Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính Bạch Chư Tôn thiền đức Tăng, Ni
Kính thưa các bạn Thiền sinh
Trên con đường tu thiền, Không Đăng cũng có một vài kỷ niệm với Thầy Thiền Chủ, xin thuật lại nơi đây như một như một lời cảm niệm ân đức Thầy, nhân lễ húy kỵ lần thứ hai tưởng niệm Hòa Thượng Thiền Chủ Thích Thông Triệt.
Năm 2014 Thầy tổ chức khóa nhập thất định huệ đồng thời tại Trung tâm ABC Houston, Texas. Thời gian đó KD là cư sĩ pháp danh Chúc Hải.
Năm ngày đầu Thầy dạy Bảy bước An trú trong Tâm Ta Thà. Năm bữa sau Thầy cho gọi từng thiền sinh lần lượt vào trình pháp và tham vấn những gì mình chưa nắm được.
KD dự trù khi được Thầy gọi vào, mình sẽ trình với Thầy một trải nghiệm của mình trong thiền hành và một kỷ thuật khác mà KD "học lóm" từ chị Tâm Như, đạo tràng trưởng Houston.
Chuyện là vầy, trong một buổi học lý thuyết chị có lên phát biểu kinh nghiệm của chị khi thực hành kỹ thuật "nhìn 2 từ không nói mà không nói thầm không nói". Chị nói khi nhìn 2 từ KN, chị thấy phần viền chung quanh 2 chữ KN sáng lên, chị chú ý nhìn và cảm nhận được trạng thái không nói thầm trong não. Sau đó KD thực tập nhìn 2 từ KN màu đen trên nền trắng của tờ giấy. KD cũng thấy cái nền trắng sáng lên y như lời chị Tâm Như nói và cũng kinh nghiệm được cái biết không lời. KD mừng lắm! Vậy là mình có được hai kinh nghiệm để trình Thầy.
Hôm nay được Thầy gọi vào, KN hơi run, làm bộ ho mấy tiếng mà chưa nói ra lời. Nhìn chị Tâm Như và Minh Tuyết đang phụ ghi chép giúp Thầy, tự nhiên KD thấy bạo dạn hơn và trình bày thông suốt kỹ thuật "Nhìn 2 từ KD nói mà không nói thầm KN" như đã trình bày ở trên.
Còn về kinh nghiệm thiền hành KD trình Thầy như sau: Năm 2013 KD tham dự khóa tu gieo duyên một tháng tại tổ đình. Sáng nào các sa di gieo duyên và các thiền sinh giáo thọ cũng được cô Thuần Tuệ (bây giờ là cô Nhất Như) hướng dẫn đi thiền hành. Bữa nọ không hiểu sao cô Thuần Tuệ bước nhanh qua khỏi KD và nói "Chú ơi chú! Tâm chú để đâu vậy chú? Tâm phải có mặt ở đây chớ để biết 2 từ KN đồng bộ với bước chân trái và chân phải" Mình cảm thấy ngượng quá! Không hiểu sao cô này biết tâm mình không có ở đây. Rồi KD giữ chánh niệm trên bước chân trở lại. Đi một hồi bỗng nghe trán của mình chạm phải một vật gì đó. Ngó lại xem thì ra một chùm trái tiêu đỏ đang rung rinh trên cành. Kệ nó! KD vẫn niệm "không…nói…không…nói…" theo quán tính. Nhưng lần này mình không nhìn ra phía trước mặt 2 thước nữa, mà nhìn hai bên đường thiền hành, nhìn bên phải thấy tảng đá nói KN, nhìn bên trái thấy tảng đá khác cũng nói KN, cứ vậy mà làm tiếp tục đến cuối đường thiền hành. Mặt trời ban mai ửng hồng sau hàng cây thông, rồi bừng lên tỏa chiếu những tia sáng chói lọi xuyên qua cành lá. Sương mù bắt đầu tan. Cảnh vật thật là huyền ảo. Hai chân KD bỗng nặng ì, bước đi lê lết vài bước rồi ngồi bệt xuống vệ đường, an hưởng cái cảm giác kỳ diệu mà mình chưa bao giờ biết, nó tràn ngập trong lòng. Đến đây KD dừng nói… Thầy im lặng. Sự im lặng thật ngột ngạt khiến KD nghe rõ tiếng tim mình đập. Hồi lâu Thầy nói: "Con về nhớ ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác nghe con".
Rời Houston về nhà KD vẫn chưa hiểu ý Thầy nhưng nhớ lời Thầy dạy: "Con thực hành thiền phải nhớ làm cho mình mấy câu thiệu để …, giống như mấy người tập võ vừa đọc thiệu vừa đi quyền vậy". Bây giờ KD đọc cho các bạn thiền sinh nghe các câu thiệu đó:
"Thầm nhận biết trạng thái không nói:
Chỉ hai từ đi với một căn,
Thấy, nghe, xúc chạm, tùy ý chọn.
Buông lời rồi chỗ ấy rỗng không."
Nghĩa là trạng thái "thầm nhận biết không nói" đó chỉ dùng 2 từ KN đi kèm với các giác quan, tùy ý mình chọn: hoặc Thấy, hoặc Nghe, hoặc Xúc chạm kết hợp với 2 từ KN. Sau khi tập thật nhuần nhuyển, thí dụ thiền hành KN thì mình chú ý hướng tâm nơi xúc chạm của bàn chân trái và bàn chân phải. Cảm giác xúc chạm phải đồng bộ với âm thanh của 2 từ Không…Nói…
Khi thuần thục rồi ta chỉ cần lắng nghe sự xúc chạm (chứ không có nói thầm 2 từ KN nữa). Cảm giác xúc chạm sẽ kích hoạt 2 từ KN trong ký ức, từ đó phát sinh trạng thái thầm nhận biết không nói. Trạng thái này bao gồm hai cái biết: một là cảm giác xúc chạm và hai là sự trống rỗng (nghĩa là không có lời nói thầm bên trong não sau khi "buông" 2 từ KN). Ta hãy tỉnh giác duy trì trạng thái này trung bình khoảng 60 giây rồi khởi ý nhắc lại 2 từ KN, rồi buông…(đối với các bạn mới tập thiền thì trong khoảng thời gian 60 giây trạng thái "thầm nhận biết Không Nói" có thể phai mờ và niệm có thể xẹt vào. Như vậy quy trình "nhắc rồi buông" cần lập đi lập lại suốt thời thiền hành).
Thiền sinh Huệ Châu thuộc đạo tràng San Jose cũng đã từng trình kinh nghiệm là mỗi sáng khi thức dậy, chân cô ấy chỉ cần đụng chạm vào đôi dép là trong đầu không có nói thầm.
Hiện nay nhiều bạn thiền sinh cũng có thể dừng niệm dễ dàng qua âm thanh (tiếng chuông, tiếng đồng hồ tic tac…) hoặc qua hình ảnh (hàng cây bên đường, rặng núi xanh, cụm mây trắng…).
Một điều lợi ích khác của pháp thiền nầy là khi bạn đã thiết lập được "trạng thái thầm nhận biết không nói", bạn có thể dùng trạng thái đó làm "chánh niệm để trước mặt", nghĩa là dùng trạng thái đó làm đề mục hay chủ đề thiền. Nhiều bạn có thể nhớ lại: Trong các kỳ nhập thất chuyên tu định, Thầy cũng có hướng dẫn tọa thiền áp dụng 2 từ KN kết hợp với cảm giác xúc chạm của đầu lưỡi chạm bờ răng cửa dưới, hay cảm giác của 2 hàm răng cắn khẻ v.v.
Thầy cũng đã từng hướng dẫn áp dụng 2 từ KN kết hợp với cảm giác khi gá ý, ví dụ như gá ý đỉnh đầu, hay gá ý mép môi, hay gá ý thái dương v.v. Các bạn có thể tập thử xem mình thích hợp với phương pháp nào. Bạn sẽ chọn pháp nào làm cho bạn dễ dừng niệm nhất. Chúc các bạn thành công.
Kính Bạch Giác Linh Hòa thượng ân sư.
Bài viết này con ghi lại kỹ niệm giữa hai Thầy trò và những gì con đã nhận ra và thực hành có kết quả qua kỹ thuật Không Nói Thầy đã dạy cho chúng con. Không Đăng thành tâm cảm niệm ân đức sâu dày của Thầy. Ngưỡng nguyện Hồng ân mười phương Chư Phật Từ bi gia hộ Giác Linh Hòa Thượng Ân Sư Thượng Thông Hạ Triệt được tự tại vân du nơi Niết Bàn an lạc và hồi nhập Ta Bà để hóa độ chúng sanh.
Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.