CHÂN THẬT BA LA MẬT
Đây là một hạnh sống của hàng bồ tát, trong Mười Ba la mật thuộc hệ Nguyên thủy. Bồ tát theo nghĩa phổ thông, là người có nguyện vọng tu cho tới giác ngộ hoàn toàn, tức quả vị Phật.
Trong kinh, Phật có nói: “Ta nói sao, ta làm vậy. Ta làm sao, ta nói vậy”. Mới nghe qua, mình nghĩ là đơn giản quá. Khi học tới Chân thật ba la mật, lúc trước mình chỉ lướt qua, không nghĩ là quan trọng. Lúc đó, mình thấy giữ giới vọng ngữ là thực hành chân thật ba la mật rồi. Bây giờ, càng ngày mình càng thấy “chân thật” rất quan trọng nó không những là đức hạnh, nó cũng là trí tuệ, nó cũng là cửa dẫn tới niết bàn nữa.
Trong kinh Duy Ma Cật cũng nói tới giá trị quan trọng của tâm “chân thật”: “Trực tâm là đạo tràng”. Trực tâm là tâm ngay thẳng, khách quan, đối tượng thế nào, nhận biết đúng y như vậy, không thêm bớt, không xét đoán phê bình, không khởi ý thiên lệch đối với tất cả pháp. Trong bài “Tiểu kinh Đoạn tận ái”, đức Phật dạy:
"Thật không xứng đáng, nếu có thiên vị đối với tất cả pháp".
Đạo tràng: tràng hay trường, là nơi rộng rãi, là khoảng không gian lớn; đạo: có nhiều nghĩa, là con đường, cũng là chân lý rốt ráo, cũng là bản thể tâm cao thượng, rỗng không, nhưng bên trong là tàng ẩn trí tuệ siêu vượt phi thường. Câu “”Trực tâm là đạo tràng” có ý nói cái tâm chân thật cũng là một phương thức đi tới nơi rốt ráo. Chỉ cần an trú trong cái tâm chân thật là cũng giác ngộ. Trong ý nghĩa thực tế, đạo tràng là nơi chốn trong sạch, cao quí, thuận tiện cho việc phát huy trí tuệ, là một nơi có ý nghĩa tâm linh. Kinh thường nói: Chư Phật ngồi nơi đạo tràng mà thành chánh đẳng chánh giác. Chúng ta cần hiểu ý nghĩa của đạo tràng để mình không lơ là, mà xem thường, vô tình làm cho đạo tràng trở thành chỗ tranh cãi, xung đột bằng “những vũ khí miệng lưỡi” như có lần trong kinh kể chuyện xung đột tại Kosambi giữa hai nhóm đệ tử của hai vị thầy.
Con đường tu tập theo “Chân thật ba la mật” cũng là một tiến trình từ đơn giản lần tới sâu sắc hơn. Đầu tiên, mình nhớ giữ giới không vọng ngữ của cư sĩ. Chúng ta ôn lại phần này vì có khi mình tưởng là dễ quá, ai lại không biết, nhưng nhiều khi mình quên, phạm lỗi rồi, có khi sám hối, xin lỗi với người ta, nhưng lời nói bừa bãi khó nghe lắm, cái tâm đời sẽ ghi nhớ hoài đó, các bạn ơi. Bước đầu là lời nói chân thật:
- Ý nghĩa phổ thông là lời nói đúng với sự thực. Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết; thấy nghe rõ ràng thì nói có thấy, nghe; không thấy, nghe thì nói không thấy, nghe; tuy nhiên nếu nói ra làm cho người khác đau khổ, thì nên im lặng, đó là sự im lặng của bậc thánh.
- Nói đúng lúc, đúng người, đúng việc.
- Lời nói ôn hoà, có trí tuệ, có từ bi, tao nhã, đem lại sự hài hòa thông cảm, chứ không gây chia rẽ.
- Tuy chú trọng nhiều tới lời nói, thiệt ra ý chân thật và trong sạch mới diễn nói ra thành lời hữu ích và hành động tốt.
Đây chỉ là lời nói chân thật, không phạm lỗi vọng ngữ. Bước đầu tu tập chúng ta cần phải tỉnh thức giữ gìn. Thấy đơn giản, nhưng có khi mình sai phạm mà không biết đó, các bạn ơi. Mình rất nhiều khi chủ quan, luôn cho mình là đúng, người kia là sai. Đó là cái ngã. Nó thường ngoan cố, tự biện minh, đổ lỗi cho người khác. Trong kinh, đức Phật gọi là “người khó nói”. Còn “người dễ nói” là người biết phục thiện, biết lỗi thì sám hối, vui vẻ sửa đổi, dễ tiến lên.
Làm sao biết mình đã sai?
Khi mình nói năng, hành động làm cho người khác buồn phiền, làm cho tập thể hoang mang bất mãn. Người ta im lặng tránh xa. Mình chủ quan không biết. Người ta bày tỏ rõ ràng, mình lại càng biện minh. Khăng khăng cố chấp cái lý lẽ của mình, cho tập thể kia lý luận sai lầm. Đây là “người khó nói”. Cũng là kiến chấp, cũng là cái ngã, cũng là vô minh. “Vô minh là khẳng định”, khi khẳng định là dính mắc, dính mắc vào cái gì, cũng là dính mắc.
Tất cả lỗi lầm về lời trên đây là tiểu vọng ngữ. Những lỗi lầm đó đã khiến nảy sinh ra những hậu quả bất hạnh tất nhiên sau đây:
- Người tốt lần lần tránh xa
- Người xấu ác, thích gièm pha, nói lén, nói dối, nói lưỡi hai chiều thì lại thích tới gần, vì cùng thích chuyện thị phi, hại người.
- Không ai tin tưởng người hay nói dối.
- Gia đình xáo trộn, bất an, con cháu không tôn kính cha mẹ, ông bà.
Ngoài cái lỗi tiểu vọng ngữ, trong giới luật của bậc thánh còn có một lỗi lớn hơn nữa là Đại vọng ngữ.
Đại vọng ngữ nghĩa phổ thông là chưa chứng đạt mà khoe là đã chứng đạt. Trong ý nghĩa này có lẽ áp dụng cho tu sĩ. Chưa sáng đạo mà có lời nói hay cử chỉ khiến cho người khác tưởng lầm là mình sáng đạo, để mong người khác cung kính, ngợi khen, cúng dường mình. Nếu người khác tưởng lầm mình đã đắc quả vị nào mà thực sự mình chưa đắc, người khác tưởng mình đạt được tầng Định nào mà thực sự mình chưa đạt, người khác tưởng mình có thần thông mà thực sự mình không có, mình biết người khác tưởng lầm như thế mà mình vẫn cố ý yên lặng, không nói rõ ra sự thực, với ý muốn cho người khác cung kính, tôn trọng mình, để có đông đệ tử v.v...thì cũng đều là mắc tội đại vọng ngữ.
Ngoài ra trong xã hội hiện nay, có một sự kiện nữa là không phải người xuất gia mà tự làm cho người khác tưởng là đã xuất gia rồi, để mong được lợi dưỡng, hay với ý đồ khác, cũng là đại vọng ngữ.
Tại sao Phật và Tổ lại xếp những trường hợp này là quan trọng?
Vì có liên hệ tới Tam Bảo. Khi một vị đã xuất gia phạm lỗi, cái lỗi đó trở thành to lớn vì làm giảm giá trị cao quí của Tăng Bảo, và cũng làm giảm tín tâm của người khác đối với Phật bảo và Pháp Bảo nữa.
Hậu quả của tội đại vọng ngữ là:
- Tự mình là vô minh, ngạo mạn, đầy đủ ngã chấp, ngã ái, ngã mạn, ngã dục.
- Tự mình là giả dối, giả đạo đức.
- Bối rối, không tự tin khi vào hội chúng đông người.
- Khi sống, ở trong vô minh, còn vướng vào: tài, sắc, danh, thực, thùy.
- Người có trí sẽ tránh xa.
- Người mê tín, không có trí sẽ ùa theo.
- Khiến người hủy báng Tam Bảo, mất niềm tin nơi Tam Bảo.
Bây giờ chúng ta tiến lên bước cao hơn: “chân thật ba la mật”, từ gốc là: sacca pāramī. Sacca mình hiểu đó là chân lý, sự thật. Pāramī hay Pāramitā là tới bờ bên kia, đạt tới hoàn hảo. Thường người ta nhấn mạnh tới lời nói chân thật, tuy vậy ý nghĩa thực của phương thức tu này cao thượng hơn. Nó bao hàm cả ý, cả hành động, tức là tâm và hạnh sống đều phải biểu hiện sự trong sạch, an lạc và trí tuệ của người tỉnh thức.
Người tỉnh thức là thông suốt tất cả những sự thật của cuộc đời và sống phù hợp với những qui luật đó, nên tâm thanh thản, nhu hòa, vượt lên trên những sóng gió thăng trầm của kiếp người. Đó là những sự thật:
Vô thường, khổ, vô ngã, tương quan nhân quả, bản thể cuộc đời là trống không, là như huyễn, là như như bất động, là bình đẳng.
Vậy chỉ cần thực hành một phương thức “Chân thật ba la mật” này cũng đưa ta qua tới bến bờ thoát khổ rồi, vì trên đoạn đường tu tập đó, ta cũng đã thực hành đầy đủ tất cả những ba la mật khác mới trọn vẹn được “Chân thực ba la mật”.
Mười ba la mật gọi là Thập độ ba la mật. Từ “độ” là con đò, con đò đưa người qua sông. Thập độ ba la mật là mười phương tiện đưa người vượt qua tới bến bờ bên kia, là nơi an toàn, thoát khổ, giác ngộ, giải thoát. Đó là:
Khi con đường tu đòi hỏi tới mức rốt ráo (ba la mật) thì tất cả các phương thức này đều phải phát xuất từ cái tâm hoàn toàn trong sáng, không còn lậu hoặc, không còn chấp ngã, nên chỉ cần thực hành một ba la mật tự nó cũng đã tròn đủ tất cả ba la mật rồi. Cho nên Mười ba la mật cũng có thể xem như Mười Đức hạnh quan trọng của bậc giác ngộ.
Vậy các bạn hãy chọn “con đò” nào đưa mình vượt qua dòng sông đời, rồi ra khơi, có khởi hành mới có ngày tới được bến bờ hạnh phúc, một ngày nào đó, chúng mình sẽ reo lên:
“Đã tới rồi, đã tới rồi, đã tới bờ bên kia rồi, chúng ta đã tới bờ bên kia rồi. Giác ngộ, vui thay!”
(Gate! Gate! Pāragate! Pārasamgate! Bodhi, svāha!)
Thiền viện, 16-11-2021
TN
Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 37
CHÂN THẬT BA LA MẬT
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)