ĐOẢN KHÚC VỀ CÁI TÔI
Một con chó chạy qua chiếc cầu. Giữa đường nó nhìn xuống đáy nước và nhìn thấy bóng của một con chó khác ở dưới nước. Nó vẫy đuôi và con chó kia cũng vẫy theo. Nó nhe răng con chó kia cũng nhe răng. Nó nhìn qua chỗ khác, thì nó không thấy con chó-nước, nhưng khi nó quay lại, con chó-nước vẫn nhìn nó chăm chăm.
Khái niệm manh nha về cái Tôi (Bản Ngã) cũng xuất hiện một cách tương tự: Tức là do người ta không biết cách quan sát. Và không biết cách tư duy.
Trong triết học Tây Phương: “Tôi Tư Duy cho nên Tôi Hiện Hữu” (I think therefore I am) là một kết luận sai lầm xuất phát từ sự quan sát sai lầm như ví dụ trên của con chó. Điểm khởi đầu của sai lầm này là câu hỏi sai lầm: Tôi là ai? Hiện hữu hay không hiện Hữu?
Cả hai thái độ: Yêu thương cái tôi, hay ép xác khổ hạnh cái tôi đều không mang lại giải thoát. Lìa hai cực đoan này, đức Phật tuyên bố con đường trung đạo với trí tuệ: Sự thấu hiểu nguyên lý hoạt động của cái Tôi theo duyên khởi (tương tự như sự thấu hiểu nguyên lý quang học trong nhận thức sai lầm của con chó và con chó-nước)
Đừng bao giờ mong sao cho cái tôi sẽ diệt đi, bằng cách này hay cách nọ; vì chính trong sự mong cầu đó, cái tôi đã thiết lập sự tồn tại của chính nó.
Do đó, giải pháp duy nhất là cẩn trọng và thẩm sát hoạt động của cái Tôi, ở mức độ căn bản nhất: trong tiến trình nhận diện, khái niệm hóa, và gọi tên các Pháp- mà thuật ngữ thiền gọi là Tuệ Phân Tích Danh Sắc trong Pháp Tu Tứ Niệm Xứ.
Qua cách này, hành giả nhìn thấu hoạt động của cái Tôi chính là sự tương tác liên tục của Thức và Danh Sắc. Nó chỉ là một nguyên lý có nhân có duyên như nguyên lý phản xạ quang học trong ví dụ con chó-nước.
Chánh niệm, cẩn trọng, và thẩm sát hoạt động căn bản nhất này của cái Tôi là chìa khóa thành công của thành tựu Trí Tuệ Giải Thoát.
Tô Đăng Khoa
Ngã/tôi do bản năng tự tồn mà sinh, theo lý duyên khởi.
Nhưng khi nó lớn quá cũng duyên khởi (ngã ái) nó làm khổ.
Vậy phải dẹp bớt ngã để có lại quân bình.
Đến vô ngã là Niết Bàn.
Còn thân thì Dư Y Niết Bàn, hết thân thì Vô Dư Niết Bàn