TƯỞNG NIỆM THẦY THÍCH KHÔNG CHIẾU
Kính dâng nén hương lòng, con kính xin Thầy cho phép con được chia sẻ một vài kỷ niệm nho nhỏ đến các bạn thiền sinh khắp nơi, nhất là những anh chị em thiền sinh ở xa, hoặc là ở gần mà do đại dịch Covid toàn cầu, chưa có dịp đươc diện kiến Thầy lần nào … Con hy vọng với những lời văn chân thật và bình dị của con sẽ diễn tả được phần nào hình bóng Thầy trong ký ức của con.
Các bạn thiền sinh cũ, nếu có dịp về tổ đình tu tập, hẳn ai cũng biết Thầy ăn uống ra sao, Thầy thích ăn gạo lức muối mè , thỉnh thoảng có thêm chút phần rau cải, đậu hũ hoặc dùng qua loa các món chay do Thiền sinh cúng dường để không phụ lòng quí vị.
Có lần con được vinh dự làm thị giả cho Thầy ít hôm… con đã cố nài nỉ Thầy dùng thêm tí trái cây vượt tiêu chuẩn mà Thầy cho phép, nhưng Thầy nhất định không là không , bấy nhiêu là bấy nhiêu ! Con có nói sao Thầy ăn uống kham khổ quá, Thầy cười “thì quí vị cứ ăn sướng đi, rồi sau khổ; còn tôi bây giờ ăn khổ mai mốt sướng !” rồi Thầy cười hê hê…
Trong nhà bếp của Tổ Đình, Thầy có cái siêu đất để sắc thuốc nam. Thầy thường tự nấu các loại rau cỏ mà Thầy nghiên cứu theo Đông Y, có lợi cho sức khỏe, ngăn ngừa và trị liệu các bệnh ngặt nghèo. Con nhớ có lần Thầy nấu nước cây Milk Thistle … con xin phép đươc nấu dùm Thầy nhưng Thầy từ chối nói cô không biết nấu. Nài nỉ mãi Thầy mới đưa cái toa hướng dẫn cách nấu cho con được nấu một lần … và chỉ một lần thôi !
Con nhớ lại trong kinh kể rằng có hai vị Tỳ kheo đi khất thực về đói lả vì không có ai cúng dường, Đức Phật đã thọ trai xong, còn dư thức ăn, Ngài bảo hai vị tăng đó nếu cần thì cứ lấy ăn, còn không Ngài sẽ đổ bỏ đi vào chỗ đất sạch… Một vị đã thọ dụng phần thức ăn còn dư đó; vị kia không ăn thà chịu đói. Đức Phật đã ngợi khen vị Tăng thà chịu đói lả chứ không ăn phần thức ăn thừa . Đó là bài kinh Phật dạy: Tỳ kheo là người thừa tự Pháp của Phật, chứ không phải là người thừa tự tài vật.
Đó là nói sơ về vấn đề ăn uống
Về vấn đề khác tế nhị hơn…đó là việc y áo của Thầy.
Làm thị giả cho Thầy được một lần, con cũng phải nài nỉ mãi mới được Thầy cho giặt áo của Thầy… Cầm cái áo thun lót của Thầy mà nước mắt con tuôn tuôn. Nó cũ, mỏng, lủng lỗ khắp nơi như cái lưới …hèn chi Thầy luôn tự giặt áo bằng tay và không để cho ai giặt bao giờ ! Nay Thầy đã viên tịch rồi , con mạn phép kể chuyện này ra cho các bạn được biết hạnh cần kiệm, thiểu dục tri túc của Thầy và cũng để con hiểu vì sao có lần Thầy giảng : Đức Phật thuở xưa lượm vải quấn xác chết trong nghĩa địa, giặt đi rồi mặc lại, mặc đến rách không còn mặc được nữa thì làm giẻ lau, không lau được nữa thì để nhét lỗ mội !
Lại chuyện giặt đồ, nhiều lần con thấy Thầy đứng giặt đồ trong cái “sink” kế bên hai cái máy giặt đang chạy xập xình. Thầy rất thản nhiên bưng thau quần áo đi phơi. Con lại học được bài học về hạnh cần kiệm. Bớt được tiền điện cho Thiền Viện, dù không đáng bao nhiêu, nhưng một xu với tâm Bồ tát cũng đáng giá bạc triệu với kẻ phàm phu, chuyện bà già ăn mày cúng dường 2 xu mua dầu thắp đèn thời đức Phật lại nhắc nhở con thêm về sự cần kiệm qua việc giặt đồ của Thầy.
Thầy giảng pháp không cao siêu, không đi sâu vào kinh điển nhiều để các thiền sinh sơ cơ có thể nắm bắt vấn đề dễ dàng nhanh chóng. Nhưng những ai chịu khó suy tư sâu một chút mới thấy đó là cả một gia tài quý giá, rút ra từ những kinh nghiệm bản thân mà Thầy đã trải qua. Chuyện vác tre trên rừng, con nghe nhiều lần quá, nhiều đến nỗi có thiền sinh than phiền, sao Thầy nói hoài chuyện này rồi, ai cũng biết ! Vâng thưa Thầy ai cũng biết, mà thực hành có được hay chăng? Nếu bạn bị bắt buộc làm một điều gì ngoài ý muốn, mà đó lại là một việc khổ sai nặng nhọc, thương tổn cả thân tâm, liệu bạn có vượt qua được chăng? Không chỉ là sự kham nhẫn, mà tâm tĩnh lặng tập trung toàn tâm toàn ý vào một chủ đề niệm Phật đã giúp Thầy vượt qua tất cả, vác tre về đến nơi mà không mệt nhọc ! Đây không phải là một chuyện kể bình thường, mà nó ẩn chứa trọn vẹn cả pháp học lẫn pháp hành Thầy đã gởi gấm vào một câu chuyện đời thường để ai có duyên thì thu lượm !
Chuyện con muỗi, chuyện con chuột, chuyến lấn mép chiếu, chuyện bán thuốc suyễn… chuyện nào cũng cho con nhìn thấy tấm lòng từ bi cùng sự kham nhẫn cao vượt bực của một vị bồ tát mặc dù khi ấy Thầy vẫn còn là một cư sĩ, chưa phải là một vị tăng!
Thầy đâu chỉ kể chuyện suông như người ta kể chuyện thần thoại cho các em bé nghe. Chuyện của Thầy là một bài học quý giá mà chúng con có thể lấy đó làm gương cho sự tu tập của mình. Những người vô tình hay cố ý xúc phạm làm Thầy buồn, Thầy kể Thầy luôn tự nhắc nhở “một ông Tăng không được giận quá một đêm…hễ mà không buông thì phạm giới, thế là chuyện gì cũng bỏ qua !” … Con cũng đem điều này áp dụng vào cuộc sống của mình… Thầy không giận quá một đêm… còn con cũng ráng tuỳ chuyện lớn nhỏ mà không giận lâu ! Con phải nói vậy vì con cũng không dám vọng ngữ khi con không thật sự buông bỏ được liền. Ai có hỏi thì con cũng nói qua loa “ôi có gì đâu, rảnh đâu mà giận người dưng !” Nhưng con đâu có thể dối lòng con được. Những lúc ngồi thiền, tâm tĩnh lặng được đôi chút thì những chuyện nhăng cuội đó nó lại trồi lên ! Con biết con tu còn dở, con phải noi gương Thầy … Đường đường là một ông Tăng đạo cao đức trọng như vậy mà có khi còn bị chúng coi thường huống chi là mình, con tôm cái tép có gì mà đỏng đảnh giận hờn nhỉ ? Con có hai câu thơ ví von cho chính mình “Ngã người trên đỉnh non xanh, xô ta xuống vực, Ngã ngu buồn phiền!” Hễ đọc hai câu thơ không vần không điệu ấy thì cái ngã con thức tỉnh liền ! Ngã ngu là ngu vì Ngã đấy biết chưa ? Những lúc như vậy thì con lại nhớ lời Thầy : “Cô tu cho mình hay tu cho ai ?”
Tấm gương tu tập của Thầy cũng làm con ngưỡng mộ ! Trong giờ nghỉ giải lao năm mười phút, hay trong giờ nghỉ trưa, thay vì đi nghỉ, Thầy thường lom khom một mình đi lượm rác hay quét lá quanh vườn. Có lần con sót ruột vì trời nắng nóng chang chang mà Thầy đi lượm rác, con mon men đến gần thưa thỉnh : “Nắng quá xin Thầy vô nghỉ“, Thầy quay lại nhìn con nghiêm nghị “tôi đang dụng công” hoặc khi Thầy đang quét lá “Tôi đang tập Không Nói!” . Thầy cho con thấy tu tập không phải chỉ thực hành trong giờ lên lớp hay trong lúc tọa thiền …
Lòng từ bi cuả Thầy là vô lượng vô biên ! Có những thắc mắc con gọi phone hỏi Thầy, dù chỉ là một câu hỏi nhỏ, Thầy cũng dành thời gian giảng giải cặn kẽ cả giờ không mệt nhọc. Thầy luôn thêm vào những thí dụ cụ thể để con dễ nắm bắt những lời giảng của Thầy một cách rõ ràng không sợ “sai một li đi một dặm” .
Chuyện lái xe của Thầy thì ai biết Thầy lâu cũng đều “ngán”. Con cũng muốn đóng góp chút chuyện vui. Có lần sau khoá tu, Thiền Viện tổ chức một buổi đi chơi xa, ra biển hóng gió, ngắm cảnh trời đất bao la cho các bạn thiền sinh từ năm châu bốn biển tụ họp về được thư giãn sau những ngày học hành căng thẳng. Đoàn xe 5, 7 chiếc gì đó… Con cũng là người ở xa, không biết đường đi thế nào, lúc đó lại chưa có GPS, con chọn chạy theo xe Thầy cho dễ nhận dạng, vì đó là chiếc xe VAN màu trắng, to đùng ! Con theo rất sát xe của Thầy, cố gắng giữ khỏang cách gần nhất, không cho xe nào chen vào giữa mặc dù Thầy lái với tốc độ vượt quá giới hạn cho phép. Khi qua khỏi đoạn đường xe cộ chen chúc trong thành phố, Thầy bắt đầu tăng tốc. Con đuối quá không thể nào đổi lane nhanh cho kịp xe Thầy…thế là mất dấu ! Con cố gắng giữ bình tĩnh vừa lái xe vừa để ý xem xe Thầy ở đâu… May quá, con thấy có một chiếc xe màu trắng cao cao xa xa… Con chạy riết theo, đổi lane liên tục để không bị lạc lần nữa…. Toát cả mồ hôi hột mới đến được gần chiếc xe màu trắng ấy thì hỡi ôi : không phải xe Thầy !!! Thôi thì đành chịu vậy… Cuối cùng con cũng đến nơi nhờ hỏi thăm các anh chị khác … qua điện thoại ! Sau này khi học bài Nhận thức con tự trách con, đã không có “bản đồ nhận thức”, lại không chiụ hỏi đường trước cho kỹ, ghi chép xuống giấy đàng hoàng… cho bõ tật “tự tin” !
Con xá Thầy, Thầy cũng xá lại; con lạy Thầy cũng bị Thầy quở : “thôi thôi cô đừng lạy, tôi tổn phước ! “ Bây giờ thì Thầy còn đâu nữa, con chỉ còn lạy di ảnh của Thầy thôi !
Mau quá, thời gian qua nhanh như bóng câu ngoài cửa sổ, mới đó mà đã giỗ 49 ngày…
Con muốn mượn ngòi bút để nói lên đôi lời tâm tình chia sẻ với các bạn thiền sinh khắp bốn phương về Thầy, một người cha vô cùng mẫu mực trong trái tim con !
Kính chúc Thầy luôn an vui trong cõi nước an lành của mười phương chư Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
DN
Tracy , 10/29/2021