Tôi gặp thầy lần đầu tại Tổ Đình năm 2015, khoảng gần một năm sau khi Thầy bị bệnh năng phải vào nhà thương mấy tuần lễ. Lúc đó thầy đã nói rất khó khăn, mỗi lần thầy ra lớp thì phải có Ni Sư Triệt Như ngồi bên cạnh làm “thông dịch” vì thiền sinh tuy nghe tiếng thầy nhưng hầu như không hiểu được lời thầy nói. Thầy đi lại cũng rất giới hạn. Trong những năm sau đó, do duyên đưa đẩy, mỗi năm tôi ở gần thầy khoảng từ 4 đến 6 tháng, lúc đầu tại Tổ Đình Tánh Không ở Riverside, và sau đó tại Thiền Viện Chân Như ở Navasota cho tới khoảng một tháng trước khi thầy ra đi khỏi cõi trần. Tôi theo học hầu hết các khóa tu định mà thầy hướng dẫn trong giai đoạn đó, đưa thầy đi Toronto hai lần và đưa thầy đi Ấn Độ hai lần, và trong lúc tôi ở bên thầy thì hằng ngày giúp lo cho sức khỏe của thầy cùng với các thị giả khác.
Trong những khóa học tu học, tuy thầy cố gắng ra lớp đều đặn nhưng không giảng được nhiều. Các bài đọc thêm mà thầy phân phát phần lớn là các bài cũ, chỉ có chút ít là bài thầy mới sáng tác. Có một lần tôi có thưa với thầy: “Con không có duyên được gặp thầy lúc thầy còn giảng được pháp”, thì thầy trả lời: “Không chừng như vậy lại hay hơn đó con”. Tôi vẫn thắc mắc không biết thầy nói vậy có ý gì, nhưng không dám gặn hỏi. Có mấy thiền sinh khác lúc đó nói rằng thầy dạy bằng “thân giáo”, tức là không phải qua lời giảng mà qua gương sống.
Tôi luôn luôn cảm thấy rất có phước đã được ở gần thầy trong bốn năm đó và đã được học thân giáo của thầy, tuy lúc đó tôi không rõ lắm đã học được gì từ thân giáo của thầy. Ngày hôm nay, gần hai năm sau ngày thầy rời cõi đời, tôi cố kiểm điểm lại xem đã học được gì từ thân giáo của thầy.
Điều mà tôi cảm nhận ngày hôm nay, là thầy đã dạy cho tôi thế nào là sống tự do.
Ngày hôm nay, chúng ta đang sống trong những nước tự do dân chủ. Hầu hết các quyền tự do căn bản của con người được luật pháp bảo vệ, như quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do kinh tế vân vân. Phần đông chúng ta cũng có nếp sống vật chất tương đối đầy đủ, và nếu chúng ta tu tập thì cũng có thể tạo ra nếp sống an bình, hài hòa.
Nhưng còn tự do tư duy, tự do tâm lý thì sao? Có bao giờ chúng ta nghĩ là những gì chúng ta được học khi khôn lớn, những sợ hãi tiềm ẩn, những quy tắc xã hội, có thể đã ngăn cản chúng ta làm những gì chúng ta cần làm chăng?
Trong những năm cuối đời thầy, thầy tuổi đã quá 85 lại mang bệnh nan y rất nặng. Hầu hết thiền sinh và tăng đoàn đều khuyên thầy nên nghỉ ngơi. Theo thông lệ người đời thì thầy phụng sự như vậy là quá đủ rồi, và về nghỉ hưu là phải lắm. Nhưng tôi thấy thầy cứ thản nhiên tiếp tục công việc mà thầy thấy cần làm: tổ chức các khóa chuyên tu định, dẫn thiền sinh đi Bồ Đề Đạo Tràng, tạo cảm hứng cho thiền sinh tu học. Ngay trước khi thầy mất thầy vẫn bận lo tổ chức lễ kỷ niệm 25 thành lập dòng thiền Tánh Không, mà thầy muốn tổ chức “rầm rộ”. Thầy đã biên thư mời Hòa Thượng Phước Tịnh tham dự và đã lên kế hoạch hội thảo về đường hướng phát triển dòng Thiền Tánh Không trong mười năm tới. Mà không phải là thầy ra sức cố gắng để hoàn tất một kế hoạch phải nhất định làm trong kiếp sống này, nhưng thầy chỉ thản nhiên tiến hành công việc cần làm mà không để tuổi tác hay sức khỏe làm vướng bận tâm mình.
Bệnh tình thầy tạo ảnh hưởng trên tất cả các cơ bắp nên tạo vô vàn khó khăn cho đời sống hàng ngày, vì mình làm việc gì mà không cần đến cơ bắp. Thầy đi từ ghế ngồi vào nhà vệ sinh cần đến cả tiếng đồng hồ, thầy nuốt rất khó khăn khi ăn, thầy phát âm cũng rất khó khăn. Nhưng tôi không bao giờ nghe thầy than thở hay đả động đến bệnh tình của mình, chỉ có một lần tôi nghe thầy nói một câu như sau: “Cái bệnh này sao nó kỳ quá?” Mấy khóa chuyên tu cuối, lúc đó thầy nói năng rất khó khăn, nên tuy thầy cố sức ra ngồi lớp nhưng khi thầy giảng dạy thì mất rất nhiều thì giờ. Để không làm mất thì giờ của thiền sinh, thầy sửa soạn trước bài phát biểu, đọc ra cho thị giả đánh máy và trao cho người phụ giáo đọc. Thầy soạn một trang mất khoảng một ngày, nhưng thầy cứ bình thản tiến hành công việc.
Chuyện thầy quyết định đi Ấn Độ mở khóa tu tại Bồ Đề Đạo Tràng cũng gây thắc mắc không ít. Hầu hết thiền sinh và tăng đoàn khuyên thầy không nên đi, vì rủi ro thì nhiều mà thành quả không tương xứng. Có một thiền sinh vặn hỏi thầy lý do vì sao thầy lại muốn đi Ấn Độ thì thầy cũng vui vẻ đưa ra các lý do như sau: thầy muốn tạo duyên cho thiền sinh được hưởng từ trường của xứ Phật, thầy muốn tạo duyên cho những ai phát tâm quy y hay xuất gia vì như vậy sẽ tạo duyên lớn cho việc tu tập của họ, thầy muốn tìm xem có dược thảo Ấn Độ nào có thể giúp chữa bệnh cho thầy chăng. Nghe qua mấy lý do này thì có thể kết luận, như nhiều thiền sinh đã kết luận, là lợi ích của chuyến đi không đáng kể và chắc chắn là không tương xứng với những rủi ro có thể xảy ra cho thầy. Nhưng sau này tôi nghĩ là mình cũng có thể nghĩ ngược lại là nếu không coi những rủi ro có thể xảy ra là quan trọng, thì việc tổ chức khóa tu trở nên bình thường, chính đáng. Không phải là thầy liều lĩnh không kể gì đến mạng sống của mình, ngược lại thầy lúc nào cũng giữ gìn sức khỏe, giữ gìn tấm thân như một cỗ xe giúp mình làm công việc hành đạo. Mà cũng không phải là thầy cân nhắc, chịu rủi ro để đạt được một thành quả lớn. Thầy chỉ giản dị không để những lo âu về thân xác cản trở công việc của mình.
Con tri ân thầy đã chỉ cho con thế nào là sống tự do. Làm những gì mình cần làm mà không vướng bận, không sợ hãi, không lo sợ có đầy đủ phương tiện hay không, không tính toán có sẽ thành công hay không, không ngại có theo đúng truyền thống hay không. Con tri ân thầy đã chỉ cho con thấy thế nào là sống tự do khi hoàn cảnh bên ngoài khó khăn nhất, khi những trở ngại vật chất lớn lao nhất. Con tri ân thầy đã chỉ cho con thấy thế nào là không phản ứng lại ngoại cảnh, không để chúng làm vướng bận, tự do tự tại, đi con đường của mình cho tới khi duyên chấm dứt.
Adelaide ngày 21 tháng 12 năm 2021
Như Lưu