Chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua 5 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Tương tự như mình đang ở trong nhà, nhìn ra ngoài qua 5 cửa sổ. Còn ý không phải là một giác quan cụ thể như 5 giác quan kia. Tuy nhiên có thể biết nơi phát xuất của ý là não bộ, nên có thể nói não bộ là tâm căn. Kinh sách thường nói ý là “bóng dáng của pháp trần” hiện khởi trong tâm của mình. Đối tượng của 5 giác quan là 5 trần: sắc, thanh, hương, vị và xúc. Đối tượng của ý là pháp. Pháp là tổng hợp của 5 trần, cũng là tất cả thế gian. Cho nên ý này cũng là tâm, có cái biết rõ ràng, gọi là tâm thức. Chúng ta có thể nói tâm thức cũng là ý thức tổng hợp, cũng có thể là qua những tiến trình suy nghĩ, lý luận, xét đoán, suy luận, cuối cùng hình thành nên ý thức tổng hợp này, để rồi quyết định biểu lộ ra thành lời và hành động. Pháp cú có câu: “Ý là chủ, ý tạo”. Ở đây, “ý” chỉ muốn nói tới tâm, hay tâm thức, cái biết rõ ràng, tức là khi chưa hiển hiện ra thành lời và hành động.
Trở lại cái ví dụ ban đầu, từ trong nhà tiếp xúc với thế giới bên ngoài qua 5 cửa sổ. Vậy 5 thành phần của thế giới bên ngoài là sắc, thanh, hương, vị, xúc đi vào nhà, tổng hợp lại thành ra pháp trần. Cái nhà thành ra cái tâm, có cái biết rõ ràng, là tâm thức, hay ý thức, hay ý, vì chưa biểu hiện ra lời và hành động.
Cái Biết này phải thông qua các giác quan, nên phụ thuộc vào giác quan. Thiệt ra nó không trực tiếp với đối tượng bên ngoài mà nó chỉ nhận biết những tín hiệu của não bộ hiện ra bên trong não bộ mà thôi.
Giác quan và não bộ tạm xem như thành phần thuộc vật chất, tương tự khái niệm “hardware” của computer vậy. Có thể nó không hoàn hảo, mỗi người mỗi khác. Hơn nữa chức năng hoạt động của giác quan và não bộ của một người hay mỗi người, cũng có thể thay đổi, có nhiều mức độ khác nhau, hay có thể hư hỏng, như khái niệm “software” của computer. Từ cách cấu tạo thành phần vật chất (gíác quan và não bộ) khác nhau giữa người này và người kia, cũng khác nhau, thay đổi luôn trong một người, kết hợp với chức năng hoạt động cũng không giống nhau về phẩm chất, về năng lực, hình thành nên sản phẩm là tâm, hay ý thức tổng hợp, hay tâm thức. Những sản phẩm cuối cùng này không còn là “nguyên bản” của đối tượng ban đầu nữa.
Cho nên “ý” hay tâm thức của mỗi người cũng không giống nhau. Hơn nữa, trong tiến trình thành lập tâm thức cũng đi qua những suy nghĩ, lý luận, xét đoán chủ quan của mỗi người. Vì thế, khi những tín hiệu từ bên ngoài truyền vào não bộ như đi qua nhiều lăng kính khác nhau, cuối cùng tâm nhận biết thì đối tượng đã biến dạng rồi.
Gút lại, chúng ta thực sự không biết thế giới hiện tượng bên ngoài ra sao, màu sắc thiệt của nó thế nào. Thí dụ, cây phượng vỹ ở thiền viện có hoa, người ta đặt tên là hoa phượng tím. Nhưng cũng có thể nói hoa màu xanh blue, có chỗ màu xanh dương đậm, có chỗ màu xanh lợt hơn, như màu trời xanh. Cho nên khi mình dùng ngôn ngữ để diễn tả, kết quả rất hạn chế. Ngay cả nếu mình không diễn tả ra, mình chỉ thầm nhận biết thôi, nội dung cái biết đó cũng không ai giống ai.
Bây giờ thử nói rộng ra hơn. Toàn thể cuộc đời. Cuộc đời phức tạp vô cùng. Vô lượng vô số sự kiện, vô lượng vô số con người, vô lượng vô số phong cảnh, vô lượng vô số sắc thái tâm v.v...Mỗi người chúng ta chỉ tiếp xúc trong không gian nhỏ chung quanh mình, giới hạn trong 6 chức năng: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và nghĩ tưởng. Không thể nào chúng ta nhận biết được tất cả cảnh, tất cả loại sinh vật và vật vô tri giác. Khi chúng ta không nhận biết những vật nào, có nghĩa là chúng không có, đối với riêng chúng ta.
Vì thế, mỗi người chúng ta thực sự sống trong một thế giới riêng của mình, không có thế giới nào giống thế giới nào. Đó là thế giới tâm của riêng mình. Hay là cảnh giới Biết của mỗi người. Cái gì chúng ta nhận biết, làm thành cảnh giới của mình. Chúng ta vui, buồn, thương, ghét, trong cảnh giới riêng của mình.
Nếu mình khôn ngoan, biết chọn lọc những gì đẹp đẽ, thiện lành, cất giữ vào ký ức, thì cuộc đời sẽ là tốt đẹp thiện lành đối với mình. Nhìn một người bạn, ta chỉ thấy người ấy giỏi, tốt, thì người bạn này sẽ là người bạn giỏi, tốt của mình. Nhìn một vị thầy, chúng ta chỉ thấy vị thầy có đạo đức, có trí tuệ, thì chúng ta sẽ học được đạo đức và trí tuệ của vị thầy.
Như vậy, người hay cảnh, hay vật, luôn thay đổi trong cái nhận biết của chính mình, cũng thay đổi và khác nhau trong sự nhận biết của mỗi người. Thú vật , giác quan được cấu tạo khác con người, chúng ta cũng không thể biết thú vật nhận biết thế giới bên ngoài ra sao. Mỗi loài thú có thân và giác quan khác nhau, nên mỗi loài cũng nhận biết thế giới bên ngoài khác nhau nữa. Trong kinh sách có nói con người thấy nước như để uống, để tắm giặt, để tẩy rửa...loài rồng thấy nước là cung điện v.v...
Vậy nên chúng ta luôn sống trong cảnh giới chủ quan của mỗi người. Thú vật cũng vậy. Thực sự không bao giờ chúng ta có thể biết rõ và chính xác những gì bên ngoài não bộ của mình. Cái thế giới khách quan tuyệt đối ra sao? Chúng ta hoàn toàn không biết, qua 6 khả năng hạn chế của con người: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và nghĩ tưởng.
Có lẽ vì thế mà pháp tu quan trọng nhất, là Yathābhūta, tại sao có từ “Yathā” là giống như / as, like. Bhūta là chân, là thực / true, real.
Yathābhūta: giống như thực. Tại sao chỉ là “giống như thực” mà không phải là “thực”?
Vậy thế gian này, dù cho mình nhận biết nó thật là trung thực, không suy luận gì thêm, không thương không ghét thiên lệch v.v..., cái tâm của mình yên lặng, dừng lại, chúng ta cũng chỉ nhận biết nó trong cái “khung lăng kính” chủ quan của 6 quan năng của mỗi người mà thôi.
Cái thấy Huyễn cũng tương tự. Mặc dù thế gian là giả tạm, như giấc chiêm bao, hoàn toàn không thật, đối với người có trí tuệ, vì thế gian do duyên khởi, duyên sinh. Nhưng người đời vẫn thấy thế gian có thật nên vui thật, buồn thật. Do đó khi chúng ta chấp nhận thế gian là huyễn và vượt lên trên những vui buồn của cuộc đời thường, trí đó kinh gọi là Như Huyễn trí, tâm đó kinh gọi là Như Huyễn định.
Như Thực và Như Huyễn đều là cái thấy của Trung Đạo.
Như Thực bắt đầu đi từ hiện tượng lần tới bản thể cuối cùng / Như vậy/ Chân như
Như Huyễn cũng bắt đầu đi từ hiện tượng lần tới chân lý cuối cùng/ Như vậy/ Chân như.
Như Thực là cái thấy của Trung đạo ( vì có chữ “như” không rơi vào khẳng định “có” hay “không”).
Như Huyễn cũng là cái thấy của Trung đạo ( vì có chữ “như” không rơi vào khẳng định “có” hay “không”).
Cả hai, Như Thực và Như Huyễn, kết hợp lại, cũng là Trung đạo.
Vì là Như Thực nên không rơi vào phủ định/ Non-Existence/ Nihilism.
Vì là Như Huyễn nên không rơi vào khẳng định /Existence/ Eternality.
Kết thúc lại, cái thấy giác ngộ là cái thấy Trung Đạo, nói khác, chính là pháp môn Bất Nhị mà kinh Duy Ma Cật đề cao.
Con đường tu tập của chúng ta là tiến trình chuyển hóa tâm và trí tuệ của chính mình. Làm sao cho tâm và trí tuệ của mình an trú trong Trung Đạo, cảnh giới niết bàn. Mỗi người đang sống trong cảnh giới riêng của mình, dù cho chúng ta thay đổi cảnh giới, thân có chuyển sang hình thái khác, tầng số rung động khác, nặng nề hơn hay thanh tịnh hơn, tâm chuyển hóa trong sạch hơn hay ô nhiễm hơn, trí tuệ phát huy hay vô minh trở lại, chúng ta luôn hiện hữu trong cảnh giới của riêng mình, do mình tạo ra. Vậy mỗi người phải tự chọn con đường đi, có trách nhiệm hoàn toàn dòng sống của riêng mình. Đức Phật dạy chí thiết những lời sau cùng trước khi giã từ thế gian:
“Phải tự mình là ngọn đèn soi sáng chính mình”.
“Phải nương tựa nơi Chánh Pháp”.
“Không nương tựa nơi ai khác, hay một vật gì trên đời”
Vì “Tất cả thế gian là vô thường”.
Thiền viện, ngày 1- 10- 2021
TN
CẢNH GIỚI RIÊNG MÌNH
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ xác định đến không xác định.
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ phủ định đến không phủ định.
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ sắc tướng đến vô tướng.
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ biên kiến đến trung dung.
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ biết có lời đến biết không lời.
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ tôi biết đến chỉ biết.
Chữ Như có khả năng chuyển hóa tâm từ có đến không.
Chữ Như có khả năng làm nhận thức trong sạch.
Chữ như trong tâm so sánh, khác chữ Như trong tâm bất động nên tạm gọi là Chân Như.