Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - Bài 35
Ngày xưa, trước khi biết quay về nương tựa Tam Bảo, cuộc đời sóng gió chập chùng, tâm mình cũng nhấp nhô, khi buồn khi vui. Nhất là những năm 1995- 1997, quấn trên đầu ba lần khăn tang. Ngoài mặt thì cứng cỏi, mà nước mắt cứ rơi thầm trong đêm. Mỗi khi gặp cảnh không vui, ngay cả chuyện thị phi nhỏ nhặt, cũng rơi nước mắt, tủi thân mồ côi. Lúc đó, nơi tìm về để được bình an, chỉ là cái nghĩa trang. Nghĩa trang, những bãi cỏ xanh mát, những hàng bia màu đen nằm sát thảm cỏ, khắc chữ mờ nhạt, những giỏ hoa tươi hay hoa giấy, xanh xanh đỏ đỏ, mấy chùm bong bóng đủ màu phất phới, tĩnh lặng, bình an. Tâm mình cũng dễ tĩnh lặng bình an. Không còn chuyện thị phi nào nữa, tranh đua cái gì, cuối cùng rồi cũng về đây. An nghỉ.
Ngày ấy, mình cho rằng mấy cái nghĩa trang bên đường, giữa thành phố, tấp nập nhộn nhịp, đi ngang nhìn vào, thấy bãi cỏ xanh, hàng cây cao bóng mát, những bó hoa rải rác, tĩnh lặng bình an, thiệt là thích hợp, nhắc nhở con người nhiều điều hay.
Bẳng đi một thời gian dài, bây giờ nhắc lại mới biết mình đã quên mất, không tới nghĩa trang nữa. Chắc là từ khi dấn thân tu học, không còn tìm khuây khỏa, tìm an ủi, không còn buồn vì mồ côi nữa, nên quên mất cái nghĩa trang rồi.
Bây giờ, mảnh đất tổ đình này là cõi riêng mình, đầy đủ tất cả, không cần đi đâu tìm kiếm nữa. Đã hai năm qua, trụ tại đây, mà sao mình vẫn không thấy buồn chán bao giờ. Cũng mấy cây tiêu cổ thụ, cũng là đất là đá, cũng mấy con thỏ núi, mấy con sóc nâu vàng chạy qua chạy lại. Ngày này qua ngày khác. Sáng trời mát, rồi nắng lên trời ấm lại, rồi chiều xuống thiệt mau. Hết mùa xuân tới mùa hạ, sang thu, rồi hoa sẽ nở, mùa xuân lại về. Dòng đời êm xuôi, trôi chảy không ngừng.
Nhớ ngày xưa, mình ước ao sống tới 60 tuổi là đủ, không cần nhiều, nếu không có sức khỏe, thì sống cũng không ích gì. Rồi 60 năm qua đi thiệt mau, mình lại nghĩ, thôi 70 tuổi cũng được, là hy hữu quá rồi, không cần thêm nữa. Vậy mà 70 đi qua mất, chắc Phật cho mình thêm thời gian tu cho tiến thêm một bước nữa, tới 80 thôi nha. Không ngờ, vừa 79 thì “cái cột trụ” của tổ đình bỏ đi, mình phải ráng chống đỡ thêm nữa.
Đức Phật ngày xưa, sức khỏe là vậy, thần thông là vậy, mà khi tới 80, Đức Phật đã nói trong kinh Đại Bát Niết Bàn rằng:
“Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.”
Ngày xưa, thầy vừa xuất hiện, đào kép từ đâu tụ lại, làm thành “gánh hát”. Hát cho tới hơn 20 năm, rồi thôi, “ông bầu” biến mất, “đào kép” rủ nhau biến mất theo “ông bầu”. Ơ, mà sao 2.600 năm trước, “ông bầu gánh hát lớn” vừa rao lên “Ba tháng sau ngày hôm nay, ta sẽ nhập diệt”, thì bao nhiêu là “đào kép chánh” rủ nhau đi trước. Nào là Rahūla, nào là ngài Sāriputta, nào là bà Yasodharā và mấy trăm vị tỳ kheo ni khác, tất cả đều là Arahant sống chết tự tại. Muốn ra đi, cứ vào định rồi đi, êm ả, nhẹ nhàng, như chiếc lá rơi, như từng cánh hoa đào rơi, chạm vào đất rồi mà lá, mà hoa vẫn còn đẹp.
Dòng đời cứ tụ hội lại, ca hát một chập, rồi chia xa, rồi gặp lại, rồi tách rời... Như những lượn sóng trùng dương, có khi nào đứng yên. Như mây trên trời cao, có bao giờ không bay theo gió, như gió trong lồng ngực của mình có bao giờ không thổi vào ra, cành lá tiêu kia làm sao không lay động. Vạn vật quanh mình luôn luôn sống, rạt rào năng lực sống. Sống là động, là biến đổi, là tiến tới, là chuyển hoá không ngừng.
Viết tới đây, mình ngả người ra dựa lưng sát ghế, nhắm mắt lại một giây, nghỉ ngơi. Bình an. Mở mắt ra nhìn, sao cảnh đứng yên, lá tiêu đứng yên, không có gió, Gió đứng yên. Khi viết tới đây, vẫn hoàn toàn bất động. Lạ thiệt, các bạn ơi. Tất cả, tĩnh mịch, bình an vô cùng. Không có ai, không có con vật nào. Mấy chậu cây cảnh bất động, mảnh nắng soi trên góc sân bất động.
A, rồi, có một con chim sẻ nhỏ xíu bay vút qua, rồi cảnh vẫn bất động. Vài cành lá tiêu đong đưa thiệt nhẹ. Tâm thiệt bình an. Có tiếng chó sủa xa xa. Cuộc đời vẫn có mặt. Nhưng dường như cuộc đời ở đâu xa, ở bên ngoài cảnh đời riêng mình, ở bên ngoài cổng tổ đình, mặc dù cánh cổng tổ đình luôn luôn khép lại mà không có khóa. Khép kín lại ngăn ngừa kẻ lạ, còn người quen thì cứ đẩy mạnh cửa qua là vào. Ngõ ra cũng vậy. Thiền viện là của thiền sinh, tự do đến nếu cầu pháp, tự do đi nếu không cần ở lại. Cửa Thiền đến hay đi tùy ý, tự do. Đến thì mời vào. Đi thì chắp tay từ biệt. Người thiền thấy đến không mừng, thì thấy đi không buồn. Tổ đình vẫn xanh tươi, vẫn tĩnh lặng, bình an.
Tổ Đạt Ma dạy: “Đạo là không lời”. Tổ đình không có lời, gió mây, trời cao, hàng thông xanh, mấy cây tiêu cổ thụ, chậu rau xanh, bông hoa tím, tĩnh lặng hoàn toàn, hiển lộ “chân kinh vô tự”.
Kinh Phát triển dạy: “Đức Phật Thích ca vẫn đang thuyết pháp tại núi Linh Thứu”. Đúng vậy, và pháp âm của Phật vẫn đang vang vang tới tổ đình, không lúc nào ngưng. Nghe rồi, thì mình đâu còn tìm kiếm nơi nào nữa, phải không các bạn? Mỗi khi mở mắt ra thấy cảnh hoa lá, cỏ cây tươi thắm, hay héo tàn, trời mưa hay nắng ấm, sáng trăng hay mù sương, mắt thì thấy Phật, mà tai lại nghe tiếng Phật giảng pháp, sống trong năng lượng bao la của ánh sáng trí tuệ và từ bi, còn tìm cầu cái gì nữa, các bạn ơi.
Hãy đứng lại, tâm dừng lại! Đừng chạy ra ngoài tìm pháp, tìm thầy. Đừng chống gậy khập khểnh đi hoài, cái tâm lăng xăng càng đi, càng xa.
Ta là người, hãy tin ta là người. Hãy đứng thẳng lên, bước tới, bằng hai chân của chính mình.
Ta có mắt. Mở mắt ra nhìn thẳng. Hoa lá không có tên, nó hoàn toàn trống rỗng. Các bạn phải thấy cho thật rõ như vậy. Mở tai ra mà nghe. Hoa lá có nói gì không? Không có. Nó bất động. Mình phải bất động mới thấy và nghe cái bất động. Cái bất động không diễn nói ra được. Nó chỉ là NHƯ VẬY.
Đó, xứ mộng xứ mơ, cõi bình an của mình là cái tổ đình này, mà cũng là cả thế gian nữa. Làm sao có đến có đi đâu, làm sao có sống hay chết? Đi đâu thì cũng trong thế gian, sống hay chết cũng là quanh quẩn trong xứ mộng xứ mơ này.
Thiền viện 5- 11- 2021
TN
Nhưng cũng là trường học
Phật là bậc đạo sư
Trao cho bài tỉnh thức
Trọn vẹn với thực tại
Niết bàn khắp nơi nơi
Như ai gọi ta về.
Sao nghe như Phật âm.
Như nghe kinh không lời.
Cổng tổ đình gần quá.
Như chưa từng đi xa.
Nếu mình không còn cơ hội để chăm sóc, gần gũi những người ruột thịt thân yêu, thì mình cũng có thể san xẽ sự dịu dàng, ân cần sẳn có trong mình cho những người xung quanh, bởi khi nhìn lại, mình sẽ thấy, ai ai cũng mang hình bóng, dáng dấp giống như những người người thân yêu mới khuất của mình. Cho nên khi ai đó có vô tình, lỡ lời gây lỗi với mình, thì mình sẽ dễ dàng tha thứ cho họ, vì tha thứ cho họ cũng là tha thứ cho những người thân yêu của mình và cũng là tha thứ cho chính mình.
Những lúc như vậy, dẫu trời bên ngoài có sám xịt, âm u vì giông bão, thì lòng mình vẫn bình thản nhìn gió lốc, tuyết rơi. Rồi đi tìm những bao gai phủ quấn những cây nhỏ trong vườn, như quành thêm chiếc áo lạnh cho mình được ấm giữa tiết lạnh trời Âu.
Cỏ cây hoa lá ấy là tri kỷ
Chuyện đúng sai chẳng của riêng ai.....
TN NT