Đây chỉ là một cái tựa đề tạm thời thôi. Các bạn có thể cho nó một cái tựa nào khác cũng được. Thí dụ: Thiền trong đời thường, hay Phải giữ chánh niệm, hay Hãy sống đơn giản, hay Giá trị của tâm, hay cái Biết tuyệt vời, hay Tinh hoa của Thiền, hay Con đường duy nhất, hay Buông bỏ tất cả, hay Không có Ta- Không có Pháp, hay Sống ngoài ngôn ngữ v.v... Tất cả đều thích hợp.
Sáng nay, chưa tỉnh giấc hẳn, chưa thì thầm: “Sesame, ouvre toi!” cái kho báu Hột Mè nó đã tung ra một hột mè, bài “Thiền tập cuối cùng”, viết đi, đừng có để ngày mai. Rủi ngày mai không còn ngồi dậy được thì sao.
Mới tuần trước đây, trời nóng quá, ban ngày 100 độ, ban đêm cũng hừng hực. Mình có mở máy lạnh trong phòng, vặn mức thấp nhất, trong vài giờ, vì biết là khi ngủ thân nhiệt thường hạ thấp, không muốn để máy lạnh suốt đêm. Sáng sớm thức giấc, mồ hôi đẵm ướt áo, vừa quay đầu cảm nghe choáng váng, chầm chậm chống tay ngồi dậy, bổng nhiên quay cuồng, ngả lại xuống gối. Hôm đó, bỏ buổi lễ Phật tọa thiền luôn. Gần trưa thì khỏe lại. Sáng hôm sau cũng y như vậy thêm một ngày phải nghỉ ngơi, uống nước nhiều hơn, cẩn thận hơn khi đi thang lầu. Mình lại ngẫm nghĩ tới Đức Phật. Đức Phật đã nói lời chí thiết về tuổi già:
…“Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai được thoải mái.”…
Đức Phật lúc còn trẻ, sức mạnh vô địch, về sau trí tuệ, thần thông hoàn hảo như vậy, mà ngài đã cảm nhận thân mình còn duy trì được chỉ là nhờ những sợi dây chằng cột buộc cái tay cái chân dính vào thân mà thôi. Mỗi khi cảm nhận tay chân mỏi rã rời, mình lại thương cảm Giáo đoàn của đức Phật ngày xưa. Tuy có nhiều vị A la hán, có thần thông, cả Đức Phật cũng vậy, nhưng tất cả đều đi bộ, đầu trần chân đất, trong cái nắng như thiêu đốt của mùa hè, hay cái lạnh giá của mùa đông, ăn, ngủ, sống giữa trời. Thì làm sao mà cái thân vật chất này không sớm mệt mỏi rã rời?
Các bạn ơi, sự sống quí lắm. Sức khỏe khi đã qua rồi, không có trở lại tốt như trước đâu. Những gì cần nói, hãy nói. Nói những lời thương mến, có ích lợi. Ai muốn tới với mình, hãy mở cửa đón nhận trân trọng. Ai quay lưng đi, thì cứ để yên, không nuối tiếc. Sống mỗi ngày, như thế nào, mà sau này không hối tiếc là được.
Bây giờ, mình đi vào chủ đề: Sống mỗi ngày như thế nào? Đây cũng chỉ là cái thấy chủ quan của mình thôi, các bạn có thể có cái thấy khác. Không sao, mỗi người chúng ta có tự do tuyệt đối làm chủ cuộc đời mình mà. Các bạn đừng chờ đợi cái gì mới mẻ trong bài viết này. Không có đâu, tất cả đều đã có nói trong kinh sách rồi. Làm sao có cái gì khác hơn, tuyệt vời hơn những lời dạy của Phật, của Tổ?
Thường sáng sớm, chúng ta tọa thiền, không gian còn tươi mát, tĩnh mịch, sau một giấc ngủ ngon, không mộng mị, tâm mình cũng nhẹ nhàng tươi mát. Mình lấy tọa cụ đặt nhẹ xuống trước bàn Phật, để cái gối thiền đúng chỗ. Mình lặng lẽ ngồi xuống trên gối, sửa tư thế ngồi cho vững chắc trên gối, hai đầu gối tựa trên tọa cụ, thân thẳng, đầu và lưng là một đường thẳng, hai cánh tay xuôi theo hông, hai bàn tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái như chạm nhẹ nhau. Cầm như ngẩng lên chút ít, hơi thở sẽ thông hơn. Tầm mắt nhìn xuống, hoàn toàn buông thả những cơ bắp mặt, (không ráng mĩm cười!), buông thỏng hai vai.
Tự nảy giờ, từ khi bước vào thiền đường, chắc cũng đã năm phút rồi đó, các bạn đã thiền chưa vậy? Chắc có bạn nói chưa, mới chuẩn bị thôi mà. Cũng đúng, vì chưa có chủ đề. Nhưng, thiệt ra mình làm các việc chuẩn bị đó trong thầm lặng phải không? Mình biết rõ ràng thứ lớp các việc nho nhỏ đó, đâu cần suy nghĩ. Thì là mình làm trong cái nhận thức thủ tục rồi. Mà quan trọng nhất là mình Biết rõ mình đang làm gì, tâm đâu có nghĩ gì khác hơn. Vậy có phải mình đang thực hành Tứ Niệm Xứ không vậy? Là Thân Hành Niệm. Trong năm phút qua, tâm mình hoàn toàn trong sạch, không có “pháp ác, pháp bất thiên”.
Trong trạng thái Biết thầm lặng ấy, chúng ta khép hờ mắt lại, thảnh thơi nhìn thẳng, thấy rõ tâm mình trống rỗng, thênh thang. Cứ tiếp tục quan sát tâm và thân mình. Là một nhân chứng, yên lặng. Nước bọt tiết ra nhiều, thầm lặng nuốt, thân ấm hơn, mắt tự động khép, đầu hơi nặng, thầm lặng ngẩng đầu lên. Lưng thư giản quá, thẳng lưng lại, ngực hơi nặng, hơi thở nhẹ, thẳng ngực lại, thở dài thêm. Tâm vẫn trống rỗng, không thấy tâm đâu. Vẫn tỉnh thức, thân nhẹ hẫng, như “tàng hình”. Không thấy tâm, không thấy thân đâu.
Bây giờ, các bạn thử ngẫm xem, có cái gì trong đó không? Hoàn toàn không có “pháp ác, bất thiện” phải không? Vậy là không có lậu hoặc, tùy miên, kiết sử, không có tham sân si, không có tầm tứ. Tâm trong sạch.
Đố các bạn, khi đó chủ đề là gì? Câu trả lời dễ quá: - Là cái Biết.
Đố các bạn một câu nữa. Khi đó có cái gì trong tâm?
Câu trả lời cũng dễ: - Lúc ban đầu, còn cảm thọ.
Phải, còn cảm thọ về thân và tâm. Những tác động sinh học sẽ có, vì đối giao cảm thần kinh hoạt động. Tâm sẽ cảm nhận hỷ lạc, thân nhẹ nhàng, hơi thở nhẹ, tim đập nhẹ... Lúc này mình có nhận thức tình tiết nên đáp ứng với các cảm thọ trong thầm lặng.
Chủ đề của mình từ đầu chỉ là Biết, cho nên không cần gợi lên, Lúc nào cũng quan sát tĩ mĩ thân và tâm mà không diễn nói gì hết.
Tới lúc hơi thở như không còn, chỉ tới đầu mũi rồi đi ra thì tim cũng nghỉ ngơi. Thân cũng nghỉ ngơi, nhè nhẹ trở thành mây khói. Xúc biến mất. Cảm thọ không có. Không gian không có. Thời gian không có... Biết rõ không có gì hết, ngay cả cái Biết cũng không thấy có. Nó chỉ là Như Vậy. Trong veo. Sáng trưng. Bát ngát. Tất cả tan biến.
Đó là trong lúc tọa thiền. Mình suy gẫm về cái Tâm lúc đó, nó ra sao? có cái Ta chủ quan không? cả năm khối sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều tan biến. Mình đã trải nghiệm quả thực ngũ uẩn là trống không. Đơn giản quá, các bạn ơi. Tắt hết vọng niệm thì không còn cái gì gọi là năm khối dính mắc nữa.
Mình cố gắng giải thích rõ hơn điểm này nha. Bài thiền tập này đi từng bước.
- Bắt đầu mình phải nhận ra tâm mình bớt khổ rồi, và mình quyết thực hành củng cố cái Biết tĩnh lặng trong sáng này.
- Tọa thiền, tư thế ngồi đúng, vì mình đã có nhận thức thủ tục, nhận thức tình tiết nên giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu “hạ thủ công phu” đã trở thành nhuần nhuyễn, xuất phát từ nhận thức cô đọng, nghĩa là mình làm trong nhận thức không lời.
- Chủ đề là cái Biết, nói đơn giản vậy thôi, để cho tất cả chúng ta đều tự tin là mình làm được. Cũng không khẳng định là không lời, thêm rườm rà. Nhưng chỉ Biết thôi, thì nó là không suy nghĩ, không xét đoán thêm, thì mặc nhiên là không lời diễn nói. Cũng không nói là nhận thức làm chi. Dĩ nhiên cái Biết có vô số mức độ thô sơ hay sâu sắc. Khi đầy đủ sâu sắc thì mặc nhiên là nhận thức rồi. Vậy mình gom chung lại, tạm nói là cái Biết, trong kinh sách thì nói là Niệm hay Chánh niệm. Lúc nào cũng tỉnh thức giữ cái Biết trong sáng khách quan thì kinh nói là Chánh niệm và tỉnh giác.
- Bắt đầu khép hờ mắt lại, nhìn thẳng tới trước, không có vọng tưởng nào dấy lên.
- Tâm vững chắc rồi thì mới từ từ thư giản mở rộng từ từ tầm nhìn ra, cũng vẫn nhìn thẳng tới trước. Quan sát trong thân, sẽ cảm nhận nước bọt tiết ra, có khi vị ngọt, thơm, thầm lặng nuốt nhẹ. Tim đập nhẹ dần, lơi nhịp. Hơi thở từ lần ngắn lại, nhẹ hơn. Ngực hơi nặng, đầu hơi nặng, ngẩng đầu lên, thẳng lưng, hít vào một hơi dài rồi buông, thở tự động.
- Tâm trống rỗng. Dòng Biết rõ ràng, không đứt quãng. Mặt mũi nhẹ hẫng, không cảm thấy hơi thở nữa, không cảm nghe hai chân chạm sàn nhà. Toàn thân như tan biến. Như lơ lửng trong không gian, mát nhẹ mênh mông. An trụ như thế. Bao giờ tác ý muốn chấm dứt thì cử động hai bàn tay, cử động hai vai, rồi áp hai bàn tay lên mắt, xoa mặt, từ từ mở mắt ra v.v....
- Đây là bài “Thiền tập cuối cùng”, chỉ có nghĩa là không còn chủ đề, không có pháp dụng công hay nói theo kinh sách “có pháp mà không pháp”. Tuy ban đầu, mình nói chủ đề là cái “Biết”, mà Biết là trừu tượng, nó cũng là mình. Tới cuối không còn thấy chủ đề nữa, ta và chủ đề hòa làm một rồi cho nên không gợi lên cái Biết nữa. Khi nào lơ là, thì mới cần gợi lên cái Biết cho sáng tỏ trở lại. Khi cái Biết đang hoạt động thì đâu cần gợi lên nữa. Đây cũng là trường hợp phản xạ thụ động, không sử dụng giác quan, không có chủ đề, không cố gắng chút nào, nên cũng là “vô nguyện”, cũng là “vô tướng”, cũng là “vô tác”, “vô trụ”, “vô tâm”, “vô niệm”, cũng là “không”, cũng là “như huyễn”.
- Tại sao cũng là “như huyễn”? Sau khi xả thiền, mình sẽ nhận ra: sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chỉ là như huyễn thôi, khi mình tác ý thì mới có, ngũ uẩn bản chất nó chỉ là khái niệm do mình lập ra. Lậu hoặc, kiết sử, tùy miên cũng là như huyễn, khi mình không tác ý, chúng làm gì hiện khởi được. Khổ đau, phiền não, nghiệp chướng nhiều đời cũng chỉ như huyễn mộng, tan biến theo cả thế gian này tan biến, khi tâm trong veo, tịch diệt. Tâm diệt thì cả thế gian cũng tịch diệt. Tâm là niết bàn thì cả thế gian cũng là niết bàn.
Các bạn ơi, ý nghĩa của tựa “bài thiền tập cuối cùng” là vậy. Bao nhiêu chủ đề, hay kỹ thuật thực hành cũng đi vào cái khuôn này. Vậy cuối cùng cũng phải buông chủ đề hay kỹ thuật.
Sao mình không bắt đầu thực tập ngay bằng cái BIẾT cho đơn giản, Kinh gọi là chánh niệm, hay tuệ tri, hay tuệ tri như thực.
Trên đây là bước thiền tập quan trọng nhất để tiến sâu vào cảnh giới tâm. Nhưng chỉ tọa thiền thôi, chưa đủ miên mật.
Mình là người còn sống trong đời, nên thời gian còn lại rất nhiều, làm sao sống trong thiền tập đây. Đừng bao giờ hẹn khi tôi hưu trí rảnh rang tôi sẽ tu. Các bạn ơi, có người ra đi trước khi về hưu, có người ngả ra bệnh trước khi bắt đầu tu. Đợi tới khi bệnh nặng mới thấy vô thường thì cũng hơi muộn rồi. Có người nói con đường tâm linh không có sớm hay muộn. Nhưng nếu mình lạm dụng lời ấy thì có khi vì thế mình trôi nổi hoài mấy ngàn năm nay rồi mà không hay.
Mình phải thiền trong đời sống hằng ngày. Nói như vậy có thể hơi mơ hồ. Nói rõ ra, như kinh Niệm Xứ: làm cái gì, tuệ tri như thực, tâm thế nào, tuệ tri tâm ấy, cảm thọ ra sao, tuệ tri cảm thọ ấy v v...Nghĩa là sao? Thường xuyên quan sát tâm mình, biết rõ mình đang như thế nào, thân mình đang làm gì? Tâm mình đang ra sao?
Chủ đề luôn luôn là cái Biết. Trong khi tọa thiền, là cái Biết không lời. Trong đời sống, mình sử dụng cái Biết Như thực, có lời cũng tốt, tâm mình cũng trong sạch, khách quan. (bài kinh Song Tầm, cũng hướng tới bốn tầng thiền).
Khi ngồi trước máy computer, mình chỉ biết đang làm việc, không có “pháp ác, bất thiện” trong tâm. Mỏi mắt, nhìn ra xa, thư giãn mắt, thư giãn tâm, không suy nghĩ, tâm trống rỗng vài phút là lấy lại năng lượng. Làm bếp, rửa chén bát, biết rõ công việc đang làm, tâm cũng nhẹ nhàng trong sạch. Ăn cơm, biết rõ đang ăn, sẽ thấy mình nhai kỹ hơn, cơm ngon hơn, tiêu hoá dễ, sức khỏe tốt. Trước khi ngủ, biết rõ mình đã sống một ngày đầy đủ, không làm ai buồn phiền, những việc cần đều phải giải quyết trong ngày, không hẹn ngày mai. Thí dụ mình thường trả lời tất cả email cần thiết, không để hôm sau, vì qua hôm sau sẽ có việc khác, mình có thể sẽ quên, hay mình có thể không thức dậy ngày mai.
Cái khẩu hiệu sống của mình là: lúc nào cũng sẵn sàng ra đi. Ra đi thì không ngoảnh lại. Như là rũ áo, không còn vướng mắc một cái gì, với ai.
Các bạn ơi, đó cũng là cái bí quyết thần diệu của mình: không lơ là khi sống, nhưng không thấy cảnh đời là thật, nên cái gánh đời nhẹ nhàng hơn, vì thế cái gánh của Thầy quàng trên vai cũng nhẹ hều thôi. Còn đứng được thì còn gánh, khi nằm xuống thì nó cũng tan biến theo, nó là huyễn mà.
Tuy vậy có một cái không huyễn, là cái gì? Từ khi có mình trên thế gian, vô số kiếp rồi, nó vẫn chung thủy, luôn ở bên mình, nhắc nhở cái tốt, cái lành, mình có khi phụ bạc nó, hờ hững nó, mà nó vẫn chung thủy. Nó là ai vậy? Là cái Biết, là cái Tâm. Vậy các bạn ơi, mình hãy nhớ sống trọn vẹn từng giây phút, với người bạn tri kỷ thầm lặng, trong sáng, và chung thủy này.
Thiền viện, ngày 30- 8- 2021
TN
núi rừng sông suối xinh đẹp biết bao.
Không say đắm cảnh đời,
không dính mắc thế sự.
Mọi sự đi qua liên tục,
vạn pháp sinh diệt không ngừng.
Niệm vô niệm, pháp vô pháp.
Trước kia mơ hồ, tối nghĩa.
Nay con biết nó là bản nhạc cuối.
Chỉ có thân người và cái ngã kết thúc.
Con xin cảm ơn Ni Sư.
Bài " Thiền tập cuối cùng “.