Các ý kiến đóng góp trên đều thể hiện được tinh thần của người Phật tử. Cho dù là Nhân hay Quả thì cũng đều là dịp để chúng ta thực hành những lời Đức Phật dạy:
- Hạnh nhẫn nhục: là tâm thanh thản trước những điều trái ý (những lời vu khống, chỉ trích, mạ lỵ, phỉ báng). Người nhẫn nhục chấp nhận oan ức mà không cần bày tỏ, không đòi hỏi phải sòng phẳng với mọi người, không ăn miếng trả miếng. Hạnh nhẫn nhục là đức hạnh khó làm nhất. Đức Phật đã có dạy "Không sức mạnh nào bằng sức mạnh của người nhẫn nhục".
- Hạnh tha thứ: là khi ta biết buông bỏ những gì không đáng để tự tìm cho mình sự bình yên. Tha thứ giúp chữa lành cho chính ta bởi nếu cứ mang trong lòng nỗi hận thù một ai đó đã xúc phạm đến ta, khiến ta tổn thương thì ta sẽ không bao giờ được hạnh phúc. Tha thứ chưa bao giờ là điều dễ dàng nhưng chưa bao giờ là không thể.
- Tạo nghiệp thiện: khi hiểu luật nhận quả "kiếp trước tôi cũng đã làm việc xấu ác, cho nên kiếp này tôi (vui vẻ) nhận quả báo". Chính ý niệm hoan hỉ này đã là một thiện niệm.
- Không tạo nghiệp bất thiện: suy nghĩ cho rằng người này đang gieo nhân ác thì họ sẽ phải lãnh quả báo trong kiếp sau. Ý niệm (mong muốn, rủa xả, trù ẻo..) người khác là một niệm xấu ác.
Không làm mọi điều ác,
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm Ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.
(Kinh Pháp Cú )
Luật nhân quả là một trong các nguyên lý cơ bản của giáo lý Phật giáo. Nhân quả có thể báo ứng ngay tức khắc (quả báo nhãn tiền) nhưng cũng có thể xảy ra ở tương lai, thậm chí sau nhiều đời kiếp. Nhân quả trong đạo Phật dạy cho ta phải có trách nhiệm trong từng ý nghĩ, lời nói và hành động.
Bởi thế khi bị vu khống, mạ lỵ, thì chúng ta cứ nghĩ đó là tự mình đang chịu quả báo là được rồi. Đừng nghĩ là người đó đang trồng nhân ác. Nếu ta có ý nghĩ như thế, tức là ta đang tức giận, sân hận, nghĩa là tự ta đã có nhân ác và ta đang vun bồi cho nó lớn thêm lên. Vì vậy, nếu không nghĩ ngợi (giữ tâm ý trong sạch) thì sẽ không có vấn đề chi (không tạo nghiệp), sẽ không có tức giận, đau khổ . Hãy để cho luật Nhân quả tự vận hành!
Như Chiếu