Triệt Như - Suối Nguồn Hạnh Phúc - BÀI 8
HÃY SỐNG TỰ NHIÊN
Trong Thiền sử có giai thoại này:
Tâm bình thường là Đạo
Lời khai thị của Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện cho Thiền sư Triệu Châu Tòng Thẩm.
Triệu Châu hỏi:
- Thế nào là đạo?
Nam Tuyền đáp:
- Tâm bình thường là đạo.
Triệu Châu lại hỏi:
- Nhắm hướng đến đó được không?
Nam Tuyền đáp:
- Hướng đến càng xa.
Triệu Châu hỏi:
- Nếu không nghĩ đến thì sao biết được đó là đạo?
Nam Tuyền đáp:
- Đạo không thuộc về biết hay không biết. Biết là biết sai, không biết là vô ký. Nếu thật sự đạt đạo thì bấy giờ cũng như thái hư, trống rỗng thênh thang, còn gượng chấp phải trái sao?
Ngay câu này, Triệu Châu đốn ngộ.
“Tâm bình thường” là sao? Ý nghĩa từ “bình thường” cần được hiểu theo Thiền. Bình là an tĩnh, thường là thường hằng, không biến đổi.
“Đạo” có ý nghĩa là con đường, con đường tu. Cũng có ý nghĩa là cái chân lý rốt ráo, trống rỗng, trong sáng, bao trùm cả thế gian, là chân như, cũng là tánh không.
Trọn câu “Tâm bình thường thị Đạo” có nghĩa: chính tâm bản thể là trong sáng, thênh thang, trống rỗng, là thể tánh giác ngộ, là chân như tánh, là không tánh.
Ngài Mã Tổ cũng đã từng khai thị ngài Đại Mai Pháp Thường: “Tức tâm tức Phật”. Ngài Pháp Thường ngộ, về núi Đại Mai ẩn tu, đạt đạo.
“Tức tâm tức Phật” có nghĩa chính bản thể tâm là giác ngộ. Không cần đi đâu tìm kiếm nữa, hướng ra ngoài là lạc đường.
Thiền tông lại có câu:
“Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh,
Thú hướng chân như tổng thị tà”.
Hai câu thi kệ này có nghĩa là: người tu mà muốn cắt đứt phiền não lại càng tăng thêm bệnh (vì không hiểu phiền não bản thể nó trống không, do duyên hợp, như mộng ảo mà thôi), tâm cứ phóng ra muốn đạt tới chân như, tất cả là sai lầm (vì bản thể tâm là như như bất động, lại hướng tới tìm kiếm chân như bên ngoài tâm là sai).
Chúng ta nhớ lại, trong bài kinh Angulimāla, Đức Phật có trả lời khi ông Angulimāla nói:
- Hãy đứng lại, Sa-môn! Hãy đứng lại, Sa-môn!
- Ta đã đứng rồi, này Angulimāla! Và ngươi hãy đứng lại!
Ông Angulimāla khi gọi Thế Tôn đứng lại là nói tới “thân” hãy dừng lại, đừng bước tới nữa. Khi Đức Phật trả lời, lại là “tâm” ta đã dừng rồi, không có ý muốn sát hại người khác, nên ta đã bỏ trượng kiếm. Còn ngươi, tâm chưa dừng, không tự kiềm chế.
Phật giáo Phát triển cũng đã từng chủ trương: “Tâm tánh bản tịnh, khách trần nhiễm ô”.
Tất cả những dẫn chứng trên, muốn nói lên điều gì?
Ý nghĩa tổng quát là Phật và chư Tổ Thiền nhắc chúng ta chính ngay Tâm của mình, là bản thể tự thanh tịnh, là đầy đủ khả năng giác ngộ, hãy quay về Tâm mà thấy nó và phát huy những tiềm năng trí tuệ, những phẩm hạnh cao quí của con người. Cái phẩm hạnh và trí tuệ của mình không có ở bên ngoài, không có nơi người khác.
Có thể chúng ta cũng đã nhiều lần nghe sự thật này rồi. Nhưng sao mình vẫn bôn ba đi tìm bên ngoài? Chắc là mình bị “kẹt” ở đây. Mình biết là Phật tại trong Tâm mình. Nhưng sao mình vẫn buồn phiền con cháu, vẫn ưu tư tới tương lai, vẫn thương tiếc quá khứ, có khi bị căng thẳng vì tình trạng xã hội hỗn loạn, có khi bị nhức đầu với công việc kiếm sống cho gia đình...Tâm mình khó mà thanh thản, an vui. Vậy Phật ở đâu? Trí tuệ bát nhã ở đâu? sao chưa giải quyết những rối ren trong cuộc sống của mình. Có phải cái Tâm trong sạch đó còn ẩn trốn sâu bên dưới, như mạch nước ngầm, còn bên trên vẫn là những con sóng thần, quật lên quật xuống, làm mình chao đảo, đuối sức?
Các bạn ơi, từ cả ngàn năm rồi, con người vẫn bị “kẹt” ở chỗ này. Không phải chỉ riêng mình. Nghe nói là Phật tánh đều có sẵn nơi mỗi người. Mà sao người giác ngộ không thấy nhiều, chỉ thấy phàm phu và biển khổ.
Tại sao? Vì chỗ “kẹt” đó, khó diễn tả lắm. Nó không có tên, không có hình dáng màu sắc, không có gì hết, làm sao mà nói đây. Thành ra ai thấy là thấy, ai không thấy là không thấy. Nhưng Phật và chư Tổ Thiền đã cố gắng nói ra, bao nhiêu kinh sách, phô bày đủ kiểu, nói xa nói gần, tục đế chân đế, lại có vị không thèm nói, vì nói hoài cũng vậy thôi. Ta nhập niết bàn. Nhưng có vị thương đời, ta sẽ tái sanh hoài, quyết vào địa ngục cứu người vô minh.
Càng ngẫm càng thương cảm đời, càng ngẫm càng tri ân Phật và các bậc tiền bối. Các bậc tiền bối, người lo giảng dạy đạo đức, trí tuệ, người xả thân mà giữ từng tấc đất cho dân tộc, người đổ mồ hôi cày bừa gặt hái. Tất cả, tất cả đều vì hạnh phúc cho mình và cho mọi người. Chúng ta phải làm gì hôm nay, để có thể ngẩng mặt nhìn trời cao mà không hổ thẹn.
Bổn phận cao quí nhất của mình, để trả ơn cuộc đời, không phải xây dựng những công trình vĩ đại, không phải viết ra hàng trăm quyển sách, không phải tranh đấu đòi độc lập tự do, không phải làm tổng thống, đó là nhữnh thành công của thế gian, mà thế gian “chỉ là đống tro tàn”.
Bổn phận cao quý của một con người, chỉ là mình làm sao tu tập để bớt đi một người vô minh cho đời. Đó là sự đóng góp to lớn nhất để làm vơi đi cái biển khổ muôn đời.
Có một bài kinh nói: “Không gì bất lợi bằng cái Tâm chưa biết tu tập”. Biển khổ của đời là do tâm chưa biết tu tập. Vậy mình tu tập đúng, chuyển hóa tâm mình thành người có trí tuệ, sống đúng, hữu ích cho đời biết bao.
Tới đây là cái gút của bài: “How to do?”
Câu trả lời : “Hãy sống tự nhiên”.
Tự nhiên ở đây không phải trong cái hiểu thông thường, là sống phóng túng, muốn làm gì thì làm.
Tự nhiên có thể hiểu là sống phù hợp với thiên nhiên, hòa nhập theo những qui luật biến dịch, vô thường, duyên sinh, nhân quả. Không cưỡng chống lại. Nên không đau khổ vì già bệnh chết, không mong cầu, không tham đắm, không quá thương cái gì, cũng không ghét ai, nên không dính mắc vào đâu, nên không lo âu, không sợ hãi.
Trong Thiền sử, có trình bày lối sống của người sáng đạo:
“Đói thì ăn, mệt thì ngủ” (cô Linh Chiếu, con ông Bàng Long Uẩn)
Sau đây là lối sống hàng ngày của ông Bàng Long Uẩn, thiền sư Trung Hoa thế kỷ VIII
Hàng ngày không việc khác
Chỉ tôi tự biết hay
Vật vật chẳng bỏ, lấy
Chỗ chỗ nào trái bày
Đỏ tía gì làm hiệu
Núi gò bặt trần ai
Thần thông cùng diệu dụng
Gánh nước, bổ củi tài.
Ông Bàng Long Uẩn chỉ làm những việc bình thường: gánh nước, bửa củi, sao gọi là thần thông của Thiền? Tâm hoàn toàn trong sáng, biết rõ việc mình đang làm. Không so đo phân biệt, không vướng mắc hình ảnh, màu sắc. Là sống với vô phân biệt trí, tâm bình đẳng. Đó là sống theo tự nhiên. Không giả dối, không mong muốn gì, không ghét không thương. Sống bằng bản tâm thanh tịnh của mình. Sống tự tại, ra đi cũng tự tại. Sống làm chủ tâm mình, ra đi cũng làm chủ tâm mình, là nhập niết bàn.
Kết luận, việc tu tập chỉ là rèn luyện tâm mình cho nó trở lại bản chất thật của nó: trong sạch. Trong sạch rồi, tâm sẽ chiếu sáng. Thiền sư Bá Trượng đã nói:
“Tâm địa nhược không, huệ nhật tự chiếu”, nghĩa là: đất tâm nếu trống không, mặt trời trí tuệ sẽ tự chiếu sáng.
Thiền viện, ngày 12- 6- 2021
- Tag :
- Ni Sư Triệt Như
Con xin chan thanh Cam on Nisu that nhieu, da cho chung con mot Bai phap qua
sau sac va that nhieu y nghia. Ni Su da khai thi cho chung con "Hay song tu nhien".
Ni su da dan dat chung con vuot thoat khoi "cai ket" ma nhieu thien sinh gap phai.
Thanh kinh tri on chu Phat, chu Bo tat cung tat ca Thay, To va tat ca Thien tri thuc.
Nhưng tôi không muốn bình thường.
Tôi ước ao được hơn chỗ bình thường.
Tôi nhốt tôi trong chiếc lồng ao ước.