Lời Giới Thiệu
Trong Thiền, chiêu thức là cách thực tập rất đơn giản. Nó có tác dụng kiểm soát giác quan và tạo ra các phản xạ bên trong cơ thể được gọi là phản xạ có điều kiện. Người thực hành chỉ cần gá ý vào các cơ chế liên hệ đến sự biểu lộ vọng tâm hay tâm ngôn và duy trì niệm biết thì sẽ kinh nghiệm gìn giữ các căn không dính mắc đến đối tượng. Nếu ta không lời, không cử chỉ, không thái độ mà chỉ biết thì dính mắc sẽ không có điều kiện khởi lên.
Khi niệm biết không lời có mặt, khu Dưới Đồi liền bị tác động. Dưới Đồi sẽ tác động vào Đối giao cảm (ĐGC). Qua đó Acetylcholine sẽ tiết ra. Tác dụng của chất sinh hóa học này là điều chỉnh bệnh uất cảm (stress) hay những bệnh cao máu, mất ký ức và một số bệnh tâm thể.
Nói chung, cách tập chiêu thức không khó như cách áp dụng kỹ thuật. Chiêu thức tuy có kết quả liền sau khi tập trong vòng 10 phút nhưng lại không lâu bền. Muốn có kết quả lâu bền hơn thì cần liên tục tập thêm nhiều lần.
Trọng tâm cách tập các chiêu thức là tác động thẳng vào Đối giao cảm thần kinh (ĐGCTK), thông qua sự thư giãn của lưỡi, mặt, mũi, tai và mắt. Tác dụng của nó là giúp người thực hành đạt được 3 mục tiêu:
1. Làm dịu bớt sự căng thẳng thần kinh do những tạp niệm khởi lên vô trật tự trong đầu.
2. Giúp thân tự ngăn ngừa, điều chỉnh bệnh tật, phục hồi sức khỏe, ký ức và tăng cường hệ miễn nhiễm.
3. Kích thích tánh xúc chạm, tánh thấy và tánh nghe bằng nguyên tắc phản xạ có điều kiện.
Trong khóa Thiền căn bản, Thiền sinh được hướng dẫn nhiều chiêu thức như: thư giãn lưỡi, nhìn ánh sáng nắng, nhìn bóng đen, nhìn xa, nhìn lướt...
Trong phần thực tập thư giãn dưới đây, chúng tôi xin được giới thiệu thêm chiêu thức thư giãn mặt thường được hướng dẫn thêm trong các buổi sinh hoạt Đạo tràng.
(Trích đoạn từ trang 289 – 295 trong sách “Tác Dụng Của Thiền Đối Với Đời Sống Con Người” của Hòa Thượng Thích Thông Triệt.)
THƯ GIÃN MẶT
Mục đích: - Khi áp dụng cách thư giãn mặt, ta trực tiếp tác động vào 2 hệ thống: (1) hệ thống đối giao cảm thần kinh thuộc hệ thần kinh sọ não, (2) cơ chế xúc chạm vùng tánh giác thuộc thùy đỉnh trong não bộ.
Nói theo khoa học, nguyên tắc thư giãn mặt được xếp vào: phản xạ có điều kiện. Đó là ta dùng chiêu thức thư giãn để tác động vào cơ chế tánh giác và đối giao cảm thần kinh.
Với đối giao cảm thì đưa đến điều chỉnh bệnh trong cơ thể, hoặc chữa hết bệnh.
Với cơ chế tánh giác thì đưa đến: phát huy tuệ trí, cô lập hoạt động của 3 nhóm trí năng, ý căn, và ý thức (tức thức). Khi cả 3 nhóm này bị cô lập, 4 nhóm khác vốn tiềm tàng trong 3 nhóm đó cũng bị cô lập luôn. 4 nhóm này gồm: (1) tập khí/lậu hoặc, (2) kiết sử, (3) tùy miên, (4) nghiệp chướng.
Đây là điểm cần thiết trong Thiền Căn Bản.
Về hệ thống đối giao cảm thần kinh gồm 5 loại dây thần kinh liên hệ đến sự dụng công thư giãn mặt:
Thứ nhất là dây thần kinh mặt, thứ hai là dây thần kinh vận nhãn, thứ ba là dây thần kinh tam thoa, thứ tư là dây thần kinh thiệt hầu, thứ năm là dây thần kinh phế vị. Tất cả 5 dây thần kinh này đều phụ thuộc vào ĐGCTK và liên hệ đến hoạt động của tâm yên lặng và thanh thản.
Do đó, Thư Giãn Mặt liên hệ đến phương pháp tu Chỉ. Bằng cách thư giãn mặt, ta sẽ tác động thẳng vào hệ đối giao cảm thần kinh, làm cho hệ giao cảm không hoạt động. Qua đó, ý căn không thể lăng xăng dao động. Nó yên lặng. Nó không vướng mắc vào hiện tượng thế gian. Với điều kiện này có vẻ như ta gìn giữ ý căn để nó không bị ngoại trần chi phối, thúc đẩy, hay làm áp lực. Tâm thanh thản dựa trên cơ sở này.
Muốn điều chỉnh bệnh tâm thể, bệnh tâm lý hay phát huy tuệ trí, cô lập hóa tập khí, lậu hoặc, kiết sử, và tùy miên, thư giãn mặt là một trong những phương tiện có thể giúp ta đạt được mục tiêu đó.
Vị trí: - Thần kinh mặt (Facial nerve) là dây số 7 (VII). Nó thuộc hệ thống dây thần kinh sọ não. Dây thần kinh này liên hệ đến 4 nhóm dây: (1) Dây số 3 (III) là dây thần kinh vận nhãn (Oculomotor nerve). Dây này liên hệ đến cơ của mắt. (2) Dây số 5 (V) là dây thần kinh tam thoa (Trigeminal nerve). Dây này liên hệ đến những cảm giác của mặt và đầu, gồm 3 dây: dây thị giác (Ophthalmic nerve), dây hàm trên (Maxillary nerve), và dây hàm dưới (Mandibular nerve). (3) Dây số 9 (IX) là dây thần kinh thiệt hầu, gồm lưỡi và họng. (4) Dây số 10 (X) là dây thần kinh phế vị (Vagus nerve). Dây này liên hệ đến hoạt động của tim, phổi, lưỡi, gan, thận, bao tử, và ruột.
Chức năng của dây thần kinh mặt là biểu lộ những trạng thái tâm yên lặng, thanh thản, an vui, điềm đạm trên nét mặt qua sự thư giãn cơ mặt hay qua những cảm thọ của cơ chế tánh giác... Nó cũng liên hệ đến 3 vùng khác: (1) các tuyến nước bọt dưới lưỡi, (2) vị giác ở phần đầu lưỡi, (3) tuyến nước mắt.
Trong lúc đó, đáp ứng những sắc thái tâm lý xúc cảm, giao cảm thần kinh - thuộc hệ thần kinh cột sống - liền bị tác động. Sự tác động này đưa đến các mô cơ trên gương mặt lộ ra những nét xúc cảm khác nhau; phù hợp với nội dung xúc cảm. Thí dụ, kinh ngạc thì trợn mắt, nhíu mày; vui thích, hân hoan, hớn hở thì miệng cười toe toét, đôi mắt tươi tắn; đau thì cắn răng hay bặm môi chịu đựng, nhăn mặt, đôi mắt méo; tức giận thì đỏ mặt, trừng mắt; oán hận thì mặt lầm lì; lo sợ thì mặt xanh, tim đập mạnh, thở nhanh, ăn uống khó tiêu, vân vân.
Nói chung, tất cả sắc thái tâm lý xúc cảm đều biểu lộ trên gương mặt và tác động vào giao cảm thần kinh thuộc hệ thần kinh tự quản. Rồi qua đó, hoạt động của hệ thần kinh này gây ảnh hưởng xấu đến gan, tim, phổi, máu, thận, ruột, và bao tử...Phần lớn các thứ bệnh tâm thể và uất cảm (Stress) đều do sự tác động của giao cảm thần kinh vào nội tạng.
Khi thư giãn mặt, tất cả 4 nhóm dây thần kinh trực thuộc ĐGC đều bị tác động đồng bộ. Qua đó, ta sẽ cân bằng thân-tâm, tạo ra sự hài hòa những cơ quan nội tạng; trong đó quan trọng nhất là gan.
Khi gan ứ động, những bộ phận khác đều bị ảnh hưởng: năng suất làm việc thấp, xúc cảm bất bình thường. Khi gan cân bằng, thân-tâm hài hòa. Ta cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng, linh hoạt, không khó tánh, khó chịu; trái lại hăng say trong công việc. Hoạt động có nhiều năng suất cao.
Với phế vị thì đưa đến nhịp tim đập chậm, thay vì 80 nhịp trong 1 phút, có thể xuống 75, 70 nhịp trong 1 phút. Phổi rơi vào trạng thái tịnh tức: thở khẽ, đôi lúc dừng lại tự động.
Nơi thực tập: - Chọn nơi thích hợp để thực hành. Ta có thể thực tập trong những giờ nghỉ giải lao, hoặc ăn trưa tại sở làm, ngoài công viên, hay tại nhà, hoặc tại đạo tràng, hay tại Thiền viện.
Cách tập: - Trước hết, cần nắm rõ những điểm căn bản: (1) nội dung thư giãn mặt gồm những gì, (2) bắt đầu thư giãn từ đâu, (3) trạng thái thư giãn ra sao, (4) kết quả thư giãn đưa đến gì, và (5) thời gian thực tập thư giãn bao lâu. Sau đó, ta bắt đầu từng bước thực tập.
Bước 1.
1) Ngồi trên ghế, trên băng, công viên, trên xe... hay ngồi trong tư thế thiền. Lưng thẳng đứng. Mắt khép lại. (Như tư thế thư giãn lưỡi). Khởi niệm thư giãn mặt. Đây là quý vị khởi ý "thư giãn mặt" mà không nói thầm nội dung thư giãn mặt. Quý vị chỉ khởi ý thư giãn. Trong lúc khởi ý, quý vị thầm nhận biết là sẽ thực hiện cách thư giãn mặt.
2) Tiếp theo, tuần tự quý vị khởi ý và hình dung sự thư giãn từng vùng trên mặt bằng niệm thầm nhận biết: trước hết là vùng trán thư giãn, rồi 2 mắt thư giãn, 2 má thư giãn, mũi thư giãn, hàm trên thư giãn, hàm dưới thư giãn, lưỡi thư giãn, họng thư giãn. Toàn bộ cơ mặt đều thư giãn. Trong bước này: có người khởi niệm thư giãn và có đối tượng bị thư giãn.
Thời gian kéo dài của bước này có thể từ 5 phút đến 10 phút.
Bước 2.
Sau đó, quý vị thầm nhận biết toàn bộ dây thần kinh trên trán, mắt, má, mặt, môi, cằm đều rũ xuống hay xụ xuống. Đến đây, ý niệm Ta thư giãn không còn giữ nữa. Chỉ còn lại niệm thầm nhận biết về tiến trình đang thư giãn của các bộ phận trên gương mặt. Đối tượng bị thư giãn không có mặt. Người thư giãn cũng không có, chỉ còn lại niệm thầm nhận biết toàn bộ gương mặt đều rũ xuống. Trong bước này: Mất người thư giãn, mất đối tượng bị thư giãn, chỉ còn lại tánh xúc chạm biết đang thư giãn.
Thời gian kéo dài của bước này có thể từ 5 phút đến 10 phút. Quý vị tiếp tục duy trì niệm thầm nhận biết toàn bộ dây thần kinh trên mặt đều rũ xuống. Nếu duy trì trạng thái thầm nhận biết sự thư giãn của toàn bộ cơ mặt từ 5 phút trở lên, đối giao cảm sẽ bị kích thích liên tục để tiết ra acetylcholine.
Nói theo khoa học, đây là trạng thái phản xạ có điều kiện. Đó là bằng nguyên tắc dùng thư giãn làm tác nhân để kích thích vào cơ chế tánh xúc chạm và vào hệ ĐGCTK.
Chú ý: - 2 môi không hở. 2 hàm răng hở. Thế bình thường. Nếu thực hành liên tục trong 30 phút, thỉnh thoảng quý vị nhớ khởi ý kiểm tra về tư thế ngồi. Đây là để tránh tình trạng đầu khom, hay lưng khom xuống mà quý vị không để ý tới. Tình trạng khom xuống này nếu kéo dài liên tục trong 10 phút, có thể đưa đến ngủ gật.
Kết quả: - Khi thư giãn mặt, kết quả đưa đến toàn bộ cơ mặt (từ mí tóc thuộc cơ trán đến cầm) đều xụ xuống. Cơ trên trán và giữa 2 mắt không căng. Gương mặt thư giãn như có vẻ khờ. Mọi biểu lộ tâm tư tình cảm ngấm ngầm như tham lam, sân hận, giận tức, kiêu căng, lo âu, sợ hãi, buồn rầu, nghi ngờ đều tự động dừng lại.
- Cân bằng được hoạt động của 2 hệ GC và ĐGC mà trong đó quan trọng là ta chữa được bệnh uất cảm kinh niên, quân bình được huyết áp, và độ đường trong máu. Vì khi acetylcholine từ ĐGC tiết ra thì norepinephrine từ GC không tiết ra, và epinephrine từ ruột tuyến thượng thận không tiết ra.
Trong khi tập, nếu cảm nhận:
- Ra nước bọt nhiều, cứ nuốt.
- Dây thần kinh hoạt hóa, đưa đến thông cổ, hạ đàm trong cổ thì trúng, hoặc có vẻ như ngộp thở thì trúng.
- Sau khi tập, trong vòng 10 hay 20 phút, nếu thấy khỏe thì trúng. Với người có huyết áp cao hay đường trong máu cao, khi đo lại huyết áp hay đường trong máu, nếu thấy hạ thì trúng.
- Giọng nói trong, thanh thì trúng.
Thời gian: - Nếu muốn điều chỉnh những bệnh kinh niên về cao máu, mất ký ức, trầm cảm, liệt rung, tâm thần phân liệt, quý vị có thể tập mỗi ngày 4 thời, mỗi thời từ 10 đến 20 phút, và tập trong vòng từ 3 đến 6 tháng. Có thể dùng dụng cụ nhắc giờ để qui định thời gian tập. Tập xong, không đứng dậy liền. Áp dụng cách xả (như thư giãn lưỡi).
Tác dụng:
Về mặt Thiền: - Đây là cách thực tập liên hệ đến thu thúc ý căn (gìn giữ ý), giúp cho tâm, ý, và thức không dính mắc đối tượng. Tâm, ý, và thức sẽ trở nên yên lặng, tức trạng thái Chỉ. Nếu đo điện não đồ, sóng não sẽ ở dạng Alpha. Ngoài ra, qua thư giãn mặt, ta sẽ kinh nghiệm được niệm thầm nhận biết về đối tượng. Tác dụng của niệm này giúp ta cô lập hóa được hoạt động của trí năng và cô lập hóa 4 nhóm tập khí/lậu hoặc, kiết sử, tùy miên, và nghiệp chướng.
Về mặt hồi đáp sinh học: - Qua thư giãn mặt, thần kinh Tự quản sẽ cân bằng. Giao cảm không căng thẳng, Đối giao cảm thường xuyên bị hoạt hóa, đưa đến tiết ra nhiều acetylcholine, giúp điều chỉnh hay chữa được bệnh tâm thể và bệnh Uất cảm (stress). Ruột tuyến thượng thận không tiết ra epinephrine, đưa đến đường trong máu giảm xuống, làm cho nhịp tim giảm tốc độ đập nhanh, huyết áp hạ, tiêu hóa điều hòa, đi tiểu bình thường, chữa nhức đầu một bên đầu.
Về mặt tâm: - Tâm hài hòa, thanh thản, không dính mắc đối tượng, không ưa thích, không ghét bỏ, biết rõ ràng và đầy đủ về môi trường chung quanh.
Về mặt thân: - Thư giãn mặt là chiêu thức tạo ra phản xạ sinh lý. Sự phản xạ này có khả năng giúp ta điều chỉnh hay chữa những thứ bệnh: gan không hài hòa, cao máu, cao máu mỡ, hạ đường trong máu, rối loạn tim mạch, rối loạn thần kinh, thận suy. Điều chỉnh nhịp tim trở lại bình thường. Hệ thống miễn nhiễm hồi phục. Ít bị hay không bị cảm, cúm như người có tâm xúc cảm quá mức, như sợ hãi và lo âu. Ngồi lâu không bị hôn trầm (uể oải, mệt nhọc) và thụy miên (ngủ gật).
Về mặt trí tuệ tâm linh: - Cũng như cách thư giãn lưỡi, thư giãn mặt là chiêu thức tạo ra phản xạ vật lý, người thực hành sẽ kinh nghiệm được phục hồi ký ức, tuệ trí phát sinh, đáp ứng nhanh chóng; sáng suốt trong nhiều vấn đề; xét đoán không sai lầm; có chánh niệm tỉnh giác trong 4 oai nghi; điều chỉnh rối loạn nhận thức, nhất là những bệnh ảo giác về thấy, nghe của bệnh tâm thần phân liệt.
Cám ơn anh rất nhiều.