Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 16
Trong các khóa tu, mình vẫn thường nói “Không gì đơn giản bằng Thiền!”. Các bạn thường cười, chắc có người cho rằng đây là lời nói đùa. Trong lớp không có thời gian để giải thích cho rõ hơn, hôm nay xin nói lại một lần nữa: “Sống trong đời, không có gì dễ bằng tu Thiền!” Câu này càng mở rộng ý nghĩa hơn nữa. Câu 1 chỉ có ý nói Thiền đơn giản nhất so với các pháp môn khác. Câu 2, những công việc trong đời sống cũng không dễ bằng tu Thiền.
Những công việc trong đời sống của mình đòi hỏi nhiều điều kiện lắm, Thí dụ muốn có bằng tú tài, phải qua ít nhất 12 năm tiểu học và trung học, muốn có bằng cử nhân, ít nhất 3 năm nữa. Muốn có bằng cao hơn, phải thêm vài năm nữa. Một thời gian dài quá, phải không các bạn, mà năm nào cũng phải học, chăm chỉ, thức khuya làm bài, ghi chép, nhớ để làm bài thi nữa. Việc học hành là quan trọng nhất của tuổi trẻ, đâu phải dễ, rủi thi rớt thì cha mẹ buồn, bạn bè cười. Khi ra trường rồi, xin việc làm, cũng không dễ. Có việc làm rồi, chu toàn bổn phận cũng mệt, lại còn cư xử với đồng nghiệp sao cho tốt, không để sơ sót, có khi mình bị stress. Khi có gia đình, lại thêm gánh nặng tài chánh, tình cảm, đối xử hai bên cha mẹ bà con, Bây giờ xem như mình đã trưởng thành, thật sự ra đời. Hai vai gánh nặng, cha mẹ bà con hai bên, anh em con cháu, bạn bè...Chuyện thị phi không sao tránh khỏi:
“Ở sao cho vừa lòng người,
Ở rộng, người cười, ở hẹp, người chê,
Cao chê ngỗng, thấp chê lùn,
Béo chê béo trục béo tròn,
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra”.
Muốn sống an vui hạnh phúc không phải dễ.
Bây giờ nói tới những việc nho nhỏ thôi, như các trò chơi, hay giải trí cũng đòi hỏi nhiều thời gian, hay tiền bạc, hay tập luyện. Thí dụ: hồi nhỏ tập đi xe đạp, có phải nhờ ba hay anh vịn cái xe cho mình lên ngồi, rồi mới dám đạp đi, có té nhiều lần không, có phải nhiều lần toát mồ hôi, nhắm chạy thẳng vô ba mình? Có té nhiều lần, sau mới biết đi. Thí dụ muốn biết đàn, hát, cũng phải có thầy dạy, có khi khảy dây đàn tới rướm máu tay. v.v...
Đó là nói tới những việc bình thường trong đời, việc gì cũng cần công sức khó nhọc, thời gian, có khi tiền bạc nữa. Bây giờ nói tới các pháp môn tu trong Phật giáo.
Nếu tu theo trì chú, phải thuộc lòng các bài chú, có khi dài lắm. Các bài chú nhiều khi không hiểu nghĩa, nên phải học thuộc lòng. Nếu phóng tâm đi là quên mất, đọc sai liền. Nếu tụng kinh, niệm Phật, cũng phải thuộc lòng nhiều bài kinh, giọng đọc có bổng trầm ngân nga. Học gõ mõ, nhịp khánh, gõ chuông. Ai yếu hơi, đọc tụng hằng giờ, chắc cũng mệt. Lễ lạy hằng trăm lần, lớn tuổi không biết có làm nổi không.
Còn Thiền thì sao?
Dễ nhất trên đời. Nói theo bình dân nha! Các bạn thường nói: Dễ như ăn cơm sườn!
Tại sao là dễ?
Có phải mình biết rõ là: Phật và chư Tổ nói: “Tất cả loài hữu tình đều có Phật tánh” phải không?
Vậy là mình có Phật tánh. Phật tánh là bản thể giác ngộ. Tự mình có khả năng giác ngộ.
Mình cũng biết Mã Tổ nói: “Tức tâm tức Phật”. Vậy cái bản thể giác ngộ này là nơi tâm của mình. Tâm chứ không phải thân. Tâm của mình, không phải nơi tâm người khác, klhông phải nơi tâm của Đức Phật, không cần tìm trong kinh điển, sách vỡ nào.
Mà giác ngộ là gì? Là Biết rõ, hiểu rõ ràng thông suốt tất cả. Nhưng không buồn phiền, không chủ quan, không dính mắc cái gì. Nên cái Biết đó sáng suốt, khách quan, đúng với sự thật.
Nếu khai triển nhiều thêm, thì cũng y hệt các bài đã giảng trước, ở đây mình không nhắc lại.
Một chi tiết quan trọng, mình cần nhớ là: Cái tâm đó là bẩm sinh. Hay cái Biết đó là bẩm sinh. Chính đây là chỗ đơn giản nhất của Thiền.
Bẩm sinh là gì? Là có sẵn, là ai cũng có bình đẳng, giống nhau. Từ khi sinh ra đời cho tới khi từ giả đời, nó luôn luôn có mặt. Không nói chi xa xôi, nó luôn luôn đi theo mình trong dòng luân hồi.
Cái Biết đó là bẩm sinh, nên mình không cần phải đi học mất thời gian, công sức, thức khuya dậy sớm, như muốn lấy bằng cấp gì của đời.
Cái Biết là bẩm sinh, nên không bao giờ mất, không ai có thể lấy trộm hay cướp đi, mặc dù nó chính là kho báu.
Vậy mình chỉ cần thấy nó, biết nó, đem nó ra xài hằng ngày. Chỉ vậy thôi. Có khó gì đâu, các bạn ơi!
Nhưng nó ở đâu vậy?
A, chỗ này có thể lầm lẫn đây. Kinh sách cứ nói đâu đâu: nào là viên ngọc trên búi tóc, nào là viên ngọc châu trong chéo áo, nào là viên ngọc trong tảng đá lại còn bị chôn trong thửa ruộng hoang nữa chứ. Làm cho người ta tưởng thiệt, cứ chạy lăng xăng tìm đào kho tàng trong ruộng đất của người khác, tìm cho ra tiếng sư tử hống, tiếng rồng gầm trong kinh sách. Làm gì có!
Cái Biết, hay cái Tâm, không có màu sắc, hình ảnh, không có âm thanh, không có mùi vị, làm sao mà thấy nó đây?
Giống như mình đang đứng trước một ngôi nhà, không thấy cái gì bên trong. Muốn biết bên trong nhà, mình làm sao? Mình tới các cửa sổ, nhìn vào trong. Cũng vậy, chúng ta có sáu cửa tiếp xúc với thế gian bên ngoài, qua sáu cửa này, mình bắt gặp nó ngay.
Đó là cái lóe sáng Biết đầu tiên khi giác quan tiếp xúc với đối tượng. Vậy mình tu tập như thế nào?
Trong đời sống hằng ngày, ta luôn tỉnh thức, nhận biết cái sát na đầu tiên khi vừa chạm tới đối tượng. Thường dùng mắt, dễ tập nhất. Dễ vì đối tượng của mắt là cụ thể. Dễ vì mắt thường mở ra ngắm nhìn. Còn các đối tượng khác trừu tượng hơn, như: thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Mắt vừa chạm tới đối tượng, ta nhận biết ngay tức khắc, mà chưa kịp nói tên hay diễn tả gì về đối tượng. Cái nhận biết này chính là cái Biết khách quan, trong sáng, đúng với sự thật của đối tượng.
Những cách tập ban đầu để nhận ra cái lóe sáng đầu tiên đã có hướng dẫn trong các khóa Thiền Căn Bản, thí dụ:
- nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, ngay lúc mới mở mắt ra, mình thấy tức khắc, và Biết tức khắc. Mà chưa kịp nói gì. Tâm hoàn toàn yên lặng, trống rỗng.
- Nhìn lướt: tầm mắt lướt qua lại, thấy biết tổng quát, cũng chưa nói gì trong tâm.
- Nhìn lưng chừng giữa mình và đối tượng: thấy khoảng không, tâm cũng trống rỗng.
- Nhìn xa: thấy bao quát, yên lặng, trống rỗng.
Tất cả những cách tập này đều giúp mình bước đầu nhận ra cái trạng thái tâm yên lặng trống không, Biết rõ mà không nói thầm. Chính cái sát na đó, gọi là Tánh Biết qua thấy, hay Tánh Thấy.
Thực tập hoài, cái Biết trở thành quen thuộc, kéo dài thời gian, vững chắc hơn. Bất cứ lúc nào, ta cũng có thể “lách vào” nó. Không cần chủ đề nào nữa, không cần phải tập pháp Thở, không cần phải tập “không nói”. Vì hai pháp này cũng chỉ có mục tiêu là đi vào chỗ Biết không lời y hệt vậy thôi, mà có khi còn phức tạp hơn.
Chỗ phức tạp là:
Cái bản thể tâm trong sạch thì không có lời nói thầm, không chứa đựng cái gì trong đó, ngay cả không có chủ đề, không gá ý nơi hơi thở ra vào, cũng không có khởi ý “không nói”. Cho nên làm pháp Thở hay Không nói, tới một lúc cũng phải bỏ hết chủ đề, không gá ý vào đâu hết mới thực sự là Biết không lời.
Vì thế cái Biết không lời mới được gọi là Niệm Chân Như, theo ngài Mã Minh. Chủ đề Chân Như mình sẽ học trong lớp Bát Nhã sau này. Bây giờ chỉ tạm hiểu, Niệm Chân Như là Biết Như Vậy. Chấm hết.
Kết luận đây: bước đầu tiên của Thiền là nhận ra và thực tập cái Biết tĩnh lặng, khách quan, không lời, và cũng là bước cuối cùng thể nhập chân như, khi cái Biết trở thành vững chắc và sâu sắc.
Con đường Thiền này không bắt mình phải tọa thiền hằng giờ, hay phải thuộc lòng, đọc tụng kinh sách, không phải lễ bái, cầu nguyện, các bạn có đồng ý là: “không gì đơn giản bằng Thiền” chưa?
Thiền viện ngày 2- 7- 2021
TN
KHÔNG GÌ ĐƠN GIẢN BẰNG
(CLICK vào icon tam giác để nghe - CLICK vào icon 3 dấu chấm để download)
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Không một lời nói năng suy tính.
Qua con mắt bắt gặp tâm hồn.
Qua lỗ tai bắt gặp chủ nhân.
Biết qua cửa sổ của giác quan.
Chỉ biết đơn giản không lời thôi.
Nhận thức trong sạch đến như thế.
Không - làm cái biết Không đơn giản.