hận, buồn phiền, đắc chí v.v... Cái mới thì khách quan, vị tha, thảnh thơi, trầm lặng, sáng suốt...
Nhưng từ nhận thức cũ đổi thành nhận thức mới phải qua một thời gian dài tu tập, dụng công. Cho nên nó là một tiến trình chuyển hóa.
Ở trên, con có nói sự chuyển hóa tâm như cái nền móng vững chắc, từ trên nó mới xây dựng được lâu đài trí huệ. Cũng vậy từ trên nhận thức, nếu là nhận thức cũ thì xây dựng lâu đài của phiền não và sanh tử triền miên. Nếu là nhận thức mới thì là nền tảng của lâu đài trí huệ và giải thoát.
Vấn đề đặt ra: thực sự nhận thức là gì ?
Con không ghi lại đây những bài Thầy đã giảng về ý nghĩa của nhận thức, sự thành lập nhận thức, các loại nhận thức v.v... Con chỉ xin định nghĩa theo cách bình dân của con, nhận thức đó là cách nhìn, cách nhận hiểu một vấn đề, một người, một cảnh, một sự kiện ...Do đó nhận thức là chủ động khởi ra đủ thứ, như ý nghĩ, tình cảm, xúc cảm, biểu lộ ra thành lời nói, thái độ, phong cách sống, hay viết ra thành sách, thành văn.
Trong nhận thức lại có chất chứa tiềm tàng những thói hư tật xấu của mình, Đức Phật gọi là lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, phiền não và nghiệp chướng. Chính những thứ này hướng mình đi, trói buộc mình đi mãi trong vòng luân hồi sanh tử, mà càng đi càng bị chìm đắm thêm, không biết đến ngày nào thoát ra được. Nếu mình không tỉnh ngộ. Nếu mình không biết cách chuyển hóa nhận thức. Cho nên mới nói tu tập là chuyển nghiệp.
Nhưng sự chuyển đổi nhận thức rất là khó. Vì sao ?
Vì luôn luôn mình cho là mình đúng. Tôi thấy cái đó đúng, tôi mới làm, tôi thấy như vậy sai tôi mới nói, tôi thật thà, tôi thích nói sự thật, tôi thấy sao nói vậy v.v...Mới nghe những lời này, mình nghĩ là người này khá, là người trung thực. Nhưng đây là cái nhận thức nông cạn của mình, là cái nhận thức thế tục. Chưa phải là cái nhận thức sáng suốt của trí vô phân biệt.
Mình thấy cái đó đúng, là đúng với ý riêng của mình, không phải đúng với tất cả mọi người. Ngay cả nhận thức rằng Đức Phật là đấng cha lành cứu khổ chúng sanh. Đâu phải ai ai cũng công nhận điều đó. Cho nên nếu mình phát biểu câu đó ra trước một đám thính chúng không phải là Phật tử, dù cho hùng hồn, dù cho trang nghiêm cách mấy, cũng là biểu lộ cho người khác thấy cái dính mắc của mình, cái chủ quan của mình. Huống chi là những lời khẳng định trong vòng thế tục.
Con nhớ Thầy đã từng giảng dạy: Đức Phật nói khẳng định là vô minh.
Con hiểu khẳng định, tức là mình đã dính mắc sâu đậm vào cái nhận thức đó rồi, là mình chấp trước, là mình chủ quan, là mình rơi vào vòng trói buộc của định kiến. Khó mà gỡ ra nổi. Do đó con nhận ra được cái kiến chấp của mình nó kiên cố lắm. Con thích dùng từ kiên cố, mặc dù cái kiến chấp không có hình tướng, nhưng mà nó trói buộc tâm con người như những bức tường thành kiên cố, khó mà vượt qua. Khó vượt qua vì mình không nhận ra nó sai. Nó sai vì nó chủ quan.
Từ đó con nhận ra tầm mức quan trọng của chi thứ nhất trong Bát Thánh Đạo, là chi chánh kiến. Nếu chi này không vượt qua được, thì dễ dầu gì thực hành những chi sau; tất cả đều là 8 bước đi vào con đường của bậc Thánh.
Đồng thời con nhận ra rằng bước thứ nhất của 12 mắt xích duyên khởi về nhân sinh quan đó, cũng là một ý với những điều trên. Nhưng ở đây là nói về mặt tiêu cực. Còn trong Bát Thánh Đạo là nói về mặt tích cực của nhận thức. Trong 12 mắt xích, chuỗi luân hồi triền miên của con người, mắt xích ban đầu là vô minh.
Thầy đã nhiều lần giảng rằng vô minh không phải là ngu, theo ý nghĩa thông thường của thế gian. Người mà thế gian cho là khôn ngoan, lanh lợi, học giỏi, trí thức... vẫn có thể là vô minh. Vô minh trong nghĩa của đạo Phật là không thông hiểu những chân tánh hiện tượng thế gian, không thông hiểu con đường diệt khổ trong Tứ Diệu Đế, không thông hiểu Giới- Định- Huệ v.v...Nói gọn lại, vô minh vì không thông hiểu những phương cách đưa đến trí huệ và thoát khổ. Vô minh là nấc thang đầu tiên dẫn mình vào con đường sanh tử khổ não không bao giờ ngừng.
Như vậy từ chỗ vô minh đi tới chỗ trí huệ, con đường dài hay ngắn ? Đó chính là con đường của nhận thức. Vậy thì nhận thức chuyển hóa như thế nào, lâu hay mau ? Câu hỏi này cũng khó mà trả lời. Các Tổ ngày xưa, có khi thì nói: 3 a tăng kỳ kiếp, tức vô số kiếp không tính được. Có khi thì nói: sai đi hào ly, mất trong giây lát như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương. Có vị thì nói: Một niệm không sanh đạt niết bàn.
Từ nãy giờ con mới nói dông dài thôi, bây giờ con xin nói về những việc tu học của chính mình. Trong thời gian 10 năm qua, con đã đi trên con đường chuyển hóa nhận thức như thế nào.
Nhìn lại mình trong 10 năm qua, những sự kiện trong cuộc đời đã trải, những suy tư xúc cảm đã có, những bước tu học, tất cả con đều đã có trình ra hết rồi, bây giờ con chỉ lọc lại những điều liên quan đến chủ đề của bài trình này để thử vẽ lại con đường chuyển hóa nhận thức nơi con.
Con nhớ có lần con đã thưa với Thầy rằng con thấy con bây giờ như có một đời sống khác, như là con đã bước qua một kiếp sống khác. Năm mươi năm cũ như là một giấc chiêm bao mà thôi. Nhưng sự biến chuyển này đến chầm chậm, chầm chậm. Mãi sau này so lại với chính mình của thuở trước, mới hay mình đã thay đổi quá nhiều. Thay đổi tâm tư, thay đổi nếp sống... mà gốc là thay đổi cái nhìn về cuộc đời, về mình, về người, về thế gian. Tức là thay đổi nhận thức về vũ trụ và về con người.
Con nghĩ là phần lớn do công phu tu học và thực tập của con. Nhưng song song với điều đó có công sức của Thầy răn dạy con từ chút, từ chút. Con nhớ lại mấy năm đầu, con bị Thầy rầy hoài mỗi khi con nói một câu sai, một chữ thừa, hay có một ý nghĩ không đúng. Hồi đó con gọi là bị uống nước chanh, tức chanh mà không có đường, thì nó chua lắm, uống mắc nghẹn. Rồi đôi khi con được Thầy khen, thì con cho là mình được uống nước đường. Nhưng con cũng tự biết Thầy khích lệ mà thôi, để giữ cho mình không tự mãn. Về sau, con nhận ra rằng, người đệ tử phải biết dung hòa chanh và đường, thì mới tiến tới được. Tức là mình sai thì bị rầy, mình đúng thì được khen. Nhưng bị rầy hay được khen đều ích lợi ngang nhau. Con nhớ đọc trong cuốn sách Góp nhặt cát đá, nói rằng: người đệ tử giỏi là người trưởng thành trong kỷ luật của ông thầy. Sau này, con nghiệm thấy con ít bị Thầy rầy, thì con biết con có khá hơn trước một chút.
Bước đầu tiên của con đường chuyển hóa nhận thức, chắc con phải kể đến những bài học về chân tánh hiện tượng thế gian. Ba đặc tánh phổ thông nhất là vô thường, khổ, vô ngã, thường gọi chung là tam pháp ấn. Tam pháp ấn này được áp dụng nghiêng về con người. Nếu nói đến những hiện tượng khách quan trong vũ trụ thì nói : vô thường, xung đột và không thực chất tính.
Con nhận thấy nếu ai hiểu sâu sắc và rõ ràng về một trong ba đặc tánh này cũng đều có được những kết quả tốt, tức chuyển đổi nhận thức cũ thành nhận thức mới, từ đó thái độ sống cũng đổi khác. Nhận ra vô thường là một qui luật thì khi cảnh tử biệt sinh ly đến, mình không quá bi thảm vì biết thân vô thường; khi một người quên lời hứa, mình không trách giận vì biết tâm vô thường. Khi một người sân hận, mình biết tâm người đó đang là một bãi chiến trường xung đột, thì mình không đối phó bằng sân hận, mà mình trầm tĩnh đối đáp ôn hoà lại.
Tuy vậy nếu chỉ nghe giảng một hai lần về tam pháp ấn, có thể lúc nghe thì hiểu mà gặp chuyện thì quên mất. Còn con thì nghe đi nghe lại đến mấy mươi lần, như con đã có nói trong mấy bài trước, những lời Thầy giảng in sâu vào ký ức con, nó trở thành nhận thức của con hồi nào không hay. Không phải chỉ có tam pháp ấn, mà tất cả những chân tánh khác của hiện tượng thế gian, đều trở thành nhận thức của con. Có nghĩa là những nội dung đó đã nội tại trong nhận thức của con một cách tự động, không cần cố gắng ghi nhớ hay cố gắng hồi tưởng.
Đó là những nhận thức mới, có được qua phương thức Thiền Quán.
Bước thứ hai con muốn nói đến Thiền Định. Con muốn nói đến tầm quan trọng của sự nhận ra tánh giác của mình. Khi mình đã có nhận thức rõ ràng và sâu sắc về tánh giác, về đặc tính và chức năng của tánh giác, thì tâm mình chuyển đổi, thăng hoa.
Trong mấy bài trình trước, con đã có nói đến trạng thái tâm của con trong những năm trước ngày đi học Thiền, tức là những năm trước cho tới 1994 và 1995, con đã nhìn đời mình như mịt mù bít lối, mà đường tu thì cũng mờ mịt. Tuy nhiên, từ sau cái đêm chủ nhật của năm 1995 đó, con nhận ra được tánh giác của mình, một năng lực tiềm ẩn, sáng suốt, tuôn chảy ra tự nhiên. Con nói tự nhiên, theo cách đơn giản, bình dân, nhưng chưa chính xác. Thực sự khi đó đủ điều kiện, nó mới hoạt động. Điều kiện phải có là: có nghi vấn, mà trí năng không giải đáp được. Thì ngay lúc suy nghĩ dừng, ý thức dừng, trí năng bế tắc, thư giãn toàn bộ tâm và thân, lúc đó cái biết có mặt. Nó kiến giải một cách tự động. Con chỉ lặng ngắm nhìn những nhận thức của mình tuôn chảy ra từ từ.
Bằng vào cái kinh nghiệm này, con có được một hành trang để mạnh dạn đi tiếp trên con đường chuyển hóa tâm linh. Hành trang từ đó có thêm sự quyết tâm, lòng tự tin, sự kiên nhẫn, và một niềm vui không lý do, không phụ thuộc vào người khác hay vào bên ngoài, nên nó không bao giờ tắt.
Nhận ra được tánh giác, nhận thức của mình chuyển hóa thật nhiều, mức độ cạn hay sâu tùy vào chỗ nhận ra của mình.
Từ cái nhìn bi quan về cuộc đời, lần lần chuyển thành cái nhìn thanh thản, an vui, nhận biết cuộc đời trong chân tánh của nó hay trong trạng thái khách quan của nó.
Từ cái nhìn đường tu mờ mịt không lối thoát, chuyển thành cái nhìn rõ ràng về pháp học và pháp hành, con đường tu thênh thang như có một ngọn đèn sáng soi, không sợ đi lạc.
Từ cái nhìn về người khác, nghi kỵ, cẩn thận, giữ gìn, xa cách, chuyển lần lần thành cái nhìn thân ái, hòa đồng, bao dung.
Từ cái nhìn lo sợ âu sầu những cảnh già- bệnh- chết xảy ra trước mắt, chuyển từ từ thành cái nhìn bình thản vì biết mình có một cái vượt lên trên già- bệnh- chết, cái đó luôn luôn có sẵn nơi mình, theo mình mãi trên con đường tiến hóa của mình.
Đó là tiến trình chuyển đổi nhận thức do sức công phu tu tập củng cố cái Biết. Biết không lời thì là con đường Thiền Định.
Thiền Huệ thì dụng công cái Biết như thật hay tuệ trí như thật, trong các sinh hoạt thường ngày. Thì tâm cũng lần lần bình thản an vui, bớt dính mắc vì nhận thức đã được chuyển đổi.
Như con đã có trình rồi, con nghiệm ra con đường con đang đi là con đường Thiền Huệ. Đồng thời hỗ trợ nó có Quán và Định. Như Thầy đã từng nói đó là hai cái phao. Nhưng Thầy chủ trương Thiền Định là chính, hai cái phao phụ là Huệ và Quán.
Con nghiệm ra rằng hễ ai đi con đường Thiền Định thì dường như người đó chỉ thích ngồi thiền. Những công việc khác, người này không thích làm, vì cho rằng mất thì giờ, không phải là việc dụng công tâm linh. Nhưng con cũng có biết phương thức định trong bốn oai nghi mà Thầy thường giảng. Nếu như cho rằng những công việc linh tinh là không phải việc cần làm, là không phải đang tu tập, thì đó là chưa có nhận thức đúng- như có lần con nói tâm trạng bực bội phiền não của con khi phải làm những việc không đâu. Sau này, con nhận ra rằng tu tập không giới hạn trong những khi tọa thiền. Nếu chỉ giới hạn trong những khi tọa thiền là dụng công quá ít. Mà Định phải có hai cái phao hỗ trợ là Quán và Huệ áp dụng trong bốn oai nghi thì mới là miên mật.
Bây giờ con muốn nói đến một sự kiện quan trọng đồng thời với sự nhận ra tánh giác của mình. Đó là ngộ, nói theo thuật ngữ Thiền.
Ngộ: tiếng Pāli: sacchikaroti, tiếng Anh là: to realize. Ngộ là nhận ra rõ ràng, tức khắc và chính xác điều mà ta bị bế tắc từ lâu, không thể hiểu được, không thể giải đáp được, không thể giải quyết được bằng sự suy nghĩ tính toán, phân biệt, xét đoán...Như vậy Ngộ là nhận ra điều hoàn toàn mới, không phải là sự nhớ lại những điều đã học hỏi hay từ kiến thức của người khác. Đó là Biết cái Không Biết hay Biết cái Chưa Biết. Khi ta suy nghĩ, tức là ta vận dụng trí năng và ký ức để tìm lời giải đáp cho vấn đề của ta, nếu có lời giải đáp thì cũng chỉ là sản phẩm của những điều hiểu biết cũ, không có gì mới lạ hay sáng tạo trong đó. Điều này không gọi là Ngộ.
Ngộ có được chỉ qua sự hoạt động của tánh giác mà thôi. Vì sao ? Tánh giác là một tiềm năng Biết bẩm sinh trong mỗi người chúng ta. Tạm gọi là tiềm năng vì tuy ai cũng sở hữu tánh giác, nhưng không phải ai cũng nhận ra được nó và sử dụng nó thường xuyên để thăng hoa trí tuệ và cuộc sống của mình. Chức năng của tánh giác là kiến giải tất cả mọi cảm thọ do sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Nếu ngang đây tâm dừng lại, thì tánh giác sẽ tung ra những kiến giải sáng suốt, chính xác của nó, một cách tức khắc. Nhưng trong thật tế thì tâm ta thường xuyên di động không lúc nào dừng, khi thức và luôn cả khi ngủ, lúc nào ý thức cũng so sánh phân biệt, ý căn thì suy nghĩ tính toán, trí năng thì ưa biện luận, lúc đó tự ngã nhảy vào thêm ngã ái, ngã kiến, ngã mạn, ngã chấp..., cộng thêm bao nhiêu tập khí hay lậu hoặc, tích tụ từ thuở nào, làm nên một bãi chiến trường trong tâm, tương tác qua lại, xung đột lẫn nhau khiến cho sóng tâm dâng lên cuồn cuộn.
Tâm không an làm sao thân được khỏe mạnh? Từ đó những bệnh tật phát sinh (bệnh tâm thể do tâm rối loạn gây ra). Tâm không an, thân không an làm sao trí sáng suốt được ? Đây là mới nói trí thông thường của thế gian, còn nói chi xa xôi đến trí huệ tâm linh làm sao bật ra và phát triển được ?
Cho nên song song với sự nhận diện tánh giác, ta còn cần có những kinh nghiệm về sự hoạt động của tánh giác nơi mình. Đó là kiến giải những điều mới lạ. Tức những nhận thức mới, có được qua sự hoạt động của tánh giác.
Nếu như ta không nhận ra được những điều kiến giải mới, thì xem như tánh giác chưa hoạt động đúng trong chức năng của nó. Và như vậy thì tuệ trí hay trực giác, tức những bước đầu của Huệ tự phát chưa có, thì không thể mong đến sự bừng sáng của tâm linh được. Vì sự bừng sáng tâm linh cũng là một tiến trình, phát triển từ lần, từ thấp đến cao. Từ những nhận thức nho nhỏ, chính xác, thích ứng, lần lần đi đến những nhận thức sâu sắc hơn, bao quát hơn, mới lạ hơn, và rồi là những nhận thức sáng tạo, những nhận thức đi trước thời gian, và thấu suốt qua không gian.
Con muốn nhấn mạnh đến điểm này là vì nếu như tu tập năm bảy năm mà cứ thấy mình tà tà, không có gì tiến bộ, còn nóng nảy, còn càm ràm chuyện này chuyện kia- con thích nói là: chưa vào đúng khớp đường rầy của con đường Thiền- thì tâm dễ sanh nhàm chán, sẽ bỏ dở con đường Thiền, như vậy rất uổng phí đời tu, tâm thoái chuyển.
Con nhận ra con đường con đang đi, tức phương hướng mà Thầy đang dẫn dắt chúng con, là con đường tiệm ngộ, tiệm tu. Vì Thầy giảng giáo lý Phật học, và lý thuyết, lý luận về Thiền, nắm vững hết rồi, mới áp dụng để thực hành. Tức có ngộ lý rồi phải thể nhập, mới có chứng nghiệm trên tâm, thân và trí tuệ. Điều này khác với con đường của Công án và Thoại đầu, là hai lối tu mong có đốn ngộ. Nhưng nếu có một cái ngộ nho nhỏ thì cũng chưa xong việc. Vì nhận ra được tánh giác chỉ là bước căn bản, ta còn phải khai triển tiềm năng giác ngộ bật lên từ tánh giác.
Con nhớ Thầy từng nhấn mạnh đến câu: từ đầu đến cuối con đường tu là chuyển từ dính mắc đi đến không dính mắc. Thì điều đó con hiểu cũng là tiến trình chuyển hóa nhận thức nơi mình. Đến đây con muốn khai triển một chút cái chiều sâu của Phật pháp theo chỗ con nhận hiểu.
Đức Phật dạy: dính mắc hay không dính mắc, chấp trước hay không chấp trước, khen mình hay chê người, biết rõ ràng và đầy đủ, trong cái thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri chỉ là cái thức tri v.v... Trong tất cả những pháp đó, tuyệt nhiên không có đối tượng hay nội dung.
Chỗ sâu sắc là không có chứa nội dung.
Khi nói dính mắc, không phải là nói dính mắc những điều xấu ác, không hợp đạo lý, gây hiềm khích chia rẽ ...mà hễ mình khăng khăng một điều gì, dù là đúng, cũng là dính mắc. Thí dụ mình theo con đường Thiền, mình thấy đạt được nhiều kết quả, mình công bố lên rằng con đường thiền là nhất, những con đường đi khác không bằng v.v...Thì đây là đã dính mắc, chủ quan rồi.
Khi nói đừng chấp trước. Đức Phật không nói thêm chấp trước cái gì. Điều sai, điều ác hay gì gì. Như vậy con hiểu là tất cả đối tượng, tất cả nội dung, hễ mình khăng khắn vào nó thì đều là chấp trước, là tâm mình bị nó trói buộc.
Phật dạy không khen mình, không chê người. Tại sao vậy? Nếu như mình đúng thiệt, nếu như người ta sai thiệt, tại sao cũng không được khen mình và chê người? Là vì mình vẫn đang có nhận thức chủ quan, căn cứ vào đâu để nói cái đó đúng, cái kia sai? Đây là mình đúng thiệt còn không thể khen mình, huống chi người đời sai mà còn tự khen, người ta đúng mà vẫn chê. Nói chung, đúng sai là chuyện thị phi. Tâm động và tạo ra nghiệp.
Biết rõ ràng và đầy đủ, đây là chức năng của tánh giác. Không có nội dung. Cho nên người xưa đã so sánh nó như tấm gương sáng soi tất cả mà không lưu lại dấu vết gì. Hương Hải thiền sư sánh nó như mặt hồ phẳng lặng không lưu giữ bóng chim nhạn:
Nhạn quá trường không,
Ảnh trầm hàn thủy,
Nhạn vô di tích chi ý,
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Trong cái thấy chỉ là cái thấy, nếu như có thấy cái gì, thì lúc đó cái thấy đã bị giới hạn, nó không còn rỗng rang, trùm khắp nữa. Tương tự như vậy, trong cái nhận thức chỉ là cái nhận thức, mới đi đến thể nhập chân như hay không hay huyễn. Chính chỗ này mà các chủ đề dụng công phải là trừu tượng, siêu hình, siêu vượt. Để cho trong cái nhận thức chỉ là cái nhận thức mà thôi. Không có dấu vết gì trong cái nhận thức hết. Tức là không có nội dung. Nhưng làm sao kích thích được tiềm năng của tánh giác ? Phải có nhận thức cô đọng, không lời, gợn lên liên tục để kích thích. Chính chỗ này là chỗ trầy vi tróc vảy của hành giả.
Cho nên ta không lấy làm lạ, ông Bāhiya, nghe được những lời dạy cô đọng này của Đức Phật, ông thể nhập liền và đắc quả thánh.
Bài kinh Bāhiya này, Thầy đã đem dạy ở chương trình lớp căn bản, Thầy chỉ giảng trong trình độ đó, là Đức Phật chỉ 4 tánh trong tánh giác và ý nghĩa vô ngã. Con hiểu rằng những lời dạy này của Đức Phật, nếu ta lãnh hội và thể nhập được thì cũng đưa tới trí huệ rốt ráo, đào thải hết lậu hoặc.
Nói chung, tất cả những con đường dụng công đều đòi hỏi một thời gian dài, vì đó là những tiến trình chuyển hóa từ lần. Căn bản là chuyển hóa nhận thức, từ nhận thức thế tục chuyển thành nhận thức tâm linh, đi đến nhận thức cô đọng về hiện tượng thế gian, về chân tánh hiện tượng thế gian, nhận thức cô đọng về tánh giác, kho báu của chính mình. Con nói chuyển hóa nhận thức là căn bản, vì con nhận ra rằng do nơi nhận thức được chuyển hóa, nên tâm mình mới chuyển hóa và thăng hoa, từ đó thân được chuyển hóa theo, và cuối cùng là huệ lực phát triển. Kết quả tạo ra sự hài hòa, sự hài hòa như những làn sóng bình an lan tỏa kỳ diệu trong tâm, thân và trí huệ của mình, lan tỏa ra những người sống bên cạnh mình, lan tỏa ra mãi, như những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ khi có một hòn sỏi rơi xuống. Thầy thường nói đó là từ trường, mà trước nhất là từ trường tâm bi.
Kính thưa Thầy,
Lời cuối của bài trình này cũng chỉ là lời của bài trình đầu tiên: Công ơn Thầy, đối với tất cả chúng con, thật như trời biển.
Đệ tử kính bái.
13- 3- 2005