Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 10
Trong phạm vi bài này, chúng ta không nói tới cái gì cao xa, bí hiểm, chúng ta chỉ bàn tới những việc thực tế bình thường, trong cuộc sống hằng ngày của mình. Khi còn thơ ấu, chỉ biết ăn, ngủ và chơi đùa không kể làm gì. Khi vào trung học, biết chăm chỉ học tập, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, tương lai như mở rộng thênh thang trước mắt, mộng mơ lớn lên mình sẽ làm giàu, buôn bán kinh doanh, hay làm kỹ sư, bác sĩ. Nếu là con gái, chắc sẽ mơ gặp một chàng “hoàng tử” khôi ngô tuấn tú, yêu thương mình trọn đời, hay mơ ước đơn giản, làm cô giáo dạy học trò, được học trò quý mến như mình quý mến thầy cô vậy. Tới khi vào đại học, bao nhiêu hoa mộng đều tập trung học và học, cố gắng đạt cho được cái chứng chỉ tốt nghiệp để có thể bước chân vào đời vững vàng, nuôi nấng cha mẹ báo hiếu, rồi xây dựng gia đình riêng cho mình. Con đường đi cứ từng bước thực hiện, có khi đúng ý mong ước của mình, mà nhiều khi lại không trọn vẹn như ý.
Bây giờ, một đời đã đi qua, mải mê chạy theo nhịp quay cuồng, kiếm sống tất bật mỗi ngày, mỗi tuần, hết tháng, hết năm. Không còn rạo rực chờ đón giao thừa, mặc áo đẹp đi lễ chùa nữa, không còn nô nức mong tới hè, bãi trường, được đi tắm biển, với trời xanh, nắng hồng. Buổi sáng soi gương thấy tóc bắt đầu bạc màu. Nghĩ lại, một đời vội vã, bây giờ còn lại gì trong tay?
Không có gì- không còn gì hết. Hiện tại không có gì trong tay, quá khứ cũng qua mất rồi, những người thân yêu không còn, thì có cười có khóc cũng là vô nghĩa, tương lai là của tương lai, cũng như ngày mai, có bao giờ tới.
Ngẫm nghĩ hoài không biết một đời sắp đi qua, thiệt ra mình có sống hay không? Hay là mình chưa sống bao giờ? Tuổi trẻ, mình cứ mơ tưởng tới cảnh đời trong tương lai hoài. Mới tựu trường học là lo tới ngày thi mãn khóa, thi xong là mong tới mấy tháng hè. Đi làm thì mong tới ngày nghỉ cuối tuần. Rồi mong tới ngày lãnh lương. Mong tới ngày nghỉ phép. Có gia đình rồi, thì mong con mau lớn, mong nó học giỏi, mong nó mau tốt nghiệp.
Tâm cứ phóng tới tương lai, mơ ước, hi vọng, nghĩ lại quá khứ thì ngậm ngùi thương tiếc. Trong hiện tại lúc nào cũng quần quật với công việc ở sở làm, chăm sóc bữa cơm giấc ngủ cho gia đình, cha mẹ anh em, con cái. Đời sống của mình cứ như vậy mà trôi đi. Hết năm này, tới năm khác. Chắc bao nhiêu đời rồi, cũng chỉ là vậy. Cho nên bây giờ vẫn còn ở đây, để học cho xong bài học “tỉnh thức”.
Bây giờ mới biết cả một đời rồi, cũng đi đứng, nói cười mà y hệt một người mộng du. Nhưng suy gẫm kỹ, thì không phải một đời mộng du, mà vô số đời rồi, mình chỉ là người mộng du. Sống trong mộng, suy nghĩ, nói năng, hành xử, mà không biết rõ ràng mình đang trong mộng cho nên khi khóc khi cười. Tỉnh giấc rồi mới biết vừa qua một giấc mộng, thấy trong tay còn có gì đâu.
Bài học “tỉnh thức” nhắc mình không phạm những lỗi cũ: không nhớ hoài quá khứ, không mơ tưởng tương lai, không lơ là hời hợt trong hiện tại. Phải tỉnh thức khi đang sống. Mắt nhìn cái gì phải biết cái đó. Cái biết đi theo sát cái thấy. Cái thấy là chức năng của con mắt, cái biết là chức năng của tâm.
Tâm là gốc, biết tức khắc, rõ ràng, trung thực, khách quan, tĩnh lặng. Tâm biết thế giới bên ngoài qua sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Cái biết này thường gọi là niệm (sati), hay chánh niệm. Từ chánh niệm thường được dùng để phân biệt với tà niệm. Tà niệm là cái biết lăng xăng khi phóng về quá khứ, khi phóng tới tương lai, khi hời hợt, suy nghĩ, xét đoán, so sánh, lý luận trong hiện tại.
Phương thức tu tập quan trọng là: chánh niệm và tỉnh giác. Lúc nào cũng có cái biết rõ ràng, khách quan, tức khắc, tĩnh lặng khi sống và tiếp xúc với cuộc đời. Đối tượng như thế nào, ta nhận biết y như vậy. Trong thầm lặng, không diễn nói gì thêm. Tâm ta dừng ngay tức khắc. Có nghĩa là lậu hoặc cũng không thể khởi lên trong lúc đó.
Đây là điều kiện của chánh niệm và tỉnh giác:
- phải có giác quan,
- có đối tượng của giác quan,
- và quan trọng nhất là có cái biết rõ ràng.
Ba điều kiện này gặp nhau, chỗ gặp nhau gọi là Biết Như Thực. Chúng ta có thể giải thích rộng ra, là Biết cái Đang Là, hay Biết cái Bây giờ và Ở đây.
Mình phân tích thêm để hiểu rõ hơn nữa về Như Thực.
Cái Đang Là: cái đang hiện hữu trước giác quan của mình. Như thế nào là “đang”?
Ví dụ, mở mắt nhìn thấy cái ly nước ngay. Có nghĩa là ly nước đã có ở đó trước khi mình nhìn nó, trong khi mình nhìn nó, ly nước vẫn còn ở đó. Vậy trong quá trình của “cái đang là” gồm 3 thời: quá khứ nó đã có ở đó trước khi mình nhìn nó, hiện tại: từ khi mình thấy nó, nó vẫn đang ở đó, và nó chưa mất đi (hiện tại kéo dài tới tương lai). Trong tương lai, nó mới mất đi hay nó vẫn còn ở đó. Tóm lại như sau:
- Cái đã là (đã có trong quá khứ)
- Cái đang là
- Cái sẽ là (còn có, chưa chấm dứt)
Quan trọng nhất là Cái Đang Là mới trực tiếp với giác quan.
Tại sao đó là cái “bây giờ và ở đây”?
Bây giờ là xác định thời gian.
Ở đây là xác định không gian.
Nếu đang ngồi trong thiền đường mà nghĩ tới chuyện ở nhà, đó là vọng tưởng, vì không phải giác quan trực tiếp với đối tượng, không phải “ở đây”.
Nếu đang ngồi trong thiền đường mà nhớ chuyện xảy ra tuần trước hay lo tính tới việc phải làm ngày mai, thì đều là vọng tưởng, không phải “bây giờ”.
Do đó, muốn tâm yên lặng, nó phải dừng lại, không phóng tâm tới tương lai hay quá khứ, cũng không phóng đi dính mắc trong hiện tại bên ngoài, hay một nơi nào khác.
Vậy Biết Như Thực kết quả ngay là: tâm đứng yên, cắt đứt dính mắc với tâm ba thời, cắt đứt lậu hoặc không khởi lên, không còn chụp mũ dán nhãn vào đối tượng nữa. Cái thấy biết trở nên trong sạch, tĩnh lặng và khách quan. Vì thế, Pháp Như Thực được xem là Định và Huệ đồng thời.
Định: tâm dừng lại.
Huệ hay Tuệ: tâm chuyển hóa thăng hoa, có cái thấy khách quan.
Kinh Kim Cang nói rằng tâm dính mắc vào ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai là vọng tâm. Hơn nữa, quá khứ là việc đã xảy ra, đã chấm dứt. Tương lai là việc chưa xảy ra. Một sát na trước là quá khứ. Một sát na sau là tương lai. Cho nên quá khứ và tương lai gặp nhau ở một điểm thôi. Điểm đó, trong Thiền gọi là “bây giờ và ở đây” hay “ đang là”. Không có thời hiện tại. Từ ngữ “thời hiện tại” là tiếng nói của người đời, nói phổ thông, tổng quát, không diễn tả được giây phút giác quan trực tiếp với đối tượng trong việc thực hành Thiền.
Quá khứ gồm những việc đã xảy ra, đã chấm dứt. Chúng ta không làm gì được nữa, dù có thương, có tiếc, có vui hay ân hận. Quá khứ chỉ có trong tâm của mình mà thôi, nó đâu khác gì là những hình bóng, lúc ẩn lúc hiện, cũng như hình ảnh trong chiêm bao. Trong thực tế, tất cả đều đã chấm dứt. Khi mình nhớ tới quá khứ, có vui có buồn, tâm xúc cảm sẽ theo đó trào ra, sẽ tác động tới sức khỏe của mình. Có nghĩa là khi nhớ tới quá khứ là mình trở lại trong giấc mộng để vui để buồn.
Tương lai thì chưa xảy ra, nhưng chúng ta thường vẫn tưởng tượng ra một cảnh đời tươi đẹp nếu mình còn trẻ, hăng say. Tuổi già nghĩ tới tương lai thì lo lắng, buồn nhiều hơn vui. Những cảnh đời tương lai cũng là tưởng tượng, là ảo ảnh, mà cảm xúc vui buồn lại khởi lên và tác động không tốt tới sức khỏe và tâm trí của mình.
Trong hiện tại cũng vậy, với giác quan tiếp xúc cuộc đời, mình tưởng là thiệt có, rồi thương rồi ghét, rồi giận rồi buồn. Chúng ta cần có trí tuệ hiểu tới bản thể cuộc đời là trống rỗng, như mộng huyễn mà thôi, thì sẽ không dính mắc trong hiện tại.
Vậy làm sao chúng ta thoát ra khỏi cái vòng vây bủa của quá khứ, hiện tại và tương lai? Nếu không được phóng vào quá khứ để trốn cảnh đời đau khổ của hiện tại, thì mình phóng tới tương lai, vẽ ra những hi vọng, mong cầu tốt đẹp cho quên đi hiện tại, mà cũng không được. Vậy chỉ còn phương thức cuối là trực diện với cuộc đời trong hiện tại. Nhưng nếu chúng ta dính mắc trong hiện tại thì cũng chỉ chuốc lấy khổ đau phiền não mà thôi.
Đức Phật đã chỉ bày cho mình một lối thoát thân duy nhất: “Không tác ý.”
Khi sống trong đời, luôn luôn phải tiếp xúc với đời, qua sáu căn. Mình chỉ giữ cái Biết thầm lặng, không khởi ý thích hay không thích, không khen không chê, không suy diễn, thì không dính mắc với đối tượng, thì cái Biết trở nên trong sạch, khách quan, Tâm tự do, giải thoát ngay tức khắc. Khi đó, đối tượng như thế nào, nhận biết y hệt như vậy thì cũng là Biết Như Thực.
Vậy “không tác ý”, tạm xếp là Định.
“Biết như thực” tạm xếp là Tuệ hay Huệ.
Cả hai đều đưa chúng ta ra khỏi “ngôi nhà lửa”, ra khỏi vòng trói buộc của ba thời: quá khứ, hiện tại và tương lai, ra khỏi bốn ngọn núi lớn đang từ từ ép chúng ta lại: sanh- già- bệnh- chết.
Cả hai phương thức liên hệ nhau mật thiết. Khi giác quan tiếp xúc đối tượng, mình không tác ý gì hết, thì Biết cái đang là của đối tượng, tĩnh lặng, khách quan. Cũng vậy, khi giác quan tiếp xúc đối tượng, mình Biết cái đang là của đối tượng thì mình cũng phải không tác ý gì, mới thấy cái đang là, tĩnh lặng và khách quan.
Nói gút lại, không vướng vào quá khứ và tương lai, chỉ có một sát na thời gian ở giữa là của mình; là chúng ta có toàn quyền làm chủ cuộc đời mình. Nghĩa là chúng ta chỉ sống thực sự trong cái sát na “đang là” mà thôi. Chúng ta đang thấy biết, đang nghe biết, đang xúc chạm biết. Cái Biết rõ ràng, trong sạch, thầm lặng, khách quan. Cũng gọi là chánh niệm tỉnh giác. Nếu cái sát na thứ hai , chúng ta cũng giữ chánh niệm tỉnh giác, rồi sát na thứ ba, thứ tư, thứ năm...Con đường chuyển hoá tâm, chỉ đơn giản như thế. Không có gì khó khăn, bí hiểm, không mơ hồ, không cần nỗ lực quá đáng, không cần bôn ba tìm kiếm bên ngoài mình. Con đường chuyển nghiệp cũng chỉ như thế, ba nghiệp trong sạch tức khắc. Nghiệp quá khứ làm sao có cơ hội khởi lên. Cũng không tạo nghiệp cho tương lai.
Cuối cùng, con đường tu chỉ ở trong một sát na. Một sát na tỉnh thức. Một sát na biết sống. Là sát na đang là. Lúc nào cũng an trụ trong sát na đang là. Là an trụ niết bàn.
Thiền viện, ngày 20- 6- 2021
TN
An trú trong sát na.
Sống trong một sát na.
Sát na kế làm gì ?
Lại cũng là như thế.
Sống,tỉnh thức, an trú trong sát na đó.
Suy nghĩ làm gì, làm đi... chỉ một sát na.