Hôm nay, những ngày cuối tháng 11 là mùa Lễ Tạ Ơn, ThanksGiving, buổi sáng sớm, trong thời thiền, con nghĩ là sẽ viết một bài về Thầy. Hôm nay con xin phép nhắc lại chuyện xưa, như là chuyện cổ tích vậy, ở nơi nào đó, Thầy đã biết hết rồi, mà con vẫn có ý nhắc lại, kể lại một câu chuyện cổ tích, cho các bạn ai có thích thì nghe, cũng quên được những cái lo nghĩ buồn phiền riêng tư của cuộc đời, trong năm mười phút phù du.
Nhớ trong năm đầu lên Beaverton, Oregon, học khóa căn bản, 1996, có thể mình đã có kể rồi, nhưng cũng muốn nhắc lại vì nó nhắc nhở mình hoài đừng dính mắc vào văn tự chữ nghĩa vô ích, bên ngoài kinh Phật. Tối đó, sau khi xả thiền, thầy thường cho phép học trò có nghi vấn gì thì nói, mình làm gan, hỏi:
- Thưa thầy, con đọc trong sách, thấy nói “mặt trăng thứ hai, mặt trăng thứ ba... là gì, con chưa hiểu.
Thầy không nói, mở mắt ngó mình, rồi bất thần, thầy đá cái gối ngồi thiền bên cạnh mình, bay đi mấy bước. Mấy bạn chung quanh đang yên lặng nhìn thầy, đợi thầy giảng pháp, họ chỉ mở mắt ngó, không dám cười. Rồi thầy nói:
- Đang thực hành cho tâm yên lặng, sao còn dính mắc chữ nghĩa vô ích?
Đó, cách thầy dạy học trò.
Sau này, có một lúc, vài người bạn không ưa mình, tự biết mình đâu có làm gì xúc phạm tới ai, sao có người ghét mình. Một hôm, mình hỏi thầy:
- Con thấy mình đâu có làm gì lỗi lầm với ai, sao nhóm đó không ưa con?
Thầy nói ngắn gọn:
- Đó là nghiệp chướng của con.
Mình vẫn thường suy gẫm, sao vậy? Cuối cùng là nhận chịu thôi. Tại mình tu dở, chưa có đủ từ trường cảm hoá người khác.
Lại có mấy người cũng giận mình, suy nghĩ không biết tại sao, lại hỏi thầy:
- Thưa thầy, sao mấy người bạn đó giận con?
- Tại con “bắt giò” người ta.
Ngày ấy, sau mỗi khóa học, mỗi thiền sinh đều phải viết một bài trình kiến giải, nói trước thầy và trước lớp. Phải viết ra để sau đó đăng vào đặc san của mỗi năm học. Khi thiền sinh trình bày xong, thầy khuyến khích cả lớp “bắt giò”, nghĩa là ai thấy có gì chưa đúng thì điều chỉnh lại, xem như “kiến hoà đồng giải”, cùng chung học hỏi với nhau. Cũng có vài người góp ý. Lúc đó mình thấy chỗ nào chưa đúng thì cứ “thật thà” nói ra, ngay cả lỗi chính tả cũng sửa. Có lẽ là vì mình thấy có nhiều bạn trong lớp cứ cắm cúi ghi chép các bài trình, tưởng là đúng hết, ghi lại để học. Nếu không điều chỉnh cho đúng, thì tội nghiệp ai học cái sai mà không biết. Lúc đó, mình đã biết chuyện “Ông già hồ ly” rồi, nên sợ người nói sai mang lỗi. Không ngờ, do đó mà có người ghét mình, chắc nói mình “vạch lá tìm sâu”.
Từ đó, mình dè dặt hơn. Không dám có ý kiến gì hết. Mình đặt ra một cách sống mới là: “Nếu ai trình bày cái gì sai, có thầy mà thầy không nói, thì tốt hơn mình đừng nói”. Nguyên tắc này, mình vẫn giữ cho tới ngày nay. Ngay cả trong mấy kỳ khảo sát giáo thọ, có bạn lên bảng vẽ bộ não, vẽ bán cầu não mặt mà giảng bán cầu não trái, thầy không nói gì, mình cũng yên lặng thôi.
Từ những kinh nghiệm thực tế đó, mình lại có thêm một châm ngôn tự nhắc nhở: “Mình đang sống giữa biển vọng tâm”. Và lúc nào cũng nhớ câu nói của đức Phật: “Chớ chạm đến tự ngã của người”.
Kể ra tỉ mỉ những kinh nghiệm này, để thấy tấm lòng bao dung của thầy, thầy sao lại không biết cái gì sai, cái gì đúng. Nhưng cứ để lần lần rồi chuyển hoá tâm học trò mình. Tâm nó tới đâu thì biết tâm nó tới đó. Tuy nhiên đó là nói cách thầy đối với thiền sinh, dễ dãi là vậy. Nhưng đối với tăng đoàn thì khác, giữ nề nếp của tu sĩ, tuy vậy giới luật thiệt ra cũng chỉ là dành cho những tu sĩ nào giữ gìn giới luật, còn ai xem thường thì cũng là việc của người ấy thôi. Có một sự thật này là: Đức Phật còn không can thiệp được vào nghiệp chướng của người khác. Tục ngữ mình có một câu: “Giáo đa thành oán”, là dạy dỗ nhiều trở thành oán hận, có khi cũng đúng đối với tâm đời, cái ngã còn nhiều.
Ngày xưa, có một cô lớn tuổi rồi, từng theo học nhiều năm với Sư Ông Trúc Lâm ở VN, qua đây gặp thầy, cũng đã từng biết thầy khi còn ở VN, thường khi cô hay phát biểu, có khi thầy quở: -“Đừng nói cái đó!” Cô tiu nghỉu, im lặng. Lại có một cô khác. Mới tới học, một hôm, cô giơ tay, trả lời một câu hỏi gì đó của thầy. Thầy cười, vỗ tay:
- “Ngộ rồi!” Cả lớp vỗ tay theo.
Mình suy nghĩ, rồi cũng phải nói cái thắc mắc của mình:
- Thưa thầy, sao con thấy cô kia phát biểu đâu có sai gì nhiều, mà sao thầy quở nặng vậy? Còn cô này trả lời cũng bình thường, sao thầy lại vỗ tay, nói: “ Ngộ rồi” . Cả lớp tưởng thiệt, cũng vỗ tay theo.
Thầy cười, nói nhỏ:
- Con ơi, cô kia là “gạo cội”, biết tu lâu rồi, dù thầy có đuổi đi, cô ấy cũng không đi. Còn cô này, mới lắm, tâm còn yếu, phải khích lệ thêm.
Mình học thêm được kinh nghiệm: cho roi cho vọt với người giỏi để mau tiến tới, cho ngọt cho bùi với người còn yếu, còn tự ái nhiều. Tuy nhiên, không được giả dối, mình vẫn phải chân thật với tâm từ và trí tuệ để ứng xử thích hợp.
Bây giờ nghĩ lại, biết là tăng đoàn đầu tiên và những thiền sinh đã có duyên học với thầy trong khoảng 15 năm đầu, có thể từ 1995 tới 2010 là có duyên may, có nhiều phước báu được học cặn kẽ từ kho báu trí tuệ của thầy. Khoảng thời gian đó, các đạo tràng chưa nhiều, mỗi khóa tu có thể kéo dài nhiều ngày hơn, có nhiều thời gian nghe giáo lý, thảo luận lại bài học trong từng nhóm rồi trình bày trước thầy và lớp, có nhiều thời gian thực tập hơn. Và điều quan trọng là trong thời gian đó chưa có thiền sinh nào được ra giảng dạy cho các đạo tràng, nên tính nhất quán của pháp học và pháp thực hành là tất nhiên.
Bắt đầu từ 2007, thầy chỉ định thầy Không Chiếu và mình ra hướng dẫn chính thức, bắt đầu là các khóa Căn bản, sau mỗi năm lại lên lớp theo thiền sinh, thầy Không Như thì chuyên hướng dẫn khí công. Đạo tràng càng lúc càng nhiều hơn. Thầy thì sức khỏe ngày càng yếu. Ba đệ tử của thầy cũng ngày càng lớn tuổi. Chỉ còn một lối đi là: thầy phải rèn luyện gấp thêm thế hệ sau để nối gót thầy. Thế hệ sau có thể không biết nhiều về tài trí của thầy.
Xin kể lại thêm về những năm đầu của thầy khi tới Mỹ. Lúc đó, thầy Không Như qua Mỹ trước, đã bảo lảnh thầy về Seattle, tiểu bang Washington, miền Bắc Mỹ, năm 1992. Sau đó, năm 1993, một vị thiền sinh, sau này là thầy Không Triệt, cúng dường một ngôi nhà ở thành phố Beaverton, tiểu bang Oregon, sau này làm thiền đường và thầy đã mở khoá căn bản ở đây, bắt đầu năm 1995. Tại đây, thầy đã dạy cô Triệt Huệ và cô Từ Hạnh thực hành Thiền, nghe nói là kinh nghiệm được trạng thái tâm không, và đặc biệt là cả hai cô đều học nhuần nhuyễn môn Đạt ma Quyền và Xà Quyền của thầy. Đến năm 1997, mời thầy xuống Cali mở khóa căn bản, thầy có hướng dẫn Xà Quyền cho các thiền sinh nào muốn tập, đồng thời thầy cũng bắt đầu dạy tập khí công. Lúc đó mình cũng có tập Xà quyền, bây giờ nhiều năm qua đã quên hết, chỉ nhớ căn bản là lướt đi trên mặt sàn bằng mười đầu ngón chân nhẹ nhàng, trong thế công và thế thủ.
Năm 1999, thầy dời về trụ tại Cali luôn. Lúc ấy, mình lại khởi tâm muốn giúp điều chỉnh bệnh cho người khác nhưng không muốn va chạm vào người khác. Thầy trả lời: con lấy một thau lớn đựng đầy nước. Con mở bàn tay ra, di chuyển qua lại chầm chậm ngang qua mặt nước mà không chạm vào mặt nước, khi nào con thấy mặt nước rung động theo tay con, khi ấy, thầy sẽ dạy con điều chỉnh bệnh cho người khác. Nghe vậy, mình thôi không có cao vọng nữa! Trong lòng thầm nghĩ không biết thầy còn có “bí kiếp” gì nữa không. Nhưng mình dở quá, không đủ khả năng học hết tài nghệ của thầy.
Về môn khí công cũng vậy. Thầy nói khí công là thầy học ở Nhật khi còn trẻ. Có lần thầy kể một câu chuyện vui vui lúc đó cho cả lớp nghe. Một hôm, ông thầy hướng dẫn đưa cả lớp đi xem một màn biểu diễn: một vị thiền sư ngồi thiền nhập định dưới một thác nước nhân tạo, các tia nước tung tóe ra bên ngoài, vị thiền sư không bị ướt. Sau đó, cả đoàn trở về lớp học. Ông thầy mới giảng lại. Ông thầy lấy một pho tượng Phật ngồi thiền, gắn điện vào dưới pho tượng và để dưới vòi nước thì nước cũng bắn ra tung tóe, rồi giải thích đó là luồng tĩnh điện phát ra trong khi nhập định. Sau đó, thầy về nhà, vào phòng tắm, mở vòi hoa sen ra, ngồi thiền. Kết quả, ướt mem luôn!
Trở lại về khí công. Thầy biết nhiều lắm, có hai mức độ. Mức căn bản và mức cao. Một năm đó, thầy mở khóa chuyên khí công, khóa đó được học 50 thế căn bản. Tuy nhiên khi ra hướng dẫn lại cho thiền sinh, vì là khóa thiền, khí công là phụ thôi, nên cho tới nay, thiền sinh chỉ được tập khoảng 20 thế căn bản nhất, cho sức khỏe phổ thông. Còn khí công mức độ cao, dường như chưa ai học chính thức và đầy đủ.
Trên đây, mình chỉ kể lại vài câu chuyện nho nhỏ về Thầy, còn những khả năng đặc biệt của Thầy, chắc là các bạn thiền sinh kỳ cựu đều biết rồi. Những ai đã theo Thầy từ 25 năm, 20 năm hay 15 năm rồi mà vẫn còn sát vai bên nhau tu tập cho tới ngày nay, các bạn đều đã trải nghiệm những kết quả của Thiền trên sức khỏe, chuyển hoá tâm và phát huy được trí tuệ của mình. Các bạn chắc cũng đã ít nhiều biết năng lực làm việc của Thầy, kiên nhẫn, chịu khó, siêng năng soạn bài, viết sách, thuyết giảng, chỉ dẫn khí công v.v...bất cứ khi nào thiền sinh yêu cầu. Thầy thường làm việc gấp mấy người bình thường, quý thầy cô trong tăng đoàn không ai theo kịp, thiền sinh cũng lắc đầu, không đủ sức dù chỉ là phụ tá Thầy thôi. Thầy thường nói:”Cuộc đời ngắn lắm!” nên mấy lúc sau này, dù thân bệnh, Thầy vẫn tổ chức các khóa hướng dẫn thêm kinh nghiệm Định cho thiền sinh.
Những lúc gặp mặt nhau nhắc nhở về Thầy, thường các bạn kể lại những mẫu chuyện nho nhỏ về trực giác của Thầy. Riêng mình cũng biết vài câu chuyện về trực giác của Thầy, ngay cả trước khi Thầy chính thức xuất gia. Những năm đầu, có ít thiền sinh, và phải tới nhập thất ngay tại chỗ của Thầy, khi rảnh rỗi, thầy lúc vui vui cũng kể cho thiền sinh nghe về những kinh nghiệm tu tập của Thầy. Khi ấy, thầy còn là một thanh niên, ham thích sưu tầm học hỏi Phật pháp, lúc bấy giờ chưa có thiền viện, chỉ có chùa thôi. Thầy thường theo thưa hỏi Phật pháp với HT Thiện Hoa. HT Thiện Hoa dạy theo Tịnh độ, thầy lại thích Thiền. Nên HT giới thiệu đệ tử của HT. tại một thiền viện ở Vũng Tàu. Do đó thầy đã tìm đến thiền viện này, xuất gia năm 1974. Bấy giờ Thiền Phật giáo chưa phổ biến, ở miền nam chỉ có thiền viện này mới manh nha dạy Thiền thôi.
Tại sao thầy thích Thiền? Các bạn có muốn biết lý do không? Có lần thầy vui miệng kể cho vài đệ tử nghe kinh nghiệm trực giác của thầy. Lúc đó, thầy có làm một nông trại, đặt tên là nông trại Thanh Bình, trồng cây ăn trái tại Bà Rịa, thầy có nhà ở Sàigòn, thỉnh thoảng lái xe về nông trại. Lúc đó nhằm khi chiến tranh đang diễn tiến. Một hôm, thầy vừa bước chân vào nhà, trông thấy cô cháu nằm trên võng trong một góc nhà, thoáng thấy là một người chết, nhưng thiệt ra cô ấy chỉ nằm chơi. Một thời gian ngắn sau đó, thầy được báo tin cô ấy mới chết, về tới nơi quả thật cái góc nhà đó bị pháo kích và cô ấy cũng đang nằm trên võng. Thêm một lần khác, trong lúc đang ngồi thiền, dù chưa chính thức học với ai, thầy đã trông thấy những lá cờ đỏ treo khắp nơi. Vì thế trong thâm tâm, thầy muốn khám phá về trực giác, qua con đường Thiền. Trong số những thiền sinh kỳ cựu, cũng có khi vui miệng kể về những trực giác của thầy mà mình chứng kiến.
Thầy đã giải thích về trực giác theo khoa học như sau: Khi tâm mình tĩnh lặng, trống rỗng, tâm có thể tiếp nhận được những tín hiệu của người khác gởi tới mình. Vì những ý nghĩ, ý muốn đều là những dòng điện, nó sẽ đi thẳng tới nơi nào nó muốn. Khi tâm mình tĩnh lặng sâu hơn, có thể mình sẽ nhận được những tín hiệu đi trước thời gian. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp nho nhỏ, như nhìn mặt một thiền sinh, khỏe mạnh, tươi cười, thầy nói: “Con về, tới khám bác sĩ đi!” Cô ấy nói:- “Con khỏe mà, đâu có bệnh gì.” Vậy mà đi gặp bác sĩ khám tổng quát, bị ung thư. Một lần khác, gặp một cô thiền sinh, thầy nói: - “Ông xã con bị bệnh gan phải không?” Cô thiền sinh giật mình, thầy chưa biết ông xã mình là ai mà.
Trên đây mình chỉ kể vài trường hợp thông thường, còn nhiều nữa. Ví dụ, có lần nhận được một lá thư đánh máy, nói những chuyện thị phi, tố cáo người này người kia, mỉa mai châm biếm, không có tên người gởi. Thầy biết là ai, và thầy gặp ngay thiền sinh này, nhìn vào mắt người này, thầy nói: - “Thầy biết chính con đã viết lá thư này!”.
Hôm nay, mình chỉ nhắc lại một ít kỷ niệm về thầy, những kỷ niệm vui vui thôi, mong rằng các bạn thiền sinh kỳ cựu không rơi nước mắt nữa, như đã có người rơi nước mắt khi đọc qua bài Người Cha hôm trước.
Kính thưa Thầy, dù nói bao nhiêu cũng không đủ diễn tả cái trí như núi và cái tâm như biển của một thiền sư.
Thiền viện, 5- 12- 2021
TN
NHƯ NÚI, NHƯ BIỂN
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)