Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 17
Con đường tu của mình chỉ là nhận ra cái tâm thanh tịnh trong sáng ban đầu, tức cái Biết tĩnh lặng, trống không, khách quan, rồi thực tập miên mật sẽ kinh nghiệm Tâm Như hay Tâm Không, từ đây phát huy trí tuệ siêu vượt. Nhìn tổng quát thấy con đường đi thiệt là đơn giản. Vậy mà sao có mấy người thoát ra được biển khổ? Mấy người sáng đạo? Bao nhiêu vị thiền sư trong quá khứ, và trong thời hiện đại? So với hàng tỷ người trên thế giới, có thấm vào đâu, cũng như vài cơn mưa rào rơi trên biển vậy. Biển vẫn mặn nồng của nước mắt khổ đau, vài giọt nước mưa trong ngọt ngào có thay đổi được gì.
Tại sao vậy, các bạn ơi, trả lời đi. Tại sao Pháp nhiệm mầu hiển hiện khắp nơi, có cái nào không phải là Pháp, có cái nào không vô thường, không biến hoại, không do duyên sinh..? Hễ thấy Pháp là thấy Như Lai đang thuyết pháp. Vậy mà sao con người vẫn phiền não, vẫn xung đột, khói lửa, đạn bay? Sao con người vẫn lao xao lăn mình vào hố sâu hưởng thụ, xa hoa, phung phí, mặc cho người khác thiếu cơm thiếu áo, dãi nắng dầm mưa.
Pháp đã rao giảng từ hơn hai ngàn năm rồi đó, mặc dù Pháp là thường hiện hữu trên thế gian. Phật đã can đảm phi thường, tiếng sư tử hống làm khiếp vía những tà ma ngoại đạo, rúng động cả xã hội Ấn Độ nặng nề giai cấp, bóc lột người dân nghèo. Phật và tăng đoàn của ngài đã ngẩng cao đầu, đi giữa chông gai sõi đá, mặc cho ai mắng nhiếc, thù hận, phỉ báng, giết hại. Phật và tăng đoàn, các vị A la hán, đều là có thần thông, lại luôn được chư Thiên bảo hộ, nên tất cả chướng ngại đều không cản trở được trách nhiệm giáo hóa của Phật và tăng đoàn của ngài.
Nhưng rồi, tất cả cũng trong vòng sanh diệt vô thường, khoảng 1600 năm sau Phật nhập diệt, Phật- Pháp- Tăng biến mất tại Ấn Độ cho tới ngày nay. Tuy vậy dòng suối minh triết đó đã kịp thời tuôn chảy ra ngoài Ấn Độ, qua Tích Lan, qua Trung Hoa, qua Tây Tạng vv...Từ đó, dòng suối ngọt mát lạnh này vẫn tuôn chảy tiếp tục tới những miền đất lành ở đông phương và tây phương. Chúng ta có nhiều phước báu, đời này được gặp Phật pháp.
Võ Tắc Thiên hoàng đế của Trung Hoa, ngày xưa đã cảm khái, đề mấy câu tán thán:
“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ.
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa”.
Tâm trạng này cũng nói lên được tâm trạng của mỗi người chúng ta. Được làm người đã là hy hữu, lại được gặp Phật Pháp thêm một lần hy hữu nữa. Mình biết rõ như vậy, còn thêm phước báu có Thầy Tổ hướng dẫn, mà sao dường như đường đi còn xa thăm thẳm, phải không các bạn? Nắng chiều thì đã về chiều, nhà mình đâu? Đêm dài sinh tử luân hồi, biết làm sao, người lữ hành cô độc?
Thiệt ra, con đường tu không phải dễ. Nếu dễ, chúng ta đã vào niết bàn hết rồi! Khi nói dễ, là trên mặt nguyên tắc, trên lý luận, lý thuyết, nói dễ để khuyến khích lẫn nhau, ráng mà tu cho mau thôi.
Đức Phật, thực ra chư Phật nào cũng vậy, có 10 danh hiệu được người đời tôn xưng:
“Như Lai, ứng cúng, chánh biến tri, minh hạnh túc, thiện thệ, thế gian giải, điều ngự trượng phu, thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn.”
Trong 10 danh hiệu này, có thể chúng ta đều hiểu, tuy vậy có thể mình ít để ý tới một danh hiệu này: “thiện thệ”. Trước nhất chúng ta tạm hiểu ý nghĩa tổng quát của 10 danh hiệu của chư Phật.
Như lai: Phật tự xưng là Tathāgata ( Such-gone/ Thus-come): đã đến Như Thế.
Ứng cúng: xứng đáng được cúng dường.
Chánh biến tri: thông hiểu tất cả.
Minh hạnh túc: đầy đủ trí tuệ sáng suốt và hạnh sống trong sạch.
Thiện thệ: khéo đi, khéo vượt qua biển sinh tử.
Thế gian giải: giải thích, hiểu rõ tất cả thế gian.
Điều ngự trượng phu: người có chí khí cao cả điều phục được tâm mình và tâm người.
Thiên nhơn sư: bậc thầy của cõi trời và cõi người.
Phật: bậc giác ngộ, tỉnh thức.
Thế Tôn: Bậc cao quí nhất trên thế gian.
Trở lại việc của mình. Tu học từ bao nhiêu năm nay, mình hiểu cái hồng tâm nhắm tới là thể nhập chân như, vì do đó mà Phật tự xưng: Như Lai.
Mình cũng hiểu: minh là phải phát huy trí tuệ, hạnh là giới luật trong sạch.
Thế gian giải: phải thông hiểu tất cả những chân lý vận hành thế gian: vô thường, duyên sinh, tánh không, tánh huyễn.
Phải điều phục tâm của mình bằng nhiều cách: quán, định, huệ. Rồi sau mới giúp điều phục tâm người.
Nói chung, những điều kiện này chúng ta đều hiểu, nhưng việc áp dụng trong thực tế, lại quá khó khăn.
Vấn nạn chung của chúng ta là đời sống của mình, hoàn cảnh hiện tại của mình, hay thực tế mình đang sống, nó không ráp vô đúng cái khung yêu cầu của “qui luật giác ngộ”.
“Qui luật giác ngộ” là con đường của chư Phật, và cũng là của chính Phật Thích Ca. Chỉ có ba điều kiện thôi: Giới- Định- Tuệ. Cái khuôn vàng thước ngọc này được thể hiện qua nhiều bài kinh lắm, hôm nay chúng ta thử xem bài Đại kinh Thí Dụ Lõi Cây.
Con đường đi tới giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, được khai triển qua 5 giai đoạn:
1- Xuất gia: đây là yêu cầu bắt buộc.
2- Giới đức: thành tựu phẩm hạnh trong sạch hoàn toàn
3- Định: thành tựu Thiền định vững chắc
4- Tri kiến: thành tựu tri kiến Như thực / Tuệ khách quan.
5- Giải thoát: như đã đạt được lõi cây. Phật nói: Tâm bất động là tâm giải thoát của ta.
Trong bài kinh Thánh Cầu, bài Đại kinh Saccaka, đức Phật kể lại cuộc hành trình của mình, cũng bắt đầu bằng việc từ bỏ gia đình, ra đi.
Tóm lại, cánh cửa đầu tiên vào con đường tâm linh, mình không qua được, làm sao đi tiếp tới những giai đoạn cao hơn.
Hôm nay, mới nhận ra rõ ràng, tại sao cuộc đời vẫn cứ là biển khổ, qua mấy ngàn năm rồi. Cái tâm con người chỉ tích lũy nào thương, nào ghét, phân biệt so đo, tính toán lợi hại, chăm lo cha mẹ, vợ chồng, hết con tới cháu, nào là tiền bạc, nào là sức khỏe, nào xã giao, công việc làm ăn... Cái “ba lô đời” nặng quá, tâm làm sao trống rỗng được. Con thuyền bát nhã không có đáy, làm sao bước lên. Nó đâu có chỗ cho cái “ba lô đời”.
Bởi vậy, hệ Theravāda chủ trương muốn tới nơi rốt ráo, phải qua 10 cây cầu: Thập độ ba la mật. Trong đó có cây cầu xuất gia.
Hệ Phát triển chỉ nêu ra 6 ba la mật, không có xuất gia. Nhưng khi chứng minh bằng nhân vật Duy Ma Cật là một cư sĩ, vẫn đạt được phẩm hạnh thanh cao, trí tuệ phi thường của bồ tát, đúng, ngài là cư sĩ, nhưng không có vợ con, hạnh sống y hệt người xuất gia. Vậy ngài Duy Ma Cật vẫn có thể xem là thân xuất gia và tâm cũng xuất gia rồi.
Trở lại mình. Con đường đi khó khăn lắm, làm sao đi cho thăng bằng, bên đời, bên đạo. Thời gian làm sao chia hai, sức khỏe, tâm trí cũng chia hai. Nếu nghiêng qua đời thì đạo lơ là. Nếu nghiêng qua đạo thì đời không tròn trách nhiệm với cha mẹ, vợ chồng, con cháu. Tương tự như tục đế và chân đế, phải khéo hành xử lúc nào theo tục đế, lúc nào cần tới chân đế.
Tuy không xuất gia, nhưng không phải là không hi vọng đi tới cuối con đường. Các bạn ơi, vẫn còn hi vọng.
Chúng ta cần phải kiên nhẫn, có ý chí vững chắc, hơn người xuất gia mới được. Đó là sống trong đời mà không dính mắc với đời, mới là hay. Tức là mình vẫn thực hành hạnh sống của người xuất gia; tròn đủ Ngũ giới, thực hành thiền trong sinh hoạt hằng ngày, hai phương thức thôi: Định và Tuệ.
Định: Biết không lời, để trở thành chánh niệm tỉnh giác.
Tuệ: Biết Như Thực, cũng trở thành chánh niệm tỉnh giác.
Ngoài ra, không phóng tâm mong muốn cái gì khác, ngay cả không muốn đạt được cái gì, thì mới vô niệm, vô tác, vô trụ, vô nguyện.
Như thế mới là “khéo vượt qua” biển đời, đó là ý nghĩa của thuật ngữ “thiện thệ”.
Con đường tu mỏng như sợi chỉ, mình phải đi cẩn trọng, làm sao cho thăng bằng: Giới- Định- Tuệ tròn đầy, thì mới không bị rơi rụng nửa chừng.
Thiền viện ngày 3- 7- 2021
TN
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Cái biết như sợi chỉ.
Không lời kéo thẳng ra.
Kéo dài đến vô tận.
Đấy cái biết không lời.
Để ý thức nhảy vô.
Làm đống chỉ rối bời.